24/06/2025
Nỗi lòng người cán bộ trên hành trình sáp nhập.
Quan điểm của anh Ba về vấn đề sáp nhập trước sau như một. Sáp nhập là việc không thể không làm. Thế giới thay đổi, đất nước mình cũng phải thay đổi. Đảng chọn con đường cải cách là để hành chính bớt nặng, ngân sách bớt gánh, hiệu quả quản lý cao hơn. Và đây là thời cơ.
Nhưng nói vậy không có nghĩa là mọi thứ đều dễ dàng. Mỗi lần tinh gọn bộ máy là mỗi lần có những con người phải gác lại chỗ cũ để bước đến vùng mới. Họ là cán bộ người trực tiếp gánh việc nước trong cuộc cải cách này.
Có người vừa tích cóp mua được căn nhà nhỏ, chưa kịp trồng cây, nay phải chuyển đi. Có người vợ chồng làm khác ngành, giờ một người đi tỉnh này, một người kẹt lại nơi cũ cả tháng gặp nhau được một lần. Có người con cái còn nhỏ, chưa tìm được trường, phải gửi lại ông bà trong lòng day dứt không nguôi. Có người cha mẹ vừa yếu, chưa yên tâm mà đã phải khăn gói đi nhận nhiệm vụ.
Rồi có người từng gắn bó cả thanh xuân với một đơn vị, một địa phương. Đồng nghiệp như anh em. Cơ quan như gia đình. Giờ tan đi, dồn lại, sắp xếp lại. Gói ghém mấy vật dụng cá nhân vào thùng giấy, đi như người vừa chấm dứt một đoạn đời.
Nhiều người bắt đầu lại ở một nơi không người quen, không nhà cửa, không chỗ gửi con. Nơi mới xa lạ, điều kiện sống tạm bợ mà vẫn phải giữ phong thái chỉn chu, nghiêm túc. Bởi vì họ đang đại diện cho chính quyền. Không được phép buông mình. Không được phép sai sót bởi sau lưng họ là niềm tin của tổ chức, là danh dự của nơi đã từng là “quê công tác”, là kỳ vọng của cả một hệ thống đang xoay mình chuyển đổi.
Mà cũng từ đây, Anh Ba muốn nói với những anh em cán bộ may mắn được giữ nguyên tỉnh lỵ, không phải dời đi, không phải bắt đầu lại rằng: các đồng chí đang đứng trên phần dễ hơn của cuộc cải cách này. Không phải vì các đồng chí giỏi hơn, mà vì số phận phân công vậy.
Sân nhà không có nghĩa là mình cứ ngồi đó nhìn người khác loay hoay. Cải cách không phải là cuộc đua ai yên ổn nhất, mà là bài toán chung ai giúp nhau đi qua được lúc khó khăn nhất.
Cho nên, nếu thật sự hiểu cái giá của cải cách, thì hãy đón những người đồng chí từ phương xa tới bằng sự tử tế ân cần và chân thành. Không phải bằng một cái bắt tay cho có, một câu “cứ yên tâm công tác” sáo rỗng, mà là bằng những hành động cụ thể hỗ trợ chỗ ở, hướng dẫn thủ tục, chia sẻ mạng lưới công việc, giới thiệu trường lớp cho con em và nhất là cho họ cảm giác không bị coi là người ngoài.
Bởi nếu người mới đến còn phải tự thân mò mẫm, còn bị soi xét bằng ánh mắt “kẻ chen chân”, còn phải nghe những lời xì xầm đại loại như “lính chỗ khác sang, chắc gì đã bằng mình”… thì chính ta đã biến chủ trương đúng thành thực tiễn lạnh lùng.
Sự nhân văn của một cuộc cải cách không nằm ở văn bản mà nằm ở cách người với người đối xử với nhau sau khi ký văn bản xong. Cán bộ không chỉ đại diện cho chính quyền, mà còn đại diện cho tư cách của một nền hành chính văn minh.
Cho nên, cái đẹp nhất của một cuộc sáp nhập không phải là bao nhiêu đầu mối được gộp lại, mà là có bao nhiêu người giữ được nhau trong cái nghĩa đồng chí nghĩa của những người cùng gánh một giang sơn.
—————————————————————
Nguồn: Facebook Nguyen Khanh (Anh Ba Sài Gòn)