ĐẠO TRÀNG THIỀN TRỰC CHỈ - Thiền Viện Trúc Lâm Sùng Phúc

  • Home
  • Vietnam
  • Hanoi
  • ĐẠO TRÀNG THIỀN TRỰC CHỈ - Thiền Viện Trúc Lâm Sùng Phúc

ĐẠO TRÀNG THIỀN TRỰC CHỈ - Thiền Viện Trúc Lâm Sùng Phúc ĐẠO TRÀNG THIỀN TRỰC CHỈ - Thiền Viện Trúc Lâm Sùng Phúc

ÁNH SÁNG THIỀN TRONG CUNG VUA TRẦN Với người học thiền bình thường, phần nhiều cứ nghĩ: thiền phải ở nơi núi cao rừng th...
16/06/2025

ÁNH SÁNG THIỀN TRONG CUNG VUA TRẦN

Với người học thiền bình thường, phần nhiều cứ nghĩ: thiền phải ở nơi núi cao rừng thẳm hay hang vắng, bởi họ tưởng tượng theo danh từ “thiền lâm” là rừng thiền, thì phải ở trong rừng. Hoặc có người cho rằng, thiền chỉ có trong thiền đường, trong thiền viện, trên bộ đoàn, tọa cụ…, song nếu Thiền như thế thì Thiền quá cục bộ, chưa phải Thiền tròn khắp, chỉ có chỗ này mà không có ở chỗ kia, tức thành sanh diệt mất rồi. Sự thật, Thiền ở ngay trong lòng người, không phải ở nơi cảnh, nơi chỗ này, nơi chỗ kia. Tâm ngộ thiền thì bất cứ chỗ nào cũng có thiền. Thiền như thế mới là thiền trong cuộc sống, thiền sáng ngời không gián đoạn; dù tăng, dù tục, dù nơi vắng vẻ hay ồn náo đều có phần, nếu mở được con mắt thiền. Nhìn lại những vị Vua đầu nhà Trần, chúng ta thấy rõ điều này. Giờ đây điểm qua ba nét chính để chúng ta thấy ánh sáng Thiền vẫn tràn ngập trong cung Vua Trần:

Với thiền, đòi hỏi phải có sự thể nghiệm chân thật, phải chứng nghiệm qua cứ không thể nói suông hay bàn trên lý thuyết thôi. Chính Vua Trần Thái Tông, lúc đang làm Vua, với bao công việc triều chính bề bộn, vẫn để thời gian tham cứu Thiền và Vua đã từng linh nghiệm ngay chính bản thân mình. Vua kể lại trong lời tựa Thiền Tông Chỉ Nam như sau: “Trẫm từng đọc kinh Kim Cang đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm,” trong khoảng để quyển kinh xuống ngâm nga, bỗng nhiên tự ngộ. Liền đem chỗ ngộ này viết thành bài ca đề tên là “Thiền Tông Chỉ Nam.”. Nghĩa là Vua Trần Thái Tông đã trực tiếp lãnh ngộ Thiền ngay nơi tự tâm mình, không phải chỉ nghiên cứu trên lý thuyết, trên sách vở. Bởi kinh nghiệm trực tiếp nên Vua có sức sống Thiền chân thật ngay trong đời làm Vua của mình. Điều này sẽ trình bày tiếp sau.

Kế là Vua Trần Thái Tông, cũng một ông Vua ở tại ngôi vị trên thiên hạ, sống trong cung điện vàng son mà vẫn thể nghiệm được thiền. Vua đã nhận được ý chỉ nơi Quốc Sư Đại Đăng, tự lấy hiệu là Vô Nhị Thượng Nhân. Vua có tự thuật trong một bài kệ:

Tự tùng quán giác nhập thiền lưu,
Đã ngỏa toản qui một ngoại cầu.
Nhận đắc bản lai chân diện mục,
Đáo đầu hà xứ bất hưu hưu.

Tạm dịch:
Từ khi bé bỏng đã vào thiền,
Đập ngói, xoi rùa ngoại cầu quên.
Nhận được xưa nay mày mặt thật,
Cuối cùng đâu chẳng chỗ an nhiên.

Nghĩa là Vua đã vào thiền, đã cảm đến thiền lúc còn nhỏ. Do biết có thiền nên mọi chuyện hư dối tìm kiếm bên ngoài đều quên dứt, không còn chạy lăng xăng nữa. Bởi vì Vua đã nhận ra mặt mày chân thật xưa nay rồi, đây là nguồn sống vô biên còn gì quí hơn nữa. Đã nhận được lẽ thật đó, thì đâu đâu cũng là chỗ sống an nhiên, không phải lo lắng, không sợ bơ vơ, vì đã có chỗ nương tựa vững chắc. Kinh nghiệm này được thể hiện qua bài kệ sau đây rất là sâu sắc:

Chung nhật nhàn đàn bất điệu cầm,
Nhàn môn cô sự khả quan tâm.
Cá trung khúc quá vô nhân hội,
Duy hữu tùng phong họa thử âm.

Tạm dịch:
Chiếc đàn không điệu gảy suốt ngày,
Cửa vắng việc không chẳng bận rày.
Bản nhạc trong kia không kẻ biết,
Riêng có gió tùng họa âm này.

Suốt ngày gảy mãi cây đàn không điệu. Không điệu vẫn gảy làm gì? Đó là làm mà vô tâm, gảy mà vô tác, nên tuy làm tất cả mà vô sự, không có dấu vết gì lưu lại, gọi là “Cửa vắng việc không chẳng bận rày. “Giống như làm mà không có ai làm, không có cái ta xen vào. Vì vậy, bản nhạc đó mấy ai biết được? Đem lỗ tai dày nhớt này mà nghe là không bao giờ nghe tới. Bởi vậy khó có người họa được, chỉ có gió tùng hòa theo thôi. Tức vô tâm mới hòa được điệu nhạc kia, mới cảm thông được chỗ đó! Đây quả là một kinh nghiệm thiền không thể nói hết bằng lời.

