05/04/2025
⚖️HÀNH TRÌNH TỚI BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG CHÍNH TRỊ: CÓ KHỞI SẮC NHƯNG VẪN CÒN LÀ MỘT CHẶNG ĐƯỜNG DÀI ĐẦY THỬ THÁCH⚖️
✨Bình đẳng giới trong chính trị không chỉ là một yêu cầu công bằng, mà còn là một yếu tố thiết yếu để xây dựng nền dân chủ mạnh mẽ và phát triển bền vững. Trong những năm qua, nỗ lực nêu cao về quyền của phụ nữ nói chung và đặc biệt là vị thế của họ trong trường chính trị đã có những chuyển biến tích cực nhưng hành trình này vẫn còn rất dài và đầy thử thách. Mặc dù sự tiếng nói đòi công bằng và bình đẳng cho phụ nữ trong chính trị ngày càng gia tăng, song con số này vẫn còn tương đối thấp so với tiềm năng và đóng góp của họ.
💥Khởi sắc nhưng vị trí của phụ nữ trong bộ máy chính trị vẫn còn nhiều khiêm tốn
Trong suốt thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến những thay đổi tích cực đối với sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan quyền lực. Tuy nhiên, con số thống kê vẫn phản ánh một thực tế về vấn đề giới đáng lo ngại, theo báo chí của UN Women: chỉ có 27 quốc gia trên thế giới hiện nay có phụ nữ lãnh đạo, trong khi 107 quốc gia chưa bao giờ có một nhà lãnh đạo nữ. Bên cạnh đó, chỉ có 7 quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị từ 40 đến 49,9 phần trăm (tính đến tháng 1 năm 2024 - Áo, Belarus, Bỉ, Mozambique, Namibia, Bắc Macedonia và Nam Phi), ngược lại tỷ lệ này ở sáu quốc gia (gồm Iran, Kiribati, Maldives, Palau, Quần đảo Solomon và Tuvalu) chỉ chiếm từ 5 đến 8 phần trăm. Điều này cho thấy sự thiếu vắng đáng kể nữ giới trong các vị trí của chính quyền, tiếng nói của phụ nữ dường như vẫn khá khiêm tốn ở những vị trí cao ở nhiều khu vực trên thế giới.
Mặc dù một số quốc gia đã và đang có những bước tiến rõ rệt, phát huy được vai trò của nữ giới trong trường chính trị như Rwanda và Mexico với tỷ lệ đại diện nữ giới trong quốc hội đạt 50/50 hay Na Uy cũng là quốc gia ở châu Âu rất quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới và coi đó là một trong 4 vấn đề trọng tâm phát triển quốc gia nhưng trên toàn cầu, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các cơ quan lập pháp chỉ đạt mức 27%, theo UN Women. Đây là một con số đáng chú ý, nhưng vẫn còn quá chênh lệch khi so với sự hiện diện của nam giới. Thậm chí, tại 141 quốc gia, phụ nữ chỉ nắm giữ chưa đến một phần ba các vị trí bộ trưởng trong nội các và có tới bảy quốc gia không có phụ nữ nào đại diện trong nội các của họ.
‼️Những con số và thực tế biết nói trên cho thấy rằng tiếng nói của phụ nữ vẫn còn sự thiếu vắng trên trường chính trị ở mọi khu vực trên thế giới. Họ không được đại diện đầy đủ ở mọi cấp độ ra quyết định trên toàn thế giới và việc đạt được bình đẳng giới trong đời sống chính trị vẫn còn là một hành trình rất xa.
🔥Xóa bỏ rào cản và thách thức, thiết lập nền tảng bình đẳng thực sự
Việc phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý nhà nước chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: cam kết chính trị, thể chế phù hợp của chính phủ; phong trào phụ nữ và phong trào nhân quyền, truyền thông; văn hóa và tôn giáo… ở mỗi quốc gia, mỗi khu vực. Vì vậy, cần nỗ lực đảm bảo tối đa những yếu tố này, tạo điều kiện tốt nhất để phụ nữ có thể tham gia lãnh đạo. Theo nghiên cứu của Plan International, trẻ em gái và phụ nữ trẻ trên toàn thế giới luôn cảm thấy bị loại trừ khỏi chính trị. Cảm giác này không chỉ xuất phát từ sự thiếu vắng các mô hình phụ nữ lãnh đạo mà còn từ những quan niệm xã hội cũ kỹ cho rằng phụ nữ chỉ nên gắn bó với công việc gia đình. Ngoài ra, ở nhiều quốc gia thì hệ thống chính trị vẫn chưa cung cấp đầy đủ cơ hội và hỗ trợ cho phụ nữ. Việc xây dựng mạng lưới quan hệ chính trị, tiếp cận các cơ hội cho phụ nữ tham gia chính trị vẫn là một bài toán khó. Đặc biệt, với những quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị thấp, từ 5 đến 8 phần trăm như Iran, Maldives, Tuvalu… cơ hội để phụ nữ có thể tham gia vào các cuộc bầu cử, hoặc thậm chí có mặt trong các cơ quan lãnh đạo, là rất hạn chế.
Sự tham gia chính trị của phụ nữ là rất quan trọng đối với một nền dân chủ hoạt động tốt. Đảm bảo vị thế của họ là vấn đề công lý và là yếu tố then chốt trong việc tạo ra nền quản trị hiệu quả hơn. Để có thể thu hẹp khoảng cách giới trong chính trị, nhiều chính sách, chủ trương hỗ trợ phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo được các quốc gia áp dụng. Một trong những giải pháp nổi bật là các hệ thống "quotas" (chỉ tiêu) như đã được triển khai ở nhiều quốc gia, nhằm bảo đảm sự hiện diện của phụ nữ trong các cơ quan đại diện. Tiêu biểu là Pháp, nước đầu tiên trên thế giới áp dụng tỷ lệ bắt buộc có 50% nữ ứng viên của các đảng chính trị trong các cuộc bầu cử. Điều này không chỉ giúp nâng cao tỷ lệ nữ giới trong các cơ quan lãnh đạo, mà còn tạo ra một môi trường chính trị công bằng và thúc đẩy sự đa dạng trong các quyết định chính trị.
💜Sự tham gia và lãnh đạo bình đẳng của phụ nữ trong đời sống chính trị và công cộng là điều cần thiết để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030. Hành trình hướng tới bình đẳng giới trong chính trị vẫn còn gian nan, nhưng những bước tiến đã được ghi nhận không thể phủ nhận. Tuy nhiên, sự thiếu hụt phụ nữ trong các cơ quan quyền lực vẫn là một vấn đề lớn cần giải quyết. Để thực sự đạt được bình đẳng giới trong chính trị, các quốc gia và cộng đồng quốc tế cần hành động quyết liệt hơn nữa, không chỉ thông qua các chính sách hỗ trợ mà còn phải thay đổi nhận thức xã hội, nhằm tạo ra một môi trường chính trị công bằng và mở rộng cơ hội cho tất cả mọi người, bất kể giới tính.
---------------------------------------------------
⚖️ BREAK THE LIMITS: BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG CHÍNH TRỊ ⚖️
Dự án truyền thông chính sách của sinh viên lớp Truyền thông đại chúng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
💌 Email: [email protected]
📍 Địa điểm: 36 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội