Cosmic Writer

Cosmic Writer con người và vũ trụ
knowledge . mindset . inspiration Cuộc sống qua lăng kính tâm lý, triết học, nghệ thuật, khoa học tâm linh.
(1)

29/06/2025

Dòng chảy của cuộc sống

Dạo gần đây, mình suy nghĩ nhiều hơn về khái niệm "dòng chảy" (flow), và cảm thấu rõ ràng hơn về ý nghĩa của nó.

Lần đầu tiên mình nhận thức được về sự "nhịp nhàng" trong cuộc sống, là khoảng 3 tháng sau khi mình bắt đầu thực hành mindfulness, có lẽ từ khoảng 6 hay 7 năm về trước. Mình vẫn nhớ hôm đó đang trên đường đi làm, chẳng hiểu từ đâu ra tự nhiên mình nhận thấy có một cảm giác rất mới. Mình hít một hơi thở sâu, và cảm thấy cuộc sống đang diễn ra hàng ngày... thật là êm đềm dễ chịu.

Nhưng êm đềm không phải theo kiểu không có diễn biến gì. Mà theo kiểu mình vẫn work hard, vẫn đạt hiệu suất cao... mà trong lòng thì vẫn thấy cứ nhẹ nhàng bình thản, thoải mái cân bằng, không gượng ép. Cảm giác như có momentum, không cần nỗ lực, không cần "gồng lên"... nhưng cuộc sống thì vẫn cứ chuyển động và tiến triển một cách hoàn toàn tự nhiên.

Đây là một cảm giác rất lạ với mình vì trước đó mình vẫn quen với việc vấp phải rất nhiều chướng ngại từ bên trong. Như sự lười, sự lo âu, sự tự ti, sự thiếu kỷ luật... khiến cho cuộc sống giống như một cuộc hỗn chiến. Nhưng trong sự nhịp nhàng này thì khác, ở ngoài vẫn chiến đấu, nhưng trong lòng vẫn bình yên.

Cho đến thời điểm hiện tại, sau rất nhiều lần đánh mất và tìm lại được cảm giác đó, mình mới hiểu được ý nghĩa và nguyên nhân đằng sau. Chìa khóa của nó thật chẳng phải gì cao siêu, mà chỉ đơn giản đến từ việc xây dựng thói quen thành những routine. Còn nếu muốn nâng cao quan điểm hơn nữa thì là biến nó thành những ritual, những nghi thức của riêng mình.

Điều này liên quan gì? Để mình giải thích:

Việc tạo dựng những thói quen (tốt), bên cạnh những lợi ích hiển nhiên cho sức khỏe, cuộc sống... thì nó còn là nền tảng của sự cân bằng, và là liều thuốc chữa lành cho tâm trí.

Tất nhiên, việc bạn chạy bộ mỗi ngày, thì bạn chạy vào buổi sáng, trưa, chiều hay tối... thì lợi ích cho cơ thể không khác biệt quá nhiều. Nhưng nếu muốn nó mang lại cả lợi ích cho tinh thần (x2 lợi ích), thì chúng ta nên thiết lập nó thành routine, kiểu như cứ đúng 6am thì bạn xỏ giày ra ngoài, đều đặn mỗi ngày, lặp đi lặp lại. Tại sao?

Việc biến những thói quen như vậy thành routine, sẽ mang lại cho chúng ta một cảm giác quen thuộc, một sự an toàn, một chút trật tự và kiểm soát để chúng ta không rơi vào bất an trong sự phức tạp và hỗn loạn của cuộc sống. Trên lý thuyết, có gần như vô hạn những việc bạn có thể làm ngay lúc này. Nhưng khi bạn lên kế hoạch một cách khoa học, thì việc tốt nhất cần làm chỉ có một. Mọi thứ sẽ trở nên đơn giản, rõ ràng, tập trung, hiệu quả. Như trong thuyết tự quyết (self-determination theory) của Ryan & Deci có lý giải: việc thiết lập các routine (và biết rằng mình sẽ cần làm gì tiếp theo), sẽ mang lại cho chúng ta cảm giác về sự kiểm soát (autonomy) và về năng lực (competence), 2 trong số 3 trụ cột của việc làm chủ cuộc sống.

Và chỉ cần mỗi ngày bạn thức dậy, bạn làm đúng những việc bạn cần làm, vào đúng thời điểm bạn nên làm... là bạn đã có cho mình một chút sự tự tôn và tự chủ. Tuy không đủ nhiều để lập tức thay đổi cuộc sống, nhưng đủ để khiến bạn sẵn sàng và vững tâm đối diện với những challenge khó hơn. Nó làm giảm decision fatigue (tiêu hao năng lượng vì phải ra nhiều quyết định), từ đó có được động lực và sự tập trung sâu hơn.

Chẳng hạn, ngồi vào bàn làm việc... là một việc dễ gây nản, đặc biệt là với những người lười (như mình). Nhưng khi bạn đã dậy sớm, tập thể dục, thiền, ăn một bữa sáng healthy, làm một chút cafe (hoặc bất kì routine buổi sáng nào bạn muốn xây dựng)... thì khi đó tâm trạng của bạn sẽ trở nên tích cực, năng lượng trở nên dồi dào, và việc ngồi xuống giải quyết đống công việc kia trở nên super easy. Đây cũng chính là cái flow của mình mỗi sáng, và nó giúp mình có thể duy trì sự tập trung liền mạch trong khoảng từ 9am-12pm.

