26/04/2025
Hôm nay, khi cả nước đang rợp trời cờ hoa, tưng bừng kỷ niệm 𝟓𝟎 𝐧𝐚̆𝐦 𝐍𝐠𝐚̀𝐲 𝐆𝐢𝐚̉𝐢 𝐩𝐡𝐨́𝐧𝐠 𝐦𝐢𝐞̂̀𝐧 𝐍𝐚𝐦, 𝐭𝐡𝐨̂́𝐧𝐠 𝐧𝐡𝐚̂́𝐭 đ𝐚̂́𝐭 𝐧𝐮̛𝐨̛́𝐜 (𝟑𝟎/𝟒/𝟏𝟗𝟕𝟓 – 𝟑𝟎/𝟒/𝟐𝟎𝟐𝟓), đắm chìm trong những video, hình ảnh của những cuộc diễu binh long trọng ở HCM , tôi cũng không khỏi nhớ đến ông ngoại – một người chiến sĩ cách mạng từng trải qua những tháng năm bị giam giữ nơi địa ngục trần gian Côn Đảo.
Ông và các đồng chí bị bắt trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Họ bị giam giữ, tra tấn dã man, đày đọa trong nhà tù Côn Đảo – nơi gió biển cũng thấm mùi sắt đá, nơi từng tiếng xích va đập vang vọng hòa cùng tiếng sóng biển. Nhưng dẫu thân xác bị xiềng xích, tinh thần vẫn không bị khuất phục. Trong tù, các chiến sĩ không ngừng nuôi hy vọng, viết thơ, hát cách mạng, dạy nhau học chữ, truyền cho nhau niềm tin vào một ngày đất nước sẽ hòa bình.
Năm 1973, sau Hiệp định Paris, những tưởng ánh sáng tự do đã gần kề, nhưng chính quyền lúc bấy giờ lại cố tình chuyển các tù nhân chính trị thành tù thường phạm, nhằm ngăn chặn việc trao trả. Phải đến ngày 1 tháng 5 năm 1975, khi Sài Gòn được giải phóng, khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời thống nhất, các chiến sĩ Côn Đảo mới thực sự được trả tự do – sau bao năm bị giam cầm oan nghiệt.
Ông đã trở về – mang theo những bài thơ viết trong ngục, những vần thơ đẫm mồ hôi, máu và lòng yêu nước thiết tha của những người thanh niên đã hiến dâng cả tuổi trẻ cho Tổ quốc.
Hôm nay – 𝟓𝟎 𝐧𝐚̆𝐦 𝐬𝐚𝐮 𝐧𝐠𝐚̀𝐲 𝐧𝐨𝐧 𝐬𝐨̂𝐧𝐠 𝐥𝐢𝐞̂̀𝐧 𝐦𝐨̣̂𝐭 𝐝𝐚̉𝐢, 50 năm kể từ ngày ông được trở về với gia đình, tôi ngẩng cao đầu giữa đất nước hòa bình, để kể lại câu chuyện của ông. Câu chuyện ấy, những vần thơ ấy, đã đi theo tôi suốt tuổi thơ bên ông.
Thế là đã trưởng thành nơi lao lý
Cuộc đời tôi, tôi nhiệm trí đấu tranh
Giờ người ôm bao ý nghĩa trong lành
Của dĩ vãng làm lòng tôi sao xuyến
Đẹp lắm đó, lầm tôi lưu luyến
Rất vững vàng trong trận chiến công nông
Sống đau thương, đọa đày cứ chồng chất
Trên cổ mẹ, lưng cha còng đói rách
Tuổi non dại mà dập dồn xa cách
Dáng thơ ngây thử thách dạn dày
Lúc chào đời lắm nỗi đắng cay
Cha không thấy, chỉ mẹ thay uốn nắn
Tiếng nói đầu tiên hỏi: “Cha đâu vắng?”
Mẹ ngập ngùi, thầm lặng chẳng nói ra
Cảnh đói nghèo, đơn độc mẹ bôn ba
Lúc ở đợ, làm thuê qua ngày tháng
Mình mẹ nuôi con, thân gầy bao quản
Lại thêm ngoại già quờ quạng tối tăm
Gánh nặng đôi vai mẹ vẫn âm thầm
Không than thở, cắn răng ngầm thổn thức
Đến một buổi, cha về trong nao nức
Của miền Nam đang rực lửa đấu tranh
Truyền thống mùa thu nay đã trưởng thành
Tôi cũng đã ra đi dành chân lý
Đuổi được Pháp, nay cha về đánh Mỹ
Mẹ nuôi sầu, tôi nối gót theo cha
Thân cô đơn, hiu quạnh ở quê nhà
Mẹ vẫn nhớ, ghi rằng ta sẽ thắng
Suốt đời mẹ chịu muôn vàn cay đắng
Cha mất rồi, Mỹ cướp hẳn tình thương
Tấm thân tôi thêm lắm nỗi đoạn trường
Trong chiến đấu, lỡ xa đường lao ngục
(𝐍𝐠𝐮𝐲𝐞̂̃𝐧 Đ𝐮̛́𝐜 𝐃𝐮̃𝐧𝐠 – 𝟏𝟗𝟕𝟑)
Cũng chính trong những ngày cuối cùng ở Côn Đảo, ông cùng người đồng chí thân thiết là Thanh Tùng, đã cùng nhau viết nên một bài thơ nhỏ như một lời nhắn gửi, một dấu ấn khắc sâu của những tháng ngày cùng nhau sống và chiến đấu.
Đ𝐮̛́𝐜 hạnh là điều nhớ khắc ghi
𝐃𝐮̃𝐧𝐠 cảm kiên cường rèn luyện trí
𝐓𝐡𝐚𝐧𝐡 niên ngần ngại khó khăn gì
𝐓𝐮̀𝐧𝐠 quân quét sạch bè lũ Mỹ
𝐓𝐡𝐮̛𝐨̛𝐧𝐠 giống yêu nòi, buổi hiểm nguy
𝐍𝐡𝐨̛́ lấy lời Cha Hồ Chủ tịch
𝐌𝐚̃𝐢 mãi trau dồi, mãi khắc ghi
“Đ𝐔̛́𝐂 𝐃𝐔̃𝐍𝐆 𝐓𝐇𝐀𝐍𝐇 𝐓𝐔̀𝐍𝐆 𝐓𝐇𝐔̛𝐎̛𝐍𝐆 𝐍𝐇𝐎̛́ 𝐌𝐀̃𝐈”
Bài thơ không hoa mỹ, không cầu kỳ. Nó chỉ là một lời thề lặng lẽ nhưng sắt son giữa những người đồng chí. Bao năm trôi qua, những chiến sĩ ấy – người còn, người đã khuất – có lẽ chẳng thể gặp lại nhau lần nào nữa. Nhưng kí ức về họ vẫn còn đó, những bài thơ vẫn còn đó – trong tim ông, và trong ký ức tuổi thơ của con.