Gosinga - Khóa thiền 9 ngày Hà Nội

Gosinga - Khóa thiền 9 ngày Hà Nội LỰA CHỌN THIỀN - LỰA CHỌN GOSINGA
Fanpage chính thức của Gosinga chùa Long Hưng - Nơi tổ chức các khoá thiền Tứ Niệm Xứ 9 ngày Hà Nội

Thưa thầy cho con hỏi nếu tâm không thích chán ghét mới hết khổ thì bước ra ngoài đời sống với tâm này có cản trở mình y...
20/06/2025

Thưa thầy cho con hỏi nếu tâm không thích chán ghét mới hết khổ thì bước ra ngoài đời sống với tâm này có cản trở mình yêu một ai hay có gia đình không ạ?
Vì khi yêu cũng là lúc dễ bộc lộ hỉ, nộ, ái, ố, có lúc hạnh phúc, có lúc tiêu cực. Vậy thì có cách suy nghĩ nào giúp bản thân biết nên yêu như thế nào cho đúng cho bớt khổ và có thể truyền đạt đến đối phương để cùng hiểu không ạ?
Tương tự trong các mối quan hệ gia đình thì khi người thân gây chuyện, ví dụ như gây nợ, ngoại tình làm ảnh hưởng đến cả gia đình vậy thì nên giải quyết và suy nghĩ thế nào để cả gia đình bớt khổ tâm đau buồn ạ?
--------------------
🌿Thiền sư trả lời:
Quý vị sẽ thấy rằng chỉ khi nào quý vị thực hành, quý vị thực hành phần định, phần tuệ, mà lúc đó không có thích, chán, ghét thì lúc đó quý vị kinh nghiệm được kết quả là hết khổ được vui ngay bây giờ và tại đây.
Đương nhiên không phải lúc nào quý vị cũng thực hành được điều đó liên tục. Bây giờ quý vị đang bắt đầu thực hành, gọi là hữu học.
Lúc thì quý vị có Chánh niệm, lúc đó Bát Chánh Đạo khởi lên, lúc đó là hết khổ được vui ngay bây giờ và tại đây. Nhưng khi quý vị không có Chánh niệm, tà niệm khởi lên thì lúc đó Bát Tà Đạo khởi lên và lúc đó vẫn có tham, sân, si, vẫn có khổ.
Cho nên bây giờ quý vị đang trong thời kỳ có hai lộ trình tâm đan xen với nhau. Có thể là người này thì Bát Tà Đạo nhiều, Bát Chánh Đạo ít; người kia thì Bát Chánh Đạo nhiều hơn, Bát Tà Đạo ít.
Nhưng bây giờ quý vị tinh tấn, tích cực, nỗ lực để phấn đấu làm thế nào trong một ngày lộ trình tâm Bát Chánh Đạo nhiều hơn Bát Tà Đạo. Và dần dà, khoảng cách giữa Bát Tà Đạo và Bát Chánh Đạo càng ngày càng tăng thêm, có nghĩa là Bát Chánh Đạo càng ngày càng nhiều mà Bát Tà Đạo càng ngày càng ít.
Đương nhiên là khi Bát Tà Đạo thì quý vị có thích, chán ghét, có yêu đương, có thù hận. Cho nên lúc đó là có tình cảm nam nữ, có tình cảm vợ chồng. Và đương nhiên nó đều có hai mặt, đã có yêu thì có ghét, đã có vui thì có khổ. Nhưng kể cả trong đời sống tình yêu đó, vui thì ít mà khổ thì nhiều, não nhiều, ghen tuông lại càng nhiều hơn.
Còn khi Bát Chánh Đạo thì quý vị không có tham, sân, si, không có yêu đương, không có thù-hận lẫn nhau.
Và chắc chắn nếu như là lộ trình tâm Bát Chánh Đạo thì không thể có yêu đương được, bởi vì lúc này là không có thích, chán, ghét, không có yêu đương nhưng mà cũng không có thù hận.
Và lúc này tâm khi nào cũng tích cực, vui vẻ, thoải mái. Cho dù lúc đó quý vị đang là quan hệ vợ chồng với nhau, không có yêu đương, không có ghét bỏ, nhưng quý vị khi nào cũng có lời nói, hành động, cư xử tử tế, thân thiện, đúng mực với nhau.
Thế thì quý vị thấy rằng, nếu như khi quý vị, cả hai vợ chồng đều tu tập hay là cùng với con cái tu tập thì trong gia đình, trong thời gian có tu tập, cùng nhau tu tập thì sẽ có lời nói, hành động, cư xử tử tế, thân thiện, đúng mực với nhau.
Mà nếu như nó kéo dài được một ngày thì ngày đó quá tuyệt vời phải không? Nếu như kéo dài được một tháng thì tháng đó là lý tưởng. So với thời kỳ mới bắt đầu cưới nhau, mới bắt đầu yêu nhau thì hạnh phúc rất nhiều, khổ đau ít hơn.
Nhưng mà quý vị sẽ thấy, ai mà kinh nghiệm được trong một gia đình, hai vợ chồng mà từ sáng đến tối có lời nói, hành động, cư xử tử tế, thân thiện, đúng mực với nhau thì đó là một thứ hạnh phúc mà những hạnh phúc thế gian không thể nào sánh được.
Đó gọi là lý tưởng - mơ ước của loài người, nhưng thực sự nó là khả thi.
Đương nhiên, khi một người chưa yêu, đang là thanh niên, khi tu tập Bát Chánh Đạo thì không thể có yêu được, nhưng nếu như lộ trình tâm lúc là Bát Tà Đạo, tiếp cận nam nữ với nhau thì cũng có thể nảy sinh tình yêu, chứ không phải là không.
Nhưng mà hai trường hợp là nó khác nhau. Nếu như là yêu nhau, tình cảm tha thiết với nhau trên Bát Tà Đạo: lúc thì yêu, lúc thì ghét, lúc thì hờn giận, lúc thì ghen tuông,… thì quý vị đã kinh nghiệm rồi.
Có thi sĩ đã nói rằng "yêu là chết trong lòng một ít". Cái đó là rõ rồi.
Nhưng bây giờ nếu như quý vị đang yêu nhau mà quý vị thực hành Bát Chánh Đạo thì rõ ràng, khi lộ trình tâm khởi lên Bát Chánh Đạo thì không có tình yêu nhưng cũng không có ghét bỏ. Nhưng lúc đó lại cư xử với nhau tử tế, thân thiện, đúng mực.
Cái này là quý vị phải thực hành, thân chứng rồi mới hiểu rõ được.
Còn nếu như là trong gia đình, quý vị đưa ra ý kiến như vậy:
Quý vị phải hiểu để thay đổi, để cải thiện được cuộc sống gia đình thì cái cốt lõi là quý vị phải thay đổi được nhận thức, hiểu biết về khổ vui.
Tứ Thánh Đế thực chất là cái hiểu biết sai và hiểu biết đúng về khổ vui thôi. Hiểu biết sai thì đi giải quyết khổ vui ở bên ngoài. Lúc đó sẽ có lời nói, hành động đối xử với nhau bởi tham, sân, si, bởi căng thẳng, bởi ghen tuông, bởi hờn giận, bởi mệt mỏi, bởi khổ. Bởi vì cho rằng những đối tượng kia làm cho mình khổ, gây khổ cho mình, cho nên mới tức tối, giận dữ, mới xung đột, mới ghen tuông, hờn giận, mới đủ các thứ hỉ, nộ, ái, ố.
Còn bây giờ mình thay đổi được nhận thức: Hiểu rằng khổ vui không ở nơi bên ngoài, không ở nơi người khác, trong gia đình không ai làm cho mình vui, cũng không ai làm cho mình khổ được cả.
Khi nào mà mình thích thì là mình sẽ vui với đối tượng đó, khi nào mình chán ghét thì mình sẽ khổ với đối tượng đó. Khi hiểu được sự thật về khổ vui như vậy, sự tu tập sẽ giải quyết khổ vui; và khi thay đổi được nhận thức đó thì lúc nào cũng có lời nói, hành động, cư xử với nhau tử tế, thân thiện, đúng mực. Lúc đó gia đình đâu còn cái khổ nữa.
Cho nên khi trở về nhà, quý vị thực hành phần định là cắn chặt răng, ngậm chặt lưỡi, nhắc thầm "thấy, thấy" mọi lúc mọi nơi theo nhịp để an trú Chánh định. Nhưng quý vị phải tham dự thêm các pháp đàm, các chương trình của Gosinga.
Gosinga thời kỳ này là tập trung 4-5 tháng liền để thay đổi nhận thức, hiểu biết về khổ vui.
Đặc biệt là trong gia đình, nếu trong gia đình vợ chồng, con cái cùng học cái này, cùng tập trung và bàn thảo cái này để thay đổi nhận thức về khổ vui:
Thí dụ như là con hay là cha mẹ hôm nay có một sự khổ gì đó, thì đưa ra bàn luận theo nội dung mà bài học quý vị đã học ở đây, để thấy rằng một người bố hay là một người mẹ hay là một người con khởi lên khổ như vậy, có lời nói, hành động như vậy thì chắc chắn phanh phui ra là do hiểu biết sai về khổ vui. Do hiểu rằng cha làm mình khổ hay là mẹ làm mình khổ hay là con cái làm mình khổ, thì đó là cái hiểu biết sai sự thật.
Và mỗi một lần như vậy, bàn thảo, tư duy với nhau như vậy thì dần dà loại bỏ hiểu biết sai đó. Và với hiểu biết đúng là khổ vui ở nội tâm của mỗi người, bây giờ hiểu được như vậy thì sẽ có lời nói, hành động, cư xử tử tế. Bởi vì hiểu rằng có phải là những người đó làm mình khổ đâu, mà lại cư xử về họ như vậy.
Cho nên là quý vị sẽ thấy, một phần rất căn bản là quý vị phải thay đổi nhận thức về khổ vui. Quý vị phải thực hành cả định cả tuệ.

