27/06/2025
Sáng ngày 26/06/2025, mạng xã hội Việt Nam dậy sóng bởi Lê và Sơn - hai nhân vật xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn (từ truyện ngắn “Những vùng trời khác nhau” - tác giả Nguyễn Minh Châu). Đề bài yêu cầu thí sinh “phân tích tình cảm của Lê dành cho Sơn trong văn bản…”. Mối quan hệ thân thiết và gắn bó giữa hai người lính thời kháng chiến chống Mĩ được cộng đồng mạng đưa ra phân tích và bàn luận. Nhiều người đọc và thí sinh dự thi chia sẻ rằng họ cảm thấy tình cảm của Lê và Sơn không chỉ là tình bạn, mà còn có thể là một mối quan hệ lãng mạn. Ý kiến này nhận về những phản ứng trái chiều, cho rằng nhận định như vậy về hai nhân vật này là "thiếu tôn trọng tác giả", "xúc phạm tiền nhân", "báng bổ thế hệ đã hy sinh vì đất nước".
Việc lâu nay văn bản văn học bị gắn chặt với các “dàn ý mẫu” và cách đọc chuẩn hóa đã góp phần định hình một lối tư duy học vẹt, thụ động trong cảm thụ văn chương. Cách tiếp cận này làm nghèo đi khả năng tưởng tượng và đối thoại của người học, kìm hãm sự phát triển của năng lực đọc hiểu văn hóa phẩm. Tín hiệu đáng mừng là đề thi Ngữ Văn cấp quốc gia đã bắt đầu có sự chuyển dịch rõ rệt. Đề thi năm nay là lần đầu tiên đưa vào những ngữ liệu không nằm trong chương trình học, dần khuyến khích cảm thụ cá nhân, và khả năng phân tích vượt ra ngoài những hệ thống ý tưởng đóng khung. Cũng vì thế, tranh cãi về mặt quan điểm là không thể tránh khỏi. Vì vậy, bài viết này của Rất Đỗi Tự Hào không nhằm mục đích xác nhận xu hướng tính dục hay khuynh hướng mối quan hệ giữa hai nhân vật, càng không khẳng định ý định của tác giả, mà đơn thuần là một bài bàn luận về sự tranh cãi của cộng đồng mạng với việc tiếp nhận một ngữ liệu văn học.
Các tác phẩm văn học sau khi được viết ra và công bố sẽ xuất hiện sự phân biệt, và đồng thời đối thoại, giữa intention (ý định của tác giả) và reception/perception (sự cảm thụ của người đọc). Văn bản đó sẽ không còn hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của tác giả mà trở thành một phần của đời sống văn hóa, nơi người đọc từ các thế hệ khác nhau, với các trải nghiệm xã hội khác nhau, tham gia kiến tạo nghĩa cho văn bản. Việc diễn giải không bao giờ đứng yên mà luôn thay đổi cùng xã hội. Ngay cả chính các tác giả khi đọc lại tác phẩm của mình sau nhiều năm cũng có thể cảm thấy xa lạ hoặc thấy được những tầng nghĩa mà chính họ chưa từng chủ đích thiết kế. Một minh chứng tiêu biểu cho quá trình biến đổi này là nhân vật Thúy Kiều trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, một hình tượng được tranh luận từ nhiều góc độ khác nhau trong suốt chiều dài lịch sử tiếp nhận tác phẩm (Ví dụ này không nói đến tính đúng - sai của phân tích nhân vật).
