30/05/2023
RASHFORD CẦN HỌC GÌ TỪ VAN PERSIE???
Bàn thắng của Marcus Rashford ở hiệp 2 trận gặp Chelsea, ấn định chiến thắng 4-1 cho M.U, là pha lập công thứ 30 của tiền đạo này tính trên mọi đấu trường. Anh mới chỉ là cầu thủ thứ 12 của M.U chạm đến cột mốc bàn thắng này trong một mùa giải. Lần gần nhất, cũng là tròn 10 năm về trước, và cũng là lần gần nhất “Quỷ đỏ” vô địch Premier League, thành tích này gọi tên Robin van Persie.
Dù Rashford vẫn còn cơ hội để vượt qua thành tích của ngôi sao đàn anh ở mùa giải năm nay (Còn trận chung kết FA Cup), nhưng bây giờ chúng ta sẽ đào sâu hơn vào mốc 30 bàn mà hai chân sút này đã chạm đến cho M.U.
Ở mùa 2012/13, Van Persie cán mốc 30 bàn sau 48 lần ra sân. Con số này với Rashford là 54. Có một sự khác biệt tương đối lớn về vai trò trên sân giữa hai cầu thủ này. Ngoài vai trò tiền đạo cắm, Rashford đôi lúc được dùng ở vị trí chạy cánh trái. Trong khi đó, Van Persie “đóng đinh” ở vị trí cao nhất trên hàng công “Quỷ đỏ”, vai trò phát huy được tối đa khả năng của anh.
Trong hành trình chạm mốc 30 bàn, Rashford được đá chính nhiều hơn Van Persie. Chân sút người Anh được HLV Erik Ten Hag điền tên vào đội hình xuất phát 44 lần, trong khi con số của Van Persie là 40. Tuy vậy, bàn thắng thứ 30 của Rashy lại đến khi anh vào sân từ ghế dự bị, thay Antony gặp chấn thương.
Khi nhìn vào tỉ lệ chuyển hóa bàn thắng của hai cầu thủ, mọi thứ trở nên thú vị hơn. Rashford đã ghi 30 bàn từ 159 cú sút, trong khi Van Persie ghi 30 bàn từ 169 lần dứt điểm. Bạn cũng có thể nhận định rằng Rashford chắt chiu cơ hội hơn Van Persie.
Nhưng nên biết rằng, tiền đạo Hà Lan đã ghi tới 26 bàn ở Premier League 2012/13, so với 17 của Rashford. Tuy nhiên, số bàn thắng của Rashford chia đều vào giải đấu hơn so với Van Persie, khi tiền đạo người Anh đều lập công ở Europa League, Carabao Cup và FA Cup. Trong khi đó, Van Persie chỉ ghi 4 bàn ở các giải cúp ở mùa 2012/13, 3 trong số đó là ở Champions League.
Về cách ghi bàn, Van Persie có 3 quả 11m thành công, trong khi Rashford có 1 (ở trận gặp Everton tại vòng 3 FA Cup). Tiền đạo Hà Lan có 1 pha đá phạt trực tiếp thành bàn, trong khi Rashford chưa có lần nào.
So với Van Persie, Rashford tạo ra tác động nhiều hơn ở hiệp 2 các trận đấu, khi anh đã có 21 lần tìm thấy mành lưới đối phương sau giờ nghỉ. Trong khi Van Persie chỉ có 13 bàn ở nửa sau trận đấu. Dễ suy ra Van Persie hiệu quả hơn trong hiệp 1, với 17 bàn so với 9 bàn của Rashford.
Cả hai chân sút đều khá tương đương về số bàn thắng có được từ chân thuận. Rashford ghi 21 bàn bằng chân phải, còn Van Persie có 20 bàn bằng chân trái. Với chân không thuận, Van Persie nhỉnh hơn Rashford 2 bàn (7 so với 5).
Khu vực trong vòng 16m50 là không gian ưa thích của cả hai, khi họ đều có 26 bàn từ đây. Rashford có 4 bàn từ đánh đầu, nhiều hơn 1 bàn so với Van Persie ở mùa 2012/13.
Khi Rashford xé lưới Chelsea, anh trở thành một trong hai cầu thủ ghi nhiều bàn thứ tư cho M.U tại Old Trafford trong một mùa giải (người còn lại là Wayne Rooney), đứng sau Ruud van Nistelrooy (28 bàn mùa 2001/02), Cristiano Ronaldo (26 bàn mùa 2007/08) và Ruud van Nisterooy (21 bàn mùa 2002/03).
Còn khi Van Persie ghi 18 bàn trên sân khách ở mùa 2012/13, đấy là kỷ lục mà chưa cầu thủ M.U nào làm được trong kỷ nguyên Premier League.
Van Persie và Rashford là hai cầu thủ rất khác nhau. Một người dựa nhiều và tốc độ và sức mạnh. Người kia có xu hướng đá ở trung tâm và tận dụng cực tốt cái chân trái siêu hạng. Nhưng dù có khác nhau như thế nào, họ đều là những người giỏi đánh hơi cơ hội và kết liễu đối thủ.
Ở tuổi 25, Rashford còn quá nhiều thời gian và cơ hội để tự mình tạo nên những kỷ lục ghi bàn mới. Anh thậm chí có thể lập ra kỷ lục mới rồi tự mình phá luôn kỷ lục đó.
Rashford nên học hỏi điều gì khi nhìn vào những con số của Van Perise? Anh cần giúp M.U giải quyết nhanh những trận đấu mà họ có đủ năng lực để thắng áp đảo, ghi thêm những bàn thắng từ sớm. Bên cạnh đó, Rashford cũng cần phải chứng tỏ mình nhiều hơn khi M.U đá xa nhà. Sáu trên 33 điểm trước các đội thuộc Top 12 Premier League khi đá sân khách là một con số đáng báo động của M.U.
Mười năm trước, một người Hà Lan (Van Persie) và một người Vương quốc Anh (Sir Alex Ferguson) đã giúp M.U thống trị giải đấu, như cái cách mà họ thường xuyên làm được trước đây. Sau một giai đoạn ảm đạm, giờ đây, một người Hà Lan (Erik Ten Hag) và một người Vương quốc Anh khác (Rashford) đang đưa “Quỷ đỏ” trở lại đường ray, và hy vọng vào những điều mới mẻ.