21/07/2024
TRIẾT LÝ SỐNG SÂU SẮC TỪ GIÁO SƯ PHAN VĂN TRƯỜNG
Hôm qua mình đã dành chọn hơn 3 giờ đồng hồ để vừa nghe, vừa viết lại những điều giá trị từ Giáo sư Phan Văn Trường chia sẻ trong chương trình radio CẤY NỀN của thầy. Mình tin rằng đây không những là những điều quý giá mà thầy mang tới cho các bạn trẻ, mà ngay cả thế hệ của chúng ta - những người đã làm cha làm mẹ cũng rất nên lắng lòng để mà hiểu rõ.
1. Sự mất kết nối giữa các thế hệ, đây là điều diễn ra không chỉ trong gia đình mà ở cả bên ngoài xã hội, chúng ta đã bị mất kết nối giữa rất nhiều thế hệ với nhau. Điều đó dẫn đến những bài học, những trải nghiệm của người của người đi trước không nhận được sự tiếp nối, học hỏi của thế hệ đi sau để mà TỐT NGHIỆP.
2. Chúng ta là một dân tộc thông minh, hiếu học, cần cù, chăm chỉ nhưng vì sao chúng ta vẫn mãi loay hoay, lý do vì chúng ta thiếu đi lý luận hệ thống. Điều này bắt nguồn từ việc trong gia đình, cha mẹ không tạo điều kiện để con cái được phản biện, được tư duy. Việc áp đặt một chiều đã khiến rất nhiều lớp trẻ bị thui chột, mất đi sự tự tin của mình. Trong khi đó giới trẻ ở phương Tây thường được bố mẹ khích lệ nói ra quan điểm, góc nhìn cá nhân để cả hai cùng trao đổi, thảo luận. Chính điều này đã tạo nên sự khác biệt rất lớn giữa lớp trẻ của chúng ta và các nước khác.
3. Để giúp bé con của chúng ta phát triển về tư duy phản biện, xây dựng được lý luận hệ thống đúng đắn, hãy khuyến khích con khi tìm hiểu bất cứ vấn đề nào cũng tìm hiểu đến gốc rễ của vấn đề bằng từ khoá TẠI SAO? Càng nhiều câu hỏi tại sao, trẻ sẽ càng khám phá được căn ngyên của sự vật, hiện tượng chứ không phải bề mặt của nó. Khi được cha mẹ đồng hành từ bé theo hướng này, bé con sẽ dần xây dựng được một hệ thống lý luận về tất cả những khía cạnh trong cuộc sống. Đây mới là kiến thức nền mà ta cần lưu ý xây dựng cho con chứ không phải điểm số hay thành tích.
4. Khi làm bất cứ việc gì hãy dạy cho bé con của chúng ta hết lòng với sự lựa chọn ấy. Thông qua mỗi việc con làm, con sẽ học thêm được những kiến thức, kỹ năng thực tế. Muốn vậy, cha mẹ chúng ta hãy để con được đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm đến cùng với quyết định đó. Điều này sẽ xây dựng cho con một thái độ sống tốt, chỉn chu với từng việc con làm. Nó sẽ là nền tảng cho sự hạnh phúc và thành công mai này của con.
5. Làm gì cũng sống được, miễn là con yêu thích và hết lòng với công việc ấy. Điều này muốn nhấn mạnh đến việc định hướng của chúng ta với các con. Hãy đóng vai là người tham vấn, lắng nghe con mà thôi, giúp bé con thấu hiểu bản thân, tìm ra những điều làm cho con hạnh phúc khi làm. Con hoàn toàn có thể tạo dựng được cuộc sống đủ đầy mai này nếu con thực sự yêu thích và nghiêm túc với điều con lựa chọn. Đôi khi cha mẹ cứ định hướng cho con theo cảm quan, góc nhìn của mình nhưng cuối cùng lại khiến con cái chông chênh, mất định hướng và sống không hạnh phúc với cuộc đời của con. Điều này từ thương mà lại thành hại.
6. Nhiều bạn không có sự lựa chọn mà thường lựa chọn theo người đứng đầu (tâm lý bầy cừu)
lý do vì nền giáo dục của chúng ta theo hướng một chiều. Vì vậy, cha mẹ rất cần thức tỉnh, để cho con được lựa chọn theo ý muốn của con, được làm những điều con yêu thích.
7. Tiêu chí khi lựa chọn công việc chính là được làm việc với người sếp minh triết, luôn hỗ trợ, dẫn dắt chúng ta phát triển; làm ở môi trường có văn hoá doanh nghiệp tốt, luôn yêu thương, nâng đỡ nhau thay vì ganh ghét, đố kị; cuối cùng chính là làm công việc mà ta vẫn có thời gian dành cho gia đình và bản thân. Một người thành công lẫy lừng ở sự nghiệp nhưng lại thất bại trong gia đình thì đó không phải là sự thành công trọn vẹn.
