13/03/2025
NGHIỆN ĐIỆN THOẠI THÔNG MINH: HIỆN TRẠNG, NGUYÊN NHÂN VÀ HỆ QUẢ
Kỳ 1: Nghiện điện thoại thông minh là gì?
Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, điện thoại thông minh và mạng xã hội đã thay đổi sâu sắc cách chúng ta sống và tương tác. Internet, điện thoại di động và các nền tảng trực tuyến giờ đây đã thâm nhập vào hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, từ việc chia sẻ thông tin, bày tỏ bản thân cho đến công việc, học tập, giải trí và duy trì các mối quan hệ xã hội.
Việc dành nhiều thời gian tham gia vào thế giới kỹ thuật số này đang dẫn đến xu hướng nghiện điện thoại thông minh ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở giới trẻ.
Theo thống kê toàn cầu về tình trạng sử dụng điện thoại:
- 5,48 tỷ người trên toàn cầu đang sử dụng điện thoại thông minh.
- 4,8 tỷ người đang sử dụng mạng xã hội, chiếm 59,9% dân số thế giới.
- Trung bình mỗi người dành khoảng 6,5 giờ trực tuyến mỗi ngày, trong đó 2,4 giờ dành cho mạng xã hội.
- Ở một số quốc gia, thời gian online trung bình vượt quá 9 giờ/ngày.
Điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính là những công cụ hữu ích, nhưng nếu bạn sử dụng chúng một cách không kiểm soát và có xu hướng phụ thuộc về mặt tâm lý thì có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến công việc, học tập và các mối quan hệ trong cuộc sống.
Thực trạng và mức độ phổ biến của nghiện điện thoại:
Theo thống kê toàn cầu:
- Khoảng 3,8 tỷ người (chiếm 48% dân số thế giới) được cho là đang nghiện điện thoại.
- Tỷ lệ thanh thiếu niên nghiện điện thoại tăng từ 39% năm 2015 lên 50% năm 2021.
- 47% phụ huynh cho rằng con cái của họ đang có dấu hiệu nghiện điện thoại.
- 85% thanh thiếu niên thừa nhận họ gặp khó khăn khi phải ngừng sử dụng điện thoại.
Sự tiện lợi của điện thoại thông minh khiến chúng ta dễ dàng mang theo và sử dụng mọi lúc, mọi nơi. Trên thực tế, hầu hết chúng ta hiếm khi để điện thoại cách xa mình quá 1m. Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng điện thoại thông minh để truy cập mạng xã hội, chơi game hoặc xem video có thể tạo ra cảm giác thỏa mãn, làm kích thích não bộ giải phóng dopamine - chất dẫn truyền thần kinh tạo ra cảm giác hưng phấn và đóng vai trò quan trọng trong việc học tập, hình thành thói quen và động lực.
Tuy nhiên, khi bạn liên tục kích thích não tiết ra dopamine bằng cách chơi game, lướt mạng xã hội, v.v do sử dụng điện thoại thông minh quá nhiều, não sẽ dần "chai lì" và cần lượng dopamine lớn hơn để cảm thấy thỏa mãn như trước. Kết quả là bạn phải chơi game, dùng mạng xã hội nhiều hơn để duy trì cảm giác vui vẻ ban đầu, từ đó dẫn đến tình trạng phụ thuộc và mất kiểm soát trong hành vi sử dụng thiết bị.
Việc lạm dụng điện thoại thông minh thường là dấu hiệu của những vấn đề tâm lý tiềm ẩn như căng thẳng, lo âu, trầm cảm hoặc cảm giác cô đơn. Tuy nhiên, thay vì giải quyết vấn đề, việc dán mắt vào điện thoại có thể khiến tình trạng của bạn trở nên tồi tệ hơn. Nếu bạn dùng điện thoại như một cách để xoa dịu cảm giác lo lắng hay bối rối trong các tình huống xã hội, bạn có thể vô tình tự cô lập bản thân và càng khó kết nối với người xung quanh. Việc tương tác trực tiếp với người xung quanh sẽ giúp bạn cảm thấy bớt lo lắng và cải thiện tâm trạng, nhưng khi phụ thuộc vào điện thoại, bạn sẽ mất đi cơ hội đó. Nói cách khác, bạn đang tìm kiếm sự thoải mái từ điện thoại, nhưng thực tế nó chỉ làm cho tình trạng lo âu của bạn thêm trầm trọng.
Những dấu hiệu cảnh báo cho thấy bạn đang sử dụng điện thoại quá mức:
- Giảm hiệu quả công việc và học tập:
�Bạn có thường xuyên gặp khó khăn trong việc hoàn thành bài tập ở trường hay công việc nhà? Quần áo chất đống chưa giặt, bữa ăn qua loa vì bạn mải mê nhắn tin, trò chuyện trực tuyến hay chơi game? Bạn có hay thức khuya để hoàn thành bài tập vì không thể tập trung? Nếu những tình huống này xảy ra thường xuyên, có thể việc sử dụng điện thoại đang làm giảm hiệu suất làm việc và học tập của bạn.
