Hoài Ân Thông Tin

Hoài Ân Thông Tin - Cung cấp thông tin, bày tỏ quan điểm, cách nhìn nhận khách quan, chính xác, toàn diện.
- Chia sẽ thông tin chính thống, tổng hợp tình hình thời sự nội bật.

12/06/2025

Kết quả biểu quyết. (Ảnh: DUY LINH)

06/06/2025

💥 Đừng để bị lôi kéo làm điều sai trái ở nước ngoài

📍 Báo CAND mới đây đã cảnh báo về thủ đoạn dụ dỗ, kích động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia biểu tình chống phá đất nước. Thực tế cho thấy, một số thanh niên, học sinh, lưu học sinh, người lao động bất hợp pháp đã bị đối tượng phản động lưu vong lôi kéo tham gia hoạt động biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam tại Anh nhằm mục đích tạo lập hồ sơ “tị nạn chính trị” để được cư trú lâu dài ở nước ngoài.

🛑 Khi đôi bên cùng lợi dụng lẫn nhau

“Tôi tham gia các cuộc tụ tập đông người, biểu tình là để chụp ảnh, làm hồ sơ xin “tị nạn chính trị” để được cư trú lâu dài tại Vương quốc Anh, hoàn toàn không có động cơ, mục đích chống Đảng, Nhà nước” - trong nội dung bản cam kết, N.V.H (trú tại Hải Phòng), một người đã từng bị lôi kéo, kích động tham gia biểu tình tại Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh kể lại.

Theo lời kể của N.V.H, khoảng đầu năm 2010, qua công ty môi giới, H được bố mẹ làm thủ tục cho đi du học tại Vương quốc Anh. Cùng năm đó, H hoàn tất các thủ tục rồi theo học chuyên ngành kinh tế tại một trường đại học tại Anh; thời gian học khoảng 2,5 năm với mức học phí 11 đến 12 nghìn bảng Anh/năm. Sau khi học xong, N.V.H trốn ở lại làm nail, bị bắt giữ nhưng sau đó được chủ nhà bảo lãnh. Sau khoảng 5 năm sinh sống ở nước ngoài, H đã có 3 người con. Đầu năm 2017, do có nhu cầu định cư lâu dài tại Vương quốc Anh, H lên mạng tìm hiểu và được một đối tượng quen biết trên mạng xã hội hướng dẫn các thủ tục làm hồ sơ xin định cư lâu dài.

Để được định cư tại Anh, N.V.H đã 3 lần tham gia các cuộc biểu tình do các tổ chức “Tập hợp thanh niên dân chủ”; “Nhân quyền quốc tế” tổ chức trước Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh. Các cuộc biểu tình kêu gọi trả tự do cho số đối tượng chống đối trong nước bị bắt, xử lý như Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Lê Đình Lượng, Trần Thị Nga… và ký tên vào “kiến nghị thư” xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Sau đó, H nhờ người chụp ảnh làm bằng chứng phục vụ làm hồ sơ xin tị nạn chính trị để được cư trú lâu dài tại Vương quốc Anh. Ngoài ra, N.V.H còn sử dụng facebook cá nhân để chia sẻ các bài viết xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam của tổ chức Việt Tân, Tập hợp thanh niên dân chủ…

Vào thời điểm đó, mặc dù N.V.H đã thực hiện hoạt động theo chỉ đạo của các đối tượng phản động nhưng mục đích của anh ta vẫn không thành. Do cơ quan chức năng quản lý cư trú của nước sở tại thay đổi chính sách, siết chặt quy định đối với các trường hợp định cư theo diện “tị nạn chính trị” nên hồ sơ của N.V.H đã bị từ chối sau khi phỏng vấn trực tiếp… Lúc này, N.V.H đã nhìn rõ bản chất của Việt Tân và Nguyễn Văn Đài nên cam kết không tham gia.

“Tôi tham gia duy nhất một buổi tụ tập, biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam tại London, Vương quốc Anh. Tôi không nắm được các cuộc biểu tình này do “Việt Tân tổ chức” không có động cơ, mục đích chống Đảng, Nhà nước Việt Nam. Đến nay, sau khi được chính quyền nước sở tại cho định cư lâu dài, cấp quốc tịch, tôi đã tập trung lao động, phát triển kinh tế gia đình; không quan hệ với số đối tượng phản động, chống đối và không tham gia bất kỳ cuộc tụ tập, biểu tình nào khác”- chị L.😭 cho biết.