Sang Vua Trần Nhân Tông, kinh nghiệm thiền được Ngài thuật lại trong bài hành trạng của Thượng Sĩ Tuệ Trung như sau: “Tôi biết môn phong của Thượng Sĩ cao vót. Một hôm tôi xin hỏi Ngài về “Tông chỉ bổn phận” Thượng Sĩ đáp” “- Soi sáng lại chính mình là bổn phận, chẳng từ nơi khác mà được.” Nghe xong, tôi thông suốt được đường vào, bèn vén áo thờ Ngài làm thầy.”

Hỏi về tông chỉ bổn phận, tức yếu chỉ thiền chứ không gì khác; yếu chỉ đó, chính ở ngay nơi mình, soi lại chính mình mà thấy, đây là gốc chân thật, ngoài ra không có việc gì khác nữa! Chính đây là điểm tinh yếu của toàn bộ giáo lý Phật nói chung, Thiền tông nói riêng, dù Phật Tổ có dùng vô lượng phương tiện sai khác để dẫn dắt người, nhưng cũng không rời việc soi lại chính mình là gốc. Nếu tách rời chính mình để tu, để học đạo, là tu học lệch lạc, trái ý chỉ của Phật Tổ. Thiền sư Tuệ Hải gọi:” Ngoài tâm cầu Phật là ma.” Bởi nếu ngoài tâm mà có Phật, có đạo, thì không phải là ma, cũng là có trong sách vở, trong chữ nghĩa, không phải Phật, đạo sống.

Như vậy cho thấy, ba vị Vua Trần đã có kinh nghiệm thiền rõ ràng ngay trong cung Vua, đâu phải đợi tìm chỗ nào khác! Kinh nghiệm này được thể hiện qua sức sống chân thật của các Ngài, chứ không phải chỉ nói suông.

Như trên đã nói qua kinh nghiệm thiền của ba vị Vua Trần, điều đó được các Ngài ứng dụng thành sức sống chân thật, chớ không phải chỉ nói suông trên ngôn ngữ. Điển hình là:

1. Vua Trần Thái Tông, lúc bệnh sắp qua đời, Quốc sư Đại Đăng vào thăm hỏi:
– Bệ hạ bệnh chăng?
Vua đáp:
– Tứ đại bệnh, cái xưa nay sanh tử còn không can hệ mà dính kẹt trong bệnh hoạn?

Lúc bệnh mà vẫn còn tỉnh táo, thấy bệnh là bệnh, không dính dáng gì đến “cái ấy”, thì chính mình có bệnh gì đâu? Người tu bình thường chưa có đạo lực, e tới lúc đó tinh thần hoảng hốt, sợ hãi, thì dễ sánh được chăng?

“Rồi khoảng mấy ngày sau, Thái Tông lặng thinh không nói, đuổi hết kẻ hầu hạ, đem việc nước dặn dò Thánh Tông. Thánh Tông muốn nhờ hai Quốc sư Phù Vân (Đạo Viên) và Đại Đăng nói pháp xuất thế cho Thái Tông nghe. Thái tông gằn giọng bảo: “Đến trong đây, bớt một mảy tơ dường trên thịt khoét thành thương tích, thêm một mảy tơ như trong mắt để bụi. Ba đời chư Phật, bốn mắt nhìn nhau, sáu đời Tổ thối thân có phần. Dù Phù Vân nói huyền, Đại Đăng thuyết diệu, điều là lời thừa, có ích gì đối với cái này?” Nói cong Vua lặng lẽ tịch.”

Một ông Vua, sống giữa cảnh vàng son, cung phi mỹ nữ, việc nước rộn ràng, mà đến lúc bệnh sắp mất vẫn sáng suốt vững vàng như vậy, nếu hằng ngày không có sức sống chân thật, thì làm gì trong phút chốc vô thường đó, lại làm chủ được?

2. Vua Trần Thánh Tông, đến lúc bệnh nặng gần qua đời, cũng sống rất có đạo lý giống như một thiền sư:

Vua bệnh, Thượng Sĩ Tuệ Trung gởi thư đến thăm, Vua viết vào cuối trang đáp lại:
Hơi nóng hừng hực mồ hôm đẫm,
Chiếc khố mẹ sanh vẫn ráo khô.
(Viêm viêm thử khí hãn thông thân,
Hà tằng hoán đắc nương sanh khố?)

Đến lúc bệnh nặng, Vua thường lấy ngón tay gõ vào chiếc gối như có sở đắc điều gì. Chốc lát, Vua đòi bút viết bài kệ:

Sanh như mặc áo,
Chết tựa cởi trần.
Từ xưa đến nay,
Không đường nào khác.

(Sanh như trước sam,
Tử như thoát khố.
Tự cổ cập kim,
Cánh vô dị lộ).

Liền hét, nói:
– Chữ bát mở toang đà trao phó, còn đâu việc nữa đáng trình anh.

Rồi đuổi hết kẻ hầu hạ, chỉ còn một mình Nhân Tông đứng hầu một bên thưa:
– Bệ hạ còn nhớ lời của Ngài Vĩnh Gia chăng:

Rành rành thấy, không một vật,
Cũng không người chừ cũng không Phật.
Cõi cõi đại thiên bọt nổi trôi,
Tất cả thánh hiền như điện chớp.
Dẫu cho vành sắt trên đầu chuyển,
Định tuệ sáng tròn vẫn không mất.

