20/05/2025
[TỔNG HỢP HOẠT ĐỘNG ĐI THỰC TẾ]
Trong khuôn khổ môn học “Khám phá kinh tế chính trị quốc tế - PIPE2”, sinh viên K62 Kinh tế chính trị quốc tế, trường Đại học Ngoại thương, đã đi thực tế tại Bắc Ninh để khám phá vấn đề kinh tế chính trị gắn với dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào các khu công nghiệp tại đây.
Đoàn đi thực tế này gồm sinh viên và giảng viên thuộc khoa Khoa học chính trị và Nhân văn:
🔸TS. Vũ Thị Quế Anh - Phó trưởng khoa Khoa học Chính trị và Nhân văn,
🔸TS. Dương Đức Đại - Trưởng bộ môn Kinh tế chính trị,
🔸ThS. Đinh Thị Quỳnh Hà - Giảng viên bộ môn Kinh tế chính trị,
🔸ThS. Trần Anh Tiến - Giảng viên bộ môn Kinh tế chính trị,
🔸 Các bạn sinh viên K62 Kinh tế chính trị quốc tế
Đoàn sinh viên và giảng viên học phần Pipe 2 đã lắng nghe và trao đổi với đại diện
🔸 Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh (Bà Phạm Thị Hồng Quyên - Trưởng phòng Chính sách lao động và việc làm, Ông Vũ Đức Cương, Phó trưởng phòng Chính sách lao động và việc làm),
🔸 Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh (Ông Lâm Thanh Sơn - Trưởng phòng Quản lý Đầu tư, Ông Nguyễn Tiến Quyết - Phó trưởng phòng Quản lý Đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh),
🔸 Công ty Goertek Vina (Ông Tống Văn Kiên - Trưởng phòng tuyển dụng, Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy - Trưởng phòng Hợp tác nhà trường).
🚩Sở Nội vụ: Bà Phạm Thị Hồng Quyên - Trưởng phòng Chính sách lao động và việc làm thông tin về tình hình lao động, việc làm, mức lương, điều kiện làm việc của người lao động tại các Khu công nghiệp ở Bắc Ninh. Dòng vốn đầu tư nước ngoài tạo việc làm không chỉ cho người lao động tại địa phương mà còn cho người lao động ngoại tỉnh.
🚩Ban Quản lý các Khu công nghiệp: Ông Lâm Thanh Sơn - Trưởng phòng Quản lý Đầu tư đã chia sẻ tổng quan về đặc điểm kinh tế nổi bật và tình hình đầu tư nước ngoài vào tỉnh Bắc Ninh. Ông chỉ ra những thành tựu ấn tượng mà Bắc Ninh đã đạt được trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khẳng định vị thế là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về lĩnh vực này.
Bắc Ninh hiện có 15 khu công nghiệp được thành lập, trong đó 12 khu đang hoạt động hiệu quả và 21 khu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Điều đáng chú ý là nguồn vốn đầu tư vào các khu công nghiệp này đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, và tổng cộng có 41 quốc gia đầu tư vào Bắc Ninh với 2600 doanh nghiệp, thu hút tổng vốn gần 30 tỷ đô la Mỹ - một con số ấn tượng, cao nhất cả nước. Anh Sơn cũng nhấn mạnh rằng, để đạt được những thành tựu này, bên cạnh những lợi thế về vị trí địa lý, văn hóa và nguồn lao động, không thể không kể đến sự nỗ lực và quyết tâm cao của chính quyền địa phương trong việc tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi.
🚩 Công ty Goertek Vina: Ông Tống Văn Kiên - Trưởng phòng tuyển dụng và các đại diện của Công ty đã giới thiệu về lịch sử hình thành của Công ty và quá trình đầu tư vào Việt Nam. Đây là công ty hàng đầu sản xuất các linh kiện, thiết bị điện tử phục vụ những khách hàng lớn như Microsoft, Amazon, Google, Samsung, Sony... "GoerTek" mang hàm ý sâu sắc về người tiên phong, dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ. Đây không chỉ là một cái tên mà còn thể hiện rõ sự quyết tâm và định hướng phát triển của ban lãnh đạo công ty. Đại diện GoerTek đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu hàng đầu của công ty là đầu tư vào con người, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Là một doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc, Công ty GoerTek Vina cam kết tuân thủ nghiêm ngặt các chính sách pháp luật của Việt Nam, đảm bảo các tiêu chí phát triển bền vững và nỗ lực không ngừng để xây dựng một môi trường sống và làm việc lành mạnh cho toàn bộ công nhân viên.
📌 Xuyên suốt các chuyến đi, các bạn sinh viên đã chủ động đặt ra nhiều câu hỏi thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến các vấn đề kinh tế chính trị quốc tế gắn với đầu tư nước ngoài tại Bắc Ninh. Với cơ hội được đối thoại trực tiếp với những người làm trong ngành, các bạn sinh viên đã tự tin bày tỏ những thắc mắc và quan điểm của mình về nhiều chủ đề phong phú. Các vấn đề được đưa ra thảo luận bao gồm cải cách của chính quyền để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng của doanh nghiệp FDI tới tình hình lao động, việc làm, môi trường, an sinh xã hội, phúc lợi của người lao động...
🌈 Thông qua hoạt động của học phần Pipe 2, sinh viên K62 Kinh tế chính trị quốc tế đã thu được những kiến thức thực tế hữu ích và tiếp cận môi trường làm việc chuyên nghiệp tại doanh nghiệp FDI. Hoạt động này giúp các nhóm sinh viên học tập theo dự án, tạo điều kiện để các bạn khám phá sâu hơn các vấn đề kinh tế chính trị quốc tế, đặc biệt là chủ đề về dòng vốn FDI - trọng tâm nghiên cứu của các nhóm dự án năm nay. Những thu hoạch thiết thực từ chia sẻ của các nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp giúp cho sinh viên hoàn thành dự án khám phá Kinh tế chính trị quốc tế. Đặc biệt, những trao đổi về các vấn đề môi trường, lao động, an sinh xã hội liên quan đến FDI đã gợi mở nhiều hướng nghiên cứu cụ thể và thực tế cho các nhóm dự án. Kinh nghiệm thực tế này không chỉ củng cố kiến thức mà còn trang bị cho sinh viên khả năng phân tích, đánh giá vấn đề một cách toàn diện, từ đó nâng cao chất lượng và tính ứng dụng của các dự án nghiên cứu kinh tế chính trị quốc tế.
Credit: Thảo Linh, Minh Tuấn, Đan Thanh