Nhớ lại những việc đã làm, chị L.😭 ân hận kể lại: Hơn chục năm trước, chị xuất cảnh theo tuor du lịch sang Ba Lan, Pháp bằng đường bộ. Đến tháng 12/2014, chị được một đối tượng trong đường dây môi giới nhập cảnh bất hợp pháp đưa sang Vương quốc Anh (trốn trong container) và sắp xếp lưu trú tại London. Toàn bộ chi phí đi lại, nhập cảnh bất hợp pháp vào Anh đều do chồng của T chi trả, với chi phí khoảng 20 nghìn USD. “Để có thể cư trú lâu dài và làm việc tại Vương quốc Anh, tôi đã nhờ tư vấn về cách lập hồ sơ để xin chính quyền nước sở tại cấp quy chế “tị nạn chính trị” nhằm định cư lâu dài”- L.😭 cho biết.

Và theo hướng dẫn của người này, T đã tham gia buổi tụ tập, biểu tình do Việt Tân liên kết “Phong trào con đường Việt Nam”, “Tập hợp thanh niên dân chủ” tổ chức trước trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Anh nhằm kêu gọi trả tự do cho số đối tượng chống đối chính trị trong nước bị bắt, xử lý như Nguyễn Xuân Nghĩa, Tạ Phong Tần…

Trong các buổi tụ tập, L.😭 đã cầm ảnh số đối tượng chống đối với nội dung xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam; vận động chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế can thiệp, yêu cầu Việt Nam trả tự do cho số này. Sau khi trở về nước, được các cán bộ Công an phân tích, L.😭 đã thừa nhận sai phạm của bản thân.

🛑 Vạch trần bản chất

Ngoài mục đích tị nạn chính trị, một số đối tượng tham gia các hoạt động biểu tình ở nước ngoài còn vì mục đích kinh tế. Trường hợp của H.V.P là một ví dụ. Trước đó, H.V.P xuất cảnh sang Vương quốc Anh du học trong thời gian 2,5 năm. Trong quá trình sinh sống và học tập tại Anh, H.V.P cũng được một người quen tư vấn để định cư lâu dài tại đây. Theo hướng dẫn của người này, P đã tham gia 5 cuộc biểu tình do một số đối tượng tổ chức trước Đại sứ quán Việt Nam tại Anh nhằm mục đích kêu gọi trả tự do số đối tượng chống đối chính trị trong nước bị bắt và xử lý. Sau khi kết thúc các cuộc biểu tình, P đã nhận được 30 bảng Anh.

Theo lời của P thì anh ta chỉ biết nhận tiền mà không hỏi người hướng dẫn là tiền từ đâu mà có. “Tôi biết Việt Tân là tổ chức phản động chống Đảng, Nhà nước, có trụ sở tại Mỹ nhưng không biết âm mưu, ý đồ hoạt động cũng như số thành viên tham gia tổ chức ở trong và ngoài nước”- P khai khi làm việc với cơ quan Công an.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết những người tham gia hoạt động tụ tập biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh thời gian qua đều với mục đích nhằm được định cư lâu dài ở nước sở tại hoặc để nhận được tiền bạc. Đối tượng lôi kéo họ tham gia vào các hoạt động chống phá này là Nguyễn Văn Đài và số thành viên của Hội anh em dân chủ. Đây là sự kết hợp “đôi bên cùng có lợi”. Một bên muốn định cư ở lại. Với Nguyễn Văn Đài, việc đứng ra làm chứng tại toà, mỗi trường hợp, Đài có thể bỏ túi được vài nghìn USD.

Chúng tôi nhận thấy rằng, với thông tin hiện nay, chắc chắn họ biết Việt Tân, biết Nguyễn Văn Đài là ai. Thế nhưng chỉ vì cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến hậu quả lâu dài. Chưa biết có được ở lại nước ngoài định cư như lời hứa hẹn của Nguyễn Văn Đài và các thành viên của Việt Tân nhưng mỗi trường hợp đều phải mất vài nghìn USD để nộp lệ phí. Và nỗi ê chề của những người đã làm tổn hại đến quê hương, đất nước, khi đó đâu phải chỉ mỗi họ phải gánh chịu.

Hoạt động của hội, nhóm chủ yếu do Nguyễn Văn Đài và số đối tượng phản động lưu vong khác sử dụng tài khoản ảo đăng tải, chia sẻ bài viết, hình ảnh, video clip từ trang facebook của Việt Tân, trang mạng của các đài báo nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam. Đồng thời lợi dụng tình hình chính trị thế giới, tình hình chính trị xã hội trong nước, vấn đề dân chủ, nhân quyền, các sự kiện lớn của Đảng, Nhà nước ta... để đăng tải bài viết có nội dung xuyên tạc, nói xấu, bôi lem chế độ, tuyên truyền, kích động, lôi kéo người dân chống phá Đảng, Nhà nước.