Vua nghe xong, bất chợt cười lên rồi gõ chiếc gối tụng:

Rành rành thấy, không một vật,
Cũng không người chừ cũng không Phật.
Cõi cõi đại thiên bọt nổi trôi,
Tất cả thánh hiền như điện chớp.

Xong, chiều hôm đó Vua băng.

Vua bệnh sắp mất, nhưng vẫn thấy không dính dáng gì. Hơi nói hừng hực, mồ hôi ướt đẫm là nói lên sức bệnh hoạn đang phủ trùm lên tấm thân vô thường này, nhưng vẫn không dính dáng gì đến thân chân thật ấy. Nghĩa là, Vua vẫn có chỗ sống của mình, bệnh hoạn không làm gì đến đó được.

Vua xem sanh tử như mặc áo, cởi áo vậy thôi, không có gì quan trọng, không bận tâm lo sợ, không vật vã khổ sở, mà còn hét lên một tiếng hét sư tử rống đối với vấn đề sanh tử.

“Chữ bát mở toang đà trao phó,
Còn đâu việc nữa đáng trình anh.”

Cuối cùng Vua ra đi như một thiền sư trong hình thức cư sĩ. Quả thực, ngay trong cung Vua, vẫn sáng ngời ánh sáng thiền, dù người có muốn bắt chước cũng không thể nào bắt chước được. Vì thiền không phải việc có thể bắt chước. Với sức sống đó, ai dám đương đầu?

3. Vua Trần Nhân Tông. Ngài còn vượt xa hơn hai Vua trước một bước, sau khi hai lần chiến thắng quân Nguyên, vinh quang lên tột đỉnh thì sau đó Ngài lại xả bỏ tất cả để đi xuất gia, sống đời khổ hạnh đầu đà, đem ánh dáng chân thật soi rọi cho mọi người. Có cái gì đặc biệt mà Ngài dám bỏ tất cả như thế? Hẳn phải là có một sức sống tuyệt diệu, vượt ngoài cả đời sống vàng son cao cả của thế gian, mới khiến Ngài trân quí mà sẵn sàng đổi lấy. Sức sống đó là làm chủ được sanh tử, một điều mà người thường bó tay thúc thủ. Điều này hiện rõ lúc Ngài sắp rời bỏ thân xác này:

“Ngày mùng 1 tháng 11 năm Mậu Thân (1308), nửa đêm sao trời sáng tỏ, Điều Ngự hỏi Bảo Sát:

– Hiện giờ là giờ gì?
Bảo sát thưa:
– Giờ Tý.
Điều Ngự đưa tay mở cánh cửa sổ nhìn ra nói:
– Chính là giờ ta đi!
Bảo sát hỏi:
– Tôn đức đi đâu?
Điều Ngự đáp:

Tất cả pháp chẳng sanh,
Tất cả pháp chẳng diệt.
Nếu hay hiểu như thế,
Chư Phật thường hiện tiền.
Nào có đến đi gì?

Bảo sát thưa:
– Chỉ như khi chẳng sanh chẳng diệt thì thế nào?
Điều Ngự liền vả ngay miệng Bảo Sát bảo:
– Chớ nói mớ!
Nói xong, Ngài nằm theo thế sư tử, lặng lẽ mà tịch.

Ngài ra đi một cách tự tại. Đi mà cũng không thấy có đi đâu, vì chưa từng có đến. Nhưng cái gì là cái không đến đi? Việc đó người ngoài cuộc làm sao biết được? Sức sống này quả không thể lý luận bằng lời. Nếu không phải người đã hằng sống trong đó, đừng mong gì mộng thấy. Song muốn có được sức sống như thế, hẳn nhiên các Ngài phải có một trí tuệ Thiền không phải tầm thường.

Đọc KHÓA HƯ LỤC, chúng ta thấy rõ, trí tuệ thiền của Vua Trần Thái Tông thật sâu sắc, đem tâm thức này để hiểu, quả là không thể hiểu hết. Chỗ thấy đó không khác các thiền sư Trung Hoa. Như Tổ Lâm Tế có đoạn nhân duyên nói về vô vị chân nhân:

“Sư thượng đường bảo:
– Trên cục thịt đỏ có vị chân nhân không ngôi thứ, thường ra vào ngay trên mặt các ông, người chưa chứng cứ hãy xem! Xem!
Lúc đó có vị tăng bước ra hỏi:
– Thế nào là vị chân nhân không ngôi thứ?
Sư bước xuống giường thiền, nắm đứng vị ấy bảo:
– Nói! Nói!
Vị tăng ấy nghĩ ngợi. Sư gạt tay bảo:
– Vị chân nhân không ngôi thứ là cái gì? Que cứt khô!
Sư liền trở về phương trượng.”

Vua trần Thái Tông trong bài kệ tóm kết phần “Nói Rộng Về Sắc Thân” đã hiển bày:
Vô vị chân nhân thịt đỏ au,
Hồng hồng trắng trắng chớ lầm nhau.
Ai hay mây cuốn trời trong vắt,
Ven trời sương biếc núi một màu.
(Vô vị chân nhân xích nhục đoàn,
Hồng hồng bạch bạch mạc tương man.
Thùy tri vận quyện trường không tịch,
Thủy lộ thiên biên nhất dạng san).