- Xa cách với gia đình và bạn bè:
�Bạn có nhận thấy mình đang dần xa lánh bạn bè và người thân vì dành quá nhiều thời gian cho điện thoại? Khi họp mặt với bạn bè, bạn có thường xuyên bỏ lỡ câu chuyện vì mải kiểm tra điện thoại không? Gia đình hoặc bạn bè đã từng bày tỏ lo ngại về việc bạn dành quá nhiều thời gian cho điện thoại chưa? Bạn có cảm thấy không ai trong cuộc sống "thực" của mình, ngay cả bố mẹ bạn, hiểu bạn như những người bạn quen trên mạng không?
- Che giấu việc sử dụng điện thoại�:
Bạn có thường lén lút sử dụng điện thoại ở một góc khuất hoặc nói dối về thời gian bạn dành cho các thiết bị này không? Bạn có cảm thấy bực bội, khó chịu khi bị gián đoạn lúc đang dùng điện thoại không?
- Nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO):
�Bạn có cảm giác lo lắng, sợ rằng mình sẽ bỏ lỡ những thông tin quan trọng hoặc những khoảnh khắc vui vẻ của người khác trên mạng xã hội nếu không kiểm tra điện thoại thường xuyên? Bạn có thường thức dậy vào giữa đêm để kiểm tra tin nhắn hoặc mạng xã hội không?
- Cảm giác lo lắng khi không có điện thoại
�Bạn có cảm thấy bồn chồn, lo lắng hoặc thậm chí hoảng loạn khi để quên điện thoại ở nhà, điện thoại hết pin hoặc bị lỗi không hoạt động được? Bạn đã bao giờ cảm giác điện thoại đang rung, nhưng khi kiểm tra thì không có thông báo nào?
Khi cố gắng giảm bớt thời gian sử dụng điện thoại, bạn có thể gặp các triệu chứng giống như hội chứng cai nghiện, bao gồm:
- Bồn chồn, lo lắng
- Chán nản, buồn rầu
- Dễ cáu kỉnh, bực bội
- Khó tập trung vào công việc và học tập
- Khó ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ
- Luôn muốn cầm điện thoại lên để kiểm tra thông báo hoặc tin nhắn
Phân loại các dạng nghiện điện thoại:
- Nghiện mạng xã hội:
Dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, bị ám ảnh bởi số lượt thích và bình luận, dẫn đến cảm giác phụ thuộc và mất kiểm soát.
Ứng dụng kết bạn và nhắn tin có thể khiến bạn dành quá nhiều thời gian cho các mối quan hệ trực tuyến, đến mức bạn bè ảo trở nên quan trọng hơn các mối quan hệ thực tế.
- Nghiện game online:
Dành quá nhiều thời gian cho các trò chơi điện tử, làm ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hàng ngày.
- Nghiện thông tin:
Việc liên tục lướt web, xem phim, video ngắn trên các ứng dụng như Face Book, Tiktok, Instagram, các ứng dụng mua sắm hoặc kiểm tra tin tức liên tục, có thể làm giảm hiệu quả trong công việc và học tập, đồng thời khiến bạn rơi vào trạng thái cô lập hàng giờ liền.
- Nghiện mối quan hệ trực tuyến:
Internet là công cụ tuyệt vời để kết nối với bạn bè cũ, gặp gỡ những người mới hay mở rộng vòng quan hệ xã hội. Tuy nhiên, các mối quan hệ trực tuyến không thể thay thế hoàn toàn những tương tác ngoài đời thực. Tình bạn trực tuyến thường dễ duy trì vì nó tồn tại trong một "b**g bóng" an toàn, không phải đối mặt với những thách thức, mâu thuẫn hay áp lực như trong các mối quan hệ đời thực. Việc lạm dụng các ứng dụng kết bạn có thể khiến bạn tập trung vào những mối quan hệ thoáng qua, ngắn hạn, thay vì đầu tư vào các mối quan hệ bền vững và sâu sắc hơn.
- Nghiện nội dung không lành mạnh trên mạng:
Việc xem các nội dung không phù hợp, nhắn tin gợi dục hoặc chia sẻ ảnh nhạy cảm trên mạng có thể khiến bạn gặp rắc rối, thậm chí bị lừa đảo hoặc tống tiền. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn làm bạn khó xây dựng các mối quan hệ thực sự ngoài đời. Sự tiện lợi và ẩn danh của internet khiến các nội dung này dễ tiếp cận hơn, dẫn đến việc nhiều bạn dành quá nhiều thời gian cho chúng, làm ảnh hưởng đến học tập và các mối quan hệ xung quanh
Kết luận
Nghiện điện thoại thông minh là một vấn đề nghiêm trọng trong xã hội hiện đại. Việc sử dụng quá mức không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất mà còn làm suy giảm chất lượng cuộc sống như các mối quan hệ và hiệu suất học tập. Nếu bạn nhận thấy bản thân có những dấu hiệu trên, đã đến lúc bạn cần xem lại thói quen sử dụng điện thoại và bắt đầu tìm cách cân bằng lại cuộc sống của mình.