22/04/2025
Đây là một bộ phim khá dở bởi vì 70% thoại của phim khiến mình không nghe được, may mà có phụ đề tiếng Anh nên vẫn theo dõi được diễn biến của phim. Thoạt đầu tưởng do mình bị lãng tai bởi lâu ngày không nói tiếng mẹ đẻ, xong bố mình ngồi bên cạnh cũng xác nhận nhiều phương ngữ địa phương của người miền trong quá.
Đã lâu lắm rồi, mình mới có dịp được đi xem phim cùng bố, nhất là vào chủ đề mà cả hai bố con đều yêu thích. Dưới đây sẽ có một số chi tiết SPOILER để mình chia sẻ về cảm nhận cá nhân bên lề, rằng tại sao đây là một bộ phim nên được nhiều người trẻ xem hơn.
Có rất nhiều cách để bắt đầu câu chuyện, và bối cảnh Địa Đạo đã khơi mào mảnh trầu đầu tiên trong chuỗi ký ức của mình. Đó là vào năm cuối cùng ở USTH, mình đại diện cả trường đi dự cuộc thi chung kết sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc ở trong Nam, và đó cũng là lần đầu tiên mình được đi thăm địa đạo Củ Chi, được chui hang như các chiến sĩ ngày ấy.
Địa đạo thực tế có lối vào nhỏ hơn trong phim với nhiều khu vực chỉ phù hợp với cơ địa của người dân thời đó (dưới 1m5) khiến cho mình cũng cực kỳ khó luồn vào nên cảnh có lính Mỹ vượt qua được một đống bẫy, rồi chui được vào tới tầng sâu trong phim là khá phi thực tế. Phòng ốc trong phim cũng có vẻ rộng hơn so với diện tích thực tế, ánh sáng cũng sáng hơn hẳn nữa, có lẽ là để phục vụ công tác làm phim được nhiều góc quay đẹp hơn, tới mức mà đèn pin như kiểu đạt tiêu chuẩn IP67 vậy, mãi không thấy hỏng khi ngấm lâu dưới nước sông.
Trong phim, nhân vật mình thích nhất là Tư Đạp. Sự yêu thích này không đến từ xuất thân có phần gây tranh cãi ban đầu, hay cảnh nóng cuối phim với tần số rung cực nghệ, mà xuất phát từ vai trò vô cùng thiết yếu của anh trong nhóm. Anh là người phải cải tiến, chế lại vũ khí từ những mảnh bom, vỏ đạn tìm được, và đặc biệt là phải đảm nhận công việc nguy hiểm, độc hại là đun nấu thuốc nổ để mang lại lợi thế chiến đấu cho phía ta.
Hình ảnh Tư Đạp làm mình nhớ lại công việc của bố mình khi ông về công tác tại Quân khu Thủ đô sau hơn năm năm đồn trú ngoài đảo xa. Ông đã bị thiếu rau, thiếu nước ngọt và phải tận dụng tất cả những gì ít ỏi có được ở Trường Sa trong hoàn cảnh thiếu thốn thông tin để bám trụ, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc. Bạn biết đấy, mình thường kể rất nhiều về mẹ. Không phải mình thiên vị gì đâu, mà vì tính chất nhạy cảm trong công tác của bố khiến mình không được phép chia sẻ quá nhiều. Song, có lẽ bây giờ, khi bố đã nghỉ hưu được mấy năm rồi, mình xin phép được chia sẻ một chút về ông - một kỹ sư quân sự vô cùng giỏi giang mà mình tin rằng hầu hết các bạn trẻ đi nghĩa vụ quân sự bây giờ, có lẽ đều ít nhiều đã sử dụng hoặc tận dụng được một trong những phát minh và cải tiến về súng của viện nghiên cứu nơi ông từng công tác.
Chuyện chúng ta đi sau về công nghệ, như việc Tư Đạp phải cưa bom sống ra để lấy thuốc nổ chế thành mìn chống tăng nghiệp dư, là cực kỳ thực tế. Những ký ức của bà mình về việc phải nấu chảy vỏ bom là một chuyện, nhưng chính bản thân mình trong những năm cuối làm việc tại viện Hàn lâm cũng từng phải bí mật trợ giúp một số dự án ứng dụng quốc phòng, như làm áo chống đạn, tường cột mốc biên giới và cả đầu phóng cho tên lửa. Đó là thời điểm mà nước người ta đã có đầu đạn hạt nhân xuyên lục địa rồi, trong khi phía ta, anh em viện công nghệ quân sự chỉ bắn được tầm 70m (chính xác là mét, không phải kilômét) là tên lửa đã rụng. Giống như dự án tàu ngầm Trường Sa vậy, dù kết quả ban đầu có thể còn khiêm tốn, chúng ta vẫn phải làm, vẫn buộc phải tự nghiên cứu cho bằng được, vì không thể phụ thuộc mãi vào việc mua vũ khí từ Nga hay Israel. Ông cha ta ngày xưa còn chế được mìn xịn xò như vậy, cải tiến pháo phòng không, rồi đun thuốc độc hại như thế mà vẫn thắng được cả Mỹ, thì với khí tài hiện đại ngày nay, chúng ta càng phải xây dựng tiềm lực đủ mạnh để bảo vệ biên cương. Bảo vệ Tổ quốc không thể chỉ bô bô bằng miệng, bằng mấy cái clip nhảy tóp tóp, bằng múa cờ đu trend trên phây, cũng không thể trông chờ mãi vào viện trợ từ một đồng minh nào đó.
Mỗi năm, mẹ mình đều làm giỗ cho ông chú đã ngã xuống vì nền độc lập này trong thời kỳ chống Pháp, và không biết bao người trong gia đình đã tham gia cả cả hai cuộc kháng chiến. Mỗi lần về quê, nhìn thấy những tấm bảng "Tổ quốc ghi công" đã úa vàng theo thời gian, thuở nhỏ mình đã từng mãi không hiểu tại sao người ta lại có thể hy sinh tất cả để trở thành liệt sĩ như vậy. Tại sao bố lại có thể chịu đựng năm năm ngoài biển đói không đủ cơm? Tại sao bác cả nhà mình lại xung phong đi Campuchia ngày ấy?
Tại sao phải tự hào?
Một phần câu trả lời đến với mình trong lần thứ hai mình sang Mỹ, đúng vào dịp Ngày Độc lập của Mexico. Ngay tại trung tâm Chicago, mình chứng kiến hàng trăm chiếc xe treo cờ Mễ nối đuôi nhau hú còi inh ỏi, hàng ngàn người gốc Mễ đổ ra đường, mặc trang phục màu xanh đỏ sọc trắng, cùng nhau ngân nga bài Quốc ca giữa tiếng kèn đồng vang dội từ hai bên vệ đường. Những đồng nghiệp Mỹ da trắng của mình vội bảo mình trốn vào khách sạn vì ngại "bạo loạn", song cá nhân mình lại không cảm thấy như vậy. Bầu không khí tự hào dân tộc của họ vô tình lan tỏa và chạm đến cả mình, giống hệt như cảm giác khi chúng ta xuống đường "đi bão" mỗi khi đội tuyển bóng đá nước nhà giành chiến thắng. Lặng lẽ bước đi giữa dòng người xa lạ, mình cười vui và chợt tự hỏi: "Tới bao giờ, quốc khánh mùng 2 tháng 9 của chúng ta, cũng có thể rực sắc đỏ trên đường phố Mỹ như vậy, làm bọn da trắng sợ hãi phải chạy vào trong nhà?". Thật trớ trêu phải không, đây là ngày độc lập của Mexico, hay của người Mỹ vậy?
Đó chỉ là một suy nghĩ thoáng qua thôi. Có thể ngày đó sẽ đến, hoặc không, thực ra điều đó cũng không quá quan trọng. Chỉ là niềm hân hoan le lói trong vài giây ngắn ngủi tưởng tượng ấy, đến giờ vẫn còn đọng lại trong mình.
Bùm.
Một tiếng động lớn bất ngờ phá tan bữa ăn trưa yên tĩnh ở nhà ông bà gấu. Hóa ra một chiếc drone của Ukraina lại bị bắn hạ khi đang cố gắng do thám trường đào tạo phi công chiến đấu, nằm ngay sát khu nhà tập thể của ông ngoại – cũng là một cựu phi công thời Liên Xô. Mọi người trong nhà cố tỏ ra bình thường, nhưng mình thấy rõ nét mặt ái ngại trên từng khuôn mặt. Mẹ gấu bảo rằng năm nay không nên mua pháo hoa nữa, vì người ta khuyến cáo rằng phía Ukraina đã thêm nhiều thành phần lạ vào pháo, khiến nhiều người trong thành phố đã bị tai nạn khi đốt. Bà sợ mình, người mới sang Nga lần đầu đón năm mới và cũng là lần đầu tiên đốt pháo, sẽ bị thương vì một sự cố không đáng có từ một cuộc chiến không liên quan đến mình.
