18/04/2025
Làm quảng cáo: Chọn giỏi hay chọn tử tế?
Năm 3 đại học, mình hí hửng nhận được một công việc part-time “chạy ads” – nghe rất hợp xu hướng, rất digital, rất “nghề của tương lai”.
Ai ngờ... dính ngay một bên bán thực phẩm chức năng mập mờ nguồn gốc. Mới vào đã được “đào tạo” cấp tốc cách khai thác lòng tham, nỗi sợ và sự nhẹ dạ của người khác. Ba tuần sau, mình xin nghỉ không lương (cũng may chưa gieo nghiệp vì chưa cống hiến được gì).
Tưởng là cú vấp. Nhưng hoá ra là lần đầu mình tự hỏi:
Làm quảng cáo – có cần cái tâm không? 🙄
__
Sáng nay, một bạn sinh viên hỏi mình về “Mindfulness trong việc đưa ra quyết định đạo đức trong ngành”.
Mình đã khựng lại khi bạn hỏi: “Mindfulness ảnh hưởng như thế nào đến công việc của chị?”
Trong ngành quảng cáo, người ta thường nói về chiến lược, ý tưởng, hiệu quả. Nhưng có một phần âm thầm đứng sau mọi quyết định – đó là đạo đức nghề nghiệp bên trong mình.
Sau cuộc trò chuyện, mình đã thử gọi tên những “điểm chạm đạo đức” trong công việc hàng ngày, qua 4 góc nhìn: với khách hàng, audience, đồng nghiệp và đối tác. Mời mọi người cùng bàn cho xôm nhé:
1️⃣ Với Client: Chọn cái tín hay cái tìn ($)
Làm agency, một trong những mục tiêu chính là tối đa hoá lợi nhuận. Nhưng làm nghề, mục tiêu là làm đúng.
Và có những lúc – hai điều đó không song hành.
Có lần, mình từng phải chọn giữa:
- Upsell thêm media để vượt KPIs ngân sách
Và
- Nói thật với client rằng: “Ngân sách này ổn rồi. Em đã chọn phương án tối ưu, không cần đắt hơn”.
Với mình, đạo đức không nằm ở việc chiều theo ngân sách, mà là chọn cái tốt nhất cho client trong khả năng của mình – kể cả khi điều đó không có lợi ngay lập tức cho agency.
Và cả chuyện minh bạch: chia sẻ bao nhiêu là đủ để họ yên tâm, mà vẫn hiểu được tình hình? Client không cần biết mọi rối ren nội bộ – họ trả tiền để nhẹ đầu. Tuy nhiên, nếu không chia sẻ kịp thời, chuyện nhỏ có thể thành chuyện lớn. Vậy nên, minh bạch có chọn lọc cũng là một loại kỹ năng mình vẫn đang luyện mỗi ngày.
2️⃣ Với Audience: Mỗi quảng cáo đều là một tác động
Một banner nhỏ xíu lấp ló trên website, một hình ảnh chạy vài tuần trên mạng xã hội… tưởng như đơn giản, nhưng có thể chạm tới hàng triệu người.
Và khi mình đặt tay lên kế hoạch, cũng là mình đặt tay vào trách nhiệm.
➝ Thông điệp đó liệu có khiến ai thấy “mình chưa đủ tốt” không? Quảng cáo có thể là động lực thay đổi tích cực. Nhưng nếu không cẩn thận, nó cũng có thể gieo vào lòng người cảm giác hoài nghi, tự ti, hoặc lạc hướng.
➝ Sản phẩm ấy liệu có thật sự giúp ích, hay chỉ thúc đẩy một nhu cầu không có thật dựa trên FOMO?
➝ Mình đang quảng cáo – nhưng làm sao để không “quấy rối” người ta bằng những lần retargeting quá đà?
Cuối cùng thì làm quảng cáo đâu chỉ đơn giản là để bán hàng đúng không?
3️⃣ Với Team: Đảm bảo KPI mà không làm khổ ai
Client quan trọng, nhưng team mới là người mình “có phúc cùng hưởng có hoạ cùng chịu” mỗi ngày.
Nếu mình không biết nói KHÔNG đúng lúc, team sẽ là người phải trả giá – bằng những deadline phi lý, những buổi tối làm việc muộn, hay những buổi họp khiến họ dần ghét công việc mình làm.
Vậy nên:
➝ Làm sao để bảo vệ team mà vẫn làm khách hàng hài lòng?
➝ Làm sao để mọi người phát huy được năng lực, mà không cảm thấy mình bị “vắt kiệt”?
4️⃣ Với Vendor: Networking hay lợi dụng lòng tốt?
Làm media, ai cũng quen với việc đi ăn, đi nhậu, nhận quà, đi chơi với các nhà cung cấp (tất nhiên là được tài trợ). Đó là một phần tự nhiên trong việc xây dựng mối quan hệ trong ngành.
Nhưng ranh giới giữa xây dựng quan hệ và sự “thiên vị” rất mong manh.
➝ Nếu hôm nay vendor tặng quà dù mình không có brief – có nên nhận không?
➝ Nếu nhận rồi, liệu mình có áp lực “trả lại” bằng hợp đồng?
➝ Mình chọn họ vì họ làm tốt, hay vì mình quý họ?
Mình tin câu nói: “People do business with people they like” nhưng cuối cùng, người ta tin những planner công bằng hơn là những planner dễ thương.
***
Tóm lại.
Làm quảng cáo không chỉ là “nghề sáng tạo”, mà là nghề lựa chọn (đặc biệt khi bạn là Planner).
Mỗi ngày, chúng mình ra vô số quyết định. Không phải lúc nào cũng có “đáp án đúng tuyệt đối”, nhưng có một thức giúp mình tìm ra đáp án. Đó chính là:
➝ Sự tỉnh táo và lòng trung thực với chính mình.
Đạo đức không phải điều gì to tát, cũng không phải lý thuyết suông. Cá nhân mình tin nó nằm trong những lựa chọn rất nhỏ:
– Một lần suy nghĩ kỹ hơn.
– Một lần nỗ lực thay vì hời hợt.
– Một lần dám từ chối.
– Một lần chia sẻ thật lòng.
– Một lần đặt mình vào vị trí người khác.
Chắc chắn sẽ có lúc chúng mình làm chưa đủ tốt, vì chúng mình là con người mà.
Nhưng nếu hôm nay mình ý thức hơn hôm qua, chọn đúng hơn một chút, mình tin với câu hỏi tiêu đề, chúng mình có thể chọn cả hai.
Mình viết bài này không phải để trả lời câu hỏi mình đưa ra, mà để trải lòng về những trăn trở của mình. Cả nhà cùng chia sẻ với mình về câu chuyện của chính mình nhớ, để mình học được từ mọi người nữa ^^
Tặng mọi người ảnh hoa anh đào ở London đẹp như cái tâm của chúng mình vậy 😆