20/06/2025

...Sau khi chết không còn hiện hữu bất kỳ nơi nào, bất kỳ nơi chốn nào

🔥KHÓA HÈ KỸ NĂNG SỐNG - TẠI QUẢNG NINH, HẢI PHÒNG🔥RÈN LUYỆN LỐI SỐNG TỰ LẬP - TÍCH CỰC - VUI - THOẢI MÁIXe đưa đón 2 chi...
20/06/2025

🔥KHÓA HÈ KỸ NĂNG SỐNG - TẠI QUẢNG NINH, HẢI PHÒNG
🔥RÈN LUYỆN LỐI SỐNG TỰ LẬP - TÍCH CỰC - VUI - THOẢI MÁI

Xe đưa đón 2 chiều từ Hà Nội và Hải Phòng về Quảng Ninh
Dành cho học sinh từ lớp 6 - lớp 12.

⛔Khóa hè giúp các con:
- Cải thiện khả năng tập trung và học tập hiệu quả
- Cân bằng cảm xúc, nhất là với trẻ tuổi dậy thì
- Sống tử tế, thân thiện, trí tuệ và đạo đức.
- Trở thành đứa trẻ dễ nuôi, sống tự lập và tự giác

Thực hành liên tục từ khi thức dậy cho đến khi đi ngủ, thực hành trong mọi tư thế, mọi công việc, học tập, giải trí vui chơi...

🔹Hình thức: nội trú - Giới hạn 60 em/khóa
🔹Thời gian: 7 Ngày
🔹Tại Trường Xanh Tuệ Đức Quảng Ninh (THCS - THPT Trần Hưng Đạo)

🔥Khóa hè đặc biệt!
- Rèn luyện kỹ năng chú tâm trong các tư thế, hoạt động ngoại khoá giúp các con phát triển trí tuệ cảm xúc.
- Không còn bị chi phối vào điện thoại và các thiết bị công nghệ.
- Rèn luyện kỹ năng mềm: giao tiếp, thuyết trình, vẽ tranh, giáo dục giới tính,…

‼️Thiền sư Nguyên Tuệ & các thầy cô huấn luyện chuyên môn trực tiếp lên giáo án và giảng dạy!

Link đăng ký và thông tin chi tiết: gosinga.vn/thieunientulap
Hotline: Cô Bùi Huế - 0946828931

🔥Cơ hội đồng hành 1 năm sau khi kết thúc khóa hè để các con tiếp tục học tập và rèn luyện!

Hãy cho con một mùa hè trưởng thành - ý nghĩa - hiệu quả!

NIẾT BÀN"Là một từ Hán Việt được phiên âm từ tiếng Ấn Độ, dịch sang tiếng Việt có nghĩa là KHỔ DIỆT hay SỰ VẮNG MẶT KHỔ....
20/06/2025

NIẾT BÀN
"Là một từ Hán Việt được phiên âm từ tiếng Ấn Độ, dịch sang tiếng Việt có nghĩa là KHỔ DIỆT hay SỰ VẮNG MẶT KHỔ.
Đây là một trong Bốn Sự Thật hay Bốn Chân Lý mà bậc Thánh đã giác ngộ và tuyên thuyết.
Đây cũng là một đề tài mà đa phần học giả, đa phần tín đồ Phật giáo xem là cao siêu, màu nhiệm, vi tế không thể nào hiểu biết một cách rõ ràng, một điều bất khả tư nghì (không thể nghĩ bàn), tuy nó được Đức Phật định nghĩa hết sức đơn giản:
NIẾT BÀN LÀ ĐOẠN TẬN THAM,
ĐOẠN TÂN SÂN, ĐOẠN TẬN SI"
- Thiền sư Nguyên Tuệ -

CHÂN ĐẾ VÀ TỤC ĐẾ_Thiền Sư Nguyên Tuệ_      Chân đế và Tục đế là những khái niệm xuất hiện về sau, nó không có trong các...
20/06/2025

