03/07/2025
‼️VÌ SAO TRẺ EM NGÀY XƯA HAY BỊ ĐÁNH ĐÒN NHƯNG ÍT MẮC VẤN ĐỀ VỀ TÂM LÝ?
Có lẽ để với những người làm cha mẹ như chúng ta, tuổi thơ của chúng ta và con cái chúng ta bây giờ sẽ khác xa nhau. Có bao giờ bạn thắc mắc rằng tại sao ngày xưa trẻ con lớn lên bằng những lần ăn đòn và dọa nạt, quát mắng của bố mẹ nhưng chúng ta lại không mang những tâm lý dễ tổn thương như các con hiện nay?
Bản thân mình đã có một tuổi thơ thật sự “ác liệt” hơn so với bé con nhà mình. Tự hỏi xem cái thời ấy ai lại chưa từng bị bố mẹ đ.ánh đòn cơ chứ, nhưng tâm lý của tôi nào có tổn thương dễ vỡ như những "bông tuyết" trắng trong đâu. Những đứa trẻ như tôi khi ấy vẫn lớn lên và trưởng thành theo cách bình thường. Thậm chí vì những trận đòn roi như thế, mà khiến tôi mới "sáng mắt" vì những trò nghịch dại, để tôi trưởng thành lên theo năm tháng.
Nhưng thử nhìn các bạn nhỏ thời đại hiện nay, được bố mẹ và gia đình bảo vệ như một “báu vật” không nỡ đánh mà cũng chẳng dám quát. Thế nên chúng ta phải công nhận với nhau rằng logic dạy con theo kiểu đòn roi được áp dụng cho thế hệ chúng ta thực sự không thể tiếp tục cho thế hệ sau được.
Bởi vì sao ư? Hãy thử ngẫm lại, ngày xưa hầu hết các gia đình đều đông con, ít thì 2 3 đứa, công việc lại chủ yếu là lao động chân tay. Áp lực đồng tiền và công việc khi ấy nó quá lớn, quá tốn thời gian với mỗi người làm cha mẹ.
Nếu ngày xưa tôi có đánh nhau với bạn thì bố mẹ tôi cũng chỉ coi đó là những cảm xúc và hành động của lũ trẻ con. Họ bận từ sáng sớm đến tối mịt ngoài đồng và chẳng coi đấy là vấn đề quá to tát. Người giải quyết khi ấy sẽ là tự thân tôi hoặc anh chị tôi.
Nhưng kể ra, hồi ấy lũ trẻ con chúng tôi cũng đơn giản lắm, cãi nhau thì cay rồi đấm nhau vài cái là xong chuyện.
Việc của lũ trẻ chúng tôi khi ấy đó là về ăn cơm đúng giờ và làm đủ việc nhà mẹ giao, còn tôi đi đâu giữa trưa, nghịch nước hay bùn đất lấm lem, thậm chí đôi khi xước xát vài chỗ là điều bình thường ở huyện.
Còn ngày nay khi mà cơm đủ ăn áo đủ mặc, cuộc sống dư dả và đủ đầy một đứa trẻ ở thời điểm hiện tại khi vừa sinh ra đã được trao cho một sứ mệnh cạnh tranh khốc liệt, cha mẹ không chỉ chú ý đến hiện tại của con mà còn quan tâm nhiều hơn đến tương lai của chúng.
👉"Rồi con sẽ là ai trong tương lai, con liệu rằng có sống tốt, có làm rạng danh cha mẹ hay không?".
Một đứa trẻ trong gia đình được 4, 5 người yêu thương, cũng có nghĩa là cùng lúc được 4, 5 người trông đợi, dõi theo, nhào nặn, thúc ép, can thiệp và kỳ vọng.
Bố mẹ đầu tư đủ thứ cho con nhưng quên mất con cũng cần đầu tư cả sự phát triển đúng nghĩa như một đứa trẻ. Nhiều gia đình đào tạo con giống như một nghệ sĩ biểu diễn vậy, con phải chỉn chu, sạch sẽ, hoàn hảo và 10 điểm trong mắt người khác. Con muốn nghịch nước nhưng bà không cho vì sợ ướt quần áo, con muốn ngồi trên cỏ nhưng mẹ không cho vì sẽ bẩn, con đạt điểm không như ý bố thì tất cả là do con lười, con chểnh mảng.
Không gian bị dồn nén, môi trường gò bó sẽ khiến trẻ bất an, sợ mình làm không tốt, làm sai, không đáp ứng được yêu cầu của người lớn. Với tâm trạng căng thẳng như vậy, trẻ rất dễ đi vào ngõ cụt, hay thất vọng, thiếu tự tin. Và trẻ bị lạc mất chính mình trong chính mình. Cuộc sống của trẻ bị vây quanh bốn bức tường ở nhà, còn lại sẽ là thời gian ở trường, việc tiếp xúc với các thiết bị thông minh còn nhiều hơn việc con được hòa mình vào với thiên nhiên, sống một cách “hoang dã”.
Đó cũng là lý do đôi khi nhiều trẻ bị thiếu kỹ năng sống, con có thể giỏi lý thuyết nhưng thực hành và trải nghiệm lại không có. Vậy nên đừng ngại cho con sống như cách con muốn, cái quan trọng không phải ở thời đại nào, mà là hãy để con cảm thấy con được trải nghiệm được lớn lên và được trưởng thành như những đứa trẻ.
Nguồn: Trí Đoàn