Viết đến đây, mình nghĩ nên clarify một chút. Flow ở đây không giống như kiểu trải nghiệm "dòng chảy" (flow state) của Mihaly Csikszentmihalyi, mặc dù nó cũng có ít nhiều liên hệ. Nó chỉ đơn giản là một nhịp sống mà chúng ta tự thiết kế, tinh chỉnh, cá nhân hóa cho riêng mình... để nó giúp chúng ta maximize được cả về hiệu suất lẫn sức khỏe tinh thần. Hoặc, có thể hiểu nó như một cái meta-flow: một cái flow lớn hơn trong cuộc sống, giúp chúng ta dễ dàng vào được trạng thái flow mỗi ngày.

Và nếu, bằng sự cần mẫn và tình yêu cho chính mình, bạn duy trì được dòng chảy nhịp nhàng ấy đủ lâu, thì tin mình đi, lúc ấy bạn sẽ cảm nhận được bên trong mình một niềm hạnh phúc sâu sắc.

Cosmic Writer

25/06/2025

Thử thách lớn nhất của người từng vượt qua trầm cảm, là làm sao để không rơi vào trầm cảm lần nữa.

Vì vượt qua là một chuyện. Nhưng sở dĩ chúng ta rơi vào trầm cảm (hay thứ gì đó tương tự), có thể (1) vì điều kiện môi trường sống hiện tại, (2) vì một biến cố hay trauma nào đó từng trải qua (thường là từ tuổi thơ), hoặc (3) vì chúng ta đã có sẵn những đặc trưng tính cách nhạy cảm với tiêu cực (mà trong tâm lý học gọi là neuroticism: sự nhiễu tâm).

Ngoại trừ điều thứ (1) dễ thay đổi, điều thứ (2) và (3) dù có thế nào cũng vẫn là một phần con người bạn. Điều này có nghĩa, sẽ có những người cả đời chẳng biết trầm cảm là gì (khoảng 80-90% dân số), nhưng cũng sẽ có những người, một khi đã trải qua là sẽ dai dẳng với nó mãi.

Và nếu như không tỉnh táo, vượt qua rồi, chúng ta vẫn có thể rơi vào trầm cảm lần nữa. Các con số thực tế cũng khẳng định điều này. Nghiên cứu của Shysset Nuggerud-Galeas (2020) cho thấy: tỷ lệ tái phát ở bệnh nhân trầm cảm là khoảng 40% sau đợt đầu tiên. Và tỷ lệ tái phát càng tăng lên sau mỗi lần trầm cảm quay lại. Một khi đã trải qua lần 3, thì 90% khả năng nó sẽ quay lại lần 4.

Nhưng, ai theo dõi nội dung của mình từ lâu, chắc cũng biết rằng mình luôn tin rằng chúng ta có thể, và thậm chí là có trách nhiệm để tự kiến tạo nên số phận. Chúng ta tuy không thể thay đổi vết thương quá khứ, hay phẫu thuật để khiến hệ thần kinh trở nên chai sạn hơn... nhưng chúng ta có thể, bằng những nỗ lực chân thành, từng bước tái tạo cho mình một nền tảng tinh thần khỏe mạnh. Nằm trong tay ta chính là cả phần đời phía trước.

Vậy giải pháp thật sự để thoát khỏi vòng lặp tiêu cực là gì? Làm sao để chúng ta thôi bị điều khiển bởi quá khứ hay bởi những suy nghĩ không mời (intrusive thoughts)?

Sự thật là: con đường thoát khỏi vòng lặp của trầm cảm, nếu như không muốn phải phụ thuộc vào dược lý hay những lộ trình tham vấn đắt đỏ, chỉ có thể là tự mình giúp lấy mình. Học cách để chấp nhận và thương lấy vết sẹo cũ. Học cách để ngừng cuốn vào những suy nghĩ tiêu cực. Học cách để phục hồi, để đương đầu, để vững từ bên trong.

Tất cả những điều này không dễ. Nhưng nó sẽ dễ hơn khi bạn có niềm tin. Rằng dù mọi thứ có tăm tối thế nào, ánh sáng sẽ trở về chỉ với vài bước chân nữa. Vậy nên hãy cứ kiên cường tiếp tục. Cứ sống và nhìn về phía trước, và tin vào tiến trình của mình.

Chia sẻ thêm một chút cho mọi người điều này: mình có một thói quen, mà cứ giai đoạn nào thực hành nó thường xuyên thì mình lại thấy tâm trạng rất bình yên tích cực, thậm chí là hạnh phúc với cuộc sống. Đó chỉ đơn giản là... ngồi im không làm gì cả. Thiền.

Nhưng không như mọi người nghĩ, ngồi im và thiền không phải lúc nào mang đến trải nghiệm tích cực kiểu như thư giãn dễ chịu... Mà đó là khi bạn chỉ còn mình với chính mình. Bạn phải nhìn sâu vào bản thân, khám xét mọi tầng lớp nơi tâm hồn mình. Việc này sẽ khá thử thách, vì đâu đó bạn sẽ luôn có những điều bên trong mình mà bạn không muốn (hoặc không thể) đối diện.

