16/01/2024
CÙNG NÂNG CAO KHẢ NĂNG “TỰ ĐỀ KHÁNG, MIỄN DỊCH” TRƯỚC THÔNG TIN XẤU ĐỘC TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
--------------
Không gian mạng là một môi trường chiến lược đã được Nhà nước ta cụ thể hóa bằng chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Luật An ninh mạng… Sự tùy thuộc, gắn kết của các cá nhân, tổ chức, địa phương, khu vực và quốc tế trên môi trường không gian mạng ngày càng trở nên nhanh chóng, chặt chẽ và kịp thời, tùy theo mục đích, yêu cầu, tính chất, phạm vi hoạt động trong thời đại số. Bên cạnh những tiện ích to lớn, không gian mạng vẫn luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, thách thức, nguy hiểm thường trực đối với người dùng Internet.
Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có số người sử dụng Internet cao trên thế giới, hiện có khoảng 70 triệu người sử dụng Internet (chiếm khoảng 68% dân sổ), cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới (51,4%) và các nước châu Á-Thái Bình Dương (44,5%). Hiện Việt Nam có khoảng 68 triệu tài khoản mạng xã hội Facebook và 154 triệu thiết bị kết nối Internet. Theo tổ chức We are Social, mỗi người dân Việt Nam dành trung bình khoảng 06 giờ 24 phút mỗi ngày để truy cập Internet, trong đó, dành khoảng 2,5 giờ để vào mạng xã hội. Tỷ lệ người dân lên mạng Internet hàng ngày là 94%.
Quá trình tương tác trên không gian mạng, người dùng chúng ta nên lưu ý việc các thế lực thù địch và tội phạm mạng quốc tế có tổ chức, sử dụng công nghệ cao hiện nay đang ráo riết, chực chờ khai thác “lỗ hỗng bảo mật” từ không gian mạng và sự mất cảnh giác, bất cẩn của công dân số hòng tiếp cận truyền bá những luận điệu sai trái, lệch lạc, phản văn hóa, thù địch, tập hợp lực lượng, kích động thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta. Nếu trước đây chúng chủ yếu tung lên mạng các bài viết có tính xuyên tạc, phủ định nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ nghĩa Mác-Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng. Thì hiện nay, chúng đã “thích ứng với thời cuộc", tung lên mạng những vấn đề “rất đời thường”, nhất là tình trạng tham nhũng, tiêu cực để thu hút độc giả. Ví dụ, chúng cắt ghép, sử dụng công nghệ 4.0 để chế các hình ảnh, video, xuyên tạc, bôi nhọ, dựng chuyện tham nhũng không có thật, đời tư nhân sự cấp cao của Đảng liên quan dến một vài cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật. Các đối tượng thường sản xuất chương trình truyền hình, tung lên các mạng xã hội. Triệt để lợi dụng các phần tử phản động trong các tổ chức chống đối Việt Nam ở nước ngoài tham gia làm diễn giả với cái gọi là “bản tin thời sự hướng về Việt Nam”. Thực chất lại là bè lũ chuyên hùa theo, nói xấu tình hình Việt Nam, bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa bằng giọng điệu cực đoan, thù hằn, chống Cộng quyết liệt. Chúng chú trọng đánh vào tâm lý xu hướng đám đông của các hội, nhóm cộng đồng mạng trẻ ở Việt Nam bằng ngôn ngữ, giọng điệu tiếp cận “rất đời thường”, thậm chí chỉ chửi bới thô tục vẫn có thể “câu” được nhiều lượt view, lượt like, comment “khủng”...
Điều này khiến cho cuộc đấu tranh trên không gian mạng nhằm giữ vững trận địa tư tưởng chính thống tuy thầm lặng nhưng ngày càng khốc liệt hơn. Công việc đối phó, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các quan điểm sai trái trên mạng xã hội luôn là một quá trình lâu dài, và sẽ “không có nấc thang cuối cùng”. Vì vậy, chúng ta cũng cần khách quan nhìn nhận nó theo hướng đa chiều, một mặt cảnh giác, chủ động biện pháp phòng ngừa tác hại, nguy cơ, hoặc giảm thiểu tác hại của nó chứ không thể tiêu diệt nó một cách triệt để, tận gốc. Bởi trong mưu đồ, thủ đoạn phá hoại của mình, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, bất mãn chống đối về chính trị luôn triệt để tận dụng ưu thế công nghệ, kỹ thuật, sử dụng hạ tầng mạng từ bên ngoài lãnh thổ để câu kết xâm nhập chống phá, phạm tội bên trong lãnh thổ quốc gia. Việc Chúng ta đơn thuần thực hiện giải pháp kỹ thuật bóc, gỡ tin, bài, trang, hội, nhóm… này vừa xong thì chúng lại dễ dàng mọc lên những tin, bài, trang, hội, nhóm khác… Để thích ứng khi tương tác môi trường không gian mạng, chúng ta cần không ngừng tìm hiểu, học tập để đủ khả năng làm chủ và tương tác an toàn, hiệu quả với nó theo mục đích, phạm vi, nhu cầu hoạt động một cách hiệu quả, áp dụng những giải pháp căn cơ, bền vững, lâu dài theo điều kiện, khả năng. Đó chính là cách tư duy và hành động đúng đắn, phù hợp, thiết thực nhất. Tư duy đó cần phải được cán bộ, Đảng viên và Nhân dân với tư cách “công dân mạng”, “công dân số toàn cầu” hiểu đúng, làm đúng, cùng chung tay góp sức đẩy lùi quan điểm sai trái, thông tin xấu độc từ môi trường không gian mạng hiện nay.
Một trong những “chìa khóa vàng”, chủng "vắc xin" quý giá, hữu hiệu nhất chính là chúng ta biết tiếp cận những nguồn cung cấp thông tin chính thống, tin cậy để từng cá nhân, tổ chức trong xã hội số, quốc gia số, “công dân số toàn cầu” tự nâng cao nhận thức, tri thức, lan tỏa tích cực giúp cộng đồng mạng có đủ khả năng nhận thức đúng-sai, tích cực - tiêu cực, xấu-tốt, từ đó dần hình thành, nâng cao không ngừng “sức đề kháng”, “khả năng tự miễn dịch” trước mọi thông tin sai trái, xấu độc, những luận điệu xuyên tạc, thù địch, phản động. Điều này đặc biệt quan trọng và cần thiết cho mọi người, nhất là thanh thiếu niên, những người chủ tương lai của gia đình, quê hương, đất nước. Cung cấp, lan tỏa thông tin tốt đẹp, chính thống, biết và thường xuyên thực hiện tốt kỹ năng tiếp cận, xử lý thông tin từ không gian mạng một cách bảo mật, thận trọng và an toàn chính là giải pháp bền vững nhất để cùng nhau đẩy lùi, giảm thiểu các tác hại từ các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc trên không gian mạng hiện nay.
K’ TIẾN