15/05/2025
⛔️ XỬ LÝ NGHIÊM HÀNH VI PHÁ HOẠI CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI
Thời gian gần đây, tại một số tỉnh, thành phố liên tiếp xảy ra các vụ phá hoại cây trồng, vật nuôi gây bức xúc trong dư luận xã hội. Hầu hết các loại cây như cà phê, sầu riêng, cam, quýt... đang cho thu hoạch; những vật nuôi như trâu, bò... sử dụng làm sức kéo. Đây là loại tội phạm phá hoại tài sản trong kinh tế nông nghiệp, cần xử lý nghiêm theo quy định.
Không chỉ phá hoại các cây ăn quả, cây công nghiệp đang cho thu hoạch, các đối tượng còn liều lĩnh giết hại trâu, bò để lấy thịt mang bán.
Hiện nay, tình trạng phá hoại các cây trồng, vật nuôi xảy ra liên tục tại nhiều tỉnh, thành phố. Điều đó không chỉ gây thiệt hại nặng nề về tài sản mà còn gây tâm lý bất an cho nông dân. Tại các vùng nông thôn thường phát sinh những mâu thuẫn cá nhân trong hàng xóm, láng giềng; hay việc cạnh tranh không lành mạnh trong làm ăn giữa các gia đình cũng tiềm ẩn nguy cơ phá hoại tài sản cây trồng, vật nuôi..
Theo một cán bộ công an, sau khi xảy ra sự việc, các chủ trang trại đều nhanh chóng gửi đơn cầu cứu hoặc trực tiếp đến các cơ quan chức năng trình báo. Cũng có trường hợp để ngăn chặn và sớm phát hiện kẻ gian, người dân chủ động lắp đặt ca-mê-ra. Cơ quan cảnh sát điều tra tại một số địa phương đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi hủy hoại tài sản.
Trưởng Văn phòng đại diện - Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Bình (Hà Nội) chia sẻ: “Tùy thuộc vào tính chất, mức độ của người thực hiện hành vi tự ý chặt phá hay đổ thuốc hóa học làm chết cây trồng, hoa màu của người khác sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Nếu hành vi nêu trên vi phạm hành chính thì phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng, áp dụng đối với một trong những hành vi sau đây: Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác; quy định tại Khoản 2, Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Nếu hành vi trên là nguy hiểm được coi là tội phạm thì xử lý theo Điều 178, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Điều 178 quy định, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm;... Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 đến 7 năm: có tổ chức; gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tù từ 5 đến 10 năm. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 đến 20 năm tù...”.
Sau khi có kết quả điều tra các vụ việc, cần xử lý nghiêm đối tượng vi phạm để vừa mang tính giáo dục chung, vừa mang tính răn đe; góp phần củng cố sự tôn nghiêm, thượng tôn luật pháp, xây dựng lòng tin của người dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Người dân có quyền khống chế, bắt giữ các đối tượng đang có hành vi phá hoại cây trồng, giết mổ trộm trâu bò, hoặc vừa thực hiện xong hành vi phạm tội để giao nộp cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên, người dân không nên bức xúc, quá khích mà đánh đập, hành hung gây thương tích cho người phạm tội. Bởi tùy theo mức độ tổn thương về sức khỏe của người bị hành hung mà người hành hung có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).