07/06/2025
Câu Chuyện Được Chia Sẻ Như Sau:
"Tôi là tài xế Xanh SM – và tôi đang thật sự bức xúc, gắn bó với Xanh GSM gần 3 năm
Ngày đầu nhận xe, công ty thông báo mức phí 28% – tôi chấp nhận. Nhưng rồi từng chút một, âm thầm tăng lên 29%, 30%, và đến giờ là 33%. Mỗi cuốc xe, gần 1/3 tiền khách đổ về công ty, phần còn lại tài xế gồng gánh xăng (à quên, điện), ăn uống, cuộc sống, rủi ro va chạm, bảo dưỡng...
Xe không chỉ chở khách, mà còn nhận đơn chở hàng, ship đồ. Xe phải vận hành hàng ngày, va quẹt là điều khó tránh khỏi, huống hồ là 3 năm lăn bánh. Vừa chở người, vừa chở hàng – giờ đòi giao trả xe “như mới”? Cái vết xước bé như đầu tăm cũng “soi” và phải sơn sửa lại. Hỏi thật, ai giữ được xe như mới trong suốt 3 năm chạy dịch vụ? Đó là điều phi lý!
Xe hỏng, công ty không nhận lỗi – tôi tự mang đi sửa thì bị bắt đền. Chiếc xe tôi sử dụng suốt 3 năm: pin lỗi – sạc không vào. Tôi đem vào xưởng dịch vụ của chính GSM thì được kiểm tra và trả lời là “không có lỗi gì”. Nhưng xe không sạc được thì lỗi ở ai? Cuối cùng, tôi phải tự đem ra ngoài sửa, mất thêm tiền, chỉ mong xe chạy ổn định để còn kiếm sống. Lúc tôi sửa xe, chính xưởng GSM báo giá pin mới chỉ 2.500.000 đồng, pin 100%. Vậy mà đến ngày trả xe, công ty yêu cầu tôi đền pin với giá 4.500.000 đồng. Xe hư hỏng chấp nhận đền bù, nhưng đền bù một cách tận thu như thế này thì chắc có mỗi Vinfast, sản phẩm ra đời để “phục vụ” người Việt. Người Việt nào? Tài xế là người dùng trực tiếp sản phẩm VinFast – không được bảo vệ, không được lắng nghe, không được công bằng.
Chạy dịch vụ 3 năm, mỗi ngày chạy 300-500 nghìn, với mức phí 30% về công ty. Giá trị thực tế của một chiếc EVO200 là bao nhiêu? Sau 3 năm thu phí, giờ hoàn trả xe phải sửa chữa về “nguyên trạng” với mức giá 16 triệu? Đây có phải là tận thu không?
VinFast nói vì môi trường, vì cộng đồng. Nhưng với những tài xế tận tụy hàng ngày đưa khách an toàn, phục vụ âm thầm, thì công ty lại đối xử như cỗ máy khai thác lợi nhuận.
Tận thu – đổ lỗi – làm khó người lao động"
ST