03/12/2024
Hứa Chử (? – 230), tự là Trọng Khang, là một trong những công thần khai quốc của nước Tào Ngụy thời Tam Quốc.
Theo ghi chép của bộ chính sử Tam Quốc chí, Hứa Chử là người mình cao tám thước, lưng to, dáng vẻ uy nghiêm, dũng khí hơn người. Trên thực tế, Hứa Chử không trải qua nhiều cuộc chiến nhưng mỗi trận đều dốc sức tạo ra chiến tích hoàn hảo nhất, bảo vệ chủ công mà không chịu bất kỳ vết thương đáng kể nào. Do vậy, ông nổi danh không phải nhờ may mắn mà là năng lực thật sự.
Cuối thời Đông Hán, thiên hạ loạn lạc, nạn cướp bóc nổi lên khắp nơi. Hứa Chử đã tập hợp họ hàng và nhiều người khác để dựng dinh lũy chống lại hơn 1 vạn quân cướp đến đánh vùng quê ông. Hứa Chử cùng các thủ hạ ra sức chiến đấu nhưng lực lượng ít ỏi, bắn hết tên đạn. Ông hạ lệnh cho toàn thể nhân dân, cả già trẻ trai gái cùng xung trận, khuân đá lớn chất đầy 4 góc dinh lũy. Sau đó, Hứa Chử tự vác đá lớn ném địch. Quân cướp nhiều người bị trúng đá chết tan xác nên sợ hãi không dám lại gần.
Lương thực hết, Hứa Chử phải xin giảng hòa, đề nghị đổi trâu lấy lương thực. Khi quân địch giao lương thực rồi đến lấy trâu, Hứa Chử xông ra cầm đuôi trâu lôi ngược lại hơn 100 bước. Quân địch thấy ông hùng dũng đều sợ hãi không dám đến lấy trâu nữa, lũ lượt rút lui. Từ đó, danh tiếng của ông được nhiều người biết đến. Sau khi Tào Tháo làm chủ được Duyện Châu, Hứa Chử mới dẫn quân đến quy phục. Ông được Tào Tháo cho làm hộ vệ riêng của mình. Điều này khiến nhiều người bất ngờ bởi Tào Tháo vốn nổi tiếng đa nghi. Tuy nhiên, hoá ra Tào Tháo không hề nhìn nhầm người.