03/08/2024
CÓ NÊN BỎ PHÍ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ VÀ CẮM THẬT NHIỀU TRẠM THU PHÍ TỰ ĐỘNG?
Hồi 2011, tôi có đặt câu hỏi thế này với GS. Phan Đăng Tuất: Tại sao chúng ta không tăng thu các loại thuế và phí trực tiếp vào người sử dụng ô tô, đồng thời giảm mức thu các loại thuế ở đầu mối doanh nghiệp sản xuất và phân phối? Bối cảnh đặt câu hỏi là giải pháp nào kéo giá xe xuống thấp để thúc đẩy ô tô hoá (motorization), qua đó đạt được các mục tiêu của chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam.
GS. Phan Đăng Tuất có nói đại ý là: Để áp dụng các chính sách thu thuế và phí trực tiếp với người sử dụng phương tiện, qua đó giảm thuế thu tại đầu mối doanh nghiệp là rất khó do công nghệ chưa đáp ứng hoặc còn đắt đỏ, người dân vẫn chủ yếu sử dụng tiền mặt… Tức là, yếu tố hạ tầng vẫn còn rất yếu nên chưa thể áp dụng được. Câu chuyện này cũng từng là trở ngại với kế hoạch thu phí đường bộ xe máy khi nhiệm vụ thu được giao cho… xã phường, tổ dân phố. Sau đó, phí đường bộ xe máy được bãi bỏ.
Nhưng bối cảnh hiện nay đã khác. Chúng ta cùng lúc phải đạt được nhiều mục tiêu quan trọng như phát triển công nghiệp ô tô (qua đó kéo theo nhiều ngành khác phát triển như dịch vụ, tài chính, kỹ thuật, lao động việc làm…), đồng thời giải bài toán ùn tắc, tai nạn giao thông đang ngày càng căng thẳng như hiện nay.
Không đủ tầm vĩ mô thì nói ở mức độ… vi mô vậy.
Phí sử dụng đường bộ (trước đây gọi là phí bảo trì đường bộ) thực ra là loại phí khá bất công với người sử dụng phương tiện. Vì sao? Các mức phí được thu gọn 1 lần theo kỳ (quý, năm). Cách thu này không công bằng với người ít sử dụng đường bộ trong khi lại là một món hời với người sử dụng nhiều. Tỷ dụ như tôi, tháng nhiều lắm cũng chỉ leo lên xe một đôi lần mà vẫn phải trả phí ngang bằng mấy ông đi một mẩu đường cafe sáng cũng lao ô tô ra đường.
Công bằng chỉ là một vấn đề, vấn đề quan trọng hơn nữa nếu nhìn từ góc độ quản lý là giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Khi bỏ phí sử dụng đường bộ thu đồng mức theo kỳ, đồng thời cắm thật nhiều trạm thu phí tự động, ùn tắc giao thông tự nhiên sẽ giảm. Như Singapore chẳng hạn, tất cả các tuyến phố chính đều có trạm thu phí tự động công nghệ cao (ERP). Việt Nam cũng hoàn toàn có thể làm như vậy trong điều kiện hiện nay, nhất là hệ thống thu phí tự động ngày càng nhiều (song mới chỉ áp dụng trên các tuyến cao tốc và một số tuyến huyết mạch). Hà Nội chẳng hạn, nếu tất cả các tuyến phố chính như đều có trạm thu phí tự động, ông bà nào càng đi nhiều càng phải nộp tiền nhiều. Khi ấy, người dân sẽ vì tiếc tiền, vì sự không hiệu quả mà hạn chế sử dụng xe cá nhân để chuyển sang phương tiện công cộng.
Giảm thuế đầu vào tại doanh nghiệp sẽ giúp giá xe giảm, qua đó người dân sẽ dễ dàng mua xe. Tăng phí sử dụng, cắm thật nhiều trạm thu phí chẳng hạn, sẽ giúp người dân sử dụng phương tiện “thực tế” hơn, hiệu quả hơn. Đứng ở góc độ quản lý, tổng thu ngân sách từ phương tiện sẽ không giảm, thậm chí tăng lên khi thị trường ô tô phát triển, khi tất cả phương tiện hễ ra đường là phải nộp phí.
Năm 1998, Singapore bắt đầu áp dụng hình thức thu phí đường bộ kiểu này và lập tức cho kết quả: Giảm 45% lượng xe cộ qua lại và giảm 25% tai nạn giao thông. Sau khi triển khai, mật độ giao thông đã giảm thêm 15%, trong khi tỷ lệ sử dụng phương tiện công cộng tăng gần 20%, lên 65%.
Khi có một giải pháp vừa đảm bảo công bằng vừa có tính hiệu quả thì cớ gì không làm nhỉ? Bây giờ công nghệ hiện đại rồi, ông nào đi ô tô cũng có tài khoản trả phí tự động rồi, đầu tư hệ thống cũng không còn khó khăn và đắt đỏ nữa.
Giá xe giảm ai cũng có thể mua xe nhưng chi phí sử dụng thật cao, khi ấy, cứ mua xe thoải mái nhưng hễ ra đường là mất phí. Tốt mà.
(Ảnh là hệ thống thu phí công nghệ cao nội đô của Singapore, nguồn Straits Times).