Nhưng, một khi thực hành đủ nhiều, soi chiếu đủ nhiều... bạn sẽ hiểu thấu được tâm trí mình một cách sáng rõ hơn. Rằng vì sao mình cảm thấy điều này, suy nghĩ kia là từ đâu đến, hoặc đâu là cách phản ứng tốt nhất trong tình huống nọ... Nó giống như việc bạn đã đọc kỹ và thành thạo cuốn "hướng dẫn sử dụng tâm trí" vậy. Khi đó, bạn sẽ có kỹ năng để dần thiết lập được những mạch suy nghĩ mới, những trạng thái cảm xúc mới... và từng bước mở ra cho mình con đường thoát khỏi những vòng lặp cũ. Bạn sẽ hiểu là vì sao mình rơi vào tiêu cực, làm sao để thoát ra khỏi tiêu cực, và làm sao để từ nay về sau mình không rơi sâu vào tiêu cực lần nữa.

Những hiểu biết đó, nếu như được bạn thu nạp từ chính mình, sẽ là những công cụ tâm lý vô giá đi cùng bạn trong suốt chặng đời còn lại. Vậy nên, đừng trì hoãn việc hiểu bản thân mình thêm nữa.

Cuối cùng, nếu như bạn cũng đang trải qua những ngày khó khăn, mình chỉ muốn nói rằng mình hiểu bạn. Vì mình cũng từng như vậy. Rất nhiều lần. Và do đó mình cũng rất hiểu, giải pháp tốt nhất cần phải đến từ mình, và cần phải hiệu quả lâu dài, chứ không phải chỉ là một sự "chữa lành" trước mắt.

Chúc bạn vượt qua.

Cosmic Writer

Mình thật sự không biết tương lai sẽ thế nào. Hôm rồi, viral trên mạng một đoạn e-mail mà CEO của Fiverr (Micha Kaufman)...
09/05/2025

Mình thật sự không biết tương lai sẽ thế nào.

Hôm rồi, viral trên mạng một đoạn e-mail mà CEO của Fiverr (Micha Kaufman) gửi cho tất cả nhân viên của mình.

Trong e-mail đó, Kaufman cảnh báo: AI đang đến. AI sẽ thay thế tất cả mọi người, từ nhân viên của ông cho tới chính ông. Và nếu bạn không trở nên thật sự xuất sắc với thứ mình làm, thì công việc của bạn sẽ bị lung lay.

Chiếc e-mail này và sự thành thật của Kaufman khiến cộng đồng mạng quốc tế xôn xao. Những cuộc thảo luận về tương lai của công việc trong kỷ nguyên của AI càng trở nên nghiêm túc và cấp bách hơn.

Và mình nghĩ, đây là một sự thức tỉnh cần thiết.

Nếu để chia sẻ thành thật những suy nghĩ của mình, thì trong vòng khoảng 6 tháng gần đây, những sự phát triển của AI khiến mình bị rơi vào trạng thái vertigo: chóng mặt, quá tải, và hoang mang. Mình không biết chắc những lựa chọn sự nghiệp của mình có trụ được trước cơn bão AI hay không, và mỗi quyết định đều đi cùng với rủi ro và thận trọng.

Với những thay đổi quá nhanh của AI - thứ công nghệ đang và sẽ tái định nghĩa lại mọi thứ, tính VUCA của thế giới hiện đại (biến động - bất định - phức tạp - mơ hồ) như được đẩy lên tận cùng. AI sẽ thay đổi tất cả.

Đứng trước sự mơ hồ cực đoan như vậy, quá khó để chúng ta có thể nhìn xa và lên kế hoạch lâu dài cho sự nghiệp của mình. Không ai muốn điều tệ nhất xảy ra: rằng chúng ta dành cả thanh xuân để đầu tư phát triển kỹ năng cho một công việc, để rồi đến một ngày công việc đó được tự động hóa bởi AI, và rồi chúng ta trở nên vô dụng.

Nhiều người sẽ nói: "vẫn còn nhiều thứ AI chưa làm được!"

Và đúng vậy. AI vẫn còn rất nhiều hạn chế. Sẽ có những công việc khó bị thay thế hơn những công việc khác. Nhưng đó là ở thời điểm hiện tại. Với những khoản tiền khổng lồ được đầu tư và tốc độ phát triển điên cuồng của AI, không ai nói trước được rằng trong 5, 10, 15 năm nữa thì công việc gì sẽ được xem là "an toàn".

Do đó, cuộc cách mạng của AI cũng buộc phải dẫn đến một cuộc cách mạng trong cách con người ta tư duy về sự nghiệp của mình.

"Mình sẽ làm công việc gì" có lẽ không còn là một câu hỏi hay.

Mà mình nghĩ, chúng ta nên hỏi rằng mình sẽ tạo ra giá trị gì, sẽ giúp ích cho ai, hoặc sẽ mang lại sự thay đổi thế nào cho thế giới? Ý nghĩa của sự nghiệp không còn gắn liền với lao động (labor), mà sẽ quay lại với gốc rễ của nó, đó là tạo ra giá trị (value creation).

Vậy nên, thay vì cam kết với một công việc, tốt hơn hết hãy cam kết với một tầm nhìn... Rồi hãy chấp nhận linh hoạt với những công việc khác nhau để đạt được tầm nhìn đó.

Và, cho dù bạn có làm việc gì, đừng chỉ nghĩ đến sự ổn định, vì khái niệm đó giờ không còn thực tế nữa. Thay vào đó hãy hướng đến sự xuất sắc, vì đó là cách tốt nhất để bạn đảm bảo được tương lai của mình.

Dù yêu hay ghét, không ai cản được cơn bão AI.