Ngài đã thấy rõ ngay trong cục thịt đỏ au, tức sắc thân bốn đại này, có một con người chân thật không thuộc thứ lớp giai cấp. Song con người này mắt ai thấy được? Chớ vội nghe mà lầm nhận nó với tướng hồng hồng của máu me, tướng trắng trắng của da thịt thì vẫn bị hai tròng mắt này dòm thấy rồi. Như vậy nó vẫn thuộc tướng sanh diệt vô thường có gì đặc biệt? Cho nên “Ai hay mây cuốn trời trong vắt,” tức là có người nào sạch hết mây mờ vô minh vọng tưởng, còn lại một trời tâm trong vắt không vết mây, thì mới rõ “Ven trời sương biếc núi một màu,” tức trước mắt hiện bày một thể như như, tâm cảnh không hai, không còn chia cách đây kia: Toàn thể chân thật hiện tiền! Với cái thấy như vậy, mấy ai đã thấu được?

Đoạn khác, có vị tăng tên Đức Thành ở chùa Chân Giáo hỏi Vua:
– Bệ hạ có nhận riêng Thế Tôn đắc đạo chăng?
Vua đáp:
– Mưa xuân không cao thấp, cành hoa có ngắn dài.

Mưa xuân chỉ là mưa thôi, không có tâm cao thấp phân biệt, nhưng nơi cành hoa tiếp nhận thì có ngắn dài. Ngắn dài là tự ở cành hoa, không phải tự mưa có phân chia. Cũng vậy, chính Thế Tôn là Thế Tôn thôi, không nói đắc đạo chẳng đắc đạo; không nhận có hay không có, chỉ do tâm người phân biệt mà thành hoặc có hoặc không. Vậy thì làm sao nói cố định là thực có hay không để hiểu? Đó là dứt trừ cái thấy đối đãi phân biệt, bặt niệm “ có không” hai bên, ngoài con mắt tuệ làm sao thấy tột?

Đến Vua Trần Thánh Tông, đọc Lời dạy Chúng Nói Rộng, chúng ra sẽ thấy

Vua nói: “Xưa nay nói: một câu rốt sau mới đến lao quan. Ba đời chư Phật bốn mắt nhìn nhau, sáu đời Tổ Sư có phần thối thân. Những người tham học hiện nay trọn nhằm trong câu tham lấy, lại hỏi các ông, trong câu làm sao tham? Nếu chẳng tham lấy thì luống phí thì giờ, một đời qua suông. Nếu cũng tham lấy, tức nuôi miệng méo lệch, sọ não nát vỡ..”

Bấy nhiêu thôi, mọi người thử đem tình thức của mình để xem hiểu thấu được chăng? Ba đời chư Phật bốn mắt nhìn nhau là nhìn cái gì? Chỗ đó làm sao hai tròng mắt đầy ghèn này dòm thấu được? Phật Phật bao đời chỉ là như thế, thấy được thấu chỗ đó thì gặp chư Phật ba đời ngay trong mắt mình. Sáu đời Tổ Sư chỉ phải lùi bước lại thôi. Lùi bước lại đâu? Lùi bước lại chính mình! Nhưng chính mình làm sao lùi bước? Tham cứu lấy cũng chết, mà không tham cứu lấy cũng chết, mọi người phải làm sao? Nếu còn mắc kẹt hai đầu thì bao giờ thấu qua được cửa Tổ? Trí tuệ này dễ so sánh được chăng?

Kế đến Vua Nhân Tông thuật lại: “Khi Thái Hậu qua đời, đức Thánh Tông làm lễ trai tăng ở cung cấm. Nhân lễ khai đường, đức Thánh Tông thỉnh những vị danh đức các nơi về, theo thứ lớp mỗi vị thuật một vài kệ ngắn để trình kiến giải. Kết quả thảy đều quến sình, ủng nước, chưa có chỗ tỏ ngộ. Đức Thánh Tông lấy quyển tập đưa cho Thượng Sĩ. Thượng Sĩ viết một mạch bài Tự Thuật:

Kiến giải trình kiến giải,
Tợ ấn mắt thành quái.
Ấn mắt thành quái rồi,
Rõ ràng thường tự tại.

Nghĩa là đem kiến giải để trình ra cho người thì có khác gì ấn mắt nhìn thấy hoa đốm lăng xăng, có gì là phải? Nếu cái ấn mắt thành hoa đốm lăng xăng đã qua rồi, mới rõ ràng thường tự tại sáng ngời, có gì phải nhọc trình khoe?

“Đức Thánh Tông đọc xong, liền phê tiếp:
Rõ ràng thường tự tại,
Cũng ấn mắt thành quái.
Thấy quái chẳng thấy quái,
Quái ấy ắt tự hoại.”

Dù nói rõ ràng thường tự tại, cũng là ấn mắt thành quái lăng xăng thôi. Vì sao? Vì cũng là ngôn ngữ văn tự. Nếu người thật mắt sáng, thì thấy quái lăng xăng, mà chẳng lầm theo, chẳng bị quái làm mờ, liền đó quái ấy tự hoại, tự mất, không làm gì được. Đó mới là chỗ chân thật. Chỗ đó làm sao trình ra cho người hiểu? Nếu trình cho người hiểu được, tức cũng thành quái nữa rồi!

Đây cho thấy, trí tuệ thiền của Vua Thánh Tông quả là sâu sắc, ánh sáng thiền vẫn sáng ngời ngay cung cấm, có phải tìm ở đâu?

Qua đến Vua Trần Nhân Tông thì trí tuệ thiền thực là siêu tuyệt!
Có vị tăng hỏi Ngài:
– Khi muôn dặm mây tan thì thế nào?
Ngài đáp:
– Mưa tầm tã.

