04/05/2025
Đường có phải là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường không?
Ngay từ cái tên bệnh tiểu đường hoặc đái tháo đường đã làm người ta nghĩ rằng bệnh tiểu đường là do ăn nhiều đường. Nhưng thực tế, đường bổ sung chỉ là một trong những yếu tố nguy cơ, còn rất nhiều yếu tố khác có thể gây ra bệnh tiểu đường.
Khi nói về đường là chúng ta đang nhắc đến đường ăn được làm từ mía hoặc củ cải đường, nhưng có nhiều hơn một loại đường.
a. Đường ăn
Đường ăn (sucrose) được sử dụng rộng rãi để nấu ăn, pha vào nước uống hoặc thêm vào thực phẩm chế biến.
Sucrose là đường đơn giản, với cấu trúc chỉ một phân tử glucose và một phân tử fructose. Do đó nó dễ dàng được phân tách bởi enzym tại ruột non trước khi đi vào máu.
Khi đường có trong máu, tuyến tụy sẽ tiết ra insulin để đưa glucose vào tế bào để chuyển hóa thành năng lượng. Trong khi đó, phần lớn fructose được đưa đến gan, nơi nó được chuyển hóa thành glucose hoặc chất béo.
Khi fructose quá nhiều sẽ có tác động tiêu cực lên gan làm gan nhiễm mỡ, có thể gây ra tình trạng viêm và kháng insulin. Những điều này sẽ dẫn đến tuyến tụy sản xuất insulin bất thường, gây ra bệnh tiểu đường type 2.
Nếu bạn ăn lượng đường quá mức cơ thể cần thì lượng fructose dư thừa sẽ chuyển hóa thành chất béo và lưu trữ dưới dạng mỡ cơ thể, gây thừa cân béo phì. Hơn nữa, tiêu thụ nhiều đường có thể tác động đến hormone leptin tạo cảm giác no, từ đó bạn có thể cảm thấy nhanh đói và ăn nhiều hơn. Thừa cân béo phì là một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường.
Mỡ cơ thể khi tích trữ ở dạng mỡ nội tạng rất có hại cho sức khỏe, có thể gây ra gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch và bệnh tim.
b. Đường tự nhiên
Đường tự nhiên có trong trái cây, rau củ không gây ra tiểu đường
Đường tự nhiên là đường không qua sản xuất hay chế biến, nó có sẵn trong trái cây và rau củ quả. Đường tự nhiên có cấu trúc hóa học phức tạp hơn, bao gồm cả chất xơ, nước, chất chống oxy hóa và các thành phần dinh dưỡng khác. Do đó, các enzym ở ruột non mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa và hấp thụ chúng.
Đường tự nhiên không gây đột biến đường huyết và bản thân trái cây, rau củ cũng chứa ít đường hơn rất nhiều so với các loại thực phẩm chứa đường đã qua chế biến. Ngược lại, ăn nhiều trái cây mỗi ngày còn có thể làm giảm nguy cơ tiểu đường.
c. Nước ép trái cây
Nước ép trái cây vốn không tốt bằng trái cây tươi, bởi trong quá trình ép nước nó đã bị loại bỏ chất xơ và một số thành phần dinh dưỡng khác, trong khi vẫn giữ nguyên lượng đường.
Và đa số mọi người khi uống nước ép trái cây đều thêm đường hoặc sữa. Điều này có thể làm tăng lượng đường trong máu dẫn đến bệnh tiểu đường type 2.
d. Chất ngọt tự nhiên
Mật ong, nước ép trái cây cô đặc, siro bắp… là những chất ngọt tự nhiên thường được sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm. Mặc dù các chất ngọt tự nhiên này không gây hại như fructose, nhưng chúng cũng được xem là đường tinh khiết và không chứa nhiều dinh dưỡng. Chính vì vậy, bạn không nên lạm dụng loại chất ngọt này.
e. Chất tạo ngọt tổng hợp
Chất tạo ngọt tổng hợp được sản xuất từ các chất hữu cơ và vô cơ trong nhà máy. Chúng thường được sử dụng ở những người bị tiểu đường và béo phì như một cách thay thế cho đường sucrose. Chất tạo ngọt tổng hợp được tạo ra hoàn toàn nhân tạo nên không phân hủy trong quá trình tiêu hóa, cũng không thể chuyển hóa thành năng lượng.
Chất tạo ngọt tổng hợp không làm tăng lượng đường trong máu, nhưng chúng cũng có liên quan đến bệnh tiểu đường type 2. Chúng ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn, đặc biệt là thèm ăn ngọt. Một số nghiên cứu còn phát hiện ra chất tạo ngọt tổng hợp có thể gây tác động xấu đến một số lợi khuẩn trong đường ruột, làm ảnh hưởng đến quá trình dung nạp glucose và hấp thu chất dinh dưỡng.