Nguyễn Văn Đài cũng thường xuyên tổ chức phát livestream, hội thoại trực tuyến tại Đức với các thành viên của tổ chức phản động, khủng bố Việt Tân, qua đó lồng ghép thông tin xuyên tạc tình hình trong nước. Theo phản ánh của một số người bị lôi kéo tham gia biểu tình tại Anh thì Đài và các thành viên của tổ chức đã thu của mỗi hồ sơ tị nạn chính trị khoảng 10 nghìn bảng Anh. Riêng đối tượng Nguyễn Văn Đài đứng ra làm chứng trực tiếp tại toà thu khoảng 3.000 bảng Anh/lần.

🇻🇳 Người Việt Nam ở bất kỳ đâu vẫn luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của dân tộc. Bởi thế, trước khi hành động điều gì ảnh hưởng đến quê hương, đất nước cần phải cảnh giác không mắc mưu kẻ xấu, không vì những lợi ích cá nhân mà làm điều phản dân, hại nước.

Mai Anh - Văn Trường

Một số người bị lôi kéo vì lợi ích cá nhân đã tụ tập biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam tại Anh.

05/06/2025

Tỉnh ủy Bình Định làm việc với 174 cán bộ dự kiến giữ vị trí chủ chốt của 58 xã, phường mới sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã

05/06/2025

‼️ HÃY TỈNH TÁO ‼️

✋🆘 Một số trường hợp người bán yêu cầu thu thêm tiền của người mua nếu thanh toán bằng hình thức chuyển khoản không những ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua mà còn là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

🛑 Cơ quan thuế rất mong muốn các hộ, cá nhân kinh doanh hãy là những nhà kinh doanh TỈNH TÁO, tìm hiểu quy định pháp luật, không nghe và làm theo những hành vi trái pháp luật.

05/06/2025

Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc chính sách phòng thủ biển, đảo trước thềm Đại hội XIV

Trước thềm Đại hội lần thứ XIV của Đảng, các thế lực thù địch, phản động gia tăng hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta. Trong đó, các thế lực thù địch tập trung xuyên tạc chủ trương, chính sách quốc phòng, an ninh (QPAN), nhất là công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo và chính sách phòng thủ biển, đảo.

Vì sao các thế lực thù địch nhắm vào chính sách phòng thủ biển, đảo?

Biển, đảo gắn với chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng, là “huyết mạch” kinh tế-QPAN của đất nước. Các vấn đề liên quan đến biển, đảo luôn thu hút sự quan tâm sâu sắc của nhân dân, gắn liền với lòng yêu nước, tự hào dân tộc và tâm lý bảo vệ chủ quyền. Vì thế, chỉ cần tung ra vài tin giả, xuyên tạc, hoặc bình luận sai lệch, các thế lực thù địch dễ dàng đánh vào cảm xúc của quần chúng, khơi gợi tâm lý hoài nghi, phẫn nộ, thậm chí kích động hành động cực đoan.

Chính sách QPAN là lĩnh vực khó tiếp cận, dễ xuyên tạc. Đây là lĩnh vực liên quan đến chiến lược, kỹ thuật, quan hệ quốc tế phức tạp, không phải ai cũng có đầy đủ thông tin để hiểu sâu. Một số người dân dễ bị dẫn dắt bởi các “chuyên gia mạng”, kênh YouTube trá hình, đưa ra phân tích sai lệch nhưng lại tỏ ra có “chuyên môn”, tạo ra hiệu ứng tin giả lan truyền.

Luận điệu xuyên tạc, âm mưu thủ đoạn thâm độc, tinh vi, xảo quyệt

Các thế lực phản động sử dụng thông tin sai lệch, tài liệu giả mạo, hoặc trích dẫn một cách có chọn lọc các sự kiện lịch sử để phủ nhận chủ quyền hợp pháp của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vu cáo Việt Nam “gây căng thẳng khu vực”: Mỗi khi Việt Nam tổ chức diễn tập phòng thủ, tăng cường lực lượng hoặc thực hiện các hoạt động bảo vệ chủ quyền trên biển, các đối tượng phản động thường vu khống ta là “khiêu khích”, “hiếu chiến”, trong khi thực tế đó là quyền chính đáng của một quốc gia có chủ quyền.