Sao lạ vậy? Đem tình thức để hiểu, hiểu được chăng? Kìa, đã muôn dặm mây tan sao còn chẳng sáng tỏ mà đi hỏi, không phải là vẫn mưa tầm tã hay sao? Câu trả lời đánh thẳng vào ông tăng đang có mặt đó là tự mê. Thực là ý đã vượt ngoài lời!

Ông tăng lại hỏi tiếp:
– Khi muôn dặm mây phủ kín thì thế nào?
Ngài đáp:
– Trăng sáng ngời.

Dễ hiểu được chăng? Đây này, đã là muôn dặm mây phủ kín, thì còn ai đang hỏi đó? Một câu đáp đã xuyên thẳng vào thực thể hiện tiền mà ông tăng đang ngủ mớ. Bấy nhiêu đủ thấy trí tuệ thiền của Ngài vượt xa chúng ta rồi.

Ông tăng hỏi tiếp:
– Rốt ráo là thế nào?
Ngài đáp:
– Chớ động đến, động đến ăn ba mươi gậy.

Đã nói rõ ràng như thế rồi, còn hỏi rốt ráo thế nào nữa, tức muốn giải nghĩa sao? Nếu hiểu đến được là tự trái rồi, nên động đến là ăn gậy liền. Đó là trả lời cho người nguyên vẹn là người, không cho thêm bớt gì nữa trong đó!

Và Ngài có bài kệ:
Câu có câu không
Bìm khô cây ngã
Bao kẻ nạp tăng
Đụng đầu chạm não…

Cho thấy trí tuệ Ngài vượt qua ý niệm có không, chẳng dừng trong đối đãi. Nếu có không có con mắt thiền đâu dễ thấu được

Xét qua những điểm trên, cho chúng ta thấy rằng, các vị vua Trần này đã sống được một đời sống thiền rất đáng nể phục. So với người tu xuất gia chúng ta, tu cả đời cũng chưa dễ gì sống được như thế. Nghĩ lại điều này, chúng ta không tự thấy hổ thẹn sao? Kìa trong cung vua, trong chốn đô thị, ánh sáng thiền vẫn được tỏa sáng, vậy còn phải đợi tìm thiền ở chốn nào nữa đây? Tại gia, xuất gia đều có phần, chớ tự khinh mình mà đành chịu khuất lấp một cách đáng thương.

Kết thúc xin dẫn bốn câu trong bài phú Ở TRONG TRẦN VUI ĐẠO của Vua Trần Nhân Tông để người người tự kiểm thường xuyên:

Cốc một chân không,
Dùng đòi căn khí.
Nhân lòng ta vướng chấp khôn thông,
Há cơ Tổ nay còn thửa bí.

Hãy nhận rõ, chỉ một thể chân thật vốn không hai, bởi do căn cơ trình độ mà thành có sai khác. Phải quên chỗ sai khác đó mà trở về gốc không hai kia. Lẽ thật này đâu phải là điều gì bí ẩn, chỉ bởi lòng ta còn vướng chấp nên khó thông thôi, chớ nào phải cơ Tổ còn có điều gì ẩn giấu không cho ta hiểu. Hãy can đảm, một BUÔNG, buông sạch không chỗ bám, thì ngay đây sờ sờ “người không cùng muôn pháp làm bạn” đứng đó tự bao giờ!

DƯ ÂM MÙA PHẬT ĐẢN - CHUYỂN HÓA VÀ TỈNH THỨC Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Phật Đản năm 2025 đã khép lại với muôn ...
05/06/2025

DƯ ÂM MÙA PHẬT ĐẢN - CHUYỂN HÓA VÀ TỈNH THỨC

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!

Phật Đản năm 2025 đã khép lại với muôn vàn ý nghĩa thiêng liêng khi Việt Nam thành công đăng cai Đại lễ Vesak, đồng thời đón nhận niềm phúc lành vô biên qua việc cung rước xá lợi Phật từ Ấn Độ. Hàng triệu Phật tử và người dân khắp mọi miền đất nước đã có cơ hội chiêm bái báu vật tượng trưng cho Pháp thân, tạo nên một mùa an lạc, kết nối tâm linh sâu sắc. Giờ đây, dù Xá Lợi đã trở về Ấn Độ, nhưng dư âm của mùa Phật Đản vẫn vẹn còn trong tâm thức mỗi người con Phật.

Điều quý giá nhất không chỉ là những giây phút thành kính đảnh lễ Xá Lợi Phật, mà chính là từ lực nhiệm mầu của Đức Phật đã khơi dậy duyên lành, giúp chúng ta xoay lại nhìn vào con người chân thật của chính mình. Chiêm bái Xá Lợi Phật không chỉ là hành động bên ngoài, mà quan trọng hơn là cơ hội để mỗi người soi rọi lại tâm hồn, gột rửa phiền não, tìm lại tâm thanh tịnh vốn có. Khi chúng ta biết chuyển hóa tâm thức, sống tỉnh thức bằng từ bi và trí tuệ, thì cuộc đời này sẽ thực sự thay đổi, từ khổ đau thành an lạc, từ mê mờ thành giác ngộ.

Dù mùa Phật Đản đã qua, dù Xá Lợi Phật không còn hiện diện trên đất Việt, nhưng Đức Phật không xa cách chúng con, Ngài luôn trong tâm mỗi người, Ngài luôn bên ta, độ cho cho ta cũng như mọi chúng sinh. Giáo pháp của Ngài vẫn mãi trường tồn. Khi ta hướng đến Chân Thường, Chân Lạc, Chân Ngã, khi ta thực hành Từ - Bi - Hỷ - Xả và kiến tạo một cuộc sống hòa bình, hạnh phúc ngay tại thế gian này, đó là lúc Đức Phật đang hiện rõ trong ta. Ý nghĩa thiết thực của sự chiêm bái, kính lễ, của sự tu tập, và của con đường giác ngộ là ở chỗ chuyển hóa bản thân và thực hành Đạo Pháp của Ngài.

