18/07/2025
Du lịch thể thao là loại hình trải nghiệm du lịch khi du khách tham gia hoặc quan sát một sự kiện thể dục, thể thao, được tổ chức tại một địa điểm cụ thể nào đó; đồng thời trải nghiệm, khám phá cảnh quan, nét văn hóa tại địa phương diễn ra sự kiện. Với địa hình đa dạng từ đồi núi, đồng bằng đến sông nước, biển đảo, nhiều địa phương ở nước ta được đánh giá rất có tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này.
Ấn tượng về những màn trình diễn và thi đấu thể thao dưới nước tại Lễ hội Sông nước diễn ra tại TP.HCM vào năm 2024. Theo Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa, sản phẩm Lễ hội Sông nước vừa được UBND TP.HCM vinh danh tại lễ trao Giải thưởng sáng tạo năm 2025, diễn ra ngày 1/7 vừa qua, khẳng định sự thành công của việc kết hợp sáng tạo giữa du lịch, văn hóa, thể thao và kinh tế từ lợi thế của một đô thị sông nước, góp phần lan tỏa hình ảnh điểm đến, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Chỉ trong 10 ngày đầu tháng 6/2024 (thời gian diễn ra Lễ hội Sông nước), TP.HCM đã thu hút khoảng trên 1,3 triệu lượt du khách, công suất phòng tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn cũng tăng 25-30% so với thường kỳ.
Nhận định về ưu thế, hiệu quả từ việc tổ chức các sự kiện thể thao gắn với du lịch, Tiến sỹ Đoàn Mạnh Cương (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) cho rằng: Hiện nay nhiều địa phương hội đủ các điều kiện, thế mạnh về cảnh quan, khí hậu, bản sắc văn hóa để phát huy thế mạnh tổ chức các sự kiện thể thao gắn với văn hóa, du lịch.
Thực tế, du lịch và thể thao có mối quan hệ tương hỗ vì bên cạnh những vận động viên thi đấu, luôn có lượng lớn du khách di chuyển đến điểm đăng cai các giải thể thao để cổ vũ, đồng hành, xem thi đấu kết hợp du lịch, tham quan.
Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Đoàn Mạnh Cương, để phát huy thế mạnh của các hoạt động thể thao gắn với quảng bá, lan tỏa hình ảnh địa phương, phát triển du lịch, cần có sự đầu tư kỹ lưỡng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Các địa phương cần chú ý đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, xây dựng các trung tâm thể thao đa năng và nâng cấp các địa điểm tổ chức sự kiện; có thể khuyến khích xã hội hóa, kêu gọi đầu tư từ khu vực tư nhân để đa dạng nguồn lực đầu tư, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, các cấp, ngành đẩy mạnh quảng bá thông qua các kênh quốc tế, hợp tác với các tổ chức thể thao lớn trên thế giới, đưa Việt Nam vào bản đồ du lịch thể thao toàn cầu.
Một giải pháp quan trọng cũng cần có chiến lược triển khai phù hợp là đào tạo nhân lực chuyên sâu về du lịch thể thao, mở các khóa học chuyên biệt về tổ chức sự kiện thể thao, hướng dẫn thể thao mạo hiểm và quản lý du lịch bền vững. Ngoài ra, từng địa phương có các giải pháp bảo vệ môi trường đi đôi với phát triển du lịch để đảm bảo các hoạt động thể thao không làm tổn hại đến tài nguyên thiên nhiên.
Theo đại diện các ngành Du lịch, Văn hóa và Thể thao TP.HCM, sau sắp xếp địa giới hành chính, TP.HCM là một trong những địa phương có rất nhiều lợi thế để tổ chức các sự kiện thi đấu, trình diễn thể dục, thể thao kết hợp với các sự kiện văn hóa, quảng bá du lịch.
Thời gian tới, Thành phố tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch theo chuyên đề, theo thế mạnh đặc thù của từng khu vực, tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa, lễ hội khai thác tối ưu giá trị hệ thống sông ngòi, kênh rạch của đô thị sông nước.
Các địa phương như phường Vũng Tàu, phường Tam Thắng, xã Cần Giờ, đặc khu Côn Đảo... tổ chức các giải thi đấu, trình diễn các môn thể thao biển, hoạt động văn hóa, lễ hội quảng bá du lịch mang bản sắc văn hóa biển, đảo, tạo sự đa dạng trong sản phẩm văn hóa, du lịch, thể thao của một “siêu đô thị” thông minh, xanh, sáng tạo, tiêu biểu không chỉ về kinh tế, mà cả sự phong phú về văn hóa, nghệ thuật, thể thao, giải trí và phong cách sống hiện đại, năng động.
Theo TTXVN