Để tấn công vào lòng dân, vào niềm tin chính trị, các thế lực phản động thường tập trung bóp méo bản chất chính sách quốc phòng tự vệ. Việt Nam theo đuổi đường lối quốc phòng hòa bình, tự vệ, không tham gia liên minh quân sự, không chạy đua vũ trang. Tuy nhiên, các thế lực thù địch xuyên tạc rằng Việt Nam “không đủ sức bảo vệ chủ quyền”, từ đó kích động tâm lý bất mãn, yêu cầu thay đổi chính sách, thậm chí cổ xúy tư tưởng bài ngoại, đối đầu cực đoan. Một số cá nhân tự xưng “yêu nước” nhưng thực chất lợi dụng lòng yêu nước để kích động chống đối, cổ xúy việc giải quyết tranh chấp bằng đối đầu quân sự, đi ngược đường lối đối ngoại hòa bình của Việt Nam.

Việt Nam duy trì hợp tác quốc phòng với nhiều nước trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi. Tuy nhiên, những thông tin xuyên tạc thường bóp méo các chuyến thăm, hợp tác quốc phòng thành “liên minh quân sự ngầm”, vu cáo Việt Nam “phụ thuộc nước ngoài”, “đánh đổi chủ quyền lấy viện trợ”. Một số trang mạng giả danh “chuyên gia quân sự” đưa ra các “kịch bản chiến tranh”, gieo rắc tâm lý lo ngại, mất phương hướng về chính sách quốc phòng. Lợi dụng các sự kiện quốc tế để vu cáo Việt Nam “đi đêm” hoặc “im lặng” trước các hành vi xâm phạm chủ quyền của nước khác, gieo rắc mâu thuẫn nội bộ và làm suy yếu lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Chính sách phòng thủ biển, đảo của Việt Nam là đúng đắn, chính nghĩa và minh bạch

Việt Nam luôn nhất quán thực hiện đường lối quốc phòng toàn dân, thế trận biển, đảo vững chắc trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Việt Nam luôn nhất quán quan điểm: Hòa bình, tự vệ, không liên minh quân sự. Từ năm 1986 đến nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn kiên định đường lối quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ, đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu nhưng không tách rời khỏi nghĩa vụ quốc tế và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Chính sách QPAN "4 không" này không chỉ thể hiện lập trường độc lập, tự chủ của Việt Nam mà còn phản ánh tư duy chiến lược tỉnh táo, phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm vừa giữ vững chủ quyền, vừa đóng góp vào hòa bình, ổn định chung.

Việt Nam khẳng định chủ quyền biển, đảo dựa trên đầy đủ bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý vững chắc và phù hợp với UNCLOS 1982. Tất cả hoạt động bảo vệ chủ quyền, tài nguyên và duy trì trật tự, an ninh trên biển của Việt Nam đều tuân thủ nghiêm các quy định quốc tế, không gây hấn, không xâm phạm chủ quyền các nước khác. Việc xây dựng các cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế biển, khai thác tài nguyên, cũng như huấn luyện, diễn tập quân sự trong phạm vi chủ quyền đều nằm trong khuôn khổ hợp pháp và minh bạch, được thông tin công khai. Điều này cho thấy Việt Nam không hề “mập mờ” hay “thiếu minh bạch” như các thế lực phản động xuyên tạc. Thực tế, Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc kiên trì giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, đàm phán song phương và đa phương, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Việt Nam hiểu rõ rằng, hòa bình chỉ bền vững khi có sức mạnh bảo vệ, do đó, việc củng cố tiềm lực quốc phòng là tất yếu, nhưng không phải để gây chiến, mà để phòng ngừa xâm lược và bảo vệ lợi ích quốc gia. LLVT nhân dân Việt Nam, đặc biệt là Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng... làm nhiệm vụ trên biển luôn duy trì tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao, làm chủ tình hình, xử lý linh hoạt, đúng mực trong mọi tình huống. Việc xây dựng các lực lượng này không nhằm chạy đua vũ trang mà để mỗi tấc đất, tấc biển của Tổ quốc đều được gìn giữ bởi chính con em nhân dân. Chủ trương kết hợp chặt chẽ quốc phòng với kinh tế, quốc phòng với đối ngoại cũng là điểm sáng trong chính sách của Việt Nam. Đây là chiến lược bền vững, giúp đất nước phát triển mạnh mẽ từ bên trong, đồng thời nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Chính sách phòng thủ biển, đảo của Việt Nam không chỉ mang tính chất nội bộ mà còn đóng vai trò tích cực trong khu vực và thế giới. Việt Nam là thành viên tích cực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, hòa bình, thịnh vượng. Việt Nam nhiều lần lên tiếng phản đối hành vi vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông, nhưng luôn theo hướng kiềm chế, thiện chí và cầu thị, vì hòa bình và thượng tôn pháp luật, được nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế ghi nhận. Việt Nam cũng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, gửi lực lượng đến nhiều điểm nóng như Nam Sudan, Trung Phi... cho thấy hình ảnh một quốc gia có trách nhiệm.

