01/06/2025
CẦN CHÚ Ý GÌ KHI LÀM BÀI THI TỐT NGHIỆP MÔN NGỮ VĂN
(Dành cho HS lớp 12)
Tác giả: Đỗ Ngọc Thống
Chỉ còn một tháng nữa, các em HS lớp 12 sẽ bước vào kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Đây là kì thi đầu tiên thực hiện đánh giá năng lực người học theo Chương trình 2018. Môn Ngữ văn là một trong hai môn thi bắt buộc. Yêu cầu của đề thi có nhiều điểm mới, nhất là việc không sử dụng lại các văn bản ngữ liệu đã có trong SGK. Để làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn HS cần chú ý những gì? Về yêu cầu, cấu trúc, định dạng của đề thi, Bộ GD&ĐT đã công bố từ 12/2023. Các em cũng đã được luyện tập, làm quen với các đề tham khảo…Ở đây, tôi xin nêu lên vài gợi ý khi làm bài.
a) Sau khi nhận đề, các em cần bình tĩnh, đọc lướt qua toàn bộ đề văn, cả 2 phần (đọc hiểu và viết) để có cái nhìn tổng quát yêu cầu của toàn bộ đề thi, phát hiện mối quan hệ giữa các phần, các câu hỏi trong đề. Nhất định phải làm đủ các câu hỏi, các phần trong đề.
b) Làm phần đọc hiểu trước (chỉ nên dành 30- 40/120 phút): đọc chậm VB ngữ liệu, sau đó trả lời từng câu hỏi trong đề. Chỉ cần trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, đề hỏi gì thì trả lời thẳng vào câu hỏi ấy. Ví dụ với câu hỏi: xác định biện pháp tu từ trong đoạn trích, thì chỉ cần nêu tên biện pháp tu từ; không cần lí giải, cũng không cần nêu đặc điểm và tác dụng của biện pháp ấy. Ngược lại nếu đề yêu cầu vì sao thì phải lí giải... Với câu hỏi mức độ hiểu (câu 3,4) và vận dụng (câu 5) cũng không nên trình bày dài dòng mà viết thật ngắn gọn, chủ yếu nêu thông tin chính.
c) Làm phần Viết, viết đoạn hay viết bài trước đều được. Tuy vậy cần chú ý mối quan hệ giữa yêu cầu viết với phần đọc hiểu. Nếu nội dung câu viết nào liên quan đến VB đọc hiểu thì làm phần đó trước. Viết đoạn văn thường chỉ tập trung làm rõ một ý lớn. Ý lớn thường nêu ngay trong đề. HS nên nêu ý chính này ở phần mở đầu đoạn; các câu sau (phát triển đoạn) chỉ nhằm làm rõ ý đã nêu ở mở đầu đoạn, không mở rộng ra các ý khác; dù đoạn văn có thể chưa dài, chưa đủ 200 chữ, nếu thấy đã làm rõ được ý mở đầu thì dừng lại. Viết đoạn chỉ nên dành khoảng 30 phút.
Thời gian còn lại tập trung viết bài (khoảng 60 phút). Do thời gian không nhiều nên đề văn cũng không thể yêu cầu HS phải viết nhiều. Điều đó thể hiện ở việc đề thường nêu ngữ liệu không dài, không quá khó; từ đó yêu cầu viết rõ ràng, phù hợp với trình độ, đối tượng HS và thời gian viết bài.
Về dung lượng, đề nêu giới hạn viết đoạn văn “khoảng 200 chữ” tức là có thể viết trên dưới số lượng chữ quy định, không nhất thiết phải viết đúng số chữ ấy. Ví dụ đoạn có thể 250 chữ hoặc 180 chữ; bài có thể 700 chữ hoặc 500 chữ...Tuy nhiên HS không nên quá say sưa với 1 câu mà làm câu khác sơ sài do thiếu thời gian.
d) Chú ý hình thức trình bày bài thi. CT mới yêu cầu HS không chỉ chú ý nội dung mà cần coi trọng cả hình thức trình bày. Sẽ bị trừ điểm khá nhiều nếu bài viết mắc nhiều lỗi hình thức như: chữ viết cẩu thả (sai, thiếu nét), sai chính tả, sai ngữ pháp; dùng từ sai, diễn đạt tối nghĩa, lủng củng, mâu thuẫn...
e) Thể hiện trung thực và sáng tạo. Bài viết nghị luận là sự thể hiện tư tưởng, tình cảm, thái độ; những hiểu biết và cách nghĩ, cách cảm, cách hiểu của người viết trước một vấn đề văn học hoặc cuộc sống, xã hội. Vì thế HS cần thể hiện một cách trung thực. Cụ thể, suy nghĩ, cảm nhận được gì, hiểu thế nào... thì nêu đúng suy nghĩ, cảm nhận, cách hiểu của mình, đặc biệt mạnh dạn nêu lên các ý mới lạ của cá nhân; không sao chép, vay mượn, nói theo người khác...Tuy nhiên những suy nghĩ dù của cá nhân cũng cần trình bày theo một thứ tự rõ ràng, có logic để thuyết phục người đọc. Bài văn không chỉ có ý mà người viết còn biết diễn dạt các ý ấy cho đúng, cho hay bằng câu chữ, lời văn sáng sủa, giàu hình ảnh...
Đôi lời gửi tới các em HS lớp 12 trước một kì thi lớn. Chúc các em hoàn thành tốt bài thi môn Ngữ văn.
Hà Nội, 28/05/2025.
P/S: Những HS thi tốt nghiệp lại theo CT 2006 cũng có thể tham khảo các lưu ý trong bài này.
https://www.facebook.com/share/p/1BmhumrzVz/?mibextid=oFDknk
Send a message to learn more