Đối với hàng Phật tử, qua những sự kiện trân quý vừa rồi, chúng con càng thấm thía lời dạy của Tổ sư: Phật tại tâm, chẳng phải tìm đâu xa. Mỗi giây phút chiêm bái Xá Lợi, mỗi lần thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, chính là tự nhắc nhở mình: Tu là phải thấy Tánh, sống trở về với bản tâm thanh tịnh.

Chúng con thành kính tri ân Chư Phật, Chư Tổ, Hòa thượng Tông chủ và Chư tôn Thiền đức Tăng - Ni đã chỉ dạy chúng con "dừng tâm tìm kiếm bên ngoài, xoay lại nhận ra ông Phật của chính mình" và nguyện tinh tấn tu tập, sống tỉnh thức, buông bỏ vọng tưởng, để sớm nhận ra và sống với con người chân thật - Phật tánh sẵn đủ nơi mình.

Chúng con hiểu rằng hộ trì Tam Bảo không chỉ là phụng sự bên ngoài, mà phải giữ gìn chánh niệm, sống đúng với tông chỉ "Phản quan tự kỷ".

Chúng con sẽ gắng theo lời Quý Ngài chỉ dạy: Khi mỗi người thực hành thiền tập chân chính, chuyển hóa tự thân, làm lợi ích cho người khác, thì đó chính là cách thiết thực đền ơn Phật, Tổ, và chân thật cúng dường Tam Bảo. Bởi lẽ: Phật pháp trường tồn là nhờ người tu chứng, chúng sinh lợi lạc là nhờ tâm giác ngộ lan tỏa.

Chúng con nguyện cùng nhau tu tập, "Ly vọng, hiển Chân", kiên tâm hành trì, để dù Xá Lợi Ngài đã được cung rước về Ấn Độ, dù mùa Phật Đản qua đi, nhưng ánh Đạo vàng của Phật - Tổ vẫn mãi soi đường cho chúng con và Ông Phật thật nơi tự tâm chúng con luôn hiện hữu.

Chúng con nguyện, nương phúc duyên này để tiếp tục tinh tấn tu tập và cùng nhau lan tỏa những giá trị cao đẹp của Đạo Phật đến với muôn nơi để hào quang Từ bi - Trí tuệ của Đức Từ Phụ luôn tỏa chiếu mãi thế gian.

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!
(CBĐ)

Một mùa Phật Đản vô cùng ý nghĩa khi nhiều sự kiện cùng diễn ra để kỷ niệm ngày Đức Phật thị hiện Đản sinh. Vui thay, hạ...
31/05/2025

Một mùa Phật Đản vô cùng ý nghĩa khi nhiều sự kiện cùng diễn ra để kỷ niệm ngày Đức Phật thị hiện Đản sinh.

Vui thay, hạnh phúc thay! Niềm hân hoan lan tràn khắp nơi trên mảnh đất hình chữ S, trong tâm thức của mỗi người con Phật, khắp pháp giới hư không, chư thiên cũng reo mừng, kết mây lành hòa chung niềm hoan hỷ, khi kim thân Xá Lợi Phật hiện tiền trên quê hương.

Một làn sóng tâm thức thiện lành lan tỏa, mọi người như gần nhau hơn, không còn khoảng cách giữa các địa phương, giữa các giai tầng. Chỉ một lòng tôn kính, biết ơn, hoan hỷ, sẻ chia... Tất cả đều hướng về ánh sáng Giác Ngộ của Từ Bi và Trí Tuệ.

Hòa trong bầu không khí ấy, huynh đệ Đạo tràng Thiền Trực Chỉ chúng con, bằng tâm thành kính biết ơn, cũng đã có những hoạt động thiết thực hướng về Đức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca.

Mỗi người một nguyện, ngoài việc chiêm bái hiện tiền kim thân Phật và phụng sự lúc hữu duyên, riêng mấy huynh đệ chúng con còn "tham lam" tìm một góc khuất thật gần, "lẻn" vào để tĩnh tọa, và cảm nhận sự gần gũi thân thương như Ngài đang ở bên. Hạnh phúc diệu kỳ khi cảm nhận năng lượng từ bi và trí tuệ Phật hiện tiền, thương kính và bao trùm rộng khắp khiến thân tâm chúng con rúng động, lẫn trong âm hưởng trầm hùng của đoàn người chiêm bái thâu đêm.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Đến cả ngày hôm sau và nhiều ngày sau nữa, âm hưởng ấy vẫn vang vọng khắp hư không. Chỉ những người đã trải nghiệm mới cảm nhận và thấu hiểu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Nguyện nhân duyên này khắc sâu vào tâm thức, khiến tịnh hóa thân tâm của mỗi chúng ta trên con đường trở về Bản Giác. 🙏🙏🙏

14/05/2025

Đại lễ cung rước Xá Lợi Phật tại Hà Nội

14/05/2025

Cung đón Xá Lợi Phật.

