06/05/2025
BẢN NGÃ LÀ GÌ ?
Bản ngã là cái ta hay cái tôi mà mỗi người tuỳ theo hoàn cảnh, tuỳ vào sự nhận thức của mỗi người mà bám chấp vào nó.
Ví dụ: Khi bị chê bai nổi sân, tức giận thì cái tôi ở đây chấp vào lời nói, lời phê bình, chấp vào danh dự. Hoặc khi bị đánh nổi sân, tức giận, căm thù thì cái tôi ở hoàn cảnh này chấp vào cái thân...
Với người phàm phu đều có cái tôi lớn, và tự cho cái tôi là rất quan trọng, có nghĩa bản ngã lớn.
Với người tu hành, tu càng cao, càng giỏi thì bản ngã sẽ nhỏ dần, mục tiêu của đạo Phật là hướng người tu tiến về vô ngã, có nghĩa không còn cái tôi, không chấp vào cái tôi hay cái ta.
VÔ NGÃ CÓ HAI ĐIỀU :
1. Vô ngã trong đạo đức người tu đạt được sẽ có biểu hiện:
• Luôn sống vì mọi người, luôn làm lợi ích cho đời cho đạo, rất có hiếu với cha mẹ, thương yêu quý trọng người thân và bè bạn.
Thương yêu quý trọng mọi người nhưng không luyến ái.
• Luôn cư sử tốt với tất cả mọi người, thương yêu quý trọng và bình đẳng, không phân biệt giàu nghèo, địa vị cao thấp...
Luôn đoàn kết thân ái, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với mọi người khi khó khăn.
• Rất khiêm hạ luôn thấy mình nhỏ bé, ham học hỏi, biết lắng nghe và chia sẻ hợp tình hợp lý. Không chê bai người, biết cảm thông và tha thứ lỗi lầm cho người khác.
• Vui mừng khi người khác thành công, buồn khi người buồn, vui khi người vui, tức luôn đồng cảm với người xung quanh.
Luôn tự tìm lỗi và nhận lỗi để khắc phục, sửa chữa.
• Trung thành với bề trên, người thân, đồng nghiệp lúc khó khăn, gian nan.
2. Vô ngã trong tu tập tâm linh:
• Có lòng tôn kính Phật vô biên.
• Toạ thiền luôn quán thân là vô thường, mọi pháp là vô thường, tâm là vô ngã.
• Tâm từ bi lớn, thực sự thương yêu muôn loài, trân trọng mọi vật từ cỏ cây hoa lá...
• Khơi sáng trí tuệ nhận thức được tiền tài, vật chất là phương tiện giúp ta tu tập để tiến sâu trong con đường tâm linh chứ không hưởng thụ.
• Làm chủ được thân và tâm, làm chủ mọi cảm giác, khen, chê không nao động tâm, tâm bình thản.
• Hàng ngày trong mọi công việc hoặc trong toạ thiền luôn giữ chánh niệm, luôn kiểm soát được thân và tâm.
• Người có bản ngã nhỏ luôn được chư thiên gia hộ.
• Người có bản ngã lớn hay tự ái, tự cao, tự đại và tự mãn... điều này làm tổn phước của chính mình.
• Người có bản ngã lớn sẽ ích kỷ, ghen tỵ, đố kỵ, luôn chê bai người khác, luôn cho mình là đúng, có lỗi không nhận, đổ lỗi cho người khác.
Chính vì vậy mục tiêu của đạo Phật là tiêu diệt bản ngã, khi không còn bản ngã có nghĩa là vô ngã thì con người hết đau khổ, an vui thanh thản, cuộc sống nhẹ nhàng.
Để bản ngã nhỏ dần hàng ngày chúng ta thường quán niệm:
"Bản ngã phù du như khói sương
Thân tâm cát bụi ở ven đường
Một lòng theo Phật tìm vô ngã
Pháp giới chỉ còn một khối thương"
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật 🙏🙏🙏
Nguồn : Sưu tầm