31/07/2023
Sài Gòn khuya - Du Uyên
(Như thường lệ, thả tym không cần đọc vì bài dài)
Sài Gòn không nắng, không nóng, se se hơi sương… Sài Gòn trầm tính, không kẹt xe, không ồn ào, không khói bụi… những mô tả nghe có vẻ lạ lùng, nhưng với những “con ma đêm” hay thích cày “deadline” lúc nửa đêm, hay đói bụng sảng lúc 1-3 giờ sáng như tôi thì quen lắm.
Ðêm khuya là lúc con người ta dễ nghĩ… quẩn nhất, vì ai cũng đã mệt sau nguyên ngày dài vật lộn với cuộc sống, xã hội, gia đình và chính bản thân mình, hiếm ai chịu thức trọn đêm dài vì một lý do khách quan, vui vẻ… Người thì chán chường, chơi cho xong cuộc vui sắp tàn, người thì nằm/ngồi trong đêm vắng lo lắng chuyện xa xôi, người thì do cơn mất ngủ dằn vặt, người thì do ngủ cả ngày vì thất nghiệp rồi, hay như… tôi – thức để làm việc, một lý do sặc mùi “bóc lột” của tư bản. Tuy nhiên, “đời ai cũng có những câu chuyện buồn”, lâu lâu tranh thủ buồn ít một bữa, chọn bữa khuya đẹp… trời để bát phố, biết đâu bạn tìm ra một Sài Gòn khác? Những quằn quại của cảnh đời nhập cư mà ngày thường bạn vội vã cơm áo gạo tiền, kẹt xe, bon chen không thấy, hay những trầm lắng của phố thị đã bị ánh mặt trời phơi khô, khi đêm xuống, tất cả sẽ hiện ra rõ ràng dưới bóng đèn đường hiu hắt.
Hôm rồi, có chàng vũ công nổi tiếng lên báo nói về vợ: “Khánh Thi đẹp nhất khi ít nói”, rất nhiều đấng lang quân đã share bài báo về với một sự hào hứng quá mức kiểm soát, tự nhiên tôi thấy sự đồng cảm: là con dân của thành phố náo nhiệt nhất Việt Nam, tôi cũng thấy Sài Gòn đẹp nhất là lúc đêm khuya, vì lúc đó Sài Gòn “ít nói” nhất. Dĩ nhiên là phải bỏ qua các khu ăn chơi, nhậu nhẹt thâu đêm từ lâu đã thành “thương hiệu” của Sài Gòn đối với khách phương xa để thấy được một Sài Gòn không ngủ nhưng cũng buồn ngủ, chứ không phải luôn “hư hỏng” như lời đồn. Thanh âm khuya Sài Gòn hay hơn những tiếng nhạc sàn trong quán bar nhiều, vì nó đa dạng cảm xúc và mang nhiều nỗi u buồn khó tả. Ngay cả những người đang nhảy nhót, cười đùa trong club kia chắc cũng mệt nhoài dần theo từng bước nhích của kim đồng hồ. Phải chi tôi thông minh, nhiều nỗi thấu cảm hơn, giỏi văn hay nhạc hơn, tôi có thể là một nhà văn hoặc một nhạc sĩ thiên tài chỉ vì thói quen thích thức đêm, mê lang thang Sài Gòn khuya của mình.
Chẳng cần làm gì, chỉ cần ngồi ở một góc quán quen (mở cửa 24/24), đủ thấy vẻ đẹp khác biệt của khuya Sài Gòn. Khác với sự vội vã của vài người vượt đèn đỏ (vì đường vắng) ngoài đường, trong quán không hẹn nhau mà ai cũng đi nhẹ nói khẽ rất văn minh, người ta sợ làm ồn những người khách khác đang ngủ gục trên bàn, có lẽ họ đã có một ngày dài không suôn sẻ. Sự trầm lặng như bao trùm vì ai cũng thủ thỉ thù thì với người cạnh bên hoặc ngồi trầm ngâm với cái laptop của mình. Có những người thả ánh nhìn vô định trôi ra khỏi không gian quán, chắc họ nhìn những ánh đèn đã tắt, những hàng quán từng đông đúc cách đây vài tiếng đồng hồ, những chiếc xe hủ tiếu gõ/xe đẩy hàng hóa dần bị ánh đèn vàng nuốt chửng, bước chân của người bán hàng cũng nặng nề dần khi quẹo vào hẻm tối. Xa xa, xuyên qua cửa sổ của căn gác nhỏ, có bóng ai đang xoa eo, đấm lưng cho bớt mệt vì giấc ngủ không say, rồi người đó bước xuống đất, quày quả chất hàng lên xe, đẩy xe ra đường bán đồ ăn khuya…
Sài Gòn nhỏ quá, người ta chia nhau từng khoảng đất để sinh tồn, khi người này mở cửa hàng cũng là lúc người kia lục đục cuốn gói, về ngủ. Dễ dàng thấy ở nhiều chỗ, chỉ một vài mét vuông trước cửa nhà mà nuôi sống mấy gia đình luôn: buổi sáng thấy người này bán bún riêu, trưa thấy người kia bán nước mía, chiều thấy người nọ bán bánh tráng nướng, khuya, tưởng được nghỉ ngơi thì miếng đất lại gồng mình đón cái xe đẩy cọc cạch của hai ông bà cụ lọm khọm – họ bày đồ ra bán cháo trắng, hột vịt muối đêm khuya. Có lẽ, nhiều điều tử tế xảy ra ở vùng đất này không phải là bộc phát, mà nguồn năng lượng chính của Sài Gòn là chia sẻ, khiến ai ở đây, tới đây đều muốn làm và chia sẻ điều tử tế.