Hòa trong không khí của những ngày đại lễ Vesak, rất nhiều huynh đệ Đạo tràng Thiền Trực Chỉ cũng đã mang âm hưởng và ti...
09/05/2025

Hòa trong không khí của những ngày đại lễ Vesak, rất nhiều huynh đệ Đạo tràng Thiền Trực Chỉ cũng đã mang âm hưởng và tinh thần của Đại lễ về trang nghiêm nơi ngôi Tam Bảo tại nhà mình. Cùng tùy hỷ với những hình ảnh mà huynh đệ đã chia sẻ.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát🙏🙏🙏

Nhân kỷ niệm Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2569, được sự khuyến phát  của Thượng tọa Trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc, ...
07/05/2025

Nhân kỷ niệm Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2569, được sự khuyến phát của Thượng tọa Trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc, Ban cán sự Đạo tràng Thiền Trực Chỉ đã phát tâm trích một phần quỹ lớp để mua cờ Phật giáo tặng cho huynh đệ và quý Phật tử hữu duyên.

Xin cảm niệm và tùy hỷ với thiện pháp này.

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni 🙏🙏🙏

NGUỒN GỐC LÁ CỜ PHẬT GIÁO

Lá cờ Phật giáo ta thấy ngày nay ra đời vào năm 1880 ở Tích Lan (Sri Lanka). Người có ý kiến mang đến cho Phật giáo một lá cờ là một cựu đại tá quân đội Mỹ : Ông Henry Steel Olcoott.

Ông Olcoott đặt chân đến Tích Lan lần đầu tiên vào năm 1879, và ngay sau đó ông trở nên hết sức say mê Phật giáo. Năm 1880 ông trở lại Tích lan và trình lên Ủy ban Phật giáo Colombo đề nghị tạo cho Phật giáo một lá cờ. Hình thức và màu sắc của lá cờ xuất phát từ trí sáng tạo của ông Olcoot, dựa vào sáu vòng hào quang của đức Phật và các màu sắc của cầu vồng. Lá cờ cũng tượng trưng cho Lục đạo, tức sáu đường tái sinh hay sáu thể dạng của tất cả chúng sinh trong cõi luân hồi.

Lá cờ được chính thức chấp nhận trên đất Tích lan vào dịp Phật đản ngày 28 tháng 4, năm 1885. Tuy nhiên mãi đến ngày 25 tháng 5, năm 1950, trong lần hội nghị Phật giáo quốc tế ở thủ đô Colombo (Tích lan), với 26 quốc gia tham dự, lá cờ ngũ sắc mới được chính thức và nhất trí chấp nhận, nói lên sự thống nhất của Phật giáo thế giới.

Ngày nay, một lá cờ chung cho toàn thể Phật giáo - biểu tượng của Hòa bình, Từ bi và Trí tuệ, không phân biệt màu da và chủng tộc, không phân biệt giữa con người và tất cả những sự sống khác - đã phất phới trên lãnh thổ của hơn 50 quốc gia trên thế giới. Ngày 24 tháng 2, năm 1951, tỳ kheo Tô Liên, đại diện Ủy ban Phật giáo thế giới tại Việt Nam, đi dự hội nghị Colombo đã đích thân đem lá cờ quý báu này về cho quê hương chúng ta.

Hình thức lá cờ: Lá cờ hình chữ nhật, chia đều thành sáu phần theo chiều dọc. Màu sắc gồm các màu của cầu vồng, nhưng chỉ có năm màu được chọn : xanh dương, vàng nhạt, đỏ, trắng, màu cam (hay vàng nghệ), sọc thứ sáu của lá cờ tượng trưng cho sự tổng hợp của các màu vừa kể. Vì thế, sọc thứ sáu lập lại tất cả năm màu, nhưng xếp theo chiều ngang.

Tài liệu liên quan đến lời đề nghị nguyên thủy của ông H.S. Olcoott giải thích về lá cờ do ông đề nghị quả thật là khó tìm. Có thể các tài liệu này vẫn còn được lưu giữ trong văn khố của Tích lan (?). Bài viết này dựa vào một số tư liệu gần đây của Tây phương. Trong các tài liệu ấy, cách giải thích về màu sắc có vẻ kém mạch lạc hoặc dùng những từ không phù hợp với Đạo Pháp cho lắm. Sau đây là tóm lược ý nghĩa tượng trưng của các màu sắc :

1) Màu xanh dương tượng trưng cho Thiền định.

2) Màu vàng nhạt tượng trưng cho sự Suy nghĩ đúng , có thể là Chính Tư Duy trong Bát Chính Đạo.

3) Màu đỏ tượng trưng cho Sinh Lực Tâm Linh.

4) Màu trắng tượng trưng cho Đức Tin.

5) Màu cam hay màu nghệ tượng trưng cho Trí Tuệ.

6) Màu thứ sáu, tổng hợp của các màu vừa kể, tượng trưng cho Hành Vi Không Kỳ Thị.

Các tài liệu trên đây cũng có thể đã căn cứ vào các lời đề nghị của ông Olcoott (?). Dù sao, lá cờ cũng chỉ là một biểu tượng, và ý nghĩa mà ta gán cho nó là do nơi chúng ta.

Cách giải thích các màu sắc của lá cờ như đã trình bày trong phần trên đây dựa vào một vài tài liệu bằng Pháp ngữ. Trong một số tài liệu bằng Anh ngữ thì cách giải thích có khác hơn đôi chút, tuy vẫn thiếu mạch lạc và không thống nhất. Sau đây là cách giải thích thường thấy :

1) Màu xanh dương tượng trưng cho Từ bi.
2) Màu vàng tượng trưng cho Trung đạo.
3) Màu đỏ tượng trưng cho Đạo đức.
4) Màu trắng tượng trưng cho Đạo Pháp vượt ra khỏi không gian và thời gian.
5) Màu cam tượng trưng cho Trí tuệ.
6) Màu tổng hợp (màu thứ sáu) tượng trưng cho Sự Thật Tuyệt Đối.

