27/08/2023
Ý NGHĨA NGHI THỨC BÔNG HỒNG CÀI ÁO TRONG LỄ VU LAN
Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, lễ Vu Lan từ lâu đã trở thành một ngày trọng đại trong hệ thống các hoạt động văn hoá tâm linh nói chung, văn hoá Phật giáo nói riêng. Nghi thức “Bông hồng cài áo” trong lễ Vu Lan được Thiền sư Thích Nhất Hạnh đưa vào Việt Nam gần 60 năm trước nhằm tưởng nhớ công ơn sinh thành của cha mẹ. Bông hồng cài áo có ba màu: Đỏ, trắng và vàng mang ba ý nghĩa riêng.
Đại đức Thích Giác Giáo cho biết: trong buổi lễ Vu Lan thiêng liêng, ai còn cha mẹ sẽ được cài lên ngực áo một đóa hoa hồng đỏ - đó là lời nhắc nhở rằng vẫn còn cha mẹ, còn cả bầu trời yêu thương rộng lớn để cảm nhận niềm hạnh phúc thì hãy luôn biết làm vui lòng cha mẹ. Người cài bông hồng đỏ là những người may mắn hẳn sẽ rất tự hào vì trên đời này họ còn cha mẹ.
Những đứa con mất cha hoặc mất mẹ sẽ cài lên ngực áo một bông hồng màu hồng nhạt, ai mất cả cha và mẹ thì sẽ cài lên bông hồng trắng. Hoa hồng trắng mang màu tinh khiết ý nghĩa buồn thương, đồng thời nhắc nhở con người hãy sống thật tốt, thật ý nghĩa để những người ra đi cảm thấy tâm hồn được an nhiên, thanh thản và không còn vướng bận nơi trần thế.
Cuối cùng, Hoa hồng vàng đại diện cho sự phổ độ chúng sinh, mượn thân tứ đại do cha mẹ sinh ra để giải thoát (theo nghĩa nhà Phật). Sự cứu độ chúng sinh đạt tới sự giác ngộ là cách để báo đáp ân tình, báo hiếu cha mẹ ở hiện tại và các đời khác. Những tu sĩ còn có cha mẹ rộng hơn tất cả chúng sinh, việc cài hoa hồng vàng thể hiện tấm lòng cao quý, tâm hồn cao cả. Màu vàng là màu của Đạo Phật - thể hiện sự giải thoát, cưu mang, tuệ giác.
Mỗi màu hoa mang một ý nghĩa riêng, nhưng đều là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và tấm lòng hiếu thảo. Việc nhớ về cha mẹ và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành.