02/07/2024
CÁCH MÌNH LẬP KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CÁ NHÂN (2 năm)
Cậu có từng cảm thấy "dậm chân tại chỗ" trong hành trình phát triển bản thân? Mình đã từng trải qua giai đoạn như vậy. Khi có mục tiêu nhưng không biết cách thực hiện, bản thân trở nên thụ động và trì trệ. Nhưng từ khi xây dựng kế hoạch phát triển cá nhân rõ ràng, mình đã thoát khỏi "vòng luẩn quẩn" ấy và đang từng ngày phát triển hơn theo đúng mục tiêu của mình.
Tại sao cần lập kế hoạch phát triển bản thân?
• Xác định mục tiêu rõ ràng: Mục tiêu cụ thể sẽ tạo động lực và quyết tâm để cậu chinh phục. Cậu có thể tìm hiểu thêm về cách đặt mục tiêu (ở các cuốn sách về OKRs, mình thấy rất hay). Một mục tiêu tốt là mục tiêu không an toàn quá, cũng không tham vọng quá, là mục tiêu mà khi đặt ra, cậu sẽ thấy vừa hứng thú, vừa áp lực 1 chút.
• Tiết kiệm thời gian và công sức: Lập kế hoạch giúp cậu có cái nhìn tổng quan về lộ trình tương lai của mình, từ đó phân bổ thời gian và chuẩn bị nguồn lực hiệu quả, tránh để bản thân rơi vào trạng thái bị động.
• Giúp cậu tốt hơn 1% mỗi ngày: Kế hoạch chi tiết sẽ giúp cậu từng bước tiến đến mục tiêu, thay vì "bơi theo dòng nước" đầy rủi ro.
Các bước để lập kế hoạch phát triển cá nhân hiệu quả:
BƯỚC 1: XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU
Trước hết, cậu cần xác định rõ mục tiêu phát triển của bản thân:
• Mục tiêu lớn: Cậu muốn trở thành ai? Cậu muốn đạt đến vị trí nào? Ví dụ: Trở thành Senior content SEO xuất sắc sau 2 năm.
• Tại sao cậu lại muốn đạt được mục tiêu đó? Cậu muốn đạt mốc thu nhập là 20tr/tháng và muốn tạo tiền đề để 1 năm tiếp theo đủ điều kiện lên leader content.
Nhiều bạn đặt mục tiêu ra nhưng lại không hiểu tại sao mình cần đặt mục tiêu đó, vì thế nên bị mơ hồ và không có đủ động lực về mục tiêu. Thế nên, phải hiểu rất rõ mục tiêu của mình nha các cậu.
———————
BƯỚC 2: LẬP KẾ HOẠCH CHI TIẾT CHO NHÓM KIẾN THỨC/KỸ NĂNG CẦN HỌC
1. Tách mục tiêu lớn thành các mục tiêu nhỏ theo từng giai đoạn
Cậu nên tách mục tiêu lớn của mình thành các mục tiêu nhỏ theo quý/6 tháng/1 năm để tiện theo dõi và có điều chỉnh phù hợp. Ví dụ hiện tại cậu đang là thực tập sinh, cậu sẽ đặt mục tiêu là:
• 3 tháng tiếp theo đạt mốc Junior
• 9 tháng tiếp theo đạt mốc Executive
• 1 năm tiếp theo đạt mốc Senior
Từ đó, cậu xây dựng kế hoạch học tập cho từng giai đoạn. Không cần xây dựng cho cả 2 năm vì nó quá áp lực và thời điểm cậu đang là intern, cậu rất khó để biết 1 năm sau mình cần học gì.
2. Xác định các nhóm kiến thức/kỹ năng cần có để đạt được mục tiêu theo từng giai đoạn.
Việc chia nhỏ kiến thức thành các nhóm nhỏ sẽ giúp cậu dễ học và dễ xây dựng kế hoạch hơn, cậu sẽ tự đánh giá được đâu là nhóm kiến thức mình đang yếu để tập trung hoàn thiện, đâu là nhóm kiến thức cần dành nhiều thời gian hơn…
Vậy làm sao để hình dung những gì mình cần học để đạt được mục tiêu? Có vài cách như thế này:
• Nếu công ty có khung năng lực hoặc mô tả công việc chi tiết cho từng vị trí, cậu nên ưu tiên tham khảo cái này.
• Nếu công ty không có khung năng lực rõ ràng, cậu có thể trao đổi với những anh chị đang ở vị trí cậu cần đạt được để hỏi xem những kiến thức cần thiết là gì. Ngoài ra, cậu có thể đi tham khảo ở một số công ty khác hoặc mối quan hệ quen biết của cậu.
