21/05/2025
Gharial – loài cá sấu mỏ dài kỳ lạ trong lòng sông Hằng
Giữa họ hàng nhà cá sấu nổi tiếng với lực cắn khủng khiếp và bản tính hung hãn, gharial lại là một kẻ dị biệt.
Nó có mõm dài như ống trúc, răng nhọn như lược, và cái thân múp rụp đến mức chẳng ai nghĩ đây là một tay săn mồi thực thụ hay la tay đua dưới nước.
Gharial hay cá sấu mỏ dài từng là “vua bắt cá” của các dòng sông lớn ở tiểu lục địa Ấn Độ.
Nhưng giờ đây, nó đang nằm trong danh sách cực kỳ nguy cấp, với số lượng chưa tới 1.000 cá thể trưởng thành ngoài tự nhiên.
Khác với các loài cá sấu thường thấy, gharial không săn trâu bò, không cắn người, cũng chẳng ẩn mình trong bùn lầy để rình con mồi lớn.
Nó dành cả cuộc đời trôi nổi trong dòng nước, chuyên săn cá bằng sự nhanh nhẹn và bộ hàm thiết kế riêng cho tốc độ.
Mõm của nó dài, hẹp, giúp rẽ nước cực kỳ hiệu quả khi bơi.
Răng thì dày đặc, sắc như kim và rất nhỏ, đủ để kẹp chặt những con cá trơn trượt đang cố thoát.
Con đực trưởng thành còn có một phần phình tròn trên đầu mõm gọi là “ghara”, dùng để tạo âm thanh trầm vang vọng trong mùa sinh sản, vừa để thu hút bạn tình, vừa để dọa những kẻ cạnh tranh.
Dù có thể dài tới 6 mét và nặng hơn 250 kg, gharial hoàn toàn không nguy hiểm với con người.
Mõm của chúng quá yếu để gây sát thương nghiêm trọng. Hơn thế nữa, chúng rất nhát người.
Tuy nhiên có những trường hợp người ta phát hiện xương người hoặc đồ trang sức trong dạ dày gharial, nhưng phần lớn là do ăn lại phần xác trôi sông của những nghi lễ hỏa táng vùng Ấn Độ chứ không phải hành vi tấn công con người.
Các bạn có thể tìm hiểu thêm nghi lễ hỏa táng ở sông Hằng, tắm và uống nước sông Hằng ở trên các nền tảng sau.
Hiện nay, gharial chỉ còn xuất hiện rải rác ở sông Chambal, Ganges và Yamuna tại Ấn Độ, cùng vài nơi ven sông Narayani ở Nepal.
Chúng cần sông sâu, nước chảy chậm, có nhiều cá và bãi cát để phơi nắng, đẻ trứng. Tuy nhiên, các dòng sông ấy đang bị thu hẹp, chia cắt bởi đập thủy điện, ô nhiễm bởi rác thải sinh hoạt, khai thác cát và nạn đánh bắt cá quá mức.
Tất cả những điều đó khiến sinh cảnh sống của gharial bị phá nát. Chưa kể, sự hiểu lầm từ con người cũng từng khiến chúng bị giết oan vì cho rằng ăn xác chết là hành vi "đáng sợ".
Dù các tổ chức bảo tồn đã có nhiều nỗ lực nhân giống và thả lại tự nhiên, nhưng tỷ lệ sống sót vẫn còn thấp, và ý thức cộng đồng vẫn chưa đủ để bảo vệ loài cá sấu độc nhất vô nhị này.
Gharial không phải là biểu tượng của sức mạnh, mà là minh chứng cho sự tiến hóa kỳ lạ và tinh tế. Nó không mạnh mẽ săn những con mồi lớn nhưng vẫn sống tốt, không hung dữ nhưng vẫn là một phần quan trọng của hệ sinh thái sông.
Nếu không được bảo vệ kịp thời, chúng ta có thể sẽ mất đi một trong những sinh vật kỳ lạ và đặc biệt nhất của vùng Nam Á.
Nếu thấy nó ngoài đời bạn có sợ không?