
13/08/2023
SUY THOÁI KINH TẾ 2023: MÌNH ĐÚC KẾT ĐƯỢC NHỮNG GÌ KHI TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG MARKETING?
Khủng hoảng kinh tế diễn ra, ai ai cũng đều “rần rần” bàn tán về nó và mình cũng không phải ngoại lệ. Sau khi nằm vùng trong nhiều bài viết chia sẻ của các tiền bối, chuyên gia tiếp thị nổi tiếng, cũng như ngâm cứu quyển GAM7 Marketing suy thoái thì dưới đây là 4 bài học mình rút ra cho những hoạt động marketing năm 2023 hiện tại.
MARKETING LÀ GÁNH NẶNG CHI PHÍ HAY KHOẢN ĐẦU TƯ CỨU DOANH NGHIỆP?
Có nhiều cách nhìn về hoạt động marketing của doanh nghiệp trong khủng hoảng. Trong khi marketers cho rằng nên đẩy mạnh tiếp thị hơn nữa thì các CFO (giám đốc tài chính) và CEO (giám đốc điều hành) lại có cách nghĩ khác.
Hiển nhiên không có ý kiến nào sai hoặc đúng 100%, vì marketing nếu thực hiện đúng cách sẽ thực sự là những biện pháp “cứu cánh” giúp cả hệ thống vượt khó. Ngược lại, nếu không có một chiến lược thực thi bài bản, hiệu quả thì mọi khoản đầu tư của doanh nghiệp sẽ trở thành “công cốc”.
Trên thực tế sẽ không có cuộc khủng hoảng nào tồn tại mãi mãi, vì thế sự cắt giảm chi phí marketing chỉ có ý nghĩa trong ngắn hạn như một khoản tiết kiệm tức thì, trong khi lại đặt thương hiệu vào thế bất lợi khi suy thoái kết thúc và thị trường phục hồi.
GIẢM GIÁ ĐỂ KÍCH CẦU CHƯA CHẮC ĐÃ LÀ GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ
Giá cả là yếu tố dễ điều chỉnh nhất để doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận - vốn luôn là mục tiêu quan trọng được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên nó lại không phải chiếc “công tắc” kỳ diệu cho khả năng cạnh tranh và tồn tại của doanh nghiệp, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái.
Khủng hoảng kinh tế diễn ra, dù phải thắt chặt chi tiêu nhưng khách hàng sẽ không mặc định mua những sản phẩm rẻ nhất, khuyến mại nhiều nhất. Giá cả phản ánh giá trị mà thương hiệu mang lại. Khi người tiêu dùng đồng tình với giá trị của sản phẩm, họ sẽ chọn ta thay vì các đối thủ khác.
Bên cạnh đó, việc hạ giá quá nhanh còn tạo ra một cuộc “chạy đua không đáy” khi ai ai cũng đều thực hiện, dẫn đến kết cục là chẳng bên nào còn có lãi. Thay vào đó, hãy thấu hiểu khách hàng nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ giá trị gia tăng khác, từ đó giúp duy trì giá sản phẩm trong khoảng thời gian biến động.
KHÁCH HÀNG TRUNG THÀNH KHÔNG CHỈ QUAN TRỌNG MÀ CÒN LÀ TÀI SẢN “VÔ GIÁ”
Trong cơn khủng hoảng, điều quan trọng với các doanh nghiệp là phải tìm cách “giữ chặt” khách hàng cũ & trung thành của mình, do dây là những người đã biết tới thương hiệu, đã mua hàng, có sự gắn kết nhất định, sở hữu tỷ lệ chuyển đổi cao và ít tốn chi phí marketing hơn.
Mặc dù vậy, có một sự thật chắc chắn rằng mọi khách hàng đều giảm chi tiêu trong thời kỳ suy thoái. Dù yêu mến thương hiệu, nhóm người tiêu dùng trung thành vẫn có thể cân nhắc giảm tần suất mua hàng, số lượng mua hoặc cả hai. Thậm chí họ còn suy nghĩ kỹ càng để chuyển qua những lựa chọn khác tối ưu, phù hợp hơn.
Trong những thời điểm nhạy cảm kể trên, sẽ là sai lầm nếu doanh nghiệp lại cắt hẳn mọi hoạt động tiếp thị. Cách điều tiết thông minh nhất là phải đẩy mạnh thương hiệu bằng những công cụ ít tốn kém nhất, tập trung ngân sách để nhắm trực tiếp đến nhóm khách hàng trung thành.
CHẠY PERFORMANCE MARKETING VẪN KHÔNG THỂ BỎ QUÊN HOẠT ĐỘNG BRANDING
Với mục tiêu duy trì dòng tiền để tồn tại qua khủng hoảng, doanh nghiệp thường tập trung vào Performance marketing để tăng trưởng doanh thu ngay lập tức, tuy nhiên cũng chứa không ít rủi ro, dễ nhận thấy nhất là sự biến động mỗi ngày của các nền tảng digital như Facebook, Google…
Trong khi đó, việc xây dựng thương hiệu thông qua Brand building sẽ giúp doanh nghiệp tăng sức khỏe thương hiệu và giữ chân khách hàng hiện tại, cũng như tạo ra nguồn nhu cầu trong tương lai - khi suy thoái đã kết thúc.
Như vậy Performance marketing và Brand building - chiến lược ngắn hạn và dài hạn nên là hai nhiệm vụ đồng hành với nhau, không thể quyết định chọn đơn lẻ một trong hai. Việc kết hợp 2 chiến lược này không đồng nghĩa với việc chi tiền nhiều hơn mà sẽ theo nguyên tắc “more with less” - hiệu quả tốt nhất với chi phí thấp nhất, đồng thời từng hoạt động cụ thể đều có tác động qua lại, bổ trợ cả về mặt branding và performance.