02/07/2025
Cách kiểm soát điện thoại của con
Chắc nhiều cha mẹ cũng biết và xem bộ phim mới gây sốt toàn cầu – Adolescence (Biến cố tuổi thành niên). Mà nếu không biết đến phim ấy thì chắc cũng không ai xa lạ gì với những ảnh hưởng tiêu cực mà điện thoại thông minh đang gây ra cho trẻ.
Trong Adolescence, Jamie, một câụ bé thông minh, dù được nuôi dạy trong một gia đình yêu thương, có điều kiện học tập tốt, nhưng ở tuổi 13 bỗng trở thành tội phạm giết người. Nguyên nhân trực tiếp là mạng xã hội. Con cái chúng ta có thể cũng đang gặp vô vàn rắc rối mà ta không hề hay biết. Vì thế, việc kiểm soát điện thoại (máy tính, Ipad…) là điều cần thiết, nhất là khi mà những thiết bị này đã trở thành một loại phương tiện thiết yếu trong đời sống hiện đại.
Lúc trước tôi quy định thời gian sử dụng điện thoại của con, ví dụ mỗi ngày 30p – 1 tiếng, nếu vi phạm sẽ giảm xuống, nhưng vẫn không ổn. Rồi phạt bằng cách cấm sử dụng điện thoại trong 1 ngày, 2 ngày, 3 ngày…. Vấn đề phát sinh là nếu con có việc ra ngoài thì mình không liên lạc được, và những phát sinh khác nữa. Cấm tiệt hay kiểm soát một cách cơ học đều không ổn, vì hiện nay cuộc sống và việc học đều gắn với internet rất nhiều.
Tìm hiểu, tôi thấy có những ứng dụng quản lý việc sử dụng điện thoại của trẻ em rất hay. Cài đặt chúng trên điện thoại của ba mẹ, thiết lập các chế độ mà mình mong muốn đối với điện thoại của con, như: thời lượng và khung giờ sử dụng, app nào được phép dùng, những trang không được truy cập, những gì không được tải về… Ứng dụng này còn giúp theo dõi vị trí để biết con đang ở đâu, đánh thức con dậy đi học, tìm điện thoại khi bị thất lạc… Nói chung là nhiều thứ hữu ích.
Tôi nghĩ, trước khi cài ứng dụng quản lý điện thoại, cha mẹ cần nói chuyện với con, để hiểu nhau và thống nhất, thể hiện sự tôn trọng, đồng thời giúp con hình thành ý thức trách nhiệm.
Con cái chúng ta có thể khó chịu vài ngày đầu khi đã sử dụng điện thoại quá nhiều và bị phụ thuộc, nhưng sau đó thì các cháu sẽ quen dần với việc không cầm điện thoại trên tay nữa. Các con sẽ “cài đặt mặc định” về việc không thể đòi hỏi hay sử dụng “mưu mô” để xài lén. Rồi chúng sẽ quay dần ra ngoài, quan sát thiên nhiên, tìm niềm vui trong thế giới xung quanh, kết nối với mọi người. Chúng phải tìm trò chơi khác, như thể thao, bơi lội, đi chơi với bạn bè hay đọc sách, viết lách những gì chúng thích…
Tôi quan sát thấy, ngày nay không chỉ trẻ em thành phố mà cả nông thôn cũng thế, vì phụ thuộc internet quá nặng, suốt ngày đóng cửa trong phòng, vùi đầu vào mạng, nên các em mất hết sinh khí, người đờ đẫn, sức lực yếu ớt, tinh thần bệ rạc… Nói chung là không ổn, rất không ổn. Vì thế, cần kiểm soát điện thoại và internet của con một cách hiệu quả, song song với việc tìm và tạo ra cho chúng một môi trường lành mạnh để thay thế, nếu không chúng ta sẽ có những lớp trẻ yếu đuối cả về thể chất lẫn tinh thần, sống một cách lệch lạc và bất ổn.
Tôi nghĩ, việc nhà là một lựa chọn ưu tiên, bên cạnh nhiều điều tốt lành khác. Các em phải làm và phải được làm việc nhà như một nhiệm vụ: lau dọn nhà cửa, nấu cơm, rửa chén, phơi quần áo… Cần giao việc và gắn với trách nhiệm hoàn thành để các cháu biết làm việc, biết yêu lao động và phát triển một cách cân đối, hài hòa. Thằng bé nhà tôi (13 tuổi) tuy nhác học nhưng được cái ham chơi (!), sốt ngày hoạt động với các trò bơi lội, nấu nướng, chế tạo đồ dùng… Hắn còn biết nấu cơm, từ vài năm trước đã tự mình nấu được một bữa cơm cho cả gia đình. Tuy chưa được ngon lắm, nhưng cũng ăn được.
Tôi nghĩ, chúng ta không thể để con cái mình thành những con gà công nghiệp trầm cảm trên chiếc màn hình điện thoại… Đây chỉ là một chút chia sẻ của một người cũng đang vật lộn trong việc nuôi dạy con ở tuổi dậy thì của chúng, chứ không phải là người có quyền dạy bảo hay phê phán ai, xin gửi tới các bạn đang làm cha mẹ như chúng tôi, để các bạn tham khảo xem có áp dụng được gì không.
Thái Hạo