Thứ duy nhất chúng ta có thể làm là bơi theo nó. Và chuẩn bị cho mình những năng lực sinh tồn để dù nó cuốn nhân loại về đâu, chúng ta cũng vẫn xoay sở được.

Còn bạn? Bạn nghĩ sao về viễn cảnh này?

Cosmic Writer

-

Bài viết này nằm trong challenge "Brand From Within: 7 ngày đánh thức chất liệu sáng tạo trong bạn" của cộng đồng Vũ Trụ Creator. Nếu bạn cũng muốn tham gia thử thách này cùng mình, bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin bên dưới nhé!

"Chị không thích từ "sứ mệnh". Nghe nó to lớn quá".Một người bạn chia sẻ thẳng với mình như vậy trong một buổi cafe, khi...
08/05/2025

"Chị không thích từ "sứ mệnh". Nghe nó to lớn quá".

Một người bạn chia sẻ thẳng với mình như vậy trong một buổi cafe, khi cuộc trò chuyện của hai người dần đi sâu hơn mấy câu chuyện xã giao bình thường. Và rồi từ khóa này xuất hiện.

Mình đáp lại: "Em thì khác. Em thích khái niệm này chính vì thế. Chính vì nó to lớn".

Cuộc trò chuyện diễn ra cũng lâu rồi, nhưng chi tiết này vẫn khiến mình suy nghĩ mãi.

Tất nhiên, mình hiểu.

Mình hiểu tại sao những khái niệm đao to búa lớn (như hạnh phúc, ý nghĩa, sứ mệnh...) nhiều khi khiến chúng ta ngán ngẩm. Chúng quá xa vời và vĩ mô, có phần trừu tượng, khó hiểu, đôi khi khiến chúng ta ngộp thở hơn là gợi mở và hấp dẫn.

Và mình cũng hiểu. Việc bớt nghĩ về những thứ to lớn để tập trung vào từng hành động bé nhỏ... cũng là cách tốt nhất để chúng ta từng bước giải quyết được những vấn đề trong cuộc đời mình.

Nhưng, việc phớt lờ đi những câu hỏi lớn chỉ càng làm chúng lớn hơn.

Mình đã từng nghe motif câu chuyện này từ rất nhiều người. Rằng họ đã có một cuộc sống rất ổn: gia đình, công việc, tài chính... tất cả đều đã chuẩn chỉnh theo những khuôn mẫu của xã hội (ở độ tuổi của họ). Nhưng một phần nào đó bên trong họ vẫn cảm thấy cồn cào trống rỗng, vẫn thấy thiếu vắng một cảm giác ý nghĩa sâu sắc hơn trong cuộc đời mình.

Và rồi ở độ tuổi ngoài 30, 40, thậm chí 50, họ đưa ra sự thay đổi lớn và lựa chọn một hướng đi hoàn toàn mới.

Đây không phải là sự tham lam, rằng có đủ rồi còn muốn hơn. Mà nó là việc có đủ những thứ mà chúng ta... có lẽ không cần. Còn những điều chúng ta thật sự cần, thì lại bị phớt lờ và chưa từng một lần được lắng nghe.

Chẳng hạn:

Mình có một chị khách hàng. Gần đến tuổi 50 chị mới thức tỉnh được điều mà chị thật sự muốn làm.

Bước ngoặt đó đến sau trải nghiệm mẹ chị mất. Vì yêu mẹ, thương mẹ, chị nhận ra rằng mình không muốn như mẹ: cả cuộc đời hy sinh vì người khác... nhưng chưa bao giờ chịu sống cho chính mình.

Biến cố này khiến chị tự nhìn về bản thân. Chị dần học cách sống và biểu đạt mình một cách tự tin hơn, trung thực hơn, ưu tiên trở lại những sở thích và ước mơ chị từng có, và rồi dần giúp những người phụ nữ khác xung quanh có một sự khởi đầu mới tương tự.

Mỗi lần chia sẻ về điều này, chị đều khóc. Không phải vì thương xót, mà vì khát khao hoàn thành được sứ mệnh, vì nguồn cảm hứng to lớn muốn giúp đỡ và tạo ra thay đổi.

Và mình thấy những cảm xúc đó truyền cảm hứng mạnh mẽ vô cùng.

Vậy, những bước ngoặt như vậy đến từ đâu?

Mình nghĩ, với tùy người, mà những khoảnh khắc như vậy sẽ đến sớm hay muộn. Và nó sẽ đến khi chúng ta nhận ra mình không thể lảng tránh được thêm nữa, mà cần phải trung thực trả lời được những câu hỏi:

Mình sống để làm gì?
Mình sống vì điều gì?
Mình sẽ tạo ra gì và sẽ để lại gì?

Nếu như chưa sáng rõ về mục đích sống của bản thân, chúng ta sẽ dễ đi lạc vào những con đường không phải dành cho mình, chỉ để miệt mài tiến đến những cái đích mà mình còn chẳng muốn đến.

Nhưng nếu, bạn lựa chọn cho mình một mục đích, hay thậm chí là một sứ mệnh để hướng đến, thì dù con đường có xa và nhọc nhằn, đôi khi chúng ta vẫn tìm thấy được hạnh phúc xuyên suốt hành trình đó.

Tuy nhiên, cũng đừng nên overthink về chuyện này. Sự "to lớn" ở đây không có nghĩa là phải cao cả hay vĩ đại. Sứ mệnh đó chỉ cần thật sự quan trọng và ý nghĩa đối với bạn, để bạn thấy rằng tất cả những cố gắng của mình là xứng đáng. Và, khi cuộc đời dìm bạn xuống đáy, một sứ mệnh để hướng đến cũng sẽ tạo thành một sức bật mạnh mẽ để bạn vực dậy đi tiếp.

Nhiều người thường hay so sánh rằng cuộc đời giống như một trò chơi. Nhưng mình thấy không hẳn như vậy.

Khi bước vào một trò chơi, bạn thường đã có sẵn một nhiệm vụ (hay sứ mệnh) phải làm, và đó là thứ khiến trải nghiệm chơi mang lại cảm giác say mê thích thú. Nhưng cuộc đời thì không.

Chúng ta bước vào cuộc đời với sự hoang mang, thấy mọi thứ phức tạp, khó hiểu, và không rõ ràng mình cần phải làm gì. Nhưng tới một lúc nào đó, chúng ta cần phải nhận thức rằng mình có quyền lựa chọn trò chơi mình muốn chơi, nhiệm vụ mình muốn làm.

Khi có một lý do đủ lớn, chúng ta không những sẽ sáng rõ về việc cần làm, mà còn có đủ sức mạnh để kiên trì bước tới.

Giống như triết lý của existentialism (chủ nghĩa hiện sinh), hay trong liệu pháp tâm lý logotherapy của Viktor Frankl: chúng ta có quyền tự do để lựa chọn rằng mình sống để làm gì.

Và nhờ đó, tự tạo ra cho cuộc đời mình ý nghĩa.

Cosmic Writer

-

Bài viết này nằm trong challenge "Brand From Within: 7 ngày đánh thức chất liệu sáng tạo trong bạn" của cộng đồng Vũ Trụ Creator. Nếu bạn cũng muốn tham gia thử thách này cùng mình, bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin bên dưới nhé!

Trong hơn 2 năm qua, song song với việc phát triển kênh Cosmic Writer, mình còn đã tham gia vào rất nhiều các hoạt động ...
07/05/2025

Trong hơn 2 năm qua, song song với việc phát triển kênh Cosmic Writer, mình còn đã tham gia vào rất nhiều các hoạt động đào tạo về sáng tạo nội dung (content creation).

Sau một hành trình dài với công việc này, trải qua nhiều thăng-trầm và ngọt-đắng với nó, mình thấy bản thân có trách nhiệm chia sẻ lại kiến thức và kinh nghiệm cho những content creator đến sau.

Với tâm huyết như vậy, mình thấy vui khi thị trường đã dần có sự cởi mở hơn với định hướng sự nghiệp mới này, và bắt đầu nhìn nhận nó với những góc nhìn tích cực hơn thay vì chỉ đơn thuần xem nó như một cách thức để gây chú ý.

Bằng chứng cho việc này là sự kiện Solo Creators Summit mà mình sẽ tham gia trong mấy ngày tới (từ 8/5 tới 10/5).

Diễn ra online trong liên tục 3 ngày, quy tụ rất nhiều những creator có sức hút và expert trong ngành truyền thông... sự kiện đánh dấu một sự trưởng thành của nền kinh tế sáng tạo (creator economy) tại Việt Nam ngay trước thềm kỷ nguyên vươn mình sắp tới.

Và mình, rất may mắn được là một phần trong đó.

Nếu như bạn cũng quan tâm tới việc theo đuổi sáng tạo nội dung như một sự nghiệp, và muốn được gặp mình trong một vài session của sự kiện, bạn hãy tìm hiểu và đăng ký tham gia chương trình từ đường link bên dưới nhé!

Hẹn gặp bạn tại Solo Creators Summit ;).

Nội lực không phải là sức mạnh, mà là khả năng chấp nhận sự yếu đuối.Trong số các triết gia khắc kỷ (stoicism), thì Epic...
07/05/2025

Nội lực không phải là sức mạnh, mà là khả năng chấp nhận sự yếu đuối.

Trong số các triết gia khắc kỷ (stoicism), thì Epictetus (55 - 135) có lẽ là người để lại dấu ấn đặc biệt nhất.

Ông không có địa vị cao, thậm chí chỉ là một người nô lệ tàn phế. Lịch sử đồn rằng, ông bị què chân do một lần bị chủ nhân bạo hành. Mặc dù bị cuộc đời ngược đãi như vậy, nhưng ông không để mình rơi vào hận thù hay đau khổ. Mà ngược lại, Epictetus vẫn sống một cuộc đời đức hạnh, và trở thành một người thầy triết học được yêu mến khi ông được trả tự do.

Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta thường ngưỡng mộ những người nổi tiếng, thành công và quyền lực. Ít khi nào chúng ta nghĩ rằng mình sẽ học được điều gì đó từ một người không có địa vị như Epictetus.

Nhưng cuộc đời và hoàn cảnh của Epictetus đã để lại một bài học sâu sắc: rằng ý chí thật sự của một người, không nằm ở việc anh ta đã kiểm soát mọi thứ như thế nào, mà nằm ở việc anh ta đã đối diện như thế nào với những thứ không thể được kiểm soát.

Đây cũng là lý do một người nô lệ như Epictetus vẫn được yêu mến, và có tầm ảnh hưởng vượt xa đến gần 2,000 năm. Trong khi đó Nero, một hoàng đế, lại bị lịch sử xem thường vì sự hèn nhát, ái kỷ, và bạo ngược của mình.

