02/11/2023
Lịch sử hình thành và hình ảnh ngày xưa của phố biển Nha Trang
/bài viết mang tính chất tham khảo - tác giả: Đông Kha/
Trước thế kỷ 18, vùng đất này thuộc nước Chiêm Thành của người Champa nên đến nay vẫn còn nhiều di tích của người Chăm, nổi tiếng nhất là Tháp Bà Po Nagar. Bản thân tên gọi Nha Trang cũng được phiên âm từ tiếng của người Chăm.
Cho đến cuối thế kỷ 19, Nha Trang vẫn là một vùng đất hoang vu yên bình, thuộc Hà Bạc, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh. Qua đến đầu thế kỷ 20, bộ mặt Nha Trang đã thay đổi nhanh chóng. Nghị định ngày 30 tháng 8 năm 1924 của Toàn quyền Đông Dương đã nâng cấp Nha Trang thành một thị trấn, được hình thành từ các làng cổ: Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài, Phước Hải
Nghị định ngày 7 tháng 5 năm 1937 của Toàn quyền Đông Dương đã nâng Nha Trang thành thị xã. Lúc mới thành lập, thị xã Nha Trang có 5 phường: Xương Huân là phường đệ nhất, Phương Câu là phường đệ nhị, Vạn Thạnh là phường đệ tam, Phương Sài là phường đệ tứ, Phước Hải là phường đệ ngũ.
Lúc này, mặc dù cổ trấn Diên Khánh vẫn là tỉnh lỵ của tỉnh Khánh Hòa, nhưng các cơ quan chuyên môn của chính quyền thuộc địa ở Khánh Hòa như Tòa Công sứ, Giám binh, Nha Thương chánh, Bưu điện… đều đặt tại Nha Trang. Tuy nhiên, các cơ quan Nam triều như dinh quan Tuần vũ, Án sát (coi về hành chánh, tư pháp), Lãnh binh (coi việc trật tự trị an) vẫn đóng ở Thành Diên Khánh.
Đến năm 1945, Nha Trang chính thức trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 27 tháng 1 năm 1958, chính quyền đệ nhất cộng hòa ban hành Nghị định 18-BNV bãi bỏ quy chế thị xã, chia Nha Trang thành 2 xã là Nha Trang Đông và Nha Trang Tây thuộc quận Vĩnh Xương.
Ngày 22 tháng 10 năm 1970, sắc lệnh số 132-SL/NV của chính quyền VNCH tái lập thị xã Nha Trang, thành tỉnh lỵ của tỉnh Khánh Hòa. Thị xã Nha Trang chia làm 2 quận: quận 1 và quận 2. Quận 1 gồm các xã Nha Trang Đông, Vĩnh Hải, Vĩnh Phước, các ấp Ngọc Thảo, Ngọc Hội và Lư Cấm thuộc xã Vĩnh Ngọc, ấp Vĩnh Điềm Hạ thuộc xã Vĩnh Hiệp; Quận 2 gồm các xã Nha Trang Tây, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên (kể cả các đảo Hòn Tre, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Tằm), ấp Phước Hải của xã Vĩnh Thái.
Đầu năm 1975, Ủy ban Quân quản Khánh Hòa chia Nha Trang thành 3 đơn vị hành chính: quận 1, quận 2 và quận Vĩnh Xương. Cũng trong năm này, tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên sáp nhập thành tỉnh Phú Khánh.
Tháng 9 năm 1975, hợp nhất hai quận: quận 1 và quận 2 thành thị xã Nha Trang, gồm 17 phường: Lộc Thọ, Ngọc Hiệp, Phước Hải, Phước Hòa, Phước Tân, Phước Tiến, Phương Sài, Phương Sơn, Tân Lập, Vạn Thắng, Vạn Thạnh, Vĩnh Hải, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường, Xương Huân.
Năm 1977, thị xã Nha Trang được nâng lên cấp thành phố trực thuộc tỉnh và là tỉnh lỵ tỉnh Phú Khánh. Ngày 30 tháng 6 năm 1989, tái lập tỉnh Khánh Hòa từ tỉnh Phú Khánh cũ, Nha Trang là tỉnh lỵ tỉnh Khánh Hòa.
(Theo Đông Kha -Chuyenxua..net)