CHÂN ĐẾ VÀ TỤC ĐẾ
_Thiền Sư Nguyên Tuệ_
Chân đế và Tục đế là những khái niệm xuất hiện về sau, nó không có trong các bộ kinh Nikaya, nghĩa là không do Phật nói. Kinh điển có nói đến Đế, nói đến Chân Lý hay Sự Thật phổ quát mà các bậc Thánh đã giác ngộ, đó là Tứ Thánh Đế bao gồm Khổ Đế, Tập Đế, Đạo Đế và Diệt Đế. Như vậy Kinh điển nói đến Tứ Đế chứ không phải là Nhị Đế. Nhị Đế bao gồm Tục đế và Chân đế là quan niệm của người đời sau và các quan niệm đó không ăn nhập gì với Tứ Đế.
Tục đế được hiểu là Sự thật tương đối, Chân đế được hiểu là Sự thật tuyệt đối. Trong cách hiểu như vậy đã có sự mâu thuẫn. Nếu đã là sự thật, là chân lý thì chỉ duy nhất có một sự thật, chứ không thể nào có hai sự thật tương đối và tuyệt đối được. Nếu hiểu sự thật tương đối là gần với sự thật, thì nó đâu phải là sự thật, cho dù nó gần sự thật bao nhiêu đi nữa thì nó vẫn không phải là sự thật. Hiểu Tục đế và Chân đế như vậy là do sự đồng nhất giữa Thực tại và Thế giới, bắt nguồn từ Ý thức nhị nguyên của loài người có nội dung là Bản ngã và Thế giới. Chủ thể biết là Bản ngã và Đối tượng được biết là Thế giới, vì thế mới phát sinh khái niệm: Tục đế là biết về sự thật tương đối về Thế giới và Chân đế là biết sự thật tuyệt đối về Thế giới. Tục đế là thấy biết sự thật tương đối về Thế giới của Phàm phu, với những khái niệm, ngôn ngữ chế định, có Ta, có người, có to nhỏ, nặng nhẹ, cứng mềm, thô mịn, xanh vàng đỏ trắng, mặn ngọt chua cay, có Phật có chúng sanh... Chân đế là sự thật tuyệt đối về Thế giới, không có khái niệm, không có ngôn ngữ chế định. Những ai giác ngộ Chân đế là giác ngộ sự thật tuyệt đối về thế giới thì không thể nào có thể diễn giảng, giảng nói về cái sự thật tuyệt đối vô ngôn, vô niệm, vô phân biệt ấy. Đây là một sự nhầm lẫn rất lớn, nhầm lẫn cơ bản về sự giác ngộ của Đức Phật. Sự giác ngộ của Đức Phật là giác ngộ Tứ Thánh Đế, chứ không phải giác ngộ về Thế giới và sau khi giác ngộ Tứ Thánh Đế, Ngài đã thuyết giảng, xác chứng, hiển thị, phân tích, chỉ dẫn rành mạch về Bốn Sự Thật đó. Tục đế và Chân đế theo cách hiểu là sự thật tương đối và tuyệt đối của Thế giới là Căn bản Vô minh, Tâm biết Cảnh, Tâm biết các Sắc pháp, nghĩa là Nhãn thức thấy Sắc trần, Nhĩ thức nghe Thanh trần, Tỉ thức biết Hương trần, Thiệt thức biết Vị trần, Thân thức biết Xúc trần, Tưởng thức biết Pháp trần. Chính Căn bản Vô minh này là màn che, ngăn không cho kẻ phàm phu thấy như thật Thực tại, không phân biệt được Thực tại và Thế giới là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Thực tại của Phàm hay Thánh bao gồm Cái biết và Cái được biết đều do sáu Căn và sáu Trần tiếp xúc mà phát sanh ra và Cái được biết (đối tượng) là sáu Cảm thọ chứ không phải là Thế giới Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp trần. Thực tại còn bao gồm: Niệm, Tư duy, Ý thức, Thái độ, Phản ứng với đối tượng cũng là đối với Cảm thọ, kết quả của Thái độ và Phản ứng ấy cũng là với Cảm thọ. Như vậy có một Con người chủ quan và một Thế giới khách quan tiếp xúc với nhau phát sinh một "Thế giới cảm thọ" và những gì được Thấy, được Nghe, được Cảm nhận, được Nhận thức là "thế giới Cảm thọ" chứ không phải là Thế giới khách quan (Thế giới). Thực tại cũng được phân chia thành hai loại: Thực tại của kẻ Phàm phu và Thực tại của bậc Thánh nhưng không phải Thực tại của Phàm phu là Thực tại tương đối còn Thực tại của bậc Thánh là Thực tại tuyệt đối, mà kẻ Phàm phu không thấy biết như thật hay không giác ngộ Thực tại, chỉ có bậc Thánh mới thấy biết như thật, mới giác ngộ cả hai Thực tại này.
- Thực tại của Phàm phu: Khi sáu Căn tiếp xúc sáu Trần phát sinh sáu Thọ và sáu Tưởng, tức sáu cái biết trực tiếp giác quan nhận biết sáu Thọ (Xúc ➡ Thọ - Tưởng) tiếp đến Tà Niệm, Tà Tư duy khởi lên làm phát sinh Tà Tri kiến, là cái biết Ý thức nhị nguyên có nội dung Bản ngã và Thế giới (Cái biết là Bản ngã, Đối tượng được biết là Thế giới) không đúng sự thật, không liễu tri đối tượng nên gọi là Vô Minh. Do có Vô Minh mà sẽ phát sinh Thái độ là Thâm Sân Si và Ràng buộc vào đối tượng (gọi là Thủ), do có Thủ mà sẽ có Phản ứng với đối tượng, do có Phản ứng (gọi là Nghiệp Hữu) mà có sầu bi khổ ưu não sinh già bệnh chết... Trong Duyên Khởi có thuyết minh một cách tóm tắt:
Xúc ➡ Thọ ➡ Ái ➡ Thủ ➡ Hữu ➡ Sinh ➡ Già chết sầu bi khổ ưu não...
Nếu Thực tại này thuyết minh một cách đầy đủ thì đó là những lộ trình tâm Bát Tà Đạo, do sáu Căn tiếp xúc sáu Trần phát sinh ra:
Xúc ➡ Thọ - Tưởng ➡ Tà Niệm ➡ Tà Tư duy ➡ Tà Tri kiến ➡ Tham, Sân, Si (Ái) ➡ Tà Định ➡ Dục ➡ Tà Tinh tấn ➡ Phi như lý tác ý ➡ Tà ngữ, Tà nghiệp, Tà mạng ➡ Sầu bi khổ ưu não Sinh già bệnh chết...
Trong Thực tại của Phàm phu có Vô minh, có Tham Sân Si, có sầu bi khổ ưu não, Sinh già bệnh chết nghĩa là có Sự thật Khổ và Sự thật Nguyên nhân Khổ. Kẻ Phàm phu tuy sống trong Thực tại có Sự thật Khổ và Sự thật Nguyên nhân Khổ nhưng vì bị Vô Minh che đậy nên không giác ngộ hai sự thật này. Bậc Thánh giác ngộ Lý Duyên khởi nên thấy biết như thật Khổ khởi lên theo lộ trình tâm Bát Tà Đạo, Khổ là Tâm chứ không phải Cảnh, Khổ vô thường, vô ngã. Năm Thủ Uẩn là khổ chứ không phải Năm Uẩn là khổ. Nguyên nhân Khổ là Tham Sân Si cũng là Tâm chứ không phải Cảnh và Nguyên nhân Khổ cũng vô thường, vô ngã. Thấy biết như thật về Khổ và Nguyên nhân Khổ của bậc Thánh gọi là Giác ngộ Khổ Đế và Tập Đế. Hai chân lý hay hai sự thật này thuộc về Thực tại của Phàm phu nhưng chỉ có bậc Thánh mới giác ngộ, có thể nói gộp lại là Tục Đế, sự thật của Thế tục.
- Thực tại của bậc Thánh: Thực tại của bậc Thánh cũng do sáu Căn tiếp xúc sáu Trần phát sinh và đó là lộ trình tâm Bát Chánh Đạo được diễn tả như sau:
Xúc ➡ Thọ - Tưởng ➡ Chánh Niệm ➡ Chánh Tinh tấn ➡ Chánh Định ➡ (Tỉnh Giác) ➡ Chánh Tư duy ➡ Chánh Tri kiến ➡ Như Lý tác ý ➡ Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng
Trong Thực tại của bậc Thánh không còn Tà Tri kiến, không còn Vô Minh, không còn thấy biết về Bản ngã và Thế giới mà có Chánh Tri kiến, là thấy biết như thật về Duyên Khởi, về Vô thường, Vô ngã, là Tuệ tri sự sinh diệt của Thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của Thọ. Do thấy như vậy, biết như vậy mà các lậu hoặc được đoạn tận, chư vị tuệ tri được Khổ Diệt (Niết Bàn), tuệ tri được Con đường đưa đến Khổ Diệt là Bát Chánh Đạo. Đây gọi là giác ngộ Diệt đế và Đạo đế. Nếu nói gộp thì hai sự thật hay hai chân lý này là Chân Đế, thuộc về bậc Thánh, thuộc về Xuất thế.
Như vậy sự chứng ngộ và thuyết giảng của Đức Phật là Bốn Sự Thật, Bốn Chân Lý hay là Bốn Đế bao gồm: Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế, Đạo Đế và nếu nói gộp lại là Tục đế và Chân đế thì phải hiểu một cách chính xác: Tục đế bao gồm Khổ đế và Tập đế là hai sự thật thuộc về Thế gian (Thế tục), Chân đế bao gồm Diệt đế và Đạo đế là hai sự thật thuộc về bậc Thánh, Siêu thế.