Epictetus tuy không thể thay đổi sự thật rằng mình là một nô lệ tàn phế, nhưng ông vẫn đã chọn sống với nó một cách tốt nhất, trọn vẹn nhất trong khả năng của mình. Và đó chính là điều khiến ông trở nên vĩ đại.

Đối với mình, hình ảnh về Epictetus, một người tổn thương nhưng không đáng thương, một người dám chấp nhận sự yếu đuối của mình một cách kiên cường... là một biểu tượng đáng học hỏi.

Vì mình nghĩ, tất cả chúng ta, ở một phương diện nào đó, đều là Epictetus. Chúng ta ai cũng có những tổn thương, những thiếu sót, những hạn chế, những biến cố của riêng mình, mà chúng ta không thể hoàn toàn thay đổi hay kiểm soát. Đó có thể là:

Sinh ra với những khiếm khuyết.
Lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc.
Thiệt thòi về ngoại hình hay tài năng.
Chung sống với bệnh tật.
Trải qua tổn thương và mất mát.
Thiếu tiền và cơ hội...

Suy cho cùng, ai cũng đều có những mong manh của riêng họ. Đó là một phần của trải nghiệm làm người. Nhưng sự thật là: những điều này không định nghĩa chúng ta, mà chúng ta sẽ tự định nghĩa nên chính mình thông qua cái cách chúng ta đối diện với những vết nứt của cuộc đời.

Không quan trọng bạn có địa vị thế nào hay giàu có ra sao... Nhân cách của bạn sẽ được kiểm chứng và tôi luyện qua chính những khó khăn mà bạn trải qua. Khó khăn không phải rào cản hay hình phạt. Mà đó chính là những cơ hội, những bài kiểm tra để bạn tìm thấy và đánh thức bên trong mình phiên bản tốt nhất.

"Bạn không cần phải toàn vẹn để trở nên vĩ đại. Bạn chỉ cần dũng cảm sống trọn vẹn với những gì đã không toàn vẹn trong mình."

Cosmic Writer

-

Bài viết này nằm trong challenge "Brand From Within: 7 ngày đánh thức chất liệu sáng tạo trong bạn" của cộng đồng Vũ Trụ Creator. Nếu bạn cũng muốn tham gia thử thách này cùng mình, bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin bên dưới nhé!

"Giá trị sống của em là gì?"Ngay hôm đầu tiên đi làm, sếp của mình đã hỏi câu đó. Một câu hỏi ngắn gọn và đơn giản, nhưn...
06/05/2025

"Giá trị sống của em là gì?"

Ngay hôm đầu tiên đi làm, sếp của mình đã hỏi câu đó.

Một câu hỏi ngắn gọn và đơn giản, nhưng lại sâu, trực diện, bất ngờ, khiến mình bối rối. Chưa ai từng hỏi mình câu hỏi như vậy cả.

Và mặc dù khi đó mình cũng đang bắt đầu hành trình hiểu bản thân, mình vẫn chưa có câu trả lời của riêng mình. Mình ấp úng. Không diễn đạt được những suy nghĩ trong đầu thành lời.

Giá trị sống của mình là gì?

Kể từ hôm đó, câu hỏi này như in đậm trong tâm trí mình. Một vấn đề mình chưa thật sự rõ ràng, nhưng vô thức cảm nhận được rằng nó là câu hỏi quan trọng nhất mình cần trả lời.

7 năm sau đó, qua nhiều trải nghiệm và kiến thức tích luỹ được, mình mới dần hiểu được tại sao. Việc mông lung về giá trị sống, chính là nguyên nhân khiến cho nhiều người trẻ như mình rơi vào cơn khủng hoảng.

Vì cuộc sống vốn phức tạp và không thiếu những biến cố. Nếu thiếu đi một hệ giá trị làm nền tảng, thì con người ta cũng sẽ dễ rơi vào trạng thái mất phương hướng. Xác định được giá trị sống là thiết lập lại trật tự giữa cơn hỗn loạn. Giống như lạc đường mà tìm được chiếc la bàn. Nó giúp mình tìm ra định hướng và gần như không bao giờ đi lạc nữa.

Vậy giá trị sống là gì?

Mặc dù được nhắc đến nhiều trong các tài liệu về tâm lý và phát triển bản thân, nhưng khái niệm này vẫn không tránh khỏi cảm giác lý thuyết và trừu tượng. Từ kinh nghiệm của bản thân, mình nghĩ đơn giản thế này:

Giá trị sống, chính là nguyên tắc sống đặc biệt quan trọng với bạn. Là những thứ bạn cho là có ý nghĩa và cam kết theo đuổi. Nó mang tính định hình con người bạn và định hướng cuộc đời bạn sẽ sống.

Và giữa ma trận của cuộc đời, giá trị sống chính là thứ quyết định đâu là ngã rẽ phù hợp.

Mình ví dụ thế này:

Hôm trước, một cậu em hỏi xin ý kiến mình về hướng đi sự nghiệp. Em đang phân vân giữa 3 sự lựa chọn:

Một hướng đi mang lại sự thoả mãn.
Một hướng đi mang lại sự an toàn.
Một hướng đi mang lại sự phát triển.
Cả 3 hướng đi đều là những sự lựa chọn tốt.

