01/07/2025
HÀN VÀ TRỤC HÀN – ĐỪNG ĐƠN GIẢN HÓA MỘT VẤN ĐỀ PHỨC TẠP
Hai chữ "hàn" và "trục hàn" đang trở nên rất quen thuộc trên các nền tảng mạng xã hội và trong các hội nhóm chữa lành hiện nay. Điều đó phần nào cho thấy số lượng người bị ảnh hưởng bởi hàn khí đang rất lớn. Các phương pháp trị liệu, sản phẩm, bài viết hướng dẫn trục hàn mọc lên như nấm. Nhưng càng nhìn sâu, người ta lại thấy rằng: dù nói nhiều, viết nhiều, nhưng hiểu đúng về hàn – thì vẫn còn quá ít.
Nhiều người nghĩ mình bị hàn – nhưng lại không hiểu mình đang bị gì
Chỉ cần cảm thấy tay chân lạnh, người nhức mỏi, bụng hay tiêu chảy, sợ gió, sợ lạnh… là nhiều người vội kết luận: mình bị hàn rồi. Rồi bắt đầu tìm cách trục hàn. Nào là đánh gừng, xông hơi, ngâm chân, cạo gió, giác hơi, uống gừng, uống quế… Thậm chí, sau khi giác hơi thấy da đen sì lại càng khẳng định chắc nịch: “Hàn nặng lắm rồi!”
Không sai – nhưng cũng không đúng trọn vẹn.
Vấn đề nằm ở chỗ: mọi người nghĩ hàn đơn giản chỉ là “lạnh” – và chỉ cần “trục ra” là xong. Nghĩ rằng các phương pháp xông – đánh – uống – cạo – giác không gây tổn hại gì. Nhưng thực tế, cơ thể không phải cái túi để muốn lấy gì ra là lấy. Hàn không nằm lộ thiên như một cái mụn, muốn lấy là nặn. Hàn cũng không phải cái gió lạnh lùa vào rồi có thể “đuổi ra” mà không ảnh hưởng gì đến khí huyết, dương khí, hoặc tổn hao bên trong.
Trước khi trục hàn – cần biết hàn ở đâu, kiểu gì và tại sao xuất hiện
Muốn xử lý đúng, bạn cần trả lời các câu hỏi:
- Hàn nằm ở bên ngoài da thịt hay đã vào sâu bên trong tạng phủ?
- Là hàn do gió lạnh xâm nhập hay hàn do cơ thể yếu, tiêu hóa kém?
- Cơ thể bạn còn đủ khí huyết để trục hàn không?
- Nếu vừa có vùng hàn vừa có vùng nhiệt thì có nên uống gừng không?
- Trục hàn bao lâu? Có thể trục thường xuyên không?
Thử tưởng tượng một người đang mất máu, thân thể yếu mà cứ xông – cứ đánh – cứ giác liên tục thì chẳng khác nào “đào đất rút nước”. Có người còn giác hơi ngoài biển gió lộng, hoặc uống rượu gừng quanh năm bất kể tình trạng khí huyết – hậu quả là cơ thể bị tổn thương, dương khí càng hao hụt, tạng phủ càng suy yếu.
Hiểu sai – hành sai – và hậu quả là: tưởng trục hàn, ai ngờ rút cả nguyên khí.
Hàn có mấy loại? Phân biệt để trị đúng
Nếu phân loại theo nguyên nhân, thì có hai loại hàn chính:
- Thứ nhất là ngoại hàn – tức hàn do các yếu tố bên ngoài xâm nhập, như gió lạnh, ẩm thấp, môi trường thay đổi. Gió lạnh (phong hàn) đi vào qua da, lỗ chân lông, làm cơ thể đau nhức, cảm lạnh, sụt sịt.
- Thứ hai là nội hàn – tức hàn sinh ra từ bên trong cơ thể do chức năng tạng phủ yếu, đặc biệt là tỳ và thận. Nguyên nhân phổ biến là ăn đồ lạnh, uống nước đá, hệ tiêu hóa kém hấp thu, dương khí không đủ.
Nếu phân loại theo vị trí, cũng chia ra làm hàn ở biểu (bên ngoài) và hàn ở lý (bên trong). Hàn ở biểu thường gặp khi mới nhiễm phong hàn – đau đầu, mỏi vai, đau gáy, cảm lạnh. Hàn ở lý thì sâu hơn, ảnh hưởng đến phủ tạng như gan, tỳ, phế, thận, tim.