Hãy ghi nhớ rằng Đối tượng mà Đức Phật và chư vị A-la-hán giác ngộ là Cảm thọ, là Khổ Tập Diệt Đạo chứ không phải là Bản ngã hoặc Thế giới. Đó là Tuệ tri (thấy biết như thật) Sự sinh diệt của Thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của Thọ, Tuệ tri Khổ Tập Diệt Đạo, chứ không phải là giác ngộ về Bản ngã, giác ngộ một Chân Tâm không sinh không diệt, hay giác ngộ về Thế giới là như thế này hay như thế kia. Nhưng sự giác ngộ này xẩy ra nơi cái Tâm nào? Đương nhiên sự giác ngộ ấy, sự tuệ tri ấy xẩy ra trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo, và cụ thể là Chánh Tri kiến, là cái biết Ý thức, chứ không phải là cái biết trực tiếp, cái biết Tỉnh giác.
Cái biết hay Tâm biết còn được gọi là Năng kiến có hai cấp độ: Cái biết trực tiếp giác quan và cái biết Ý thức mà khoa học gọi là Nhận thức cảm tính và Nhận thức lý tính đối tượng. Thánh hay Phàm đều cùng có Nhận thức cảm tính và Nhận thức lý tính.
- Nhận thức cảm tính đối tượng: Khi sáu Căn tiếp xúc sáu Trần, phát sinh sáu Cảm thọ và đồng thời phát sinh cái biết trực tiếp, nhận biết sáu Cảm thọ đó. Đó là Nhãn thức nhận biết Cảm giác hình ảnh, Nhĩ thức nhận biết Cảm giác âm thanh, Tỉ thức nhận biết Cảm giác mùi, Thiệt thức nhận biết Cảm giác vị, Thân thức nhận biết Cảm giác xúc chạm, Tưởng thức nhận biết Cảm giác pháp trần. Đây là sáu cái biết trực tiếp giác quan do sáu Căn tiếp xúc sáu Trần phát sinh ra, cái biết không tri thức, khái niệm, không ngôn ngữ chế định, cái biết không do học hỏi mà có. Đã là động vật, không phân biệt lớn nhỏ, tiến hoá ở mức độ nào, động vật sơ đẳng hay bậc cao đều có cái biết trực tiếp này để nhận biết các Cảm giác của chúng. Nó là cái biết như thật đối tượng ở cấp độ nhận thức cảm tính. Hãy hình dung cái biết này khi một đứa trẻ được sinh ra, tức thì sáu Căn nó tiếp xúc sáu Trần, nó vẫn nhận biết các đối tượng, nó vẫn thấy, nghe, cảm nhận các Cảm giác nhưng không biết đó là cái gì. Đây là cái biết trực tiếp thuần tuý chưa có Ý thức khởi lên. Trong cái biết trực tiếp hay Nhận thức cảm tính này không có tri thức, khái niệm, không có ngôn ngữ chế định, không có khái niệm không gian thời gian, không có khái niệm to nhỏ, vuông tròn, dài ngắn, cứng mềm, không có xanh vàng đỏ trắng, không có mặn ngọt chua cay, không có khái niệm sinh, không có khái niệm diệt, không có khái niệm nhơ sạch, tăng giảm, không có khái niệm sắc thọ tưởng hành thức, không có khái niệm mắt tai mũi lưỡi thân ý, không có khái niệm sắc thanh hương vị xúc pháp, không có khái niệm nhãn giới cho đến ý thức giới, không có khái niệm Minh và Vô minh, không có khái niệm Khổ Tập Diệt Đạo, không có khái niệm chứng đắc... Tóm lại đây là cái biết vô ngôn, vô niệm, vô phân biệt mà Phàm hay Thánh hay bất cứ một động vật cấp cao, cấp thấp nào cũng có. Cái biết trực tiếp này nơi người Phàm thì gọi là Tưởng tri và sau khi Tưởng tri đối tượng, cái biết Ý thức nhị nguyên khởi lên ngay, nên kẻ Phàm phu không kinh nghiệm và an trú được cái biết trực tiếp này. Bậc Thánh hữu học hoặc vô học, sau cái biết trực tiếp khởi lên nhận biết đối tượng thì Chánh Niệm, Chánh Tinh tấn, Chánh Định liên tiếp khởi lên nên tách bạch được cái biết trực tiếp ra khỏi cái biết Ý thức và nhờ vậy mà kinh nghiệm và an trú thuần tuý cái biết trực tiếp. Đối với bậc Thánh cái biết trực tiếp có tên gọi là Tỉnh giác hoặc Thắng tri hoặc là Không tánh. Đa số người học Phật có một sự nhầm lẫn rất lớn là xem cái Nhận thức cảm tính vô ngôn, vô niệm, vô phân biệt này là Chân đế, là Thực tánh pháp,là Niết bàn, là sự thật tuyệt đối, là Trí tuệ Bát nhã, là Chân Tâm.
- Nhận thức lý tính đối tượng: Đây là cái biết Ý thức do Niệm, Tư duy mà phát sinh. Nó là cái biết có tri thức, khái niệm, có ngôn từ, có phân biệt đối đãi cái này với cái kia. Nó là cái biết do học hỏi, do tích luỹ kinh nghiệm trong quá khứ, nó phụ thuộc lượng thông tin trong kho chứa thông tin của mỗi loài. Cái biết Ý thức của loài người có được như ngày nay phải trải qua một quá trình dài lâu, khám phá, học hỏi, tích luỹ trao truyền kinh nghiệm. Chính cái biết Ý thức hay Nhận thức lý tính này là thước đo trình độ tiến hoá của các loài đông vật, phân biệt giữa người này và người kia, giữa Phàm và Thánh. Ví như khi mắt tiếp xúc với đống lửa thì sự nhận biết đối tượng hay Nhận thức cảm tính đối tượng của con người và con thiêu thân tương tự như nhau, nhưng Nhận thức lý tính hay hiểu biết Ý thức về đối tượng thì hoàn toàn khác nhau, vì vậy con thiêu thân lao vào lửa và tự thiêu xác còn con người thì không như vậy. Cùng một đống lửa, khi mắt các loài vật tiếp xúc thì sự nhận biết đối tượng hay Nhận thức cảm tính về đối tượng giống nhau nhưng hiểu biết của các loài đó về đối tượng (lửa) lại hoàn toàn khác nhau và vì vậy đưa đến Thái độ và Phản ứng với đối tượng đó khác nhau. Nhận thức cảm tính của Phàm và Thánh đều giống nhau nhưng Nhận thức lý tính của Phàm và Thánh lại khác nhau.
Nhận thức lý tính hay Ý thức của Phàm phu do Tà Niệm và Tà Tư duy mà khởi lên, nó là cái hiểu biết không đúng như thật đối tượng nên gọi là Tà Tri kiến hay Vô minh. Nội dung Vô Minh là Tâm biết Cảnh, là Thường kiến và Ngã kiến, là không biết như thật Khổ Tập Diệt Đạo nên nó là nhân cho Tham ái sinh khởi và Tham ái lại là nhân cho toàn bộ Khổ uẩn sinh khởi.
Nhận thức lý tính hay Ý thức của bậc Thánh do Chánh Niệm, Chánh Tư duy mà khởi lên, nó là Chánh Tri kiến là hiểu biết như thật đối tượng: đó là Cảm thọ, nó Vô thường, Vô ngã, Tuệ tri sự sinh diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và Sự xuất ly của Thọ, Tuệ tri Khổ Tập Diệt Đạo. Chính nhờ Chánh Tri kiến mà không còn nhân duyên cho Tham ái khởi lên. Chánh Tri kiến là cái biết Ý thức do Chánh Tư duy khởi lên nên vẫn là cái biết có tri thức, khái niệm, có ngôn ngữ chế định, có phân biệt pháp này với pháp kia, vẫn sử dụng các thông tin trong kho chứa nhưng đã được thanh lọc khỏi Vô Minh và phải do học hỏi mà có được, vì vậy lộ trình tu tập Chánh Tri kiến là Văn Tư Tu. Chánh Tri kiến được tu tập, được làm cho viên mãn sẽ đưa đến xoá bỏ hoàn toàn nguyên nhân phát sinh Tà Tri kiến và thời điểm đó chính là giác ngộ Tứ Thánh Đế. Vì vậy sự giác ngộ xẩy ra nơi Nhận thức lý tính, nơi Ý thức Chánh Tri kiến chứ không phải nơi Nhận thức cảm tính, nơi cái biết Tỉnh giác.
Tác giả của tập truyện Tây Du Ký cũng hiểu rõ vấn đề này khi mô tả chương Tôn Ngộ không thật và Tôn Ngộ không giả đánh nhau bất phân thắng bại. Trận chiến xẩy ra ác liệt nhưng loài người, loài trời và cả bồ tát cũng không ai phân biệt được đâu là Ngộ không thật, đâu là Ngộ không giả. Chỉ khi Như Lai xuất hiện thì Ngộ không giả mới hiện nguyên hình và Ngộ không thật mới phang một gậy kết liễu Ngộ không giả. Ý nghĩa của truyện này được hiểu như sau: Tôn Ngộ không là nhân cách hoá của cái biết Ý thức. Ngộ không thật là Ý thức Chánh Tri kiến, Ngộ không giả là Ý thức Tà Tri kiến. Một vị hữu học đang tu tập, đang thực hành hướng đến vô thượng an ổn thoát khỏi mọi khổ ách nhưng không phải mọi lúc, mọi nơi Chánh Niệm đều khởi lên liên tục mà Tà Niệm vẫn đan xen vào. Nếu có Chánh Niệm thì Chánh Tri kiến khởi lên (Ngộ không thật) nếu Tà Niệm có mặt thì Tà Tri kiến có mặt (Ngộ không giả) và cứ đắp đổi cho nhau như vậy. Cho đến khi Như Lai xuất hiện với ẩn dụ là đắc quả A-la-hán thì Chánh Tri kiến mới đoạn diệt hoàn toàn Tà Tri kiến với ẩn dụ Ngộ không thật phang chết Ngộ không giả.
( Đến để mà thấy, Nxb. Hồng Đức, từ trang 202 - 211)

