09/08/2024
Các cụ, ông bà, tổ tiên xưa nay dạy: Nếu có tham, hãy tham học, tham làm, tham công tiếc việc chứ đừng tham tiền, tham cuả, tham nhà, tham xe, tham vật chất hư vinh...
Hãy tham lam cho sự ưu tú của bản thân mình, chớ tham không làm mà có ăn.
Nếu ai đó trong cuộc đời mà nhiều lần may mắn không làm mà có ăn đừng vội vui mừng. Trông tưởng là phúc đức sâu dày mà hoạ ngay trước mắt.
Xưa các cụ mong con cháu học cao, hiểu rộng để có cái trí sáng, đức trong, học để tìm thấy con đường sáng mà đi, học để biết chọn việc thiện mà làm.
Sao giờ, từ trẻ đến già toàn tham cầu không làm mà có ăn, mong làm ít ăn nhiều, làm nhiều 1 chút thì lo thiệt thòi, bất công.
Xưa cuộc sống khó khăn là thế nhưng các cụ chỉ sợ làm gì thất đức chứ không sợ thất nghiệp.
Thời giờ, mọi thứ thuận lợi hơn, tiện ích hơn nhưng nỗi sợ thất nghiệp ám ảnh thường trực trong tâm trí mỗi người, nó đè nát, vùi dập cả nỗi sợ thất đức.
Có lẽ vì thế mà, thời giờ chỉ 1 chút khó khăn là dừng lại, là bỏ cuộc. Chỉ 1 chút thua thiệt là gào mồm lên, sân si ý kiến, kiện tụng muôn nơi.
Thời xưa bòn từng chút công sức đóng góp cho tập thể. Thời giờ chỉ chực chờ gom, lượm của tập thể về đút túi riêng của mình là hả hê.
Xưa khó khăn đến cùng cực nhưng các cụ vẫn luôn hiên ngang ngẩng cao đầu, tâm vẫn kiên định, lòng vẫn tuyệt đối trung thành với sự lựa chọn. Giờ chỉ sơ hở là soi mói, nói xấu, đòi hỏi, khóc lóc ỉ ôi than nghèo, than khổ, than khó, than bận lắm, than chả có thời gian, than cho cố rồi trở mặt trong tík tắk.
Xưa các cụ dạy: Tập trung vào sự tử tế của chính mình. Giờ thì học đòi nhau: mong cầu sự tử tế từ người khác, kỳ vọng vào sự giúp đỡ từ người khác mà chả hề bận tâm đến: Vạn sự vốn dĩ từ mình.
Bởi thế nên đa phần đều chết thảm thương, thất bại thảm hại bởi vì luôn coi trọng cái tôi ngút trời, cứ nghĩ rằng bản thân phước đức sâu dày, toàn gặp đc người tử tế và gặp đc công việc may mắn, chả cần học chi cho nhức đầu, chả cần làm chi cho cực thân.
Cảm ơn những bài học sâu sắc về trí thức trí tuệ cổ nhân, đạo lý thánh hiền từ Z đã giúp em ngộ ra đc nhiều bài học đắt giá trong suốt hành trình qua: "Kiến quốc tân dân, giáo dục vi tiên. Đại học chi đạo: tại minh minh đức, tại thân (tân) dân, tại chỉ ư chí thiện".
Mục đích của sự học rộng cốt làm sáng cái Đức sáng của mình, cốt khiến cho người ta tự đổi mới, sáng tạo, cốt khiến cho người ta dừng ở chỗ chí thiện.
Biết chỗ phải mà dừng thì sau mới có chí hướng xác định được. Có chí hướng xác định rồi sau mới có tĩnh tâm. Tĩnh tâm rồi sau tính tình mới được an hòa. Tính tình an hòa rồi sau mới suy nghĩ chín chắn. Suy nghĩ chín chắn rồi sau mới đạt được chí thiện.
Vật gì cũng có gốc ngọn, việc gì cũng có đầu cuối. Biết được chỗ trước, chỗ sau của sự vật, thì tiến gần đến mục đích của sự học là vậy.
Thời xưa kẻ muốn làm sáng cái đức sáng của mình trong thiên hạ, thì trước hết phải trị được nước mình. Muốn trị được nước mình, thì trước hết phải chỉnh đốn được nhà mình. Muốn chỉnh đốn đc nhà mình thì phải tu sửa thân mình trước.
Muốn tu sửa thân mình, thì trước hết phải làm cho tâm mình được ngay chính. Muốn làm cho tâm mình được ngay chính, thì trước hết phải làm cho ý được chân thật. Muốn cho ý thành thật, thì trước hết phải đưa sự hiểu biết của mình đến cực độ. Đưa sự hiểu biết đến cực độ, là cốt ở chỗ "trừ bỏ sự che lấp của vật dục"(sự tham lam, dục vọng của chính mình).
Vậy nên, hãy bắt đầu từ việc "trừ bỏ sự che lấp của vật dục", rồi sau mới đưa sự hiểu biết của mình đến cực độ. Sự hiểu biết mình có đến cực độ, rồi sau ý mình mới thành thật. Ý có thành thật, rồi sau tâm mình mới ngay chính. Tâm có ngay chính, rồi sau thân mới tu sửa. Thân có tu sửa, rồi sau nhà mới chỉnh đốn nhà mình. Nhà mình có chỉnh đốn, rồi sau nước mới yên trị.
Nước có yên trị, rồi sau thiên hạ mới thái bình.
Từ thiên tử cho đến kẻ thường dân, tất cả đều phải "lấy sự tu thân làm gốc". Gốc đã loạn mà ngọn lại yên trị, thì không thể có được. Còn chỗ phải dùng sức nhiều mà lại dùng ít, chỗ phải dùng sức ít mà lại dùng nhiều, thì chưa hề có sự đó vậy.
Chúc đại gia đình mình càng ngày càng vui say mà học và rèn luyện cùng Z để bỏ bớt cái tham cầu vô lối đi, rèn thêm chữ nhẫn vào, tu sửa tâm, thân, ý cho trí sáng, lòng cho trong, tâm cho ngay thẳng, thật thà đi thì ắt vạn sự bình an, hưng thịnh.
Chúc mọi người an vui!