"Chẳng phải họ đang muốn hòa bình và tìm kiếm sự ủng hộ từ những người Nga yêu hòa bình sao?", mình bực tức kể lại với bố qua điện thoại, "Chẳng lẽ g.iết được một người Nga bất kỳ lại được coi như một chiến công... y như ngày trước, cứ đánh bom giết được một đứa Mỹ trắng là thắng lợi, mặc kệ đó là địch hay chỉ là khách du lịch, cũng coi như một chiến tích... nhỡ người đó đúng là người theo chủ nghĩa hòa bình và đang cố gắng thúc đẩy cuộc chiến tới hồi kết nhanh hơn thì sao?".
"Tại sao lại có thể bình thường hóa việc sát hại người vô tội như vậy?", mình thốt lên.
"Chiến tranh mà con," bố thở dài qua điện thoại, "đúng và sai, thật sự rất khó để nghĩ thông khi mà quê hương mình đang lâm nguy."
Bộ phim "Địa Đạo" đã mang lại cho mình thật nhiều hoài niệm, những dòng suy nghĩ đan xen, phức tạp trong suốt hai tiếng đồng hồ ngắn ngủi và dư âm của nó vẫn còn đọng lại tới bây giờ. Lời nguyền của một nước nhỏ nằm bên cạnh một nước lớn thật khó để giải quyết trong một thế giới biến động đầy lòng tham này. Bao giờ mới thực sự có được bình yên và chấm dứt những cuộc chiến vô nghĩa?
Kết thúc của bộ phim để ngỏ, và mình nghĩ rằng cái kết đó chính là nền độc lập tự do của chúng ta ngày hôm nay – cái mà ông mình, bác mình và bố mình đã dùng cả tuổi thanh xuân để gìn giữ. Mặc dù biết rằng chủ nghĩa dân tộc là một thứ cực đoan, mình siêu ghét mấy khứa cuồng Việt suốt ngày đề cao tự khen thái quá, nhưng một phần trong mình vẫn rất khó để bài xích đi cái tôi tự hào là người con máu đỏ da vàng. Nó vẫn chực bùng lên mạnh mẽ như một phần của con tim, dù cho lý trí luôn nhắc nhở rằng mọi dân tộc đều bình đẳng như nhau.
Có lẽ do kinh phí còn hạn hẹp và những hạn chế trong việc tiếp xúc với khí tài quân sự thật, nên cả mình và bố đều có chung cảm nhận rằng bom đạn trong phim chưa đủ "thật". Mình rất thích thú mỗi khi bố ngừng lại bình luận về một khẩu súng trong phim. Thực tế chiến trường chắc chắn phải nhiều hơn thế nữa, dữ dội hơn thế nữa mới có thể phần nào lột tả được cuộc sống khốc liệt của các chiến sĩ Củ Chi ngày ấy. Các diễn viên cũng chịu bẩn tương đối tốt để lột tả được hình ảnh trần trụi thuở đó.
Khi bộ phim kết thúc, tiếng nhạc vang lên.
Mình bất chợt mắc kẹt trong khoảnh khắc lần đầu tiên mình được ngồi lên cây pháo phòng không đã từng bắn hạ B52, đặt trong phân xưởng sửa chữa của bố. Một đứa nhóc 4 tuổi, lọt thỏm giữa một rừng khí tài hoen gỉ và một giấc mơ về hòa bình vẫn luôn thật đẹp biết bao.
"Năm anh em trên một chiếc xe tăng", những câu hát vô lo vô nghĩ của các anh và bố trong mỗi buổi văn nghệ cuối năm vẫn chưa bao giờ làm mình chán. Sau bao năm tiểu học bị ép đi hát, mãi mới có một lần được giải rút ở cơ quan bố.
Có lẽ, sau tất cả những suy nghĩ này, mình không cần phải bận tâm thật nhiều đến những bình luận tiêu cực, những lời chất vấn rằng "mình đã làm gì cho tổ quốc". Đơn giản là vì còn có thật nhiều câu chuyện chưa có thời gian kể mà thôi. Cảm ơn "Địa Đạo" đã tiếp thêm niềm tin cho mình, để mình có thể kể thêm một câu chuyện thật dài sắp tới – một chuỗi ký ức mà mình đã từng dự tính bỏ đi do ngại đụng chạm đến rất nhiều bên. Nhưng giờ đây, mình nghĩ mình nên học sự can đảm của Tư Đạp khi anh dám dùng lửa để cưa bom.
Tới tầm này rồi thì còn sợ gì bố con thằng nào nữa.
Ta đâu có bán nước đâu mà sợ, nhỉ?