Tất nhiên, quá trình kiến tạo nghĩa đa chiều này không diễn ra trong chân không. Khi một văn bản chạm đến những vùng nhạy cảm của ý thức hệ, đặc biệt là những chủ đề liên quan đến giới, tính dục, hay tinh thần dân tộc, nó thường vấp phải sự kháng cự từ những người mong muốn duy trì cách đọc "chính thống". Trường hợp đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ Văn là một minh chứng rõ ràng: quan điểm "nhân vật cách mạng thì không thể đồng tính" là một quan điểm nguy hiểm. Tư tưởng này là sản phẩm của một nền văn hóa định chuẩn nam tính quân sự hóa. Tính nam chuẩn mực theo mỹ học quân đội bị gò bó trong vai trò thống trị truyền thống: kỷ luật thép, vũ khí tối tân, và khả năng chinh phục. Đó là lý do vì sao thường xuyên xuất hiện những tranh luận về hình ảnh người nam "ẻo lả" khi mặc trang phục quân đội như là một sự "xúc phạm kỷ luật quân đội". Hơn thế nữa, hình ảnh người lính cách mạng đã trở thành một hình tượng thiêng chứa đựng giá trị dân tộc, vì vậy bất kỳ cách đọc nào đi chệch khỏi hình mẫu ấy, nhất là cách đọc liên quan đến đồng giới hay “lệch chuẩn”, không tuân theo hình ảnh tính nam quân đội, sẽ lập tức bị xem là xúc phạm hình ảnh thiêng liêng, thậm chí “phản bội tổ quốc”. Ở đây, chúng ta thấy một cơ chế ngụy trang ý thức hệ, khi chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quân phiệt trở thành công cụ để che đậy cho hành vi đàn áp giới và tính dục. Những gì đáng ra phải được nhận diện là kỳ thị LGBTQ+ thì lại được hợp lý hóa bằng diễn ngôn đạo đức và tổ quốc. Đây là một chiến lược ngôn ngữ nguy hiểm, bởi nó diễn ra trong vùng cảm xúc tập thể được bảo vệ chặt chẽ nhất là lòng yêu nước và ký ức chiến tranh. Trong bối cảnh lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, tư tưởng này phân tách bản dạng giới và xu hướng tính dục ra khỏi khả năng đóng góp cho đất nước, hàm ý rằng những người thuộc cộng đồng LGBTQ+ không thể là một phần trong cuộc đấu tranh đó. Đây là một sự xóa bỏ chính trị, và nó là một dạng micro-aggression (vi kích/vi hiếp), tức là hành vi phân biệt ẩn tàng, khó gọi tên, nhưng có sức mạnh âm thầm củng cố tính nam độc hại và chuẩn mực độc tôn của dị tính luyến ái.
Trong khi các mối quan hệ khác giới thời chiến được khắc họa trong văn học, ví dụ như giữa anh thanh niên công tác khí tượng và cô kỹ sư trong Lặng lẽ Sa Pa, từ lâu đã được "diễn giải mở" theo hướng tình cảm lãng mạn mà không hề vấp phải phản ứng dữ dội, thì những gợi ý tương tự dành cho mối quan hệ giữa hai người đàn ông ngay lập tức bị quy chụp là “phi đạo đức” hay “mất thuần phong mỹ tục”. Điều này là biểu hiện của định chuẩn hóa dị tính (heteronormativity), tức mặc định rằng chỉ có tình yêu nam-nữ là “bình thường”, mọi tình cảm khác đều phải chứng minh tính chính đáng, chính thống của mình. Nó tạo ra một tiêu chuẩn kép trong cảm thụ văn học. Người q***r tự động bị lề hóa, và kéo theo đó - tất nhiên - là sự thiếu vắng của đại diện q***r (q***r representation) trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Sự thiếu vắng đại diện q***r này không chỉ ảnh hưởng đến nhóm đồng tính nam, mà còn xóa đi sự tồn tại của các nhóm tính dục khác như song tính, toàn tính, vô tính,...
Dù không được lưu trữ hay công nhận một cách hệ thống, các tác giả và tác phẩm lấy chủ đề q***r/có yếu tố q***r không hề vắng mặt trong văn học Việt Nam, hay văn học thời cách mạng. Sự tồn tại của tình đồng tính trong lịch sử Việt Nam không thiếu, thậm chí còn từng xuất hiện đoạn mô tả hành vi tình dục đồng tính trong cuốn hồi ký “Cát bụi chân ai” của nhà văn Tô Hoài. Nhà thơ Xuân Diệu - một nhà thơ yêu nam - có tác phẩm thơ “Tình trai” nói về tình yêu giữa hai nhà thơ nam là Rimbaud và Verlaine. Năm 1969, nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ cũng đã viết tiểu thuyết “Khung rêu” lấy đề tài tình yêu đồng tính và ẩn ức tình dục đồng tính. Tuy nhiên, trong điều kiện kiểm duyệt nghiêm ngặt và một hệ thống phê bình văn học nặng tính đạo đức và chính trị, các biểu hiện phi chuẩn về giới và tính dục thường bị xóa bỏ và bị kiểm duyệt, hoặc nếu được phép tồn tại, những mối quan hệ này được mã hóa bằng những khái niệm như "tình bạn", "tình đồng chí", hoặc bị né tránh bằng sự mơ hồ ngữ nghĩa. Sự tồn tại của người đồng tính và các mối quan hệ đồng tính, hay rộng hơn là của nhóm q***r, đã bị lề hóa trong cả nền văn học. Điều này làm gây ra những lầm tưởng về sự tồn tại của người q***r trong xã hội thực rằng họ “không tồn tại”, “b3nh h0ạn, kì dị” hoặc “hồi xưa không ai biết đồng tính là gì”, bởi văn hóa và truyền thông đã kiểm duyệt và gạt bỏ các đại diện của họ một cách gần như tuyệt đối.
