07/02/2025
Cách một thị trưởng Philippines xây dựng mạng lưới lừa đảo triệu đô
Alice Guo, cựu thị trưởng thành phố Bamban, Phillippines, được người dân yêu quý bởi nhiều hành động vì cộng đồng, nhưng phía sau, cô ta là một bà trùm lừa đảo.
Tháng 3/2024, hàng trăm nhân viên thực thi pháp luật Philippines xông vào một khu vực có tường bao quanh ở trung tâm thành phố Bamban, cách thủ đô Manila gần 100 km về phía tây bắc. Nhìn từ bên ngoài, nơi này trông giống như một khu phức hợp bình thường với cửa hàng, văn phòng, nhà ở... Nhưng thực tế, đây là một hang ổ tội phạm do các băng đảng Trung Quốc điều hành, chuyên thực hiện những vụ lừa đảo "mổ lợn" trên quy mô toàn cầu, có giá trị lên tới hàng triệu USD.
Mánh khóe của băng nhóm được gọi là "mổ lợn" bởi những kẻ lừa đảo sẽ "vỗ béo" mục tiêu bằng cách lôi kéo họ vào các mối quan hệ tình cảm trực tuyến rồi thuyết phục họ đầu tư vào các chương trình tài chính giả, sau đó "làm thịt" họ bằng cách biến mất cùng số tiền.
Cảnh sát đã không thông báo trước cho chính quyền địa phương về chiến dịch, nghi ngờ rằng hầu hết họ đều thông đồng với tội phạm. Điều họ không ngờ là thị trưởng trẻ tuổi nổi tiếng của thành phố, Alice Guo, là bà trùm đứng sau đường dây.
Các cuộc điều tra sau đó đã vạch trần cách cô ta đạt được giàu có, quyền lực và lợi dụng ảnh hưởng của mình để mở cửa thành phố 78.000 dân cho những băng nhóm lừa đảo.
Cơ quan điều tra Philippines cho biết Guo, 34 tuổi, sở hữu mảnh đất mà ổ lừa đảo được xây dựng trên đó, đồng sáng lập công ty quản lý nó và đồng lõa trong hoạt động phi pháp tại đây. Với hỗ trợ từ người phụ nữ này, họ đã tuyển dụng hàng nghìn nhân viên để giăng bẫy các nạn nhân qua Internet, thu lợi bất chính.
Các tổ hợp lừa đảo quy mô công nghiệp mọc lên khắp Đông Nam Á nhưng chúng thường nằm ở các quốc gia bất ổn hoặc xảy ra xung đột như Myanmar. Tuy nhiên, mạng lưới ở Bamban cho thấy những tên tội phạm đã trở nên táo tợn như thế nào sau nhiều năm hoạt động mà không bị trừng phạt.
Chúng thiết lập hoạt động lừa đảo ngay trước mắt mọi người tại thành phố gần thủ đô của một đất nước ổn định. Hang ổ lừa đảo gần bàn làm việc của thị trưởng đến mức cô ta có thể nhìn thấy các bức tường khu phức hợp qua cửa sổ văn phòng.
Bên trong khu phức hợp rộng khoảng 100.000 m2 này là ký túc xá, nơi khoảng 3.000 nhân viên được tuyển dụng để thực hiện hành vi lừa đảo, hầu hết là người Trung Quốc, một số đến từ Việt Nam hay Philippines, ngủ giữa các ca làm việc.
Gần đó là các văn phòng nơi cảnh sát đã tịch thu hàng nghìn thiết bị chứa đầy bằng chứng, như hồ sơ mạng xã hội giả mạo và hồ sơ giao dịch tài chính. Cảnh sát tìm thấy một số xe Land Rover chống đạn và một chiếc Cadillac, cùng lối dẫn vào một đường hầm bí mật, có thể là con đường mà những tên trùm sử dụng để bỏ trốn khi bị đột kích.
Tại khu phố ở phía biên kia đường của khu phức hợp, những người bán hàng rong và thợ làm tóc cho hay họ không biết về doanh nghiệp tội phạm này. Một số người hàng xóm nghĩ đây là trung tâm tổng đài dịch vụ khách hàng - loại hình phổ biến ở Philippines, nơi tiếng Anh được sử dụng rộng rãi.
Các nhà điều tra nói rằng Guo là công dân Trung Quốc có tên thật là Guo Hua Ping, đến Philippines từ khi còn nhỏ. Vào năm 2005, cô ta đã gian lận để có được giấy khai sinh Philippines dưới cái tên Alice Leal Guo.
Họ phát hiện ra rằng cái tên này cũng thuộc về một người khác có cùng ngày sinh với ngày được ghi trên giấy tờ giả. Các nhà điều tra vẫn chưa thể tìm ra người phụ nữ Guo đánh cắp danh tính.
Guo phủ nhận các cáo buộc. Cô ta khai rằng mình sinh ra ở Philippines, có cha là người Phúc Kiến, Trung Quốc và mẹ là người Philippines, đã bỏ đi từ khi Guo còn nhỏ.
Guo nói rằng cô ta sinh ra ở vùng nông thôn nên Guo không có giấy khai sinh và cô ta được học tại nhà trong hầu hết thời thơ ấu. Nhưng lời khai của Guo mơ hồ và đôi khi mâu thuẫn. Trước một số câu hỏi khó, cô ta trả lời bằng cách nói mình không nhớ.
———— Theo dõi: Tin tức Philippines (Kênh tin tức, sự kiện Philippines)
Đóng góp ý kiến:
Telegram: /tintucphilippines247
Tiktok: /