16/09/2020
Tôi là ai giữa cuộc đời này?
Mỗi đứa con ra đời ở Nhật, hãy chuẩn bị sẵn sàng 1.000 man (khoảng 2 tỷ đồng)
Không biết do những ai và từ khi nào mà ở Việt Nam lúc nào cũng chuyền tay nhau câu chuyện rằng đi học ở Nhật chẳng tốn mấy tiền đâu, rồi thì cứ sang Nhật đi, đẻ con ra rồi nhà nước nuôi. Và rằng học ở Nhật nhàn lắm, suốt cả thời tiểu học cho đến hết cấp 2 học sinh chỉ loanh quanh kiến thức thường thức về cuộc sống…
Hỡi ôi, họ nghĩ gì mà một xã hội với yêu cầu khắt khe như nước Nhật, tuyển người gắt gao và làm việc vất vả nhất thế giới mà lại yêu cầu thấp từ học sinh như vậy. Học nhàn và tốn ít tiền là có, nhưng nó đồng nghĩa với tương lai việc làm lởm
khởm, cuộc đời bi quan u ám.
Mình xin bắt đầu với câu chuyện của một số trường hợp người Nhật mình đủ quen thân như thế này:
Gia đình của bạn mình sống tại Kyoto, có bố làm quản lý nhà máy ô tô của một tập đoàn lớn, mẹ làm quản lý nhà hàng parttime. Gia đình họ có nuôi hai con học phổ thông cho đến hết đại học toàn trường công lập tốt. Vì quan hệ đủ thân thiết nên mình có hỏi: Áp lực tài chính của gia đình mày khi hai chị em mày đi học thế nào?
Bạn trả lời rằng suốt bao nhiêu năm bọn tao học phổ thông rồi đại học, bố mẹ tao bạc đầu vì lo tiền cho bọn tao ăn học. Học chính ở trường thực ra cũng chẳng tốn bao nhiêu đâu, thế nhưng mà học thế thì chỉ vào được các trường công kém uy tín, mà trường công cấp 2 kém uy tín thì lên cấp 3 cũng làng nhàng và đại học cũng làng nhàng. Ở Nhật cũng chả thiếu những trường đại học nộp đơn là nhận đâu, nhưng mà như thế doanh nghiệp xịn người ta không tuyển.
Mỗi tháng, theo trí nhớ của tao, hồi cấp 2, mỗi chị em tao tiêu của bố mẹ không dưới 20 man tiền học thêm (1 man = 100USD, tức khoảng hơn 2 triệu đồng Việt Nam)
Ngoài giờ học chính, bọn tao cũng đi học thêm tối mắt tối mũi 1 tuần 4,5 buổi rồi thức đêm thức hôm làm bài. Mà cuộc chạy đua vào trường tốt thực ra bắt đầu từ cấp 1.
Câu chuyện thứ hai của một gia đình khác tại Tokyo cũng là bạn mình. Bố mẹ nó đi làm công ăn lương ở một doanh nghiệp cũng thuộc loại tầm trung. Nhà có thừa kế một số bất động sản và tiền do đời trước để lại.
Nó cũng kể rằng ngoài giờ học chính, tao phải đi học thêm rất rất nhiều. Tao chỉ thấy thanh thản đôi chút ở câu lạc bộ ngoại khóa 1 tuần 2 buổi, còn lại cũng tối mắt đi học thêm. Mỗi lần anh em tao xin tiền đóng học, mẹ tao lại thở dài. Học hết phổ thông, hết đại học, bố mẹ tao già xọm hẳn đi. Con số nó đưa ra cũng gần tương đương, gia đình 2 con mỗi tháng cũng 14,15 man tiền học thêm.
Và nếu không học thì sẽ thế nào?
Mình có làm việc ngoài giờ tại một số địa điểm, trong đó có cửa hàng bán rau quả gần nhà và một xưởng gần nhà.
Một người phụ nữ khoảng ngoài 50 tuổi mà mình tình cờ quen biết kể câu chuyện của bà và con bà như sau:
Tao bỏ chồng năm ngoài 30 tuổi, lúc ấy con tao vẫn còn nhỏ. Tao bỏ lão xong, lão cũng chẳng chu cấp được gì, thế là mẹ con tao sống bấp bênh bằng đồng lương tao đi làm baito (làm part-time).
Con tao đi học chẳng tốn mấy, vì nó không đi học thêm. Nhưng vì nó không đi học thêm được, không vào được trường tốt, nên đời nó cũng như đời tao. Giờ nó làm công nhân xưởng, cuộc sống vật vờ bấp bênh. Nó chả có đồng tiết kiệm nào tao cũng thế, chả biết đến khi nào nó mới lấy được vợ.
Mình từng mang câu hỏi nuôi con ở Nhật tốn đến mức độ nào để hỏi các giáo sư và những người có trình độ ở Nhật, họ bảo rằng, nếu muốn nuôi con ở Nhật tử tế một chút, mỗi đứa con ra đời, mày hãy chuẩn bị sẵn sàng rằng riêng tiền nuôi + học phí cho nó đến năm 18 tuổi ước khoảng 1.000 man, tức khoảng ít nhất 2 tỷ đồng. Còn nếu không, đừng đẻ làm gì cho khổ nó ra, sống cuộc đời hèn kém thất học thì sống làm gì.
Với một số người có hiểu biết cả về Nhật và Việt Nam họ từng kết luận thế này: Ở Việt Nam, con nhà nghèo vẫn có thể tìm đường và tốt nghiệp được trường công hàng đầu, chứ ở Nhật số đó có nhưng cực kỳ ít.
Tương lai của một đứa trẻ rất phụ thuộc vào nhà nó giàu hay nghèo, và thậm chí nó được quyết định từ tiểu học chứ chẳng phải chờ đến cấp 2 hay cấp 3.
Sau khi tìm hiểu ngần kia thứ, cá nhân mình đã quyết định về Việt Nam, nuôi con lớn ở Việt Nam rồi sau này lớn lên cháu bay nhảy đâu thì tùy.