Chính sách phòng thủ biển, đảo của Việt Nam là kết tinh của trí tuệ, bản lĩnh chính trị và tinh thần trách nhiệm cao đối với dân tộc và cộng đồng quốc tế. Đó là chính sách đúng đắn, chính nghĩa và minh bạch, thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình nhưng không chấp nhận đánh đổi chủ quyền, độc lập dân tộc. Việc các thế lực thù địch xuyên tạc, bóp méo chính sách này không làm thay đổi được bản chất đúng đắn, mà ngược lại càng cho thấy sự bất lực của chúng trước một Việt Nam ngày càng ổn định, vững mạnh và có uy tín trong khu vực cũng như trên thế giới.

Cảnh giác và kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái

Giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức chính trị và khả năng “đề kháng tư tưởng” của cán bộ, đảng viên và toàn dân. Theo đó, tăng cường tuyên truyền sâu rộng, dễ hiểu và thường xuyên về các chủ trương, chính sách quốc phòng, đặc biệt là chiến lược quốc phòng “4 không” của Việt Nam. Giúp người dân hiểu rõ bản chất hòa bình, chính nghĩa, tự vệ của quốc phòng Việt Nam, từ đó tự tin, vững vàng trước các thông tin bịa đặt. Trang bị kiến thức pháp lý quốc tế về chủ quyền biển, đảo để làm cơ sở phản bác các quan điểm sai lệch về quyền chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế.

Chủ động phản bác, ngăn chặn thông tin sai trái ngay từ khi mới xuất hiện trên không gian mạng. Thiết lập và vận hành hiệu quả các lực lượng đấu tranh trên không gian mạng. Sử dụng tiếng nói của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cựu chiến binh, người từng công tác trong LLVT để phản bác bằng lý lẽ khoa học, dẫn chứng thực tế, góp phần tạo niềm tin vững chắc trong dư luận. Khuyến khích người dân tham gia “làm sạch” không gian mạng, thông qua việc báo cáo tin giả, không chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng và chủ động chia sẻ những nội dung tích cực, truyền cảm hứng về tình yêu biển, đảo và trách nhiệm công dân.

Tăng cường giáo dục lý luận chính trị-pháp luật trong toàn xã hội; đưa nội dung giáo dục chủ quyền biển, đảo, nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá vào chương trình học phổ thông, đại học và các lớp bồi dưỡng chính trị, giúp hình thành tư duy độc lập, phản biện lành mạnh. Tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị chuyên đề trong hệ thống chính trị, đoàn thể, nhất là trong lực lượng đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên, qua đó nâng cao ý thức giữ vững trận địa tư tưởng. Tăng cường các diễn đàn đối thoại, tọa đàm, giao lưu giữa LLVT và nhân dân để trực tiếp giải đáp các vấn đề nóng, nhạy cảm về biển, đảo, quốc phòng, xây dựng lòng tin vững chắc và sự gắn bó máu thịt quân dân.

Phát huy vai trò của báo chí, truyền thông và người có ảnh hưởng lớn. Các cơ quan báo chí chủ động, nhanh nhạy, chính xác, kịp thời phản ánh sự thật, định hướng dư luận một cách có trách nhiệm và nhân văn. Tăng cường sản xuất các sản phẩm truyền thông sáng tạo, gần gũi giới trẻ như video ngắn, infographic, podcast... để truyền tải thông điệp yêu nước, niềm tin chính trị, trách nhiệm công dân với biển, đảo Tổ quốc. Khuyến khích các nhà báo, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội tích cực lan tỏa thông tin chính thống, phản bác thông tin sai trái một cách có lý, có tình, góp phần tạo ra “vùng thông tin xanh” trên môi trường mạng.

