02/04/2024
LÀM SAO ĐỂ TRẺ NGHE LỜI?
/By SooAhn, nhà giáo dục, chuyên gia trị liệu tâm lý/
Xuất thân mình là người làm giáo dục và khá yêu thích công việc giảng dạy, đào tạo và nhất là làm việc với trẻ, vì trẻ con mang năng lượng thuần khiết nên chỉ cần nhìn thấy chúng là mình bỗng vui và yêu đời. Mình có thể ở bên chúng mà không bao giờ chán. Điều mà mình cho rằng để trẻ nghe lời là "hiểu được tâm tư, suy nghĩ và cảm xúc của chúng".
1. Không đánh giá hay mắng trẻ.
Người lớn thường có thói quen thích mắng con, nhưng đây là lý do chính khiến trẻ xa cách bạn, thậm chí khi trưởng thành chúng sẽ không còn thích chia sẻ với cha mẹ nữa. Một số gia đình có chia sẻ rằng "cơm áo gạo tiền bận bù đầu thời gian đâu mà ngọt ngào, hư thì chẳng mắng, bực thì chẳng mắng..."
Việc lựa chọn sinh ra một đứa trẻ là việc của bạn, chúng không chọn bạn, bạn chọn chúng. Là do bạn thiếu kỹ năng chăm sóc trẻ, kinh tế chưa đủ vững nên mới vất vả khi có những đứa con. Cái bực của bạn cũng là do bạn chứ không thể vì cái mệt ở cơ quan, ở khách hàng, ở ai đó mà trút giận lên một đứa trẻ. Những lời mắng nhiếc "đồ ngu, học dốt, lười, không nghe lời, suốt ngày điện thoại..." sẽ khắc sâu vào tâm trí chúng, tiềm thức không phân biệt đúng sai xấu tốt, nó chỉ đơn giản là một nơi lưu trữ lại toàn bộ những thông tin mà trẻ tiếp nhận thông qua năm giác quan và tái hiện lại bằng những phẩm chất, tính cách, lối sống, nhận thức và tư duy của một đứa trẻ.
Bạn nghĩ lại thử xem ngày bé bạn sống ở trong môi trường thế nào, cha mẹ bạn, thầy cô bạn nói với bạn những lời gì, lớn lên bạn trở thành "chính xác người như thế" không hơn không kém. Hãy cẩn thận với những lời nói của bạn với trẻ, vì chúng chính là "nghiệp quả" mà bạn đang gieo lên tâm trí chúng.
2. Thường xuyên đặt những câu hỏi cho trẻ.
Lâu ngày mới về VN nên hôm nay mình mới nói chuyện với một bạn nhỏ là con anh trai mình đang học lớp năm bằng những câu hỏi. Mình hỏi bạn ấy "con thích học môn gì nhất?" Đầu tiên bạn ấy nói "con không biết". Mình vẫn hỏi tiếp "sao con lại không biết, kiểu gì cũng có môn nào đó con thích học chứ?
Bạn ấy nghĩ một lúc là bắt đầu kể, và sau những lời kể mình mới hiểu ra vấn đề "tại sao bạn ấy lại không yêu thích môn học nào". "Con chỉ học có mỗi Toán và Tiếng Anh thôi, còn Tiếng Việt thì thầy chỉ trình chiếu lên bảng và cho chép đáp án, ngày nào cũng vậy. Đáng ra thì thầy phải cho học sinh nghĩ nưa chứ (bạn ấy tự nói) nhưng thầy lại chỉ cho chép đáp án thôi."
Còn các môn khác thì sao, Âm Nhạc, Mỹ Thuật, Thể Dục, Đạo Đức? "Con không được học, lúc trước học kỳ I thì được học Thể Dục còn kỳ này thì không, môn Mỹ Thuật thì không được học, môn Âm Nhạc thì được học hai lần, môn Đạo Đức thì cũng không được học. Thầy xin các cô phụ trách các môn đó rồi nên chỉ có ghi chép đề bài thôi còn lại là học Toán và Tiếng Anh."
Bạn ấy kể với mình như vậy mình mới giật mình vì sao bạn ấy bảo con không biết thích môn gì, vì có được học nhiều môn đâu mà so sánh được. Cũng như chưa kể học lệch sẽ khiến trẻ bị chán học, không phát triển các kiến thức của các bộ môn khác. Giáo dục dạy làm người (đạo đức) không được học khiến kỹ năng sống của trẻ không có, Âm Nhạc, Mỹ Thuật không được học khiến trẻ không phát triển trí sáng tạo (rất quan trọng), Thể Dục không được học khiến cơ thể/thể chất không phát triển, ảnh hưởng cả đến khả năng phát triển trí tuệ cảm xúc của trẻ.
Thực sự thì mình rất lo ngại về vấn đề giáo dục hiện nay khi phụ huynh thiếu kiến thức, kỹ năng dạy trẻ còn thầy cô thì chạy theo thành tích (thậm chí thầy cô còn không phân biệt được môn học nào là quan trọng, trong khi các kiến thức đến từ những môn học mà thầy cô cho là phụ lại là kỹ năng giúp chúng ta hái ra tiền).
Ví dụ đơn giản mình là dân tự nhiên, tốt nghiệp cử nhân Vật lý, nhưng mình chợt nhận ra kỹ năng viết lách lại là kỹ năng giúp mình kiếm được rất nhiều tiền (trong những năm tháng ra trường và đi làm). Mặc dù là dân tự nhiên nhưng vẫn đam mê viết lách, thói quen viết không những khiến chúng ta kết nối sâu với cảm xúc, kết nối với miền trí tuệ vô hạn (tiềm thức) mà còn có thể giúp chúng ta xây dựng thương hiệu cá nhân, chia sẻ tâm tư suy nghĩ của chính mình, làm truyền thông và quảng cáo, viết sách và thuyết trình. Nhưng môn Tiếng Việt hay Ngữ Văn lại chưa bao giờ được chú trọng ở trường học.
Thực tế thì cảm xúc mới là thứ vận hành cả Vũ Trụ này, cảm xúc có thể đưa bạn đến thiên đường và cũng có thể đưa bạn đến bảy tầng địa ngục (ẩn dụ) và để gia tăng trí tuệ cảm xúc thì việc chú trọng học tốt những môn Tiếng Việt, Văn Học, Âm Nhạc, Mỹ Thuật, Lịch Sử, Văn Hóa là một điều hết sức quan trọng và cần thiết.
Mong rằng các bậc phụ huynh và thầy cô hiểu được điều này để trẻ nghe lời hơn, không phải mắng hay dùng đòn roi mà trẻ vẫn tự giác.