Q&AThưa sư, vạn vật đều do lý duyên khởi. Vậy đối mặt với sự sinh tử của người thân thì mình nên đối diện như thế nào? C...
19/06/2025

Q&A
Thưa sư, vạn vật đều do lý duyên khởi.
Vậy đối mặt với sự sinh tử của người thân thì mình nên đối diện như thế nào? Có người thân đang hiện diện và lúc người thân mất đi, đặc biệt là mất đột ngột.
Con xin cảm ơn sư.
🌿Thiền sư trả lời!
Quý vị phải thấu suốt lý duyên khởi.
Tất cả mọi sự vật, hiện tượng đều do duyên khởi, nên chúng vô thường, sinh rồi diệt đi, và vô chủ, vô sở hữu. Quý vị học rồi hành, thâm nhập sâu sắc lý duyên khởi này để từ bỏ, giải quyết được cái chấp thường và chấp ngã.
Chấp thường là con người không thấy vô thường và không chấp nhận vô thường.
Mặc dù vô thường là quy luật, nhưng con người không chấp nhận quy luật đó, vẫn chấp thường, khao khát ổn định, mong muốn an cư lạc nghiệp, mong các đối tượng tồn tại mãi mãi. Đó gọi là chấp thường.
Vì chấp thường, con người không tuệ tri, không chấp nhận vô thường. Do đó, khi người thân yêu của mình chết đi, vì chấp thường, vì mong mỏi người thân sống mãi, tồn tại mãi mà không chấp nhận quy luật "đã có sinh ra thì có tử", cho nên mới đau buồn, hoảng loạn.
Còn nếu một người thâm nhập, tuệ tri vô thường, biết rằng đó là quy luật, thì việc sinh ra rồi chết đi của một người là chuyện hoàn toàn bình thường.
Đó là chuyện bình thường xảy ra theo quy luật, nhưng vì con người chấp thường nên không chấp nhận được việc bình thường đó, mà xem rằng nó là một cái gì đó bất thường, không chấp nhận được, không biết rằng nó là chuyện rất bình thường.
Nếu quý vị thẩm thấu điều này, khi quý vị đối diện với người thân bệnh tật,... quý vị thấy rằng việc này là chuyện bình thường, nó là quy luật.
Khi đó, quý vị bình thản, không hoảng loạn, không đau khổ. Và khi không hoảng loạn, không đau khổ, quý vị rất bình tĩnh. Nhờ bình tĩnh, quý vị có thể giải quyết mọi việc theo tình huống đó. Kết quả xử lý của quý vị sẽ tốt hơn rất nhiều so với khi quý vị hoảng loạn, đau khổ, vật vã vì những chuyện đó.
Quý vị thấy rằng khi quý vị nhận ra vô thường, sinh diệt là chuyện quy luật, là chuyện hoàn toàn bình thường, thì khi đó, đối diện với bất kỳ ai chết, dù thân hay không thân, quý vị vẫn cứ bình thản. Khi quý vị bình thản, bình tĩnh như vậy, quý vị mới xử lý được các tình huống đó một cách đúng đắn, nhanh chóng, hiệu quả.
Quý vị sẽ thấy con người có hai nỗi sợ:
Sợ khổ và đặc biệt là sợ ch/ết.
Cái này chúng ta đã học trong bài Khổ đế rồi. Nếu quý vị nhìn thấy cái ch/ết của mọi người, kể cả người thân, với sự bình thản như vậy thì lúc đó quý vị mới nhìn cái chết của mình cũng bình thản như vậy.
Còn không, quý vị sẽ sợ hãi kinh khủng vì cái ch/ết.
----------
Hãy tham gia khóa 9 Ngày để nắm chắc tấm bản đồ Phật Học 2600 năm và khám phá sự thật đời sống!

