
04/02/2025
Tạp chí Quy hoạch xây dựng số 132
Chuyên đề: QUY HOẠCH & QUẢN LÝ KIẾN TRÚC, CẢNH QUAN NÔNG THÔN
Bạn đọc thân mến!
Qua hơn một thập niên triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, nông thôn Việt Nam đã có nhiều bước đổi mới tích cực. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại, cơ sở hạ tầng được cải thiện, cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Song quá trình này cũng đi kèm các tác động làm suy giảm giá trị cảnh quan sinh thái tự nhiên và văn hóa truyền thống, bản sắc kiến trúc nông thôn.
Vấn đề quy hoạch và quản lý kiến trúc, cảnh quan trong xây dựng nông thôn đang trở thành vấn đề rất đáng được quan tâm. Xây dựng nông thôn không chỉ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng mà còn phải hướng đến một không gian sống bền vững, thân thiện với môi trường và phù hợp với bản sắc văn hóa địa phương. Tuy nhiên, công tác quy hoạch, quản lý kiến trúc cảnh quan tại các vùng nông thôn ở nước ta hiện nay còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao, ảnh hưởng không nhỏ tới công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về ý nghĩa vai trò của bảo tồn và phát huy các giá trị cảnh quan, kiến trúc truyền thống còn chưa thực sự nhận được sự quan tâm sâu sát của chính quyền và cộng đồng dân cư địa phương.
Chính vì vậy, Tạp chí Quy hoạch xây dựng số 132 thực hiện chuyên đề: Quy hoạch và quản lý kiến trúc, cảnh quan nông thôn. Các bài viết trong chuyên đề sẽ phân tích, đánh giá thực trạng quy hoạch, quản lý kiến trúc cảnh quan khu vực nông thôn, phân tích sâu các vấn đề nóng đang diễn ra hiện nay như: tình trạng “đồng bằng hóa miền núi, đô thị hóa nông thôn, bê tông hóa làng quê”…, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý kiến trúc cảnh quan nông thôn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá và đặc trưng thiên nhiên của mỗi địa phương. Quy hoạch, quản lý kiến trúc cảnh quan nông thôn, không chỉ được nhìn nhận từ góc độ công tác quy hoạch đô thị nông thôn, mà còn từ đặc trưng địa lý, văn hóa địa phương, vùng miền. Vấn đề nhận diện phân loại nông thôn Việt Nam cũng đã được các chuyên gia đề cập đến dựa trên việc tham khảo kinh nghiệm từ các nước đạt nhiều thành tựu xây dựng nông thôn mới, để từ đó đề xuất các giải pháp phát triển phù hợp với từng loại hình, từng giai đoạn. Chuyên đề được thực hiện với hy vọng trong tương lai gần Việt Nam sẽ có nhiều hơn các khu vực nông thôn “đáng sống”. Nơi đó không chỉ có chất lượng sống cao, hoạt động kinh tế hiệu quả mà còn giữ gìn được không gian kiến trúc-cảnh quan thân thiện và giàu bản sắc.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!