Cùng với tuyên truyền, đấu tranh, cần thực thi pháp luật một cách mạnh mẽ, nghiêm minh để phòng ngừa hiệu quả. Xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi tán phát thông tin sai lệch, kích động chia rẽ, bôi nhọ LLVT, xuyên tạc chính sách quốc phòng, đặc biệt trong thời gian cao điểm chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng các cấp. Tăng cường năng lực giám sát, phát hiện và xử lý tin giả của các cơ quan chức năng, kết hợp giữa công nghệ và nhân lực để tạo “lá chắn kỹ thuật số” hiệu quả. Hoàn thiện hệ thống pháp lý về an ninh mạng, thông tin, truyền thông, đồng thời nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị-xã hội trong quản lý và đấu tranh trên không gian mạng. Tăng cường công khai, minh bạch các chính sách quốc phòng, đối ngoại, giải quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển, đảo, giúp người dân không bị mơ hồ mà tỉnh táo nhận thức đúng trước sự nhiễu loạn thông tin...

VƯƠNG ĐỨC THƯƠNG - LÊ VĂN THÀNH

05/06/2025

Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy để sớm đạt kết quả như kỳ vọng

Khi Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đặt vấn đề về thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình đã được Nhân dân đón nhận và ủng hộ rất cao. Điều đó, minh chứng cho một chủ trương đúng đắn của Đảng, hợp lòng dân. Quá trình triển khai thực hiện, còn những băn khoăn, trăn trở cần sớm được tháo gỡ để cuộc cách mạng thực sự mang lại kết quả như cử tri và Nhân dân mong đợi.

Phù hợp với vai trò, nhiệm vụ ở mức độ khác nhau

Về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Trong hệ thống chính trị, có 3 khối cơ quan thuộc 3 chủ thể, là: Đảng - Nhà nước - Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), mỗi khối cơ quan đó ở mỗi cấp (Trung ương, tỉnh, xã) cần được xác định mô hình tổ chức phù hợp với vai trò, nhiệm vụ ở mức độ khác nhau. Không nhất thiết Trung ương có cơ quan gì thì tỉnh, xã phải có cơ quan ấy.

Về các cơ quan khối Đảng, với quan điểm Đảng lãnh đạo toàn diện, thông qua việc xây dựng, ban hành chủ trương, đường lối và những định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và Đảng lãnh đạo thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên của mình được bố trí ở các cơ quan, tổ chức. Vậy thì, cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng cần phải tinh, gọn hơn nữa, nhất là ở cấp tỉnh, cấp xã vai trò giúp việc là chính.

Về khối chính quyền địa phương, để tăng cường năng lực hoạt động, nhất là chức năng giám sát của HĐND, cần tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách để bố trí vào các ban của HĐND, nhất là ở cấp tỉnh. Vì không còn cấp huyện thì chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của HĐND cấp tỉnh tăng lên rất nhiều. Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền, lại càng cần tăng cường hoạt động giám sát, trong đó có giám sát của HĐND.

Về khối cơ quan MTTQ và các đoàn thể Nhân dân. Vừa qua, có nhiều ý kiến tranh luận về sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp 2013, liên quan đến tổ chức MTTQ và các hội đoàn thể Nhân dân. Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tại Điều 9 có quy định các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam. Để đầy đủ, đúng với tinh thần Nghị quyết 60 của Trung ương Đảng, là “Đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã”. Có nghĩa là, sắp xếp cơ quan và bộ phận lãnh đạo của MTTQ (là Ủy ban MTTQ) và cơ quan các đoàn thể chính trị - xã hội, chứ không phải các tổ chức chính trị - xã hội nhập vào MTTQ. Hai khái niệm “tổ chức” và “cơ quan” của tổ chức là khác nhau.

Việc sắp xếp tinh gọn khối cơ quan này là cần thiết. Vì MTTQ và các đoàn thể nhân dân có sự tương đồng về tôn chỉ, mục đích, sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ. Khi sắp xếp tinh gọn, những chức năng trùng lặp dồn vào một đầu mối thực hiện, sẽ giảm đi nhiều biên chế, giảm số lượng cán bộ, công chức, mà chức năng, nhiệm vụ chính vẫn không bị ảnh hưởng. Mặt khác, khối cơ quan MTTQ và các đoàn thể nhân dân, nên sử dụng cán bộ hưu trí đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo các tổ chức quần chúng, vừa tiết kiệm được biên chế công chức, vừa sử dụng được lực lượng lao động có kinh nghiệm, kỹ năng, nhất là ở cấp xã.

Có nhất thiết phải mỗi xã một trung tâm hành chính công?

