24/04/2025
TỪ VỤ LÙM XÙM HỢP TÁC NHIẾP ẢNH TỚI NHỮNG CHIÊM NGHIỆM VỀ SỰ THIẾU CẢM THÔNG TRONG ĐỜI SỐNG
---
Nôm na là có một bài đăng ẩn danh, xưng là thành viên câu lạc bộ tiếng Anh của một trường chuyên, muốn tìm đơn vị tài trợ phần hình ảnh và quay phim cho sự kiện sắp tới của câu lạc bộ.
Em ấy có thể là một người thật đăng ẩn danh và đang viết những lời đề nghị thật thà mà mình rất cảm thông (thời đại học mình cũng bất ngờ được chọn là chủ tịch CLB tiếng Anh của khoa với nhiều bỡ ngỡ do thiếu kinh nghiệm). Nhưng em ấy cũng đã nói trong bài rằng những quyền lợi cho nhà tài trợ em ấy sẽ trao đổi thêm trong phần trò chuyện, chứ không hề bỏ ngỏ.
Thế mà, lắm người làm nghề quay, chụp kéo vào xỉa xói nói em ấy và CLB như là khôn lỏi và tham lam, còn họ thì cao quý lắm nên không thèm chơi.
SỰ THIẾU CẢM THÔNG VÀ LẮNG NGHE
Mỗi cái dịp này là mình lại thấy cái cộng đồng mạng ở ta đúng quá độc hại. Mà mạng xã hội cũng là một sự phóng chiếu từ xã hội thật, một xã hội để lại quá nhiều khoảng trống mà cần điền vào đó là sự cảm thông, lắng nghe, đồng cảm lẫn nhau.
Mấy bạn băm băm vào khinh rẻ, phán xét, vùi dập người khác là đang đứng trên góc nhìn của một kẻ làm nghề có qua có lại “Tao mất thời gian đi làm nghề, thì điều đầu tiên tao cần là tiền công, hoặc ít ra là điều gì đó tương xứng”. Chưa được biết về quyền lợi thì các ông đã nhảy vào nói cho sướng mồm rồi. Bởi thế, biết đâu các ông cũng đang bỏ lỡ những cơ hội cực tốt với lời mời hợp tác này?
Mà bỏ qua cái việc không muốn hợp tác thì các ông lờ đi, việc gì mà phải dừng lại xỉ vả một người trẻ với những chia sẻ không vừa lòng các ông? Trong khi những điều đó không gây hại gì tới ai? Thậm chí, nếu không hiểu hết, các ông có thể thiện chí góp ý cho em có thêm hiểu biết cơ mà. Sao các ông không làm đi?
Thế đó, xã hội ngày nay người ta quá thiếu kiên nhẫn và đồng cảm cho nhau. Thay vì những suy nghĩ sâu sắc hơn, thấu cảm hơn, họ buông lời phán xét, dạy dỗ cho nhanh, cho thoả mãn cái tôi, cái hiểu biết nông cạn của mình.
Đấy là những người lạ với nhau, còn người nhà có khi sự kiên nhẫn còn hạn chế hơn nhiều khi chúng ta cứ nghĩ là mình đã quá hiểu nhau. Vì nghĩ vậy mà ta áp lên người thân những nhãn dán: Lại đi nhậu với đám bạn bè lêu lổng chứ làm ăn gì?!; Đàn bà chỉ biết lắm chuyện, lo chuyện trong nhà còn chưa xong,… Thế là ngày này qua ngày khác, chúng ta đánh mất sự kết nối vì thiếu sự lắng nghe.
Cơ thể con người mỗi ngày thay thế trung bình khoảng 330 tỷ tế bào (Theo Ronsender và Ron Milo, 2 nhà sinh học từ Viện Khoa học Weizmann, Israel). Người ta cũng ước tính cứ mỗi chu kỳ 7 năm thì gần như các tế bào trên cơ thể đều thay mới.
Đó là về mặt sinh học, còn về khía cạnh tư duy, tư tưởng, hãy thử nghĩ xem 1 năm qua bạn đã thay đổi như thế nào? Nhiều thay đổi lớn bạn không ngờ tới phải không?
Chính bạn thay đổi mỗi ngày, là một người mới, tốt hơn (hoặc xấu hơn) ngày hôm qua, vậy mà bạn lại không đủ kiên nhẫn lắng nghe những suy nghĩ mới, khác lạ của người khác. Bạn có quá bảo thủ và quá đáng không?
Mình mong rằng xã hội đối xử với nhau bằng sự thấu hiểu, cái đó ngoài sự tương giao gần gũi với nhau, trước tiên là sự dành thời gian cho nhau, và để dành thời gian cho nhau được, hẳn phải biết gỡ bỏ những phán xét để trở nên cởi mở với nhau hơn.
LÀM NGHỀ THẾ NÀO MỚI ĐÁNG ĐƯỢC TRÂN TRỌNG?
Về trường hợp của bạn học sinh cấp 3 phía trên, bằng sự đồng cảm, mình gợi ý cho bạn một khoá đào tạo nhiếp ảnh cơ bản cho đội ngũ media của câu lạc bộ, giúp cho các em có thể tự mình tác nghiệp cho các sự kiện của CLB và hiểu được nét đẹp của nhiếp ảnh.
*Và khi mình đưa ra gợi ý ấy trong phần comment bài viết, cũng lại có một ông làm nghề cười luôn vào cái comment của mình. Chắc ông nghĩ rằng mình đang mất thời gian vô bổ cho thứ không đem lại được gì.
Có chứ, nó đem lại niềm vui được đem giá trị nhiếp ảnh tới gần hơn cho mọi người. Đó cũng là lý do vì sao mình chuyển dịch từ làm nghề chụp sang đào tạo nhiếp ảnh cho cá nhân và các nhóm nhỏ. Bởi mình tin nhiếp ảnh cần đạt được sự chân thực, mà những điều đó sẽ dễ dàng đạt được hơn qua sự gắn kết sẵn có của những nhóm người vốn đã gần gũi với nhau như bạn bè, gia đình, các thành viên trong tổ chức, công ty. Vậy bây giờ mình cung cấp cho họ công cụ là kĩ năng để họ hiện thực hoá những khoảnh khắc, câu chuyện đáng nhớ ấy.
Nhiếp ảnh đẹp về mặt hình thức có thể đạt được qua rèn luyện kĩ thuật, nhưng để đẹp về mặt cảm xúc, câu chuyện thì còn dựa nhiều vào sự kết nối và cái hồn của cả người được chụp và người chụp nữa. Không phải cứ cầm máy lên, chụp được mấy tấm hình sáng sủa là một nhiếp ảnh gia đáng trân trọng. Đôi khi cầm lên một chiếc điện thoại cũ lại có thể đi sâu vào nội tâm 1 con người để khắc hoạ lại một tấm ảnh để đời. Vậy đâu mới là một bức ảnh giá trị?
Làm nghề gì cũng vậy, các ông phải sống đẹp đã thì làm nghề mới khoái, và đem lại ý nghĩa cho mình, cho xã hội. Khách hàng sẽ trân trọng các ông không chỉ vì ảnh đẹp mà còn vì phẩm chất con người.