19/06/2025

Cùng khám phá sự thật

AI HOAN HỶ SẮC NGƯỜI ẤY HOAN HỶ KHỔĐây là một mệnh đề được lặp đi lặp lại nhiều lần trong kinh điển, gây một xúc động mạ...
19/06/2025

AI HOAN HỶ SẮC NGƯỜI ẤY HOAN HỶ KHỔ
Đây là một mệnh đề được lặp đi lặp lại nhiều lần trong kinh điển, gây một xúc động mạnh trong sâu thẳm tâm thức những người trí. Và đây là câu nói tắt, còn câu đầy đủ là: Ai hoan hỷ Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp là người ấy hoan hỷ Khổ…
Thiền Sư Nguyên Tuệ
(Hoan hỷ ở đây đồng nghĩa với Tham Ái)

THIỀN NÓI_Thiền Sư Nguyên Tuệ_     Thiền nói là gì? Là thiền bằng lời nói, là thiền nơi đầu môi chóp lưỡi. Tác giả của T...
19/06/2025

THIỀN NÓI
_Thiền Sư Nguyên Tuệ_
Thiền nói là gì? Là thiền bằng lời nói, là thiền nơi đầu môi chóp lưỡi. Tác giả của Tây Du Ký đã có quan điểm về loại thiền này bằng ẩn dụ trong chương Tôn Ngộ Không đánh nhau với Hồng Hài Nhi. Tôn Ngộ Không võ nghệ cao cường áp đảo được Hồng Hài Nhi, nhưng Hồng Hài Nhi có một loại vũ khí lợi hại là súng bắn ra Lửa Khói Tam Muội làm cho Tôn Ngộ Không mê man bất tỉnh, suýt bỏ mạng. Tôn Ngộ Không phải nhờ Bồ tát cứu viện. Bồ tát sai Mộc xoa Huệ ngạn lên Thiên đình mượn bộ đao thiên cung của Thác tháp Lý thiên vương, sai đệ tử rùa múc đầy một hồ lô nước biển Nam hải. Lại sai một con chim màu trắng bay ngang tầm mắt dẫn đường. Đến nơi Bồ tát sai sơn thần, thổ địa đuổi các loài thú ra ngoài 800 dặm, sau đó sai rùa đổ nước biển Nam Hải trong hồ lô ra khoảng trống kia. Tiếp đến Bồ tát dùng đao Thiên cung làm thành đài sen và an toạ trên đó. Tiếp đến bảo Tôn Ngộ Không nhử Hồng Hài Nhi đến. Hồng Hài Nhi dùng giáo đâm vào Bồ tát, khiến Bồ tát phải rời đài sen và đánh nhau với Hồng Hài Nhi. Bồ tát ném ra năm vòng kim cô còn lại (tất cả có tám vòng kim cô, một vòng trên đầu Tôn Ngộ Không, hai vòng đã được sử dụng nhưng người viết không nhớ rõ). Năm vòng kim cô mà Bồ tát ném ra trói chặt hai tay, hai chân và cổ của Hồng Hài Nhi buộc y phải quy hàng và chấp nhận cạo đầu quy y với Bồ tát. Vừa cạo đầu quy y xong, Hồng Hài Nhi lại cầm giáo đâm Bồ tát và nhảy lên chiếm đài sen, nhưng đài sen hoá hiện nguyên hình các đao Thiên cung đâm xoáy vào đùi Hồng Hài Nhi, làm cho y vô cùng đau đớn. Hồng Hài Nhi cố gắng rút các mũi đao ra khỏi đùi, nhưng càng rút thì đao càng xoắn lại và kết quả là y phải hàng phục Bồ tát. Từ đây Hồng Hài Nhi đi theo Bồ tát về biển Nam Hải, cứ mỗi bước đi lạy xuống một lạy và đúng năm mươi hai bước chân thì về đến Nam Hải.
Ẩn dụ này được hiểu như sau: Tôn Ngộ Không là nhân cách hoá của Ý Thức con người, là cái biết do tư duy (suy nghĩ) tạo thành, nói nôm na là cái biết của trí óc. Tam Muội theo nghĩa của tiếng Hán là Định. Hình ảnh Tôn Ngộ Không bị khói lửa Tam Muội làm cho ngất đi, suýt mất mạng khẳng định rằng: không thể nào có thể đắc được các bậc Thiền bằng trí óc, bằng hiểu biết, bằng lời nói, bằng thuyết giảng về Thiền. Cho dù một người suốt đời nghiên cứu về Thiền định, thuộc làu làu những kinh điển, những chú giải nói về Thiền, thuộc lòng quyển Thiền Luận của Suzuki hay những thiền luận hay hơn thế nữa, có thể thuyết giảng tự tại vô ngại về Thiền, và nếu chỉ có như vậy thì chắc chắn người đó không thể chứng ngộ và an trú các bậc Thiền. Vậy muốn đắc các bậc Thiền phải làm thế nào? Muốn đắc các bậc Thiền phải thực hành tuần tự. Trước tiên phải giữ giới theo tinh thần: không làm các điều ác, thực hiện các hạnh lành ẩn dụ là đuổi các con thú ra ngoài 800 dặm trước khi tưới nước biển Nam Hải (nước từ bi). Tiếp đến là tư thế ngồi: hai chân gài chặt vào nhau theo tư thế kiết già, ẩn dụ là hai vòng kim cô trói chặt hai chân, hai tay gài vào nhau theo kiểu Định Ấn, nghĩa là ngón trỏ và ngón giữa của hai bàn tay cài vào nhau, ngón út và ngón áp út đặt lên nhau, hai đầu ngón cái chạm nhau mà ẩn dụ là hai tay bị trói chặt, hai hàm răng chạm khít, đầu lưỡi chạm vào răng hoặc nóc họng mà ẩn dụ là cổ bị trói chặt. Người toạ thiền cần phải lưu ý ba điểm chạm như trên. Đầu thẳng, cổ thẳng, lưng thẳng mà ẩn dụ là con chim màu trắng dẫn đường bay ngang dưới tầm mắt. Tiếp đến phải hàng phục được cái đau, đặc biệt là cái đau nơi hai chân. Phải hàng phục để cái đau nơi chân không còn chi phối được tâm ẩn dụ là Hồng Hài Nhi hàng phục Bồ tát. Từ đây trở đi mới có thể sử dụng Định như một phương tiện tu tập Trí Tuệ, để đắc các quả vị, mà ẩn dụ là Hồng Hài Nhi đi về Nam Hải bằng cách vừa đi vừa lạy. Năm mươi hai bước mới về đến Nam Hải ẩn dụ cho 52 quả chứng từ: Thập tín, thập hạnh, thập trụ, thập hồi hướng, thập địa, đẳng giác bồ tát và Phật quả (theo quan điểm tu chứng của Phật Giáo Bắc tông).
Con đường của Giác ngộ và Giải thoát là con đường Giới Định Tuệ, là sự thực hành Tăng thượng Giới học, Tăng thượng Định học, Tăng thượng Tuệ học chứ không phải là con đường tư duy lý luận suông, không phải là Thiền nói, không phải tu nơi đầu môi chóp lưỡi. Đức Phật đã Giải thoát, không những Ngài tuyên thuyết về sự giải thoát mà Ngài còn thuyết giảng, phân tích, hiển thị, chỉ dẫn rành mạch về Con đường đưa đến Giải thoát. Ngài là bậc Huấn Luyện Sư tối thượng, huấn luyện kẻ phàm phu thành bậc Thánh giải thoát. Sự huấn luyện của Ngài xẩy ra tuần tự: Vị Tỷ kheo giữ giới hạnh, chế ngự với sự chế ngự của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong mỗi lỗi nhỏ nhặt, thọ trì và học tập các học giới. Tiếp đến hộ trì sáu căn, nghĩa là khi mắt tiếp xúc với sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì nhãn căn không được chế ngự khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, vị Tỷ kheo chế ngự nguyên nhân ấy... Tiếp đến vị Tỷ kheo tiết độ trong ăn uống, tức là chơn chánh giác sát thọ dụng món ăn không phải để vui đùa, không phải để thưởng thức, không phải để làm đẹp thân thể, mà chỉ để thân này được bảo trì, khỏi bị gia hại, để chấp trì Phạm hạnh... Vị Tỷ kheo thực hành Chánh Niệm Tỉnh giác trong mọi tư thế đi đứng ngồi nằm, trong mọi công việc, mọi lúc, mọi nơi. Tiếp đến ngồi kiết già lưng thẳng an trú Chánh Niệm trước mặt, vị Tỷ kheo ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Sơ thiền..., Nhị thiền..., Tam thiền..., Tứ thiền. Với tâm định tĩnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản không cấu nhiễm như vậy, vị ấy hướng tâm quán sát và biết như thật: Đây là Khổ, đây là Nguyên nhân Khổ, đây là Sự chấm dứt Khổ, đây là Con đường chấm dứt Khổ. Do thấy như vậy, biết như vậy các lậu hoặc được đoạn tận. Vị ấy biết: Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm xong, không còn trở lui đời này nữa. Đây là con đường tuần tự, được thiết kế rất "chuyên nghiệp" do cái biết rốt ráo của bậc Chánh Đẳng Giác. Bốn mươi lăm năm thuyết pháp, Ngài chỉ thuyết giảng có hai điều: Khổ và Sự chấm dứt Khổ mà cụ thể là Tứ Thánh Đế và điều Ngài thuyết giảng nhiều nhất là Con đường chấm dứt Khổ, đó là Bát Chánh Đạo bao gồm Giới - Định - Tuệ. Giới đã được Ngài chế định cho Phật tử tại gia và cho người xuất gia. Định được Ngài giảng bằng ba bản kinh chính là: Tứ Niệm Xứ, Niệm hơi thở vô, hơi thở ra và Thân hành niệm. Tuệ được Ngài giảng giải xuyên suốt kinh điển theo tiến trình Văn - Tư - Tu.
Đức Phật là bậc Chánh Đẳng Giác, nghĩa là Ngài tự mình giác ngộ Tứ Thánh Đế không thầy chỉ dạy, sự thuyết giảng của Ngài là toàn thiện ở đoạn đầu, toàn thiện ở đoạn giữa, toàn thiện ở đoạn cuối, không bao giờ chống trái nhau, không bao giờ mâu thuẫn nhau. Lời dạy nhất quán này chỉ còn tồn tại trong năm bộ kinh Nikaya của Phật giáo nguyên thuỷ. Tuy rằng năm bộ kinh Nikaya được xem là gần với Nguyên thuỷ nhất, chứ không phải là Nguyên thuỷ (lời dạy của Phật) vì nó chứa đựng rất nhiều yếu tố tôn giáo được thêm vào sau này, nhưng lời dạy cao quý này vẫn còn lấp lánh xuyên suốt toàn bộ bộ kinh. Lời dạy của Đức Phật về Tứ Thánh Đế không phải là kinh nghiệm cá nhân do tư duy tác thành mà nó là Chân Lý, là Sự Thật phổ quát, nơi Đức Phật cũng như vậy, nơi người khác cũng như vậy. Ngài đã giảng dạy Chân Lý, giảng dạy cái Sự Thật phổ quát mà Ngài đã chứng ngộ. Đó là:
- Đối với kẻ Phàm phu, do nhân như vậy, duyên như vậy nên hễ sáu Căn tiếp xúc sáu Trần, lộ trình tâm Bát Tà Đạo khởi lên và trên Thực tại đó sẽ có Vô Minh, sẽ có Tham Sân Si, sẽ có sầu bi khổ ưu não.
- Đối với bậc Thánh do nhân như vậy, duyên như vậy nên khi sáu Căn tiếp xúc sáu Trần, lộ trình tâm Bát Chánh Đạo khởi lên và nơi Thực tại đó sẽ có Tâm Giải thoát, Tuệ Giải thoát. Để chấm dứt Khổ, phải tu tập để khởi lên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo mới nhiếp phục và đoạn tận lộ trình tâm Bát Tà Đạo, mới đoạn tận Tham Sân Si, đoạn tận Khổ.
Có rất nhiều người, có thể là nhà tu hành, nhà văn, thi sĩ, nhà triết học... họ cũng nói được về Giải thoát, thậm chí với những lời văn hoa mỹ, câu văn hoa mỹ, những hình dung từ hoa mỹ làm say đắm người đời, nhưng họ đã Giải thoát hay chưa thì hãy thận trọng, hãy khoan vội tin mà hãy xem xét thận trọng trong một khoảng thời gian đủ dài, họ có còn Tham Sân Si hay không? Nếu không có điều kiện để xem xét như vậy thì hãy xem xét những điều họ thuyết giảng. Một người thực sự giải thoát thì không những họ nói được về Giải thoát mà họ còn giảng nói, phân tích, chỉ dẫn rành mạch về cách thức, phương pháp hay con đường thực hành để đạt được sự giải thoát ấy, bởi họ đã thực chứng giải thoát bằng cách thức đó và cách thức ấy hoàn toàn phù hợp với lời dạy của Phật. Một người nói hay, nói giỏi, nói hấp dẫn bao nhiêu đi nữa về Giải thoát nhưng không nói rõ được về sự thực hành, hoặc lời dạy thực hành ấy không phù hợp với lời dạy của Phật, hoặc không đề cập đến phương pháp thực hành, thì chỉ là lý luận suông do tư duy tác thành, đó chỉ là Thiền nói. Đức Phật chỉ có một, lời dạy của Đức Phật cũng chỉ có một, nhưng hiện nay kinh điển thì nhiều vô số kể, một lượng thông tin khổng lồ, thậm chí là trái ngược nhau, cãi lộn nhau. Đức Phật giác ngộ Chân Lý, giác ngộ cái Sự thật phổ quát đó là: Tuệ tri sự tập khởi, sự đoạn diệt của Thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của Thọ cũng có nghĩa là giác ngộ Tứ Thánh Đế chứ không phải giác ngộ về