
20/02/2025
GÃ THỢ LÒ BAO ĐỒNG
38 năm sống ở mỏ, ăn cơm mỏ, nên việc bao đồng với Mỏ với Quảng Ninh, cũng là điều dễ hiểu của kẻ uống nước phải giữ mạch nguồn.
Chẳng phải bây giờ tôi mới viết về mỏ. Từ ngày có Facebok, tôi đã luôn hướng tâm về mỏ, về anh em thợ mỏ. Nhằm định hướng tư tưởng, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. Ấy nên sau này khi Tập đoàn đã hiểu ra ích lợi của công tác truyền thông trên Facebook. Họ đã xây dựng trang Người Thợ và kết nạp tôi tham gia xây dựng trang, dù tôi chỉ là một Đảng viên không giữ chức vụ trong đảng, như các quản trị viên khác. Công ty tôi cũng quyết định mở trang "Than Khe Chàm" và giao tôi làm nhiệm vụ Biên tập của trang. Nhưng tiếc một nỗi, chỉ được phép sửa bài cho các bạn trẻ, chứ chưa được một lần phân công, giao nhiệm vụ cho việc đi chụp ảnh, lấy tin bài, hoặc hưởng lương khi đi hội họp, đi thực tế tuyển sinh trong những ngày tết...nên lương tháng thấp, vợ con hay cằn nhằn. Vì thế khi quản trị trẻ đã đủ kinh nghiệm và tài năng tự khảng định cho nghề viết và hưởng lương theo trách nhiệm của họ. Tôi quay về trạng thái thư giãn ngồi xem trang của mình "xem như không xem, không xem như xem", đôi khi ngẫu hứng lan tỏa một bài viết khi có cảm xúc trước một hình ảnh đẹp, với mong muốn lan tỏa cái đẹp, dẹp cái xấu.
Nay cũng vậy. Đầu xuân được hương phúc lớn đi thực tế sáng tác và tham gia "Ngày thơ Việt Nam" do Hội VHNTQN tổ chức. Biết mình trình độ có hạn trước những cây đa, cây đề hiện là Nghệ sĩ Nhân dân, Danh họa, Nhạc sĩ, Nhà văn, Nhà báo... nên lại thả lỏng người lắng nghe trong tâm trạng "nghe như không nghe" chứ chẳng dại "múa rừu qua mắt thợ".
Ơ, nhưng mà nghe các cụ tranh luận về Hải Phòng làm khu di tích Bạch Đằng trên đất Hải Phòng là chưa đúng với địa danh lịch sử. Nhưng Hải Phòng lại thu hút được khách đến tham quan di tích lịch sử nhiều hơn Quảng Ninh. Bản thân lại bao đồng mà nghĩ rằng: Ngay kẻ ham đọc sách như tôi, nay mới biết cây Quếch nơi bà cụ mở quán bán nước phục vụ khách qua đò nằm ở đất Quảng Ninh, thì việc du khách ít biết đến địa danh lịch sử này cũng là điều dễ hiểu. Hay nơi đây còn có tên gọi các địa danh mà chỉ các cụ cao niên còn nhớ tới như "mộ dài", "Gò Dạt xương"... không biết Mộ Dài, Gò Dạt Xương có phải là nơi xác giặc chất đống mà thành hay không? Nhưng chắc chắn với hàng vạn thây ma trôi dạt trên sông Bạch Đằng thì việc nổi lên một cái gò như gò Đống Đa ở Hà Nội cũng là điều có thể. Vậy sao chưa có nhà lịch sử nào, tác phẩm văn học nào nhắc đến chuyện này nhỉ? Vậy lỗi tại ai?
Cây Quếch có giá trị lịch sử và du lịch gấp nhiều lần hai hòn đá chồng lên nhau ở Thanh Hóa. Nhưng tại sao Thanh Hóa lại làm được đường mòn cho du khách đi vẹt đá, còn Quảng Ninh thì lại vắng khách đến lạ lùng!
Hải Phòng đã thành công trong du lịch tâm linh hướng về nguồn, thu hút hàng trăm vạn lượt khách gần xa nhờ một phần bãi cọc trên sông Bạch Đằng, trong khi Quảng Ninh thì rất vắng khách, dù đất Quảng Yên - Quảng Ninh mới chính là nơi ghi dấu ấn lich sử của trận đánh rõ nét nhất .