Sài Gòn khuya, ngoài thanh âm dọn hàng, mở hàng, ăn hàng… còn có tiếng khóc nỉ non của kẻ thất bại trong cuộc sống, có tiếng xạc xào từ cái chổi chăm chỉ của những người công nhân vệ sinh, có tiếng ông nhậu say đòi uống nữa không ngừng sau lưng tài xế, có giọng bà vợ đuổi ông chồng về khuya không cho vô nhà, có tiếng lắc xắc vui tai cộng với tiếng nghiến kẽo kẹt của sên xe đạp – bản quyền thuộc về mấy ông đấm bóp/giác hơi dạo đến từ Phương Bắc, có tiếng rồ ga thiệt mạnh của những “racing boy” thành thị, tiếng rao đêm, tiếng xe ôm “bắt” khách, tiếng nhạc từ cánh cửa khép hờ ở cái chung cư cũ rích, lâu lâu là tiếng tri hô của một nạn nhân nào đó vừa được tên cướp “chiếu cố”… tiếng bolero kèm đàn guitar vang lên ở chân chung cư cũ cũng réo rắt và đọng lại rất lâu trong những cái đầu trống rỗng vì mất ngủ. Lâu lâu là tiếng gió đêm len qua từng tán cây, đưa mùi bắp xào của những người bán dạo tràn vào mũi.
Những ngày mùa Hè mỗi năm, không chỉ người trẻ thức khuya, trung niên thức khuya, người già thức khuya… mà bậc làm cha làm mẹ cũng thức để lo cho con mình một tương lai xán lạn. Ở Sài Gòn giữa tháng 6-2023, có tin các phụ huynh xếp hàng từ 2 giờ sáng qua hôm sau để mua hồ sơ lớp 1 cho con/em mình. Nay (tháng 7-2023), ngoài Hà Nội, phụ huynh học sinh cũng thức trắng đêm, mang đồ ăn, nước uống, ghế, lều… nằm trước cổng trường công xếp hàng, giành chỗ, đợi chờ cả 10 tiếng đồng hồ từ đêm hôm trước đến gần trưa hôm sau để mong giành được một suất nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con… Ðây không còn là chuyện hy hữu mà là một thực tế trong mùa tuyển sinh hằng năm ở Việt Nam. Không hiểu sao thời bây giờ đi học cũng khó khăn quá, nhưng góp vào Sài Gòn khuya một chút gì gọi là “mùi tri thức”, kể cũng hay, đỡ mang tiếng “ăn chơi” cho vùng đất thị phi này.
Sài Gòn khuya, khác biệt không khí “phố Tây” xập xình, dzô dzô không ngớt, khách làng chơi dư tiền và các cô đào thiếu vải. Khác biệt với những quán ăn đông đúc những người sống muộn ra vô, những quán nước thâu đêm, người người ngồi chờ trời sáng. Khác biệt với những nhịp thở hào sảng của người đang sống hết mình từng giây, còn có tiếng thở thầm kín của kẻ tuyệt vọng không còn muốn tồn tại thêm giây phút nào… Chiếc dép cô quạnh ai để giữa cầu, hai cái xe chỏng chơ giữa đường vì ỷ y đường vắng mà vượt đèn đỏ, kẻ tha phương cuộn mình trên hành lang vỉa hè – ráng chợp mắt sau khi anh bán nước khuya rời đi, trước khi bị cô bán đồ ăn sáng đuổi, những ánh mắt trắng dã vật vờ của những con nghiện thiếu tiền lẫn thuốc, những người mất trí đi lang thang múa hát, những cô gái cầm nón bảo hiểm đứng ở các gốc cây bên đường – gặp đấng mày râu nào cũng ân cần hỏi: “vui vẻ không anh?” Ánh lửa bùng lên rồi chợt tắt từ miệng cậu bé nhỏ con, đang kiếm chút thương cảm của khách qua đường bằng trò chơi với lửa. Rất nhiều người bạn của tôi, nhiều lứa tuổi khác nhau, đã kể họ từng “ngủ lang (thang)” ở mảnh đất này. Như một người bạn vong niên sanh vào thập niên 60 từng ở nhà to, ba là cán bộ chế độ VNCH, mẹ là giáo viên, đã ngủ khắp các con đường sau 1975 cho tới khi thành công đi tới Mỹ, hay người bạn sanh thập niên 80, quê ở tỉnh khác, lên đây học Ðại học và hết tiền, ngủ ở ghế đá công viên hàng tháng trời. Cả hai đều đã có thành công nhất định, nhưng những giấc ngủ lề đường và những đêm trắng Sài Gòn có lẽ là ký ức họ không thể quên…
Tôi đã bát phố trắng đêm ở rất nhiều thành phố trong nước và ngoài nước, nhưng với tôi, Sài Gòn khuya vẫn là thứ gì đó lung linh, cô đọng nhất, nó chứa quá nhiều góc nhìn, âm thanh khó kiếm ở xứ văn minh/phồn hoa khác. Có lẽ do “tình nhân hoá Tây Thi”, nên tôi đã yêu rồi thì yêu từng ngóc ngách, từng góc khuất lẫn góc… hiện của Sài Gòn. Cũng có thể do chính mảnh đất này đã lây cho trái tim yếu ớt của tôi nhiều trăn trở, khi nó chứa quá nhiều khát vọng của những người muốn tới đây, những người ở đây và cả những người muốn rời khỏi đây…
Yêu Sài Gòn sáng, trưa, chiều, tối và khuya.
Du Uyên