20/11/2023
Theo quốc tịch, 117 Thánh Tử đạo Việt Nam được chia ra như sau:
- 11 vị gốc Tây Ban Nha: 6 giám mục và 5 linh mục dòng Đa Minh,
- 10 vị gốc Pháp: 2 giám mục và 8 linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris,
- 96 vị người Việt: 37 linh mục và 59 giáo dân - trong đó có 14 thầy giảng, 1 chủng sinh và một phụ nữ là bà Anê Lê Thị Thành.
Theo Việt sử, các vị này đã bị giết trong những đời vua chúa sau đây:
2 vị dưới thời chúa Trịnh Doanh (1740-1767),
2 vị dưới thời chúa Trịnh Sâm (1767-1782),
2 vị do sắc lệnh của vua Cảnh Thịnh (1782-1802),
58 vị dưới thời vua Minh Mạng (1820-1841),
3 vị dưới thời vua Thiệu Trị (1841-1847),
50 vị dưới thời vua Tự Đức (1847-1883).
Trong thế kỷ 18 và 19, có khoảng từ 130 ngàn đến 300 nghìn người Công giáo đã chết vì đạo;
Riêng trong thời gian từ 1857 đến 1862, có khoảng 5 nghìn tín hữu bị giết, khoảng 40 nghìn tín hữu cùng 215 giáo sĩ, tu sĩ nam nữ đã bị bắt, bỏ tù hay lưu đày vì đạo.
Trong số đó có 117 vị, tử đạo từ 1745 đến 1862, được Giáo hội Công giáo Rôma tôn vinh Chân phước qua bốn đợt:
Ngày 27 tháng 5 năm 1900 (thời Giáo hoàng Lêô XIII): 64 vị
Ngày 20 tháng 5 năm 1906 (thời Giáo hoàng Piô X): 8 vị
Ngày 2 tháng 5 năm 1909 (thời Giáo hoàng Piô X): 20 vị
Ngày 29 tháng 4 năm 1951 (thời Giáo hoàng Piô XII): 25 vị
Họ được tuyên Thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988.
---
Khi được tin về việc tuyên thánh, chính phủ Việt Nam lên tiếng phản đối và cho rằng, trong số những người sẽ được tuyên thánh, có nhiều người là tay sai của đế quốc, lót đường cho Pháp đô hộ Việt Nam từ năm 1884.
Tuy nhiên, theo quan điểm của phía Công giáo thì họ là những tín hữu đã chết vì lý do tín ngưỡng, họ bị hành quyết bởi bản án do chính tay vua, hay đại diện triều đình thời đó ký nhận.
Không có bằng chứng nào cho thấy bản án này có liên quan đến chính trị, ngược lại, chỉ trưng ra lý do duy nhất: các giám mục, linh mục trong số bị kết án vì họ là đạo trưởng (giáo sĩ), các giáo dân bị kết án vì họ không chịu bỏ đạo Công giáo, không chịu bước qua cây thập giá. Nói cách khác, lý do được công khai tuyên bố có tính cách hoàn toàn tôn giáo.
Hà Nội nhận định, việc tuyên thánh này sẽ làm cho mối liên lạc giữa chính quyền và Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, cũng như mối quan hệ giữa Việt Nam và Vatican thêm căng thẳng.
Đài tiếng nói Việt Nam đọc lệnh của chính phủ, cấm người Công giáo cử hành lễ tuyên thánh này. Các Giám mục lẫn giáo dân Việt Nam cũng không được chính quyền cho phép sang Vatican dự lễ.
Trong khi đó, khoảng hơn 10 ngàn người Công giáo Việt Nam ở hải ngoại (chủ yếu sau sự kiện thuyền nhân), nhiều người từ Pháp, Tây Ban Nha đã đến Vatican để dự lễ vì trong số người được tuyên thánh có đồng hương và đồng bào của họ
-
Wikipedia: https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Các_thánh_tử_đạo_Việt_Nam #/media/Tập_tin%3ABức_h%E1%BB%8Da_các_Thánh_tử_đạo_Việt_Nam.jpg
¤¤¤¤¤
NĐK