Nói như các bác trong Hội thì do Hải Phòng họ giàu. Họ biết đi trước đón đầu, họ biết đầu tư xây dựng di tích sớm, nên họ thu hút khách là điều đương nhiên. Nói như anh quản lý di tích Miếu Bà "nơi thờ bà bán nước bến đò xưa" và đền thờ Trần Quốc Tuấn, thì Quảng Ninh đang bắt đầu thu hút khách nhờ nơi đây rất có tâm linh.
Oke! Với góc nhìn của một công nhân mỏ, thì chúng ta nên nghiêm khắc nhìn vào sự thật mới mong phát triển. Cũng như ngành mỏ của chúng tôi, nếu không phát triển được công tác truyền thông đến từng bản làng, thì chắc chắn giờ đây làm gì có lực lượng thanh niên vùng cao về xây dựng mỏ. Yên Tử không làm tốt công tác quảng bá tâm linh, Công ty Tùng Lâm không làm tốt công tác dịch vụ thân thiện, mến khách và trú trọng truyền thông, thì làm sao có hàng triệu lượt du khách hàng năm đến với Yên Tử. Vậy Quảng Yên không làm tốt công tác truyền thông, quảng bá du lịch tâm linh nhờ lịch sử và minh chứng, thì Miếu Bà bên bờ sông Bạch Đằng mãi mãi vẫn chỉ là nơi để cho nhân dân trong vùng đến thắp hương tưởng nhớ. Đền thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng với các sắc phong, ấn vàng, cũng chỉ là nơi để nhân dân trong vùng thắp hương tưởng nhớ và ơn thờ công đức mà thôi! Địa danh Gò Dạt Xương, cũng chỉ còn là cái tên lưu mờ trong tâm thức của các cụ cao niên, chứ chẳng phải là dấu tích lịch sử, là mồ chung của hàng vạn quân Nguyên Mông chết trong trận Chiến thắng Bạch Đằng.
Quảng Yên phải làm thế nào cho nhân dân trong nước và thế giới biết được di sản văn hóa tâm linh đặc biệt của mình, để đến chiêm bái và vãn cảnh.
Thiết nghĩ, để làm được việc đó, ngoài việc kiến thiết, tu bổ, gìn giữ sự chân thực của lịch sử, thì nhất thiết cần phải có sự lan tỏa của truyền thông. Muốn làm được như vậy, rất cần sự chung tay vào cuộc của các Văn Nghệ sĩ tỉnh nhà như danh họa Nghiêm Vinh, Việt Hùng qua các tác phẩm hội họa. Hay những tuyệt phẩm qua ống kính của nhiếp ảnh gia Lê Long, Phạm Cường... qua các tác phẩm vắt óc trí tuệ của các nhà văn, nhà thơ tên tuổi như Vũ Thảo Ngọc, Hoàng Hòa... hay các ca khúc âm nhạc của Phạm Khải... cùng sự lan tỏa thơ ca qua giọng ngâm của Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Chắc... Họ chính là những người lay hồn lịch sử cho những cái tên đang bị chìm lắng, lãng quên được sống dậy như "Gò Dạt Xương", "Mộ Dài", "Miếu Vua Bà" để đến với quốc dân đồng bào mang đúng giá trị đích thực cho các địa danh của lịch sử.
Thiết nghĩ, chỉ khi nào "Gò Dạt Xương" bên bờ sông Bạch Đằng trước Miếu Vua Bà và Đền thờ Trần QuốcTuấn được chính quyền tổ chức Lễ hội như Gò Đống Đa, thì du khách muôn phương mới biết đến mà dâng hương, bày tỏ công đức.
Cần lắm sự chung tay của các Văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Tự dưng lại ước, giá có thời gian và sức khỏe, một ngày nào đó mình sẽ quay lại mảnh đất nơi này. Dẫu chẳng phải là nhà nghiên cứu lịch sử, nhưng vẫn tin Gò Dạt Xương nằm ở Quảng Yên chính là minh chứng cho các trận đánh trên sông Bạch Đằng của quân và dân Nhà Trần chủ yếu nằm trên địa danh Quảng Ninh và chỉ có Quảng Ninh mới là địa danh chính cần được bảo tồn, ghi nhận và tổ chức các lễ hội mang đẳng cấp quốc gia.
Lại nhớ lại câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi về thăm quan miếu Vua Bà ông từng nói: “Sáng kiến của một người dân bình thường cũng có thể làm nên sự nghiệp lớn. Hưng Đạo Vương đã chắt chiu sáng kiến của nhân dân để làm nên sự nghiệp lớn cho dân tộc”.
Câu dạy của Đại tướng thực sư: Đáng ngẫm, đáng nghe và cần thực hiện.
N T D