Bản ngã, giác ngộ một Bản Tâm, một Tánh biết, một Phật tánh, một Tánh không, không sinh không diệt nào đó, hay giác ngộ Thế giới là thế này hay thế kia, tương đối hay tuyệt đối. Những bậc Thánh A-la-hán đã giác ngộ Tứ Thánh Đế do Phật chỉ dạy cũng như vậy, những vị đó sẽ không hề thêm bớt, không hề chú giải về lời dạy của Ngài, do chư vị quán sát, đối chiếu lời dạy với sự thật của Thực tại, chư vị cảm nhận được sự giản dị, dễ hiểu, đầy đủ, minh bạch đâu còn cần đến lời giải thích rông dài. Đa phần nhân loại, khi nghe lời dạy của Đức Phật, theo quy luật nhận thức ,họ đối chiếu lời dạy đó với kho "tri thức hiểu biết" đã được học hỏi, tích luỹ từ quá khứ của họ. Những tri thức hiểu biết của nhân loại đó nhuốm màu Vô minh, Thường kiến, Ngã kiến, ví như ngọt nằm trong đường và của đường, mặn nằm trong muối và của muối, ngon dở nằm trong thức ăn và của thức ăn, nóng nằm trong lửa, lạnh nằm trong nước đá, đất đá thì cứng, bánh đa thì giòn... Hiểu biết này là Ý thức nhị nguyên Tâm Vật hay Tâm biết Cảnh, trong đó Chủ thể biết là Tâm, là Bản ngã, đối tượng được biết là Cảnh, là Thế giới. Khi đối chiếu lời Phật dạy với kho "tri thức hiểu biết" Vô minh Bản ngã và Thế giới đó, thì sẽ biến lời dạy của Phật ra thành Vô minh, giải thích sự giác ngộ của Phật là giác ngộ về Bản ngã (Bản Tâm) và Thế giới. Kho "tri thức hiểu biết" của con người mỗi mỗi khác nhau, mỗi mỗi tông phái đều khác nhau nên mới phát sinh ra kho tàng kinh điển, chú giải, luận giải đồ sộ, mênh mông, khổng lồ và đều gắn cho Phật nói. Trên thế gian này, không có một ai chịu nhiều sự xuyên tạc như Đức Phật. Lý do cũng thật dễ hiểu: chỉ duy nhất một mình Ngài, độc nhất vô nhị, không có người thứ hai, quán sát và tư duy trên Sự Thật mà chứng ngộ Chân lý. Còn nhân loại này cho dù có quán sát nhưng lại tư duy trên kho tri thức hiểu biết Vô minh, không đúng với sự thật và họ suy diễn sự giác ngộ của Ngài theo cái kho tri thức hiểu biết của họ. Họ có thể thao thao bất tuyệt về những điều cao siêu, kỳ diệu, về Thiền, về Định, về Chân không diệu hữu, về Thế giới tương đối hay tuyệt đối... được người mê khoái trí, nhưng cái Sự thật trước mắt như: ngọt không nằm trong đường, mặn không nằm trong muối, ngon dở không nằm trong thức ăn, nóng không có trong lửa, lạnh không có trong nước đá... thì họ hoàn toàn không biết. Những điều cao siêu kỳ diệu, hoành tráng đó là do Vô minh mà tư duy, suy diễn, tưởng tượng ra, người nghe không bao giờ "đến để mà thấy" được, không thể kiểm chứng được, mà chỉ có "đến để mà tin" theo đức tin Tôn giáo, nó không phải là Chân lý, không phải là sự thật phổ quát, nhưng lại phù hợp với tâm Tham ái của con người, kích thích được Tham ái của nhân loại. Đặc biệt những tư tưởng đó, những thao thao bất tuyệt đó là do tư duy suy diễn tác thành, là lý luận suông, là ảo tưởng do Vô minh mà phát sinh, là “lông rùa sừng thỏ”, nên họ không có thể trình bày được cách thức, không thể trình bày được phương pháp thực hành để chứng ngộ và an trú được những điều "cao siêu kỳ diệu" đó, họ chỉ dừng lại ở Thiền nói. Bốn mươi lăm năm thuyết pháp Đức Phật chỉ xoay quanh Khổ và Sự chấm dứt Khổ, hay chỉ xoay quanh Tham - Dục và Sự chấm dứt Tham - Dục (Dục hỷ Dục lạc - Dục hỷ Hữu - Dục hỷ Niết bàn) hay chỉ xoay quanh vấn đề Nội tâm, tức lộ trình tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu và lộ trình tâm Bát Chánh Đạo của bậc Thánh, đều Vô thường, Vô ngã chứ không thuyết giảng về Chân Tâm không sinh không diệt hoặc Thế giới, hoặc những gì kỳ diệu, mầu nhiệm, cao siêu. Nhưng con người vì Vô minh che đậy, y chỉ vào hiểu biết đã được mặc định, những gì được thấy, được nghe, được cảm nhận, được nhận thức là Thế giới, nên đã vô tình xuyên tạc lời dạy của Phật. Ví như tất cả các bộ phái, các luận sư, các chú giải đều nói đến đối tượng của Tham ái là Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp, nghĩa là Thế giới, vì hiểu biết mặc định của họ là những gì được thấy, được biết là Thế giới, nhưng Sự thật đối tượng của Tham ái là Cảm thọ, là Tâm chứ không phải là Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp. Đức Phật đã thuyết rất rõ ràng trong Thập Nhị Nhân Duyên mà bộ phái nào cũng chấp nhận: Do có Xúc mà có Thọ, do có Thọ mà có Ái, do có Ái mà có Thủ... nghĩa là đối tượng của Ái là Cảm thọ chứ không phải Sắc Thanh Hương Vị xúc Pháp. Muốn chấm dứt Thiền nói, phải trở về với Duyên khởi, với Tứ Thánh Đế, trở về với sự tu tập Bát Chánh Đạo theo lộ trình Giới - Định - Tuệ mới có thể đoạn trừ Tham Sân Si, mới có thể chứng ngộ và an trú Khổ Diệt, an trú Niết Bàn được.
( Đến để mà thấy, Nxb. Hồng Đức, từ trang 212 - 220)

Address

Chùa Long Hưng, Đường Phương Trạch, Xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh
Hanoi

Telephone

+84868569958

Website

http://www.gosinga.vn/

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Gosinga - Khóa thiền 9 ngày Hà Nội posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Contact The Business

Send a message to Gosinga - Khóa thiền 9 ngày Hà Nội:

Share