Vì lý do có nhiều khác biệt trong ý nghĩa tượng trưng của màu sắc như đã trình bày, do đó chúng ta cũng không nên quá chú trọng và câu nệ vào cách giải thích từng màu. Ta hãy xem lá cờ Phật giáo tượng trưng cho ánh hào quang của Phật là đủ. Kinh sách kể rằng khi đức Phật đạt được Giác ngộ dưới gốc cây Bồ đề thì thân của Ngài trở nên sáng ngời, tia sáng toả rộng trên đầu của đức Phật, tạo thành một hào quang sáu màu rạng rỡ.

Lá cờ được chia thành sáu phần hay sáu sọc theo chiều dọc, tượng trưng cho sáu thể dạng của chúng sinh, tức Lục thú hay Lục đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, Atula và thiên). Sọc thứ sáu, tổng hợp của năm màu, tượng trưng cho sự hòa đồng, không phân biệt giữa tất cả chúng sinh. Chẳng những lá cờ Phật giáo không mang tính cách kỳ thị về quốc tịch, màu da và chủng tộc giữa con người, mà còn chủ trương tôn trọng và hòa đồng tất cả mọi hình thức và dạng thể của sự sống.

Ta cũng có thể xem lá cờ Phật giáo là ánh sáng của cầu vồng. Màu sắc trên lá cờ là màu sắc của cầu vồng. Đối với Phật giáo Tây tạng, cầu vồng tượng trưng cho Báo thân - Sambhogakaya, tức hiện thân của Phật, hình tướng của Phật...

(https://thuvienhoasen.org/a13843/nguon-goc-va-y-nghia-cua-la-co-phat-giao)

05/05/2025

HỒNG LĨNH MIÊN MẬT THIỀN TÂM

Trời rạng đông, mây vờn quanh núi,
Hồng Lĩnh tĩnh lặng giữa bao la.
Cây xanh mướt, tay Thầy vun trồng,
Bóng dáng thất ẩn mình trong rừng sâu.

Chúng con về đây, một lòng chuyên tu,
Hướng Đạo từ bi, chí nguyện kiên cường.
Giữa núi rừng, hương thiền lan tỏa,
Miên mật công phu, soi lại chính mình.

Sớm mai thức dậy giữa không gian thiền,
Bước chân nhẹ nhàng, thiền hành an yên.
Tiếng chuông ngân vang, khơi nguồn tỉnh thức,
Hội tụ đạo tình, tâm nguyện thâm sâu.

Chúng con về đây, xin Thầy chuyên tu,
Hướng Đạo từ bi, chí nguyện kiên cường.
Giữa núi rừng thiêng, hương thiền lan tỏa,
Miên mật công phu, soi lại chính mình.

Cảm niệm ân Thầy - Thích Trung Huệ,
Cùng chư tăng, ni, Phật tử nơi đây.
Tâm rộng bao la, lòng chan chứa đạo,
Khóa tu viên mãn, chúng con tri ân.

Chúng con trở về, lòng đầy hoan hỷ,
Mong ánh đạo vàng lan tỏa muôn nơi.
Hẹn một ngày mai trở lại Hồng Lĩnh,
Tiếp bước đường thiền miên mật công phu.

Chúng con trở về mái chùa thân quen,
Thiền viện Sùng Phúc nuôi dưỡng tâm con.
Thượng tọa Tâm Thuần từ bi dẫn lối,
Chư Tăng, chư Ni, bạn hiền đồng tu.
Cùng nhau tiến tu, hộ trì Tam Bảo,
Nguyện tinh tấn mãi, trên đường Thiền tông.

05/05/2025

Thời kinh Bát Nhã tại chùa Đại Bi. Thầy trụ trì đi Phật sự vắng nhà nhưng khi về đây, huynh đệ vẫn cảm giác thân thương quen thuộc như về nhà của mình. Dù thời gian hạn hẹp nhưng sự giao hòa của cô bác Phật tử địa phương và chư huynh đệ vẫn thật ấm áp, thắm tình đạo vị cùng với bữa cơm và những món quà từ rau trái vườn chùa.

KỲ NGHỈ LỄ ĐẶC BIỆTBước sang tháng tư, mùa của những người con Phật, trong không khí hào hùng của cả dân tộc kỷ niệm ngà...
05/05/2025

KỲ NGHỈ LỄ ĐẶC BIỆT

Bước sang tháng tư, mùa của những người con Phật, trong không khí hào hùng của cả dân tộc kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước, đạo tràng Thiền Trực Chỉ và những Phật tử hữu duyên lại có một lối đi riêng. Hướng về kỷ niệm ngày Đức Từ Phụ thị hiện Đản sinh, để báo đáp Tứ trọng ân và tỏ lòng biết ơn trong muôn một, chúng con đã dành một khoảng thời gian để lắng lặng thân tâm, chuyển hóa giặc nội xâm, xin đem công đức có được này dâng lên cúng dường Tam Bảo và nguyện khắp pháp giới chúng sinh đều trọn thành Phật đạo.

Dưới đây là một số hình ảnh từ khóa tu trong kỳ nghỉ lễ 30/4 tại Thiền viện Trúc Lâm Hồng Lĩnh vừa qua mà chúng con đã ghi lại được.

25/04/2025

Chuyện 2024, bây giờ mới kể.

Kính tâm hướng về Đại lễ Vesak 2025 - Phật lịch 2569.

Nam mô Lâm Tỳ Ni Viên Vô Ưu Thọ Hạ Thị Hiện Đản Sanh Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật 🙏🙏🙏

Address

Hanoi

Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when ĐẠO TRÀNG THIỀN TRỰC CHỈ - Thiền Viện Trúc Lâm Sùng Phúc posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Share