22/09/2024
Vừa lướt đâu đó thấy các bạn trẻ thắc mắc tại sao Klopp đi rồi mà vẫn gọi Liverpool là “The Kop” thế?
Mình chỉ thấy đáng yêu. Vì nhớ lại hồi bé mình cũng tưởng David Beckham và Dennis Bergkamp là 2 anh em hay “Arsenal” Wenger là người tạo ra đội bóng rồi tự đặt theo tên của ông.
Trở lại với chuyện của “The Kop”,
Năm 1900, một trận chiến ác liệt trong chiến tranh Boer II khiến nhiều binh sĩ Anh tử trận đã diễn ra trên một ngọn đồi cao 1.460m ở Nam Phi. Ngọn đồi đó có tên là Spion Kop.
Sáu năm sau, Liverpool giành chức vô địch quốc gia thứ 2 trong lịch sử. Họ khánh thành một khán đài đứng với sức chứa 25.000 người để nâng tổng sứa chứa sân Anfield lên 60.000. Phóng viên Ernest Edwards của báo Liverpool Echo khi nhìn thấy những khán giả đứng trên khán đài mới của Anfield đã liên tưởng tới những người lính trên đỉnh đồi Spion Kop và đề xuất lấy chính cái tên này đặt cho khu khán đài.
Không mất nhiều thời gian để những người hâm mộ cuồng nhiệt nhất của Liverpool tìm thấy những “chiến hữu” chung chí hướng tại Spion Kop, hay ngắn gọn hơn là “Kop”. Cũng kể từ đó, khái niệm “kop” được dùng để chỉ các khán đài lớn, có duy nhất một tầng và độ dốc cao để các khán giả phía sau có thể theo dõi trận đấu một cách thuận lợi. Nhiều “kop” đã xuất hiện ở khắp Vương quốc Anh nhưng “kop” ở Anfield vẫn là lớn nhất, ồn ào nhất và ấn tượng nhất.
Ban đầu, The Kop đơn giản chỉ là những bậc thang không có mái che. Đây là nơi bạn có thể mua vé rẻ nhất để theo dõi các trận đấu của Liverpool. Tuy nhiên, các khán giả ở The Kop cũng sẽ phải chịu tác động lớn nhất từ những yếu tố thời tiết dù đó là những cơn mưa nặng hạt hay những ngày trời nắng chói chang. Để giải quyết vấn đề này, Liverpool đã cải tạo khán đài vào năm 1928, nâng sức chứa lên 27.000 người và bổ sung mái che cho The Kop. Đây cũng chính là thời điểm cái tên này được công nhận một cách chính thức.
Thập niên 1960, Liverpool bắt đầu kỷ nguyên vàng dưới thời huấn luyện viên Bill Shankly với rất nhiều chức vô địch danh giá. Khán đài The Kop cũng trở nên nổi tiếng toàn cầu bởi sự cuồng nhiệt của các cổ động viên. Họ quy tụ tại đây và được gọi là “kopites”. “Kopites” luôn tới Anfield từ rất sớm, leo 106 bậc thang của The Kop để tìm cho mình một vị trí ưng ý. Họ cùng nhau hát vang những bài hát của The Beatles hay Gerry and the Pacemakers. Trong đó, nhạc phẩm nổi tiếng nhất là “You'll Never Walk Alone” đã trở thành “thánh ca” của đội bóng. Bầu không khí mà “kopites” tạo ra đủ sức “hút trái bóng vào khung thành”, như cái cách mà Bill Shankly vẫn nói. “Kopites” cổ vũ hết mình cho Liverpool nhưng cũng sẵn lòng tán dương đội khách bằng những tràng pháo tay nếu họ đánh bại The Reds một cách thuyết phục.
Khi Kevin Keegan ra mắt Liverpool năm 1971, ông đã sốc với cách những khán giả tại The Kop chào đón mình: “Người đại diện tự phong của The Kop đã tặng tôi một nụ hôn nồng nặc mùi rượu và có lẽ ông ấy quên không cạo râu. Tôi đã suýt ngất!”. Đó là nghi thức chào đón tân binh đặc trưng ở Liverpool. “Thủ lĩnh kopites” sau khi hôn cầu thủ mới sẽ tiếp tục hôn lên mặt cỏ trước khán đài rồi hòa mình vào các “chiến hữu” tại The Kop.
The Kop thiêng liêng tới mức huấn luyện viên Bill Shankly kể lại rằng, quan tài của một “kopite” được chôn cất bên dưới khung thành phía trước khán đài này và tro cốt của vài người khác thì được rải xuống mặt cỏ, để dù ở thế giới bên kia, họ vẫn có thể cổ vũ cho Liverpool. Bill Shankly thực sự là một bậc thầy tâm lý. Ông yêu cầu phòng thay đồ của Liverpool phải được cách âm còn đội khách thì không. Điều đó sẽ khiến cho đối thủ khó mà tập trung nổi trong giờ nghỉ giữa 2 hiệp với những tiếng hò reo từ khán đài The Kop.
“The Reds” (có thể tạm dịch là “Lữ đoàn Đỏ”) là biệt danh chính thức của Liverpool, được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Còn “The Kop” không hẳn là biệt danh của Liverpool nhưng lại gắn liền với Anfield và mang một ý nghĩa rất đặc biệt.