Sự không trùng khớp trong ý định của tác giả vào thời chiến và cảm nhận của độc giả trẻ trong thời bình là một vấn đề hoàn toàn bình thường. Trong trường hợp này, sự khác biệt về quan niệm, kiến thức xã hội, ngữ cảnh lịch sử,... làm cho mối quan hệ có vẻ là platonic (phi lãng mạn) theo ý định gốc của tác giả trở nên lãng mạn hoá (romanticize) trong cách đọc của thế hệ trẻ. Đây chỉ là một sự tiếp biến văn hóa vô cùng bình thường của thời đại, không làm biến dạng giá trị cốt lõi của tác phẩm, cũng như không làm mất đi hay bóp méo những ý định vốn có mà tác giả muốn truyền tải (hiện tượng hay còn gọi là “death of the author” - cái chết của tác giả). Nói rộng hơn, việc tạo các tác phẩm phái sinh cho các tác phẩm nghệ thuật và giải trí đã tồn tại từ lâu. “Aeneid” của Virgil, được viết vào khoảng năm 29-19 trước Công nguyên - vốn dựa trên hai tác phẩm sử thi của Homer là “Trường ca Odyssey” và “Trường ca Iliad”. “Thiên đường đã mất” (Paradise Lost) xuất bản năm 1667 của John Milton cũng được coi là một tác phẩm phái sinh từ Kinh Sáng thế. Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kiều) cũng là một tác phẩm sinh ra từ sự tiếp nhận của đại thi hào Nguyễn Du với một tác phẩm văn xuôi là Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc), đã thay đổi đáng kể những chi tiết trong câu chuyện này để thể hiện những giá trị cá nhân mà ông tin tưởng; từ đó, Truyện Kiều, khi được tiếp nhận lần hai trong văn hóa Việt Nam, mang lớp nghĩa mới sâu đậm hơn về nỗi đau của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Các hình thái phái sinh và tái định nghĩa (reconceptualize) vốn đã phổ biến từ lâu, trong cả nền văn học nghệ thuật dòng chính (mainstream) lẫn dòng ngách (marginal). Việc phản đối hay lên án hiện tượng này trong bối cảnh văn học Việt Nam đương đại là một sự hạn chế không cần thiết đối với khả năng tiếp cận và cảm thụ đa chiều của độc giả trẻ.
Việc lên án về góc nhìn cảm thụ văn học của thế hệ trẻ trong sự việc lần này cho thấy chúng ta chưa có đủ không gian để thảo luận một cách không kỳ thị về giới, tính dục, và các dạng thức yêu thương. Chính vì vậy, việc học sinh dám nhìn khác, nghĩ khác là một tín hiệu đáng mừng. Các em đang mở rộng biên giới của văn học, và cũng là của xã hội. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt rõ giữa các diễn giải nghiêm túc dựa trên sự thấu cảm và trải nghiệm sống của cộng đồng LGBTQ+ với những diễn ngôn giễu nhại, coi các mối quan hệ nam-nam như trò cười dựa trên định kiến. Những biểu hiện này thực chất cũng là các vi kích kỳ thị (micro-aggressions) góp phần củng cố định kiến giới và làm xói mòn tính nghiêm túc của các diễn giải phi dị tính trong một không gian giáo dục văn chương có trách nhiệm.
Giới trẻ hôm nay lớn lên trong một thế giới cởi mở hơn về giới và tính dục. Sự nhạy cảm của các em với những dạng quan hệ đồng giới không nên bị cấm đoán, và cũng không thể cấm được. Khi một văn bản văn học khiến người đọc trẻ rung động, đồng cảm và nhìn thấy chính mình trong đó, dù là trong tình bạn hay tình yêu, dị tính hay đồng tính, thì đó là thành công của tác phẩm. Việc một số người trẻ hôm nay đọc ra mối quan hệ q***r trong một văn bản văn học thời chiến là một sự phong phú hoá, nó cho thấy văn bản ấy vẫn đang sống trong cảm nhận của người đọc hiện tại.
TL;DR: Người q***r vốn luôn tồn tại. Chúng tôi chiến đấu vì đất nước. Chúng tôi yêu chân thành và đậm sâu. Chúng tôi là một phần của dải đất này, dù là quá khứ, hiện tại, hay tương lai. Và chúng tôi có quyền được nhìn thấy chính mình trong văn, trong thơ, trong nghệ thuật.