Thực tế, ngoại hàn không được xử lý kịp thời có thể tiến vào lý, gây nội hàn. Và nội hàn kéo dài sẽ khiến vệ khí yếu, khiến bạn dễ dàng tái nhiễm ngoại tà. Đây chính là vòng xoáy hàn – yếu – lại hàn – lại yếu mà rất nhiều người đang mắc phải.
Nguyên nhân phổ biến khiến người hiện đại dễ bị hàn
- Thứ nhất là do môi trường sống hiện đại – làm việc máy lạnh, tắm đêm, mặc phong phanh, ngủ quạt trực tiếp. Đó là những con đường phong hàn dễ xâm nhập nhất.
- Thứ hai là do ăn uống sai lầm – ăn đồ lạnh quanh năm, uống nước đá, trái cây “mát”, dùng các món sống như sashimi, rau sống, kem, trà sữa… mà không cân bằng với dương ấm. Khi tỳ vị bị tổn thương, tiêu hóa kém thì hàn sẽ tụ lại từ từ bên trong.
Rất nhiều người bị cả hai – vừa ngoại hàn vừa nội hàn. Và điều đáng lo nhất là khí huyết đã yếu mà còn trục hàn sai cách thì càng làm cơ thể suy kiệt.
Trị hàn – phải phân rõ rồi mới hành động
- Nếu bị hàn do nhiễm lạnh bên ngoài, thì các phương pháp như xông hơi, đánh cảm, giác hơi, ngâm chân, uống thuốc giải biểu là hợp lý. Nhưng phải dùng đúng lúc – khi mới cảm lạnh, đau nhức cấp, sổ mũi, nhức vai gáy, rùng mình… Và đặc biệt, không nên xông – giác – đánh gừng quá thường xuyên, vì có thể làm hao dương, tổn khí.
- Nếu bị nội hàn do phủ tạng suy yếu, thì việc quan trọng là ôn bổ – tức làm ấm lại và tăng cường chức năng cho từng tạng phủ đang bị tổn thương. Hàn ở thận khác với hàn ở tỳ, khác với hàn ở phổi. Vì thế không thể dùng một bài thuốc, một cách đánh gừng cho tất cả mọi trường hợp. Muốn chữa đúng – phải xác định đúng tạng bị ảnh hưởng.
Khi tỳ bị hàn, người sẽ dễ tiêu chảy, ăn không tiêu, người mệt, chân tay yếu, ngủ hay chảy nước miếng. Vị hàn thì bụng đầy, trào ngược, ợ hơi lạnh. Gan hàn khiến khí huyết trì trệ, đau xương khớp, dễ nhút nhát, yếu sinh lý. Phổi hàn thì ho đờm trong, khó đại tiện, mệt mỏi. Tâm hàn gây hồi hộp, tức ngực, toát mồ hôi lạnh. Thận hàn khiến lưng đau, lạnh người, tiểu đêm nhiều, sinh lý giảm, phù nhẹ...
Gốc rễ của hàn: khí huyết suy + dương khí kém
Một nguyên tắc quan trọng trong chữa hàn: nơi nào thiếu khí huyết – nơi đó sinh hàn.
Hàn không phải là vật chất cụ thể mà là trạng thái. Hàn xuất hiện khi dương khí không đủ để làm ấm, khi khí huyết yếu không nuôi dưỡng được cơ thể. Vì thế, bất kỳ phương pháp nào “trục hàn” mà không quan tâm đến khí huyết thì sớm muộn cũng gây tổn hại.
Uống gừng, đánh gừng, xông hơi là những cách tốt nếu dùng đúng người, đúng thời điểm. Nhưng nếu dùng cho người hư yếu, mất máu, mới ốm dậy… thì chẳng khác gì thúc ép một con ngựa gầy phải chạy đua – sớm muộn sẽ gục.
Tóm lại:
Hiểu đúng về hàn là bước đầu để bảo vệ sức khỏe. Không thể cứ thấy lạnh là trục, cứ thấy mỏi là đánh. Hàn không phải “đối thủ” đơn giản – mà là biểu hiện của sự mất cân bằng trong cơ thể, đặc biệt là sự suy giảm của khí huyết và dương khí.
Muốn trục hàn – trước tiên phải dưỡng khí, dưỡng huyết. Muốn trị tận gốc – phải hiểu được hàn đến từ đâu, từ trong hay ngoài, từ thức ăn hay thói quen sống, từ thời tiết hay từ chính sự yếu ớt kéo dài của tạng phủ.
Đừng đơn giản hóa một điều phức tạp. Trục hàn sai cách, không chỉ không hết bệnh – mà còn đẩy cơ thể xuống dốc không phanh.