06/05/2024
Một câu chuyện hay
MÌNH ĐÃ TỪNG SUÝT "ĐI ĐỜI" VÌ… ĐIỆN GIẬT
Hồi nhỏ, mình là đứa chuyên táy máy mọi thứ: nghịch nước, nghịch lửa, trèo cây, thử cắm điện… cái gì cũng khiến mình hào hứng muốn khám phá. Nhưng “Tò mò hại chít con mèo”, chính cái thói quen ấy khiến mình và cả nhà được vài phen hú vía.
Chuyện là hồi 5-6 tuổi, mình rất thích xem bố sửa điện. Cứ nhìn thấy bố mày mò một chốc, lấy tua vít xoáy chỗ nọ, xoáy chỗ kia rồi đèn lại sáng, quạt lại chạy là mình mê lắm, y như xem thầy phù thủy đang làm phép vậy.
Có một lần cái bóng đèn ở nhà bị cháy, phải thay mới nên bố mua bóng đèn khác về, tháo đui đèn ra, rồi bỏ đó đi làm việc khác. Chị mình không biết đèn hỏng nên cắm phích dẫn điện vào, nhưng thấy không sáng nên lại thôi, không để ý nữa. Còn mình, thấy có cái bóng đèn mới tinh ở trên bàn, lại biết đèn bị hỏng nên nảy ra ý định tự lắp đèn. Mình tưởng tượng khi bố về, thấy đèn sáng trưng còn mình thì ưỡn ngực tự hào là miệng ngoác tận mang tai.
Mình đã nhìn thấy bố thay bóng đèn vài lần, dễ ợt, chỉ cần xoáy cái bóng cho khớp với đui đèn là xong. Thế là mình trèo lên ghế, cầm sẵn cái bóng đèn để chuẩn bị thay. Khi mình vừa sờ lên đui đèn, điện ngay lập tức truyền vào khiến mình bị giật điếng cả người. Mình vẫn nhớ rõ cái đui đèn như hố đen vũ trụ, mình muốn dứt ra cũng không dứt được, cứ hút tay mình vào.
Hồi ấy láng giềng với nhau chưa kín cổng cao tường như bây giờ, nhà mình với nhà bên chỉ cách nhau một bờ giậu thấp lè tè. May cho mình là bác hàng xóm đang quét sân bỗng dưng nhìn sang (ơn giời) thấy mình bị giật liền lao sang. Bác vội đi rút dây điện để đề phòng giật lần nữa. Sẵn cái chổi trong tay, bác gạt đui đèn ra khỏi tay mình, lập tức mình ngã xuống sàn luôn.
Lúc đấy là mình xụi lơ rồi. (Lại) may cho mình, bác là trạm phó ở trạm y tế xã nên có cách ứng biến rất nhanh với tình hình. Bác đặt mình ra chỗ phẳng, ngửa đầu, ghé sát tai vào gần miệng và mũi của mình để lắng nghe hơi thở, chú ý nhìn xem những cử động của lồng ngực xem mình còn ổn không. Tất nhiên mình không hề ổn, hic, lúc đó mình ngất rùi.
Vì mình là em bé nên bác hà hơi thổi ngạt bằng cả hai đường thở của mình (áp miệng trùm lên cả miệng và mũi), ép tim nhanh và nhẹ hơn người lớn (khoảng 120 lần/phút) và 30 lần/đợt ép. Cứ thế trong 2 phút là mình đi từ cổng thiên đàng về lại mặt đất.
Bác liền gọi thêm người để bế mình đi trạm y tế xã để cấp cứu và theo dõi thêm. Thế là mình sống nhăn, có thêm vết sẹo bỏng điện ở ngón tay và một kinh nghiệm nhớ đời. Mình tự hứa sẽ không nghịch điện linh tinh nữa.
Đó là chuyện của 15 năm trước, may mắn cho mình là người có chuyên môn đang ở ngay đó nên mình được cứu. Nhưng trong thời đại bây giờ, ai cũng cần có kĩ năng này hết để kịp thời ứng cứu nạn nhân. Mình đã trở thành một “hiệp sĩ nhỏ” của Be Someone’s Hero để lan tỏa thông điệp này tới mọi người.
Hãy cùng Be Someone’s Hero trang bị những kĩ năng sơ cứu một cách đơn giản, dễ nhớ nhé!
-------------------------------------------------
🩹 “Be Someone’s Hero - Sơ cứu không khó đâu” 🩹
“Cuốn cẩm nang” sơ cứu đơn giản, dễ áp dụng dành cho người trẻ được thực hiện bởi nhóm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Mọi thắc mắc, góp ý xin liên hệ với chúng mình qua:
☎️ Tel: 0325473547 - Phương Linh (Đại diện dự án)
📩 Email: [email protected]
🎯 Fanpage: Be Someone’s Hero - Sơ cứu không khó đâu
📸 Tiktok: .someones.hero