
25/05/2025
ㅤㅤ Tôi có những bạn thực tập sinh rất giỏi
ㅤTrong lĩnh vực tôi đang làm và với tính chất của các kỳ thực tập ngắn hạn thì trung bình cứ tầm 3 - 4 tháng là tôi sẽ được làm quen với một gương mặt mới, đến từ các trường đại học có tiếng và thành tích tốt. Cũng nhân đây mà tôi cũng có cơ hội để quan sát và đánh giá các bạn sinh viên trẻ ngày nay tốt hơn (1. Gọi là trẻ chỉ đơn giản là vì thực tế các bạn ấy trẻ hơn mình - không có nghĩa gì khác // 2. Quan sát và đánh giá vừa là công việc phải làm vì thực tập sinh cần xác nhận của cơ sở, vừa là để góp ý giúp các bạn ấy biết được những thứ mà mình ở tuổi đó chưa biết - không phải để phán xét hay tỏ ra mình hơn ai).
ㅤĐiều mà tôi nhận ra rất nhanh chóng, đó là tôi có những bạn thực tập sinh rất giỏi, chí ít là nếu xét về thời điểm còn ở độ tuổi bằng các bạn, chắc chắn tôi không thể so bì được. Nhưng ngoài việc giỏi - theo nghĩa thành tích học tập trên trường lớp - thì tôi khó quan sát được điểm mạnh nào thêm, thậm chí còn nhận ra được rằng hóa ra người giỏi lại có khá nhiều vấn đề.
ㅤThứ nhất, rất dễ thấy, đó là tâm lý mơ lớn và vội vàng. Lúc hỏi thì bạn nào cũng muốn làm to, chức cao nhưng lại không muốn làm những vị trí nhỏ ban đầu, hoặc làm cho có. Hơi mệt chút là đòi nghỉ, hơi chán xíu là đòi đổi nghề. Cái các bạn còn chưa hiểu, bất kể mình làm gì cũng phải đi từ gốc rễ đi lên, những vị trí khởi đầu ấy là nơi mình xây dựng căn cơ, nền tảng vững chắc mà theo tới mãi sau này. Đơn cử giống như việc học Toán vậy, có bao giờ các bạn tự hỏi rằng sao thầy cô không dạy luôn cách giải nhanh từ đầu đi mà lại dạy cách giải dài trước rồi khi lên lớp mới được chỉ cách làm tắt không? Bởi vì cách giải dài dòng từng bước một sẽ giúp ta hiểu được bản chất vấn đề tại sao giải được như vậy, mà đã hiểu rồi thì sẽ không bao giờ quên. Chứ giờ không học cách giải dài, đến lúc chẳng may quên công thức, hoặc rơi vào bài không làm tắt được thì… nghệt ra đấy à.
ㅤThứ hai, mất đi sự phá cách và chủ động cần thiết trong tư duy khác biệt. Điều này bắt nguồn từ việc các bạn vẫn còn đang quen với việc học trên trường lớp, tức là quen với việc chỉ có một đáp án đúng. Cuộc sống đi làm thì không như vậy, vẫn có nhiều cách khác nhau để làm một việc, mỗi cách lại cho ra kết quả khác nhau và trong số đó hoàn toàn có thể có nhiều kết quả đúng chứ không chỉ một. Nhưng bởi các bạn còn chưa thoát được khỏi việc nhìn nhận mọi thứ chỉ có hoặc đúng hoặc sai nên sẽ coi lời anh chị nói là đúng, là duy nhất và mình phải làm theo không sai một chữ. Ví dụ: tôi nhờ bạn mang bộ tài liệu đưa cho đồng nghiệp ở phòng kế toán, trong đó có 1 tờ trình phải làm thêm 1 bản và bổ sung bản in của email trao đổi làm minh chứng đi kèm. Thay vì gọi hỏi tôi, thì bạn rất nghe lời, bảo thiếu nên trả lại cái là cầm luôn quay về văn phòng, rồi photo với in bổ sung xong lại mang đi trình lần nữa. Trong khi đó: phòng kế toán có máy photocopy và bạn ấy chỉ cần đơn giản nhắn tôi sẽ bày cách, hoặc nếu nghĩ ra và gọi tôi bảo “anh chuyển tiếp cái email abc này qua phòng kế toán, để em nhờ in” là sẽ giải quyết được cả 2 việc mà không cần đi đi về về, thì quá đáng tuyên dương.