Vấn đề đô thị hóa và quản lý đô thị. Thời gian qua, các địa phương đang trong quá trình thúc đẩy tốc độ đô thị hóa, tập trung đầu tư hạ tầng đô thị. Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, ở cấp huyện, khi sáp nhập cấp xã, các xã sáp nhập vào thị trấn thì được gọi là xã; trong khi đó, ở thành phố, thị xã, khi sáp nhập xã vào phường thì được gọi là phường. Ở đây có sự bất cập giữa các đơn vị cùng cấp xã; đồng thời mất đi cơ hội trở thành đô thị của thị trấn ở huyện mà lâu nay đang tập trung xây dựng hạ tầng và các tiêu chí đô thị. Nhiều ý kiến đề nghị xem lại vấn đề này, các xã sáp nhập vào thị trấn thì nên được gọi là phường (là đô thị). Trên cơ sở đó, tiếp tục đầu tư để các phường này thực sự trở thành các đô thị hạt nhân/đô thị vệ tinh ở các khu vực, thúc đẩy quá trình đô thị hóa theo chủ trương chung.

Về quản lý đô thị, các đô thị là thành phố, thị xã thuộc tỉnh, đều đã và đang có hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội liên kết chặt chẽ về: giao thông, cấp nước, thoát nước, điện, chiếu sáng, công viên, cây xanh... khi bị “chia nhỏ ra” thành các phường lớn, hệ thống hạ tầng này sẽ quản lý ra sao? Đây là một vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng và có phương án khả thi.

Về quản lý cơ sở vật chất sau sắp xếp, không tổ chức cấp huyện đã dư thừa biết bao trụ sở cơ quan cấp huyện; sáp nhập tỉnh bỏ một loạt trụ sở cơ quan cấp tỉnh, sáp nhập xã cũng vậy. Trong khi đó, tỉnh mới, xã mới có quy mô lớn hơn nhiều, lại phải đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị mới đủ điều kiện để làm việc. Nếu không có cơ chế rõ ràng, phương án cụ thể và xử lý ngay, các công trình, trụ sở dôi dư sẽ nhanh chóng xuống cấp, lãng phí nguồn lực vô cùng lớn.

Ngay việc, mỗi xã, phường có một trung tâm hành chính công cũng cần tính đến. Có nhất thiết phải mỗi xã một trung tâm hay không? có thể trung tâm hành chính công của một cụm xã? Nhiều cơ quan đã thực hiện theo cụm/khu vực ( như Kho bạc, Thuế, Tòa án, Viện Kiểm sát,...), vậy sao không tổ chức trung tâm hành chính công như vậy?

Giữ chân lực lượng cán bộ, công chức có năng lực thực sự

Việc thực hiện phân cấp, phân quyền giữa chính quyền các cấp, giữa các cơ quan hành chính cùng cấp, đang được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, với quan điểm phân cấp phân quyền triệt để cho các cấp chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở, nhằm tạo sự chủ động và tránh đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, giữa các cấp chính quyền.

Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền phải được thể hiện ở nhiều văn bản pháp luật. Trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới chỉ là phân định thẩm quyền giữa hai cấp chính quyền địa phương (cấp tỉnh, cấp xã) và xác định thẩm quyền của hai nhánh chính quyền ở mỗi cấp (HĐND và UBND). Còn các nhiệm vụ cụ thể phải được phân cấp thể hiện ở các văn bản pháp luật chuyên ngành (Luật Đất đai, Luật Ngân sách, Luật đấu thầu, Luật đầu tư công,...). Nếu không cụ thể trong các văn bản luật thì rất khó phân cấp trên thực tế.

Về đội ngũ cán bộ, công chức khi sắp xếp, có thể xảy ra hai khả năng. Một là, tình trạng người “khá, giỏi” hoặc còn trẻ lại chủ động xin ra khỏi bộ máy vì họ phải di chuyển đi làm xa (do nhập tỉnh), hoặc họ “bị phân công” xuống làm công chức xã và họ ra khỏi bộ máy, tự tìm việc làm dễ dàng hơn. Hai là, hướng dẫn là giữ nguyên, cộng dồn số lượng cán bộ, công chức của các đơn vị sáp nhập và sau 5 năm mới hoàn tất việc sắp xếp theo vị trí việc làm. Điều này, dẫn đến lãng phí nguồn lực. Nếu sớm sắp xếp theo vị trí việc làm mới, quy định chỉ sau 2 năm, nguồn lao động dôi dư sẽ chủ động tìm việc làm mới; mặt khác, khi dồn các cơ quan lại sẽ quá đông biên chế và các chức danh lãnh đạo sẽ tạo nên sức ỳ của bộ máy. Nhiều ý kiến đề nghị xem xét có hướng cụ thể về vấn đề này, để nhanh chóng tinh gọn bộ máy và không bị mất đi lực lượng cán bộ, công chức có năng lực thực sự.

