
09/02/2022
ĐỘC ĐÁO CÓ MỘT KHÔNG HAI - NGHI LỄ RƯỚC CÂY DÂNG THÁNH ĐẦU NĂM TẠI LỄ HỘI CÂY CẢNH TẠI LÀNG NGHỀ CÂY CẢNH
Đầu xuân năm mới, người dân thường có nhu cầu đi lễ chùa cầu may mắn cầu sức khỏe cho gia đình và người thân, có dịp về Nam Trực bạn hãy ghé thăm và trải nghiệm lễ hội độc đáo Lễ hội hoa – cây cảnh tại làng nghề Vị Khê từ ngày 12 đến 16 tháng Giêng hằng năm, tại ngôi đình thờ thành hoàng và ông tổ làng nghề Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực)
Làng Vị Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực nằm ven đê sông Hồng, cách thành phố Nam Định 5 km, được coi là vùng đất tổ của nghề trồng hoa cây cảnh. Theo ngọc phả đình Vị Khê, nghề trồng hoa cây cảnh làng Vị Khê có từ thế kỷ XIII (1211) do Thái uý Tô Trung Tự truyền dạy. Gần 800 năm trôi qua với biết bao biến cố nhưng làng hoa cây cảnh Vị Khê vẫn tồn tại và phát triển. Hàng năm làng tổ chức Lễ hội truyền thống hoa - cây cảnh, để tưởng nhớ, tôn vinh công lao của ông tổ nghề Tô Trung Tự - người đã truyền dạy nghề trồng hoa cây cảnh cho dân địa phương làm kế sinh nghiệp lâu dài.
Lễ hội gồm hai phần: Phần lễ gồm các nghi lễ: tế nam quan, tế nữ quan, rước hoa – cây cảnh tiêu biểu về đình làng, dâng hương ông tổ làng nghề.
Ngay từ sáng sớm ngày 12 tháng Giêng, người dân địa phương và du khách thập phương đã về tề tựu đông đủ tại Chùa Vị Khê để chuẩn bị tham dự nghi lễ rước cây cảnh dâng Thánh. Đoàn rước xuất phát từ Chùa Vị Khê đi dọc theo triền đê sông Hồng xuôi về phía hạ lưu. Đi đầu đoàn rước là các đội múa lân - sư - rồng. Tiếp đến là đội cờ thần, đội chấp kích, phường bát âm… Theo sau là 5 lễ vật (cây cảnh) đại diện cho 5 xóm trong xã theo thứ tự: Minh Khai, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Lê Thăng, Hoàng Ngân. Theo các cụ cao niên làng Vị Khê, ngày trước, cây được chọn dâng Thánh là các loại hoa tao nhã, mang ý nghĩa nhân sinh quan sâu sắc như: trà my, hải đường, mộc hương, đỗ quyên, địa lan…
Đối với các sản phẩm cây thế, cây cảnh do người dân trong làng trồng không phải để bán. Trong ngày hội làng, nhiều nhà thường chọn những cây cảnh được trồng lâu năm để kính dâng lên Thành hoàng làng và ông tổ nghề. Ngày nay, cây cảnh được chọn rước dâng Thánh mỗi năm một khác nhưng vẫn đảm bảo được yếu tố “cổ - kỳ - mỹ” theo các xu hướng: hoài cổ, tự nhiên, ngẫu hứng; đa dạng về chủng loại, từ sanh, si, tùng la hán, tùng kim đến lộc vừng, đa, vọng cách, cau vua, sung, vạn tuế… Các cây cảnh được các nghệ nhân uốn, tỉa công phu với nhiều thế: hạc lập, mẫu tử, quần thụ tam sơn, long thăng, long giáng, phượng vũ, trực quân tử, trực liên chi, bạt phong hồi đầu… thể hiện khát vọng vươn tới cuộc sống bình an, sung túc, thịnh vượng, sự đề huề sum vầy. Xe chở cây cũng giống như kiệu rước ngày trước, được trang trí cờ Tổ quốc, cờ ngũ sắc, băng rôn lộng lẫy. Chứng kiến đoàn rước trải dài, ai cũng cảm thấy sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, giữa thiên nhiên và nghệ thuật. Không gian làng quê Vị Khê những ngày đầu xuân mới náo nhiệt, tưng bừng với hình ảnh hàng nghìn người tham gia đoàn rước cùng kiệu rước, cờ xí, ô lọng tạo nên một bức tranh đa sắc màu vô cùng sinh động, đầy sức sống. Sau khi đoàn rước yên vị tại Đình Vị Khê, các lễ vật được đưa vào trong đình để dâng lên Đức Thành hoàng làng Nguyễn Công Thành và ông tổ làng nghề Tô Trung Tự. Sau đó, người dân địa phương cùng khách thập phương lễ Thánh, dâng hương, hoa, lễ vật.
Xen kẽ các hoạt động văn hóa tâm linh trong lễ hội còn có những tiết mục biểu diễn văn hóa, văn nghệ đặc sắc như: hát chèo, hát văn và các trò chơi dân gian: cờ tướng, cờ người, tổ tôm điếm, đánh đu, c còn được “mục sở thị” các nghệ nhân làng nghề trình diễn nghệ thuật tạo dáng cây cảnh; chiêm ngưỡng hàng trăm cây cảnh có giá trị kinh tế cao được các nhà vườn ở nhiều tỉnh, thành khu vực phía Bắc đem đến trưng bày.
Nghi lễ rước cây cảnh dâng Thánh trong lễ hội làng Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) không chỉ có ý nghĩa tôn vinh sản phẩm làng nghề mà còn thể hiện sự tri ân công đức của người dân địa phương đối với các bậc tiền nhân. Du xuân, chơi xuân không thể bỏ qua một địa chỉ hội tụ đầy đủ các giá trị văn hóa, thỏa mãn các giác quan nhìn, nghe, cảm nhận hương sắc mùa xuân ấy trước khi trở về bắt tay vào một năm mới bộn bề công việc, mục tiêu phấn đấu mới.