ㅤThứ ba, nối tiếp với ý thứ hai, đó là tâm lý sợ sai. Tôi để ý rằng các bạn giỏi khó chấp nhận lời mắng mỏ hơn bình thường, chắc do chưa nghe quen (^.^). Không biết mọi người thế nào nhưng cá nhân tôi đối với các bạn thực tập sinh hoặc cả kể là các bạn đồng nghiệp trẻ làm cùng, tôi thường có xu hướng nhìn nhận về mặt tư duy, nhận thức hơn là đúng hay sai. Tuy nhiên, các bạn ấy thì vẫn còn đặt nặng vấn đề “chấm điểm” quá. “Chấm điểm” ở đây ý là kết quả đúng thì được điểm, sai thì mất, không có làm lại. Nhưng thực tế khi đi làm, gần như tất cả các trường hợp là vẫn có thể làm lại hoặc sửa sai, cải thiện tình hình, nên tôi thường sẽ đánh giá về hiệu suất và năng lực, làm có tốt không, làm có hiệu quả không, cách làm có thông minh và nhanh gọn không, chứ không quá quan tâm việc bạn làm đúng bao nhiêu việc, hôm nay chấm bạn mấy điểm.
ㅤCuối cùng, việc tự áp lực bản thân về sự thành công/ thất bại. Một điểm chung khá hay mà tôi thấy nữa là các bạn ấy ép mình học rất nhiều, nghe thì có vẻ là tốt, đúng, trong trường hợp tập trung vào một vài thứ nhất định. Nhưng thực tế, tình trạng chung là cái gì cũng biết, mỗi thứ biết một chút, nhưng hỏi kĩ thì không có cái gì thực sự hiểu sâu. Đó là việc muốn bản thân lúc nào cũng phải bận rộn vì “nếu tôi dừng lại thì những người đồng trang lứa sẽ vượt qua mất”. Vậy áp lực này từ đâu mà ra? Chính là từ tâm lý thành tích. Khi mình giỏi thì rất sợ việc bản thân bị chê, còn người không giỏi thì có chê họ vẫn thấy bình thường. Nếu dùng thuật ngữ của các môn thể thao đối kháng thì gọi là người chưa giỏi chỉ có hòa hoặc thắng, còn người giỏi, nếu bạn thắng thì họ coi là bình thường, bạn hòa hoặc thua thì sẽ bị chê ngay. Vì thế nên cứ biết nhiều đã, phù hợp hay bổ ích không thì tính sau. Dẫn tới tình trạng nếu mà kiêm thêm cả việc thực tập ở chỗ làm thì lúc nào các bạn trông cũng mệt mỏi, hết năng lượng và không có thời gian tận hưởng cuộc sống.
ㅤTôi có những thực tập sinh rất giỏi. Tôi vẫn mong các bạn chậm lại một chút vì có những thứ nhanh chưa chắc là hay, có tâm lý cạnh tranh là đáng tuyên dương, nhưng tận hưởng cuộc sống để đảm bảo tinh thần vui vẻ và sức khỏe tốt thì cũng chẳng kém quan trọng là bao. Mỗi người sẽ có một xuất phát điểm khác nhau, một lộ trình khác nhau, mục tiêu, đích đến khác nhau và động lực khác nhau nên cũng phải sáng suốt trong việc so sánh bản thân với những người xung quanh.
Trích lại một đoạn trong một chuyện cũ từng viết: “Hãy cứ đi theo niềm vui của bạn. Bởi lẽ đến cuối cùng của cuộc hành trình, điều mà chúng ta nhớ nhất sẽ là cảm giác hài lòng và hạnh phúc khi được làm những điều mình thích; hoặc sự hối hận cùng tiếc nuối về những cơ hội mình đã bỏ lỡ, những việc mình đã có thể làm.”