Mình đặt câu hỏi: vậy đối với em, ít nhất ở thời điểm hiện tại, em cảm thấy mình cần điều gì nhất? Đâu là thứ quan trọng và ý nghĩa nhất đối với em? Sự thoả mãn, sự an toàn, hay sự phát triển?

Em suy nghĩ vài giây rồi đưa ra câu trả lời của mình. Một câu trả lời mà em thừa nhận, rằng em đã hơi nghiêng về nó từ trước khi hỏi mình, chỉ là chưa thật sự cảm thấy chắc chắn.

Câu chuyện này làm mình nhớ tới những giai đoạn đầu tuổi 20, cũng đang mông lung giữa những hướng đi. Vấn đề thật sự của mình ngày đó cũng giống như của cậu em kia, không phải chỉ là giải quyết vấn đề trước mắt. Mà là phải làm rõ được giá trị sống của mình (mình là ai và mình muốn gì), cũng như có niềm tin vào điều đó, để có thể giải quyết được mọi vấn đề sau này.

Và mình nghĩ, câu hỏi về giá-trị-sống có thể được diễn dịch thành:

Điều gì là quan trọng nhất đối với bạn?
Đâu là thứ mang lại ý nghĩa cho cuộc đời bạn?
Đâu là những điều cốt lõi tạo nên con người bạn?

Nếu như bạn cũng đang cảm thấy mông lung, chưa biết mình thực sự muốn gì, hay thường xuyên phân vân giữa những lựa chọn... có lẽ, việc đầu tiên nên làm không phải là chạy đi tìm câu trả lời ở bên ngoài, mà là dừng lại và hỏi mình những câu hỏi trên.

Giá trị sống không phải là điều cao siêu, nó chỉ cần đúng với bạn. Có người coi sự tự do là giá trị cốt lõi. Có người coi gia đình là quan trọng nhất. Có người sống vì sự cống hiến, có người sống để phát triển bản thân...

Không có đúng sai. Chỉ phù hợp hay không.

Cuộc sống luôn thay đổi, nhưng khi bạn nắm rõ giá trị sống của mình, bạn sẽ luôn biết cách tìm ra con đường mình cần đi.

Cosmic Writer

-

Bài viết này nằm trong challenge "Brand From Within: 7 ngày đánh thức chất liệu sáng tạo trong bạn" của cộng đồng Vũ Trụ Creator. Nếu bạn cũng muốn tham gia thử thách này cùng mình, bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin bên dưới nhé!

Bạn đã có sẵn những phẩm chất để thành côngMình có một niềm tin khá mãnh liệt rằng con người chúng ta kể từ khi sinh ra,...
05/05/2025

Bạn đã có sẵn những phẩm chất để thành công

Mình có một niềm tin khá mãnh liệt rằng con người chúng ta kể từ khi sinh ra, ai cũng đều mang trong mình một phẩm chất độc đáo.

Đó là thứ khiến chúng ta trở nên khác biệt và duy nhất. Và nhờ thế, nó cũng trở thành một lợi thế cạnh tranh rõ ràng khi chúng ta bước vào cuộc sống, và phải đối diện với câu hỏi rằng mình có thể tạo ra những giá trị gì.

Với mình, sự tò mò luôn là thứ khiến mình cảm thấy bản thân "khác người". Nó là thứ thúc đẩy mình tìm tòi, học hỏi, mở rộng biên giới tri thức của mình ra hơn.

Nhưng tất nhiên, sự tò mò của mình cũng đã là thủ phạm cho rất nhiều cơn mông lung. Lúc còn nhỏ, việc đặt ra những câu hỏi quá lớn so với năng lực hiểu biết của mình đã khiến mình rơi vào những cuộc khủng hoảng hiện sinh. Lớn hơn một chút, việc học quá nhiều thứ chẳng liên quan đến nhau khiến mình hoang mang không biết đâu mới là hướng đi sự nghiệp.

Nhưng sau, mãi cho tới khi mình gần bước sang ngưỡng tuổi 30, mình mới nhận ra rằng việc tò mò học hỏi nhiều thứ khiến mình có thể mang lại những góc nhìn mới cho những vấn đề cũ, có thể kết nối những mảnh ghép tri thức tưởng chừng không liên quan để tìm ra những thứ sâu hơn...

Và đó cũng chính là "lợi thế" của riêng mình khi theo đuổi con đường sáng tạo nội dung và chia sẻ tri thức.

Chẳng hạn, mình:
Có thể nói về phát triển bản thân dưới góc độ của triết học.
Có thể nói về thiền dưới góc độ của khoa học não bộ.
Có thể nói những kiến thức hàn lâm nhưng quy về những lời khuyên thực tế.

Những điều này không khiến mình hơn-người-khác, chỉ khiến mình khác-người-hơn. Không giống ai, không ai giống mình, không ai thay thế được mình, và nhờ thế không bị hoà tan.

Năm 2020, hai tác giả Ash Ali và Hasan Kubba có xuất bản cuốn sách "The Unfair Advantage". Cuốn sách trở nên viral với mệnh đề rằng "ai trong chúng ta cũng đã đều có sẵn những phẩm chất để thành công".

Những phẩm chất đó là gì?

Là tính cách của bạn. Là câu chuyện bạn trải qua. Là những nền tảng có sẵn từ gia đình và môi trường sống...

