15/10/2024
Đăng sau chuyến thăm Hà Nội hôm qua:
Số phận biệt thự (tản văn của Chien Tran)
Mỗi ngôi nhà đều có tâm hồn người ở trong đó, nhất là của người ở đầu tiên, đã xây cất, đã toan tính, trông đợi những gì nhà phải thỏa mãn.Vậy thì, hồn cốt những ngôi biệt thự ra sao?
Xuất hiện ở Hà Nội sau khi cuộc thực dân hóa hoàn thành, biệt thự chủ yếu nằm ở khu nhượng địa, phía nam đường Tràng Thi, nay thuộc các phố ngang Lí Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, phố dọc Hàng Chuối, Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tông... Vài nghìn cái, chủ yếu cho chủ Tây, và công chức có của để, người Việt giàu có. Thay thế cho tranh tre nứa lá, nhà tư, dinh cư quan lại - đều bằng vật liệu dễ cháy, không được lâu bền, biệt thự hẳn phải xử lí móng rất kĩ, vì vùng đất phía nam thành phố sông hồ đầu thế kỉ còn rất lầy thụt. Kết cấu chịu lực bằng gạch, lợp ngói tây, biệt thự có quy mô không lớn, thường chỉ gồm tầng hầm, nhà ở chính, có thể thêm tầng áp mái. Nhiều ông thông ông phán dùng tầng áp mái làm nơi thờ phụng. Bên ngoài nhất thiết phải có vườn, rồi nhà bếp, nhà bồi, nhà xe. Nghĩa là giữa ông chủ và người hầu có khoảng cách rất rõ. Hố xí máy đã thay cho đổ thùng, nhưng thường mỗi nhà một cái chung. Cây trồng chủ yếu lấy bóng mát, nhiều giống mang từ châu Phi, “chính quốc” sang. Nhà chủ Nam thi thoảng có gốc roi gốc vối, hàng cau, gợi lại chút gì cảnh quê. Hàng tháng thợ làm vườn đến cắt tỉa, dọn dẹp. Đa, si, gạo nói chung không có chỗ, mà ra ở chỗ thờ phụng chung, nhưng đại, đề có thể nhúc nhắc.
Đó là một không gian thanh tĩnh, có thể lãng mạn, sinh thành ra những sản phẩm trí tuệ. Hẳn là nhà Thạch Lam ven hồ Tây kì thú lắm, để cho ông viết ra được những câu văn trong sáng, tinh tế đến vậy. Trừ những anh xe, anh bếp, chị sen còn bấp bênh, các cậu mợ, ba me, cô cậu sống trên nhà chính không phải lo ăn từng bữa. So với nhịp sống bây giờ, thì đời ấy thư thả, giản dị quá. Cái cảnh chủ đánh đập người ở có lẽ không phổ biến. Người ta đọc sách, viết, vẽ, thả hồn vào cây piano. Những dàn ti gôn, bóng hoàng lan. Những làn khói ban thờ. Hình như đây là một cái nguồn cho văn chương lãng mạn, vừa rất “Tây” vừa đậm hồn dân tộc.
Dòng đời êm ả cứ trôi đi. Rồi cách mạng. Rồi chiến tranh. Câu “Thăng Long phi chiến địa “ rơi lả tả.
Rồi năm năm tư về. Thực dân không còn. Chế độ hữu sản chấm dứt. Di sản của kiến trúc thuộc địa đổi chủ.... Xem tiếp:
Mỗi ngôi nhà đều có tâm hồn người ở trong đó, nhất là của người ở đầu tiên, đã xây cất, đã toan tính, trông đợi những gì nhà phải thỏa mãn.Vậy thì, hồn cốt (...)