
13/04/2025
TÔI ĐÃ KIỆT SỨC KHI HỌC KIẾN TRÚC – và đó không chỉ là lỗi của ai cả
Tôi viết bài này vì tôi muốn hiểu: "Tại sao có quá nhiều sinh viên kiến trúc kiệt sức – mà không ai thật sự ngạc nhiên về điều đó?"
---
Tôi là sinh viên năm ba ngành kiến trúc.
Tôi từng nghĩ rằng mệt mỏi là bình thường, càng là đặc trưng ngành.
Thức đêm là văn hóa, là "bản sắc" của xưởng học tập
Tôi đã nghĩ, nếu mình đã chọn con đường này mà không chịu được áp lực nó nên có – thì mình sai (thực ra đến giờ tôi vẫn nghĩ vậy)
Tôi còn nhớ một người thầy tôi rất kính trọng từng chia sẻ một “bí quyết” chạy đồ án với tôi rằng :
“Thầy thường dành một ngày chơi hết mình, thoải mái hoàn toàn. Rồi sau đó, thầy thức liên tục vài ngày để chạy đồ án.”
Thầy vừa nói, vừa cười rất tươi, không phải để khuyến khích tôi, mà như đang kể lại một thời thanh xuân rực lửa, kể lại ký ức những ngày làm đồ án vất vả nhưng cũng đầy kỷ niệm đáng nhớ.
Lúc đó, tôi thấy thầy sống thật ngầu
Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy thầy sống thật lâu...
---
Rồi tôi đổ bệnh. Bệnh gan. Nó khiến tôi phải nghỉ học.
Sau đó là những cơn mất ngủ, mất phương hướng, tính cách thất thường, không giao tiếp.
Tôi tiếp tục được chẩn đoán bị chứng tâm thần Rối loạn lưỡng cực. Và trong buổi tư vấn, lần đầu tiên tôi nghe bác sĩ hỏi:
“Tại vì sao cháu nghĩ rằng cháu cần phải học như thế để thành công?”
---
Tôi bắt đầu nhìn lại – không phải để than thở – mà để hiểu vấn đề của bản thân rằng:
Tôi đã không biết đặt giới hạn
Tôi thiếu kỹ năng quản lý thời gian
Tôi đã thần thánh hóa sự hi sinh thời gian, giấc ngủ.. Tôi đã ngưỡng mộ các bạn, các anh chị có thể thức vài 3 đêm làm đồ án, tôi thấy hận bản thân vì không làm được như vậy. Thậm chí, tôi cho rằng đó là lý do khiến tôi không phải là một sinh viên tốt
Nhưng tôi cũng thấy những điều lớn hơn là bản thân mình:
Hệ thống (của tôi) chưa thật sự dạy sinh viên cách bảo vệ sức khỏe tâm thần
Những deadline không thể lùi (dĩ nhiên là vậy), nhưng sự lắng nghe thì thường đến trễ, tôi đã rất nhiều lần nhắn tin cho thầy giáo của mình, cầu xin một sự lắng nghe. Nhưng thầy chưa bao giờ trả lời những tin nhắn (xin lời khuyên) của tôi
Văn hóa “gồng” đôi khi được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác – không ai cố tình, chỉ là không ai đặt câu hỏi. Mà nếu có đặt câu hỏi vì sao, lý do thường là "đó là thách thức, là khó khăn, là thử thách chứng minh mình thật sự đam mê" (đại loại vậy). Tôi thấy nó đúng, nhưng cũng không đúng.
Đúng vì bất kỳ lựa chọn nào cũng có đi kèm khó khăn, thử thách thức khuya dậy sớm
Sai vì chúng ta luôn bình thường hóa chúng ( thức trắng thường xuyên là rèn luyện, sự thiếu tôn trọng "đứa con tinh thần" của sinh viên được thần thánh hóa, được coi là điều mà sinh viên nên nhận nếu muốn tiếp thu kiến thức )
---
Tôi sẽ không nói rằng sinh viên kiến trúc là nạn nhân, tôi luôn tin vào lời giảng viên của mình khi nói rằng "Chúng ta là những người được chọn để tạo ra không gian tuyệt vời"
Nhưng tôi PHẢI nói rằng: có những điều ta đã quen đến mức chưa từng được nghĩ lại, ví dụ như, không gian tinh thần cho bản thân chẳng hạn
Chúng ta có thể đào tạo kiến trúc sư giỏi – mà không đánh đổi quá lớn bằng sức khỏe tinh thần?
Chúng ta có thể nuôi dưỡng tình yêu nghề – mà không lặp lại sự kiệt quệ?
---
Tôi vẫn đang học theo cách của mình, chậm hơn, nhưng kết quả cũng rõ hơn.
Tôi có thời gian tìm hiểu nghệ thuật vẽ, điêu khắc, học đàn hay học tiếng anh.
Tôi đôi khi vẫn thức trắng, nhưng bởi vì tôi thật sự không thể ngủ khi chưa hiểu rõ điều tôi thích, chứ không phải vì deadline sắp tới gần
Tôi mạnh dạn kết nối với 1-2 Kiến trúc sư tôi hâm mộ để xin lời khuyên từ họ
Và không còn đăng story khoe khoảnh khắc bản thân làm việc đến thiếu sức sống, như một chiến tích nữa
Tôi không muốn thắng trong một cuộc đua mà phần thưởng là một phiên bản tôi gãy vụn.
Tôi muốn học – để làm nghề thật lâu dài trong suốt đời mình– trong lúc vẫn là một con người sống đủ 24h mỗi ngày, thức dậy vào sáng sớm chứ không phải buổi trưa.
---
Tôi muốn viết để khơi gợi đối thoại – trước khi có ai đó im lặng rời đi
Nếu bạn thấy mình trong những dòng này – hãy đặt lại câu hỏi.
Vì đôi khi, chỉ cần một người bắt đầu hỏi khác đi – cả một thế hệ có thể bước đi nhẹ hơn.
-------------
Đọc đến đây rồi XIN HÃY FOLLOW FOLLOW FOLLOW , làm ơn làm ơn làm ơn, xin chân thành cám ơn
-------------
(QUẢNG CÁO CHO PAGE)
Ngày 20/4 20/4 20/4 tôi đăng video GIỚI THIỆU SERIES "A NEW WAY TO LEARN ARCHITECTURE"
Phương pháp của mình (đương nhiên) sẽ không hợp với tất cả, và (đương nhiên) không giúp bạn biến thành kiến trúc sư siêu giỏi
Nhưng nó chắc chắn sẽ làm bạn tiếp thu kiến thức trong sự tò mò, hứng thú hơn, yêu hơn công việc của mình (mà không hại sức) . Bởi suy cho cùng nếu như đủ yêu, ta sẽ không rời bỏ dù có khó khăn đến mấy.