Điều này có nghĩa, bạn không cần phải sinh ra là thiên tài. Bạn chỉ cần khám phá ở mình xem phẩm chất gì là mạnh mẽ nhất, và tìm xem đâu là những cuộc chơi mà ở đó phẩm chất của mình chính là chìa khoá để "thành công". Và tất nhiên, không phải là "thành công" theo nghĩa tiền bạc địa vị, mà là "thành công" ở việc tạo ra giá trị và tìm thấy niềm vui, ý nghĩa trong những việc mình làm.

Sự khác biệt của bạn không phải là điểm yếu. Thậm chí nó có thể là một thế mạnh độc đáo mà bạn đang may mắn sở hữu. Nếu như bạn biết tận dụng và phát triển nó đúng cách.

Bí mật về việc tìm ra con đường dành cho mình chỉ đơn giản nằm ở đó. Thấu hiểu về bản thân mình, và rồi tìm được đúng nơi để mình toả sáng.

Cosmic Writer

-

Bài viết này nằm trong challenge "Brand From Within: 7 ngày đánh thức chất liệu sáng tạo trong bạn" của cộng đồng Vũ Trụ Creator. Nếu bạn cũng muốn tham gia thử thách này cùng mình, bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin bên dưới nhé!

15/03/2025

Liệu chúng ta có đang sống quá nhanh?

Ai xem video gần đây của mình trên YouTube, chắc cũng biết mình mới chính thức chuyển vào tp. Hồ Chí Minh. Khách quan mà nói thì đây là trung tâm kinh tế với một nhịp sống đầy hối hả.

Nhưng thay vì gồng mình cuốn theo, một phương châm mà mình đang và sẽ áp dụng, là việc làm chủ được nhịp sống của riêng mình.

Trong quá trình chuyển nhà, việc phải đóng gói, thanh lọc, hệ thống lại tất cả đồ đạc mình từng sở hữu, khiến mình nhận thức được rõ hơn tầm ảnh hưởng của chủ nghĩa tiêu dùng. Rất nhiều món đồ mình từng mua, sau một thời gian đã trở thành rác thải. Điều này khiến mình vừa cảm thấy... tiếc, vừa thấy có lỗi khi việc chạy theo nhịp sống nhanh đã khiến mình vô tình gây ra cho môi trường xung quanh nhiều tổn thương.

Việc này khiến mình bắt đầu cuộc sống mới với một tâm thế cũng hoàn toàn mới: tiết chế và tiết kiệm. Thay vì tìm giải pháp cho những vấn đề bằng cách lướt shopee (xem có thứ gì mình mua được), mình đang dần học cách để sống đơn giản hơn, và giảm bớt nhu cầu mua sắm không cần thiết.

Mình nghĩ, đây là việc tối thiểu mà chúng ta có thể làm. Vì nếu chưa thể giúp thế giới tốt hơn, ít nhất cũng đừng xả rác và làm cho nó tệ đi.

Chính vì thế, khi nhận được lời mời tham gia làm nghệ sĩ đồng hành cho chương trình "Tắt sống nhanh - bật sống xanh" của Tắt đèn bật ý tưởng 2025, mình đã nhận lời ngay vì thông điệp ý nghĩa này của chương trình cũng chính là một bài học quan trọng mà bản thân mình vừa lĩnh hội.

Hãy cùng mình “Tắt sống nhanh - Bật sống xanh” với Tắt đèn bật ý tưởng 2025. Một vài thông điệp từ chương trình:

"Tắt đi lối sống tiêu dùng nhanh đang dần trở thành thói quen, bật lên công tắc sáng tạo để tái chế rác thải.

Tắt đi sự vội vã vơ hết rác thải vào cùng một chỗ, bật lên chế độ chậm rãi phân loại rác thải trước khi vứt.

Các bạn thấy không? “Chầm chậm” là một từ ngữ rất đẹp đẽ. Hãy cứ sống chậm lại, để yêu thương môi trường nhiều hơn, để thay đổi dần những thói quen tiêu dùng nhanh. Lối sống xanh giúp Trái Đất sạch."

Cùng mình và Tắt đèn bật ý tưởng 2025 lan tỏa đi thông điệp “Tắt sống nhanh - Bật sống xanh”, bắt đầu thay đổi từ những điều nhỏ nhất vì môi trường của tất cả chúng ta nhé!



Tấm ảnh này tôi chụp khi ngồi ngắm hoàng hôn trên biển hôm cuối tuần vừa rồi.Không biết người khác thế nào. Nhưng với tô...
03/03/2025

Tấm ảnh này tôi chụp khi ngồi ngắm hoàng hôn trên biển hôm cuối tuần vừa rồi.

Không biết người khác thế nào. Nhưng với tôi, những cảnh đẹp của thiên nhiên thường dễ khiến tôi xúc động. Trong phút chốc, tôi cảm thấy như được quên mất mình là ai. Và hàng triệu những gợn sóng lung linh như đang nhắc nhở tôi rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn.

Tôi nghĩ, càng lớn thì cuộc sống của chúng ta càng phức tạp. Mà khi cuộc sống càng phức tạp thì ta lại càng biết trân trọng những thứ giản đơn.

Mà thứ giản đơn nhất, đồng thời cũng chữa lành nhất, truyền cảm hứng nhất, gây choáng ngợp nhất... chính là những kiệt tác của tự nhiên đang diễn ra xung quanh mình. Mỗi ngày. Và hoàn toàn miễn phí.

Address

Tay Ho
Hanoi
10000

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Cosmic Writer posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Contact The Business

Send a message to Cosmic Writer:

Share