Cậu không nhất thiết phải giỏi tất cả kỹ năng/kiến thức cần thiết của một vị trí. Cậu cần xác định mức tối thiểu (mức sàn) mình cần đạt là bao nhiêu. Một người làm tốt 1 vị trí không có nghĩa họ phải giỏi tất cả kỹ năng, mà là tất cả kỹ năng cần đạt mốc “sàn", và có một vài kỹ năng nổi bật hẳn - là kỹ năng cậu thấy đó là điểm mạnh của mình.
3. Đánh giá chính xác năng lực bản thân
Để đánh giá được năng lực bản thân, từ phần xác định bên trên, cậu hãy liệt kê 1 checklist bao gồm những kiến thức/kỹ năng cần có để đạt được từng mục tiêu nhỏ.
Ví dụ, để trở thành một Junior content xuất sắc, cậu cần đạt 40 tiêu chí kiến thức/kỹ năng. Cậu sẽ:
• Tự đánh giá xem bản thân đạt bao nhiêu kiến thức/kỹ năng trên 40 tiêu chí.
• Nhờ Mentor/leader hoặc đồng nghiệp đánh giá chéo để có cái nhìn khách quan và chính xác hơn về năng lực bản thân.
4. Lên mục tiêu học tập theo mỗi tháng/quý, mỗi giai đoạn học bao nhiêu kỹ năng.
Để biết được học bao nhiêu là phù hợp trong thời gian cậu đặt ra, cậu cần biết mỗi kỹ năng mình cần làm gì, mất bao nhiêu thời gian,... Để xác định được điều này, thì với mỗi kiến thức/kỹ năng, cậu hãy xác định cách thức để làm được/làm tốt kỹ năng đó.
Ví dụ: Với kiến thức chuyên môn về việc “làm chủ Canva”, cậu cần:
• Hiểu rõ tính năng và vai trò của các tiện ích tích hợp trên Canva. Để hiểu rõ tính năng này, có thể vào phần learn trên canva để xem các video giới thiệu tính năng của Canva, hoặc xem video hướng dẫn trên kênh tiktok,...
• Cải thiện gu thẩm mỹ: Để thiết kế đẹp thì phải hiểu thế nào là đẹp, xấu, thì cần đọc cuốn sách nào, hoặc tham gia vào các cộng đồng nào?
• Thực hiện khoảng 20 thiết kế cho từng thể loại để quen tay, thao tác thiết kế nhanh hơn,...
Với từng việc đó, cậu xác định mình tốn bao nhiêu thời gian để đạt được, từ đó cân đối để đưa vào mục tiêu.
5. Lập lịch trình thực hiện cụ thể
Một kế hoạch muốn thành công cần đáp ứng đủ tiêu chí SMART:
• Specific (Cụ thể)
• Measurable (Đo lường được)
• Achievable (Có thể đạt được)
• Relevant (Liên quan - đến mục tiêu)
• Time-bound (Có thời hạn)
Như vậy, khi xây lịch trình cậu cần có đủ các trường thông tin sau cho mỗi đầu việc:
Ví dụ:
Specific & Measurable:
• Hạng mục cần học: Kiến thức Nghiên cứu thị trường, Kỹ năng Quản lý nhân sự…
• Chi tiết các kiến thức cần học ở mỗi hạng mục: Nghiên cứu thị trường → Nghiên cứu định tính → Kỹ năng phỏng vấn
Achievable:
• Hình thức học: Tự học qua tài liệu, tham gia các khóa học, tham gia các buổi đào tạo công ty…
• Chi phí dự kiến (nếu có)
• Người hỗ trợ: Đồng nghiệp, Leader, thực hiện cá nhân…
Time-bound:
• Thời gian: Thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc
• Tình trạng thực hiện: Đang làm, hoàn thiện, trễ, chưa bắt đầu, pending…
Measurable:
• Đầu ra mong muốn sau khi hoàn thành một hạng mục/1 nhóm kiến thức
• Kết quả: 1 file recap kiến thức thông tin của phần học đó, 1 checklist đóng gói, 1 bản khảo sát được leader duyệt….
——————
BƯỚC 3: THỰC HIỆN VÀ THEO DÕI
Sau khi xây dựng xong kế hoạch, cậu cần cam kết thực hiện một cách nghiêm túc và nhất quán. Cậu không nên đặt deadline của mỗi hạng mục quá dày, có thể khiến bản thân dễ “nản” và khó follow theo đúng kế hoạch. Một kế hoạch học tập giãn cách phù hợp với lịch trình cá nhân sẽ giúp cậu cân bằng giữa công việc, cuộc sống và việc phát triển bản thân.
Ngoài ra, cậu đừng quên theo dõi tiến độ thường xuyên và điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết nhé.
Lời khuyên:
• Sử dụng công cụ hỗ trợ như Google sheet rất tiện, miễn phí nữa.
• Chia sẻ kế hoạch với bạn bè, đồng nghiệp hoặc mentor để được hỗ trợ.
Đây là chia sẻ của mình. Nếu cần tham khảo file mẫu thì cậu bình luận ở dưới, mình sẽ gửi mẫu để cậu tham khảo nhé!