Những băn khoăn, trăn trở trên đây, mong được lãnh đạo các cấp, các đại biểu Quốc hội quan tâm trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật và sự chỉ đạo hướng dẫn của lãnh đạo các cấp, để cuộc cách mạng thực sự mang lại kết quả như cử tri và Nhân dân mong đợi./.

05/06/2025

Tất cả tổ chức Đảng ,Đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng

Đây là nội dung trong Quy định số 296-QĐ/TƯ ngày 30-5-2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Quy định do Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành.

Quy định mới gồm 7 chương, 35 điều; trong đó, ngoài các chương về quy định chung, tổ chức thực hiện, có các chương về công tác kiểm tra, giám sát; thi hành kỷ luật của Đảng; giải quyết tố cáo đối với tổ chức Đảng và đảng viên; giải quyết khiếu nại kỷ luật của Đảng; đình chỉ sinh hoạt Đảng...

Đáng chú ý, Quy định xác định 12 nguyên tắc thi hành kỷ luật trong Đảng. Trong đó, Trung ương nêu rõ, tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải được xử lý công minh, chính xác, kịp thời; tất cả tổ chức Đảng, đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, nếu vi phạm đến mức phải kỷ luật đều phải xử lý kỷ luật nghiêm minh.

Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết, không được xử lý nội bộ. Nếu làm thất thoát tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì phải xem xét trách nhiệm và bồi hoàn.

Việc thi hành kỷ luật phải căn cứ nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, ảnh hưởng, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ để xem xét, quyết định cho phù hợp và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó.

“Kỷ luật của Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể hoặc việc xử lý bằng pháp luật và ngược lại (trừ trường hợp có quy định khác). Tổ chức Đảng sau khi xem xét, xử lý hoặc chỉ đạo việc xem xét, xử lý về kỷ luật đảng, chậm nhất 5 ngày phải chỉ đạo hoặc đề nghị với các tổ chức có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể hoặc xử lý hình sự cho đồng bộ, kịp thời”, Quy định mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu rõ.

Cũng theo Quy định 296, khi các tổ chức Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội đình chỉ công tác hoặc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, hội viên, đoàn viên là đảng viên (kể cả quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật về hành chính của các cấp chính quyền hoặc bản án, quyết định của tòa án) thì chậm nhất 5 ngày phải chủ động thông báo cho tổ chức Đảng quản lý đảng viên đó để xem xét, xử lý kỷ luật đảng. Sau khi giải quyết khiếu nại kỷ luật về Đảng, nếu có thay đổi hình thức kỷ luật thì tổ chức Đảng có thẩm quyền chỉ đạo việc xem xét lại hình thức kỷ luật về hành chính, đoàn thể.

Đảng viên vi phạm đang trong thời gian mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, bị bệnh nặng thì chưa xem xét, xử lý kỷ luật. Trường hợp đảng viên vi phạm đã qua đời, tổ chức Đảng xem xét, không xử lý kỷ luật, trừ trường hợp có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Khi kỷ luật một tổ chức Đảng phải xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với những đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu tổ chức Đảng. Tổ chức Đảng, đảng viên bị kỷ luật oan phải được xin lỗi và phục hồi quyền lợi. Việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị.

Quy định cũng nêu cụ thể các hình thức kỷ luật tổ chức, cá nhân; các bước xem xét kỷ luật; thẩm quyền thi hành kỷ luật trong Đảng. Theo đó, Ban Bí thư, Bộ Chính trị quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý; khiển trách, cảnh cáo ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (kể cả ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao. Trường hợp cách chức, khai trừ thì báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, quyết định.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng là cấp quyết định kỷ luật cuối cùng; quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp ủy viên tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương (kể cả bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ), đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý nhưng không phải là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Quyết định các hình thức kỷ luật đối với các trường hợp khác theo quy định của Điều lệ Đảng.

Quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30-5-2025, thay thế một loạt các quy định trước đây do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị ban hành liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, giải quyết khiếu nại kỷ luật của Đảng, kê khai tài sản..../.

HNM

Address

Hoài Ân
Bình Định

Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Hoài Ân Thông Tin posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Contact The Business

Send a message to Hoài Ân Thông Tin:

Share