19/06/2025
/ Sống- Dư Hoa /
Rất đau và rất người.
Tác phẩm “Sống” (活着) của Dư Hoa (Yu Hua) (1993) là một trong những tiểu thuyết hiện đại nổi bật nhất của văn học Trung Quốc, sức ảnh hưởng không chỉ trong nước mà còn được dịch và đón nhận rộng rãi ở phương Tây.
Tác phẩm này hay theo cách rất đau và rất người.
——
Dư Hoa kể lại cuộc đời của Phúc Quý, một người đàn ông từ giàu sang rơi xuống tận đáy xã hội. Nhưng thay vì than khóc hay nổi loạn, ông chấp nhận số phận một cách bình thản, như thể đó là điều hiển nhiên. Cách ông sống tiếp sau mỗi mất mát – vợ, con trai, con gái, cháu – khiến người đọc vừa đau lòng vừa khâm phục.
Không bóng bẩy, không triết lý, không tô vẽ. Dư Hoa viết như một người kể chuyện quê mùa, nhưng mỗi dòng đều mang theo một lớp nghĩa trầm ngâm. Sự đơn giản đó chính là thứ khiến “Sống” chạm vào tim người đọc, không bằng lý trí mà bằng trực cảm con người.
“Sống” không nói về anh hùng, không nói về chiến thắng, mà nói về những người không chết – vì họ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc sống tiếp. Trong hoàn cảnh nào, họ cũng cố bám víu lấy sự sống – dù trần trụi và bất công đến mức nào.
Tác phẩm đi qua nhiều biến động lớn: cải cách ruộng đất, Đại nhảy vọt, Cách mạng Văn hóa. Nhưng tất cả được thể hiện qua góc nhìn rất cá nhân, rất con người, chứ không mang màu sắc tuyên truyền. Những biến cố ấy được kể lại như những gì mà con người nhỏ bé phải chịu đựng, không lý giải, không phản kháng, chỉ đơn giản là sống sót.
Đọc Sống không phải để học bài học đạo đức. Nó không dạy bạn phải yêu đời hay kiên cường. Nó chỉ để bạn ngồi xuống, lặng lẽ đọc về một con người – và hiểu ra một điều gì đó cho chính mình.
Tác phẩm điện ảnh “phải Sống” (To Live), chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Dư Hoa, đã được đạo diễn Trương Nghệ Mưu đưa lên màn ảnh rộng vào năm 1994 (Cát Ưu và Củng Lợi đóng chính). Bộ phim nhanh chóng nhận được sự công nhận quốc tế và gặt hái nhiều giải thưởng tại Liên hoan phim Cannes năm đó.
Mặc dù được quốc tế ca ngợi, To Live lại bị cấm chiếu tại Trung Quốc. Nguyên nhân chính là do bộ phim phản ánh những chính sách và chiến dịch của chính phủ Trung Quốc một cách phê phán, như Đại nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa. Ngoài ra, việc đoàn làm phim đưa To Live tham dự Liên hoan phim Cannes mà không có sự cho phép chính thức từ chính phủ cũng góp phần vào lệnh cấm này.
“Sống” khiến ta không nhìn cuộc sống qua lăng kính màu sắc, mà nhìn qua lớp bụi thời gian, qua những mất mát lặng thầm – để rồi thấy hiện tại của mình vẫn còn quá đỗi may mắn.
Có lẽ đúng như Dư Hoa đã viết “con người ta vì bản thân sự sống mà sống, chứ không phải sống vì bất cứ sự vật nào ngoài sự sống. Tôi cảm thấy mình đã viết được 1 tác phẩm cao thượng.”
Có ai đã nhận xét: Dư Hoa giống Lỗ Tấn năm phần, Márquez ba phần, một phần Kafka — phần còn lại là chính ông: một cựu nha sĩ bỏ nghề vì không chịu nổi những vòm miệng kinh hoàng. Nhưng rốt cuộc, ông vẫn đang soi đèn vào hiện thực như soi vào hàm răng sâu: lật tung những chân răng xã hội bốc mùi, khoan vào tận tủy những chỗ tưởng như vững chắc nhất.
Dư Hoa xếp thứ hai danh sách nhà văn thực lực nhất Trung Quốc, sau “văn vương” Mạc Ngôn (Nobel Prize văn học 2012). Danh sách do các nhà phê bình văn học hàng đầu công bố.