16/04/2025
GẶP SỰ CỐ, HÀNG LOẠT THƯƠNG HIỆU THẾ GIỚI RỜI VIỆT NAM, XẢ KHO GIẢM GIÁ BÁN BÙ LỖ?
Gần đây, mạng xã hội lan truyền tin hàng loạt thương hiệu như Chanel, Delina, Tasaki, nước hoa Le labo... phá sản và rút khỏi thị trường Việt Nam, kèm theo đó là đợt xả hàng “cực sốc” giảm giá mạnh để bù lỗ. Factcheck Lab xác định đây là tin sai - FALSE.
Cháy kho, biến động kinh tế khiến Chanel rời Việt Nam?
Trên mạng xã hội Facebook, tài khoản có tên 'Tin tức 24H' bắt đầu đăng tải thông tin Chanel phá sản từ tháng 12/2024. Đây cũng là thời điểm sớm nhất tài khoản này hoạt động. Các bài đăng trên trang thưa thớt, mang tính giật tít rõ rệt, nhằm mục đích thu hút tương tác.
Cụ thể, vào tháng 1/2025 tài khoản trên đăng tải nội dung kèm video như sau: “Thông báo: Chanel chính thức rút khỏi Việt Nam vào cuối năm 2024 - khép lại hành trình sau gần 10 năm”. Trong đó thông tin rằng Channel đang gặp thua lỗ tại thị trường Việt Nam. “Chúng tôi rất tiếc phải đưa ra quyết định này, nhưng đây là bước đi cần thiết trong chiến lược tái cơ cấu toàn cầu của Chanel”, bài đăng dẫn lời từ một quản lý cấp cao. Trong đoạn video, việc thông báo dừng hoạt động của Chanel tại Việt Nam là do các nguyên nhân liên quan tới thuế xuất nhập khẩu, biến động kinh tế, và đặc biệt hơn là vấn đề cháy kho vào cuối năm.
Chiêu trò lừa đảo tinh vi
Tuy nhiên, khi Factcheck Lab kiểm chứng các thông tin này trên các nguồn báo chính thống trong nước và trên thế giới thì không hề có thông tin nào. Chanel cũng không có thông báo chính thức nào về việc này. Kèm theo đó, các hình ảnh được đưa ra trong video là sự cắt ghép từ nhiều hình ảnh khác nhau trên internet.
Các bình luận trên bài đăng hầu hết là các bình luận mua hàng, “Ib mình” và đánh giá chất lượng sản phẩm tốt. Ban đầu, các bình luận này đều trông rất thật, tuy nhiên khi kiểm tra kỹ thông tin cá nhân của các tài khoản comment, trang cá nhân của họ hoàn toàn trống, thứ xuất hiện duy nhất là việc thay đổi hình nền, không có thông tin rõ ràng. Phần lớn comment đều đến từ các tài khoản cá nhân như vậy, số còn lại đến từ các tài khoản quảng cáo. Factcheck kiểm chứng cho thấy đây là các tài khoản ảo để lôi kéo dư luận, gây tò mò và phần nhỏ thuyết phục được những người dùng cả tin.
Đi theo đường dẫn mà bài đăng cung cấp dẫn Factcheck Lab tới 1 trang bán hàng (landing page) có hình ảnh Chanel.
Thoạt nhìn trang landing page được thiết kế rất thuyết phục, tuy nhiên Factcheck Lab kiểm chứng và xác định trang giả mạo thương hiệu Chanel. Ngoài việc liên tục xuất hiện các hình ảnh giảm giá sốc, các thông tin mà trang landing page này cung cấp không đáng tin cậy. Trước hết, 2 số điện thoại được cung cấp cho 2 khu vực miền Nam và miền Bắc, (0819867310) và (0785175461), không có phản hồi khi được gọi tới. Thêm nữa chính là địa chỉ của các chi nhánh được liệt kê đưa chúng tôi tới địa chỉ của Vincom Center Đà Nẵng (910A Ngô Quyền, Sơn Trà, Tp. Đà Nẵng), Imperial Nha Trang Hotel (20 Trần Phú, Vĩnh Nguyên, Tp. Nha Trang) và Eco Green City hà Nội (Số 286 Nguyễn Xiển, Thanh Trì, HN). Các đường dẫn về chính sách và điều khoản, liên hệ,... không hoạt động, kiểm tra mã nguồn trang web không hề có đường link nào được liên kết. Factcheck Lab kết luận, toàn bộ trang landing page là giả mạo.
Kịch bản lừa đảo lặp lại với nhiều thương hiệu
Theo nhận định của Factcheck Lab, hình thức lừa đảo này sử dụng mô-típ: loan tin thương hiệu phá sản, đưa lý do cháy kho, giảm giá sốc “hồi vốn”, dẫn link giả mạo và dùng bình luận ảo để tạo lòng tin.
Trước đó, kịch bản tương tự từng được sử dụng với nước hoa Delina vào năm 2024, cũng với lý do cháy kho và “xả hàng”. Gần đây, nhiều thương hiệu như nước hoa Le Labo (Mỹ), trang sức Tasaki (Nhật Bản) cũng bị giả mạo tên tuổi theo cách tương tự. Tất cả những thông tin này đều được xác minh là tin giả nhằm dẫn dụ người đọc mua hàng với giá rẻ từ các trang giả mạo.
Tài khoản “Tin tức 24h” cũng đăng tải nhiều thông tin sai lệch với nội dung tương tự. Như “Tờ Billboard xin lỗi Taylor Swift vì dùng ảnh tượng sáp khỏa thân mô phỏng cô trong MV "Famous" của Kanye West tại buổi vinh danh” hay “Tổng công ty flycam F14 hoàn tất thủ tục phá sản, chính thức đóng cửa và rút khỏi thị trường VN”. Factcheck Lab xác thực tất cả đều là tin giả với tính chất giật tít rồi sau đó đăng bán sản phẩm với giá rất rẻ.
Đây không phải là hình thức lừa đảo hiếm gặp trên mạng xã hội. Người tiêu dùng tin tức cần tỉnh táo trước các bài viết giật tít, thiếu nguồn gốc rõ ràng. Việc kiểm chứng qua báo chí chính thống và các kênh chính thức là cần thiết để tránh rơi vào bẫy lừa đảo.
—-------------
Nguồn:
[1] https://www.facebook.com/61570156914821/videos/590570187008110
[2] https://www.facebook.com/61570156914821/videos/1151966809580568/
[3] https://www.facebook.com/watch/61573755524781/
---------------
FactCheck Lab là Dự án Phòng kiểm chứng thông tin - tin tức do Khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông, Trường Đại học Văn Lang quản lý và phát triển. Đây là Dự án hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Tổ chức ANNIE (Mạng lưới các nhà giáo dục về tin tức và thông tin Châu Á).
Email: [email protected]
Hotline: 028 71099250
Website: factchecklab.edu.vn
Fanpage: fb.com/FactCheckLab.Official