13/11/2024
🌈 ĐẮK LẮK TỪ VỊ THẾ TRONG LỊCH SỬ ĐẾN TẦM VÓC CỦA TƯƠNG LAI🌻🌻🌻🌻🌻
Tỉnh Đắk Lắk ngày nay được hình thành trên cơ sở một vùng đất lâu đời, là nơi của con người sinh sống từ thời nguyên thủy, có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử. Là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh của Tây Nguyên và cả nước, Đắk Lắk đã trải qua nhiều thay đổi với những phát triển vượt bậc, đang từng bước trở thành trung tâm, động lực phát triển vùng Tây Nguyên.
⭐️TỪ VỊ THẾ TRONG LỊCH SỬ
Từ xa xưa, các cộng đồng cư dân cổ ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng đã có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành Văn hóa Sa Huỳnh và văn minh thời đại sắt sớm ở khu vực Trung Bộ và cao nguyên Đông Dương hiện nay, qua đó góp phần hình thành những cội nguồn chung đúc nên của quốc gia Việt Nam đa tộc người cùng nền văn hóa thống nhất trong đa dạng.
Cùng với tiến trình lịch sử, đồng thời với quá trình hội nhập vào lãnh thổ Việt Nam, mối quan hệ với các cộng đồng dân cư sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam ngày càng bền chặt, ý thức trách nhiệm đối quốc gia, dân tộc ngày càng nâng cao, nhân dân Đắk Lắk có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm, giành lại độc lập cho dân tộc. Sự kháng cự quyết liệt của đồng bào Đắk Lắk khi thực dân Pháp xâm chiếm Tây Nguyên đã đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của dân tộc ta từ cuối thế kỷ XIX đến thập kỷ thứ ba của thế kỷ XX.
Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc Đắk Lắk đã tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ, đấu tranh không mệt mỏi cùng nhân dân cả nước hoàn thành mục tiêu giành độc lập dân tộc, giải phóng, thống nhất đất nước. Trong công cuộc đấu tranh giành chính quyền và trong hai cuộc kháng chiến, Đắk Lắk là vùng đất của những chiến công vang dội, những thắng lợi vẻ vang. Quân và dân Đắk Lắk có quyền tự hào Đắk Lắk đã hai lần được chọn làm nơi mở đầu: mở đầu cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn Tây Nguyên; mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 lịch sử. Chiến thắng Buôn Ma Thuột là một minh chứng tinh thần và khả năng cách mạng, cho sự đóng góp của nhân dân Đắk Lắk đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, thực hiện sự nghiệp đổi, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đắk Lắk đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Đến nay, Đắk Lắk có diện tích tự nhiên, dân số thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước, là đầu mối giao thông quan trọng của Tây Nguyên, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng đầu khu vực, thu hút được một số dự án năng lượng tái tạo có quy mô lớn của đất nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực và bền vững; môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, các chính sách xã hội được quan tâm triển khai hiệu quả; diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững; hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng vững mạnh; quan hệ đối ngoại được đẩy mạnh và ngày càng mở rộng.
⭐️TẦM VÓC CỦA TƯƠNG LAI
Nhằm phát triển toàn diện, bền vững vùng Tây Nguyên, Đảng và Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, ban hành nhiều nghị quyết, chính sách quan trọng, kiến tạo nền tảng, định hướng phát triển cho toàn vùng, tạo cơ sở, căn cứ quan trọng để tỉnh Đắk Lắk triển khai, thực hiện các chiến lược phát triển, nhằm tạo ra bước chuyển biến, diện mạo mới, đóng góp tích cực cho vùng Tây Nguyên nói riêng và đất nước nói chung. Ngày 30-12-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1747/QĐ-TTg về Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mở ra cơ hội để Đắk Lắk tạo lập vị thế, định hình không gian phát triển mới theo mô hình: Không gian sinh thái - văn hóa - kết nối sáng tạo, phát triển kinh tế xanh - kinh tế tuần hoàn, lấy con người làm trọng tâm, hướng về thiên nhiên; để hiện thực hóa định hướng trở thành tỉnh thuộc nhóm 25 tỉnh đứng đầu cả nước, phát triển thịnh vượng.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đặt mục đến năm 2030, tỉnh Đắk Lắk “cơ bản trở thành trung tâm vùng, là tỉnh phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững khu vực Tây Nguyên, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; đến năm 2045, phát triển tỉnh thành một “trung tâm của vùng Tây Nguyên trên tất cả các lĩnh vực. Bảo đảm đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân đạt mức khá của cả nước”.
Với bề dày truyền thống hào hùng của lịch sử 120 năm, với vị thế chính trị - xã hội hiện tại, đặc biệt, với tầm nhìn xa hơn trong tiến trình phát triển của tỉnh theo đường lối đổi mới của Đảng, toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục vun đắp truyền thống cách mạng hào hùng và lòng yêu nước; trân trọng và gìn giữ những thành quả mà các thế hệ cha ông đã dày công vun đắp; đoàn kết, chung sức đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng tỉnh Đắk Lắk phát triển nhanh, bền vững, ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc; góp phần tạo nền tảng vững chắc cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.