8. Mấu chốt để một người thành công hay thất bại không quyết định bởi kiến thức hay kỹ năng mà anh ta sở hữu mà nằm ở thái độ sống của anh ấy. Đó là lý do vì sao rất nhiều bạn dù học kém thời đi học nhưng sau này rất thành đạt vì anh ta khiêm tốn, ham học hỏi, luôn hết mình với những gì được giao phó. Vì biết mình dốt, mình kém nên phải liên tục nâng cấp, trau dồi. Ngược lại những bạn học giỏi thường tự mãn, nghĩ là mình cái gì cũng biết nên thành ra lại thất bại. Dĩ nhiên điều này không phải 100% nhưng tỉ lệ này trong xã hội là rất cao. Vì thế nếu con của chúng ta vừa thông minh, lại chăm chỉ, chịu khó và biết trân trọng những mối quan hệ xung quanh mình thì dù ở đâu con cũng hạnh phúc và thành công.
9. Xã hội chỉ cho ta những gì mà ta đã cho xã hội mà thôi, vậy nên nếu con muốn được nhiều hơn hãy học cách cho đi và cống hiến nhiều hơn. Xã hội luôn là thước đo chính xác nhất. Hãy sống thật tử tế, đạo đức, làm gì cũng hết mình thì chúng ta sẽ nhận được về những điều tương xứng. Khi chúng ta cống hiến hết mình cho tổ chức, sếp không những trân trọng mà còn nâng đỡ và tạo điều kiện cho chúng ta phát triển. Ngược lại nếu ta đã hết lòng nhưng gặp phải ông sếp sát phạt, luôn có thành kiến với nhân viên thì ta nên rời đi. Bởi chọn sếp là một trong những yếu tố hàng đầu để gắn bó với công việc hay môi trường nào đó.
10. Nếu xuất phát điểm thấp (ở đáy giếng) hãy nỗ lực học hỏi, bởi vì đã ở dưới đáy rồi thì kiểu gì cũng chỉ có đi lên. Mà muốn đi lên thì phải bám vào thành giếng, thành giếng ở đây chính là những gì mà ta có trong tay, bao gồm công việc và những mối quan hệ xung quanh ta. Hãy khiến cho mọi thứ thật hạnh phúc và đủ đầy, bạn hoàn toàn có khả năng để kiến tạo nên điều đó.
11. Cha mẹ cũng phải biết khiêm tốn. Nếu 200 năm trước, khi công nghệ thông tin chưa phát triển, xã hội ít biến động thì những kinh nghiệm, kiến thức mà cha mẹ truyền lại, lớp trẻ sẽ ứng dụng rất tốt vì chúng thực sự hữu ích. Nhưng 200 năm trở lại đây, công nghệ thông tin phát triển, xã hội thay đổi quá nhanh chóng, những gì hôm nay còn hữu ích nhưng ngày mai đã trở nên vô dụng. Thế nên cha mẹ hãy thôi áp đặt con cái, dừng nói "tao nói mày phải nghe hoặc cá không ăn muối cá ươn, con không nghe cha mẹ trăm đường con hư". Cha mẹ phải thoát chức năng làm cha mẹ ra, hình thành chức năng của một nhà huấn luyện. Điều này cha mẹ chưa biết, để cha mẹ cùng con tìm hiểu nhé. Đó mới là cha mẹ chuẩn trong thế kỉ 21 này.
12. Cha mẹ cho con tài chính, nhà cửa, xe cộ thành ra lại hại con, lý do vì con không thể tự lập, tự chủ thì khó mà tự hào về bản thân được. Cho con kiến thức, trí tuệ và cách làm người mới là cách cho thông minh và sáng suốt.
13. Có người phú nhưng không quý, giàu lên nhờ may mắn, nhờ đầu cơ thì cái giàu này cũng khó bền vững và không quý. Ngược lại một người giàu lên nhờ sự nỗ lực, cố gắng và tinh thần hết mình cống hiến thì sẽ song song với quý.
14. Dạy con dành cả nội lực vốn của mình để mà tự học, bởi một người có nội lực và có trí tuệ thì sẽ tiến rất xa. Giáo sư Phan Văn Trường vốn là học sinh trung bình nếu không nói là trung bình yếu ngày đi học nhưng khi đi du học lại tạo nên một sự nghiệp lẫy lừng đó thôi. Mấu chốt nằm ở tinh thần tự học liên tục, quyết liệt, mỗi ngày thêm 1% so với ngày hôm trước.
15. Mình thích nhất khi có bạn hỏi giáo sư rằng sao thầy dạy hữu ích thế mà thầy lại làm m.i.ễ.n phí, thầy bảo vì thầy thích, thầy vui và điều đó khiến thầy hạnh phúc, đủ đầy. Đến tuổi này của cuộc đời, khi nhìn lại đời mình qua lăng kính chiếu hậu thầy bảo mọi động cơ của thầy đều xuất phát từ sự hạnh phúc. Làm gì phải hạnh phúc, phải vui thầy mới làm. Và thầy đã cho đi như thế!
Bài này mình chia sẻ những bài học cho cả chúng ta lẫn con cái mình, hi vọng chúng hữu ích với các bạn. Khép lại bài chia sẻ này mình xin kết lại bằng câu nói mà mình rất yêu thích đó chính là HÃY HẠNH PHÚC ĐỂ THÀNH CÔNG.
Nguồn FB C Lê Nghĩa