
06/12/2023
CẢM XÚC KHÓ CHỊU CÓ XẤU - CÁCH BA MẸ ĐỒNG HÀNH VỚI CẢM XÚC KHÓ CHỊU CỦA TRẺ.
Mấy hôm nay mình liên tục gặp câu hỏi dạng như: “Chị nghĩ là không nên có cảm xúc tiêu cực, nhưng dù chị có cố suy nghĩ như vậy nhưng chị không thể ngăn nó tới, chị cảm thấy rất tệ.”
Ba mẹ có từng có suy nghĩ như vậy không?
Nếu chúng ta nghĩ rằng cảm xúc khó chịu là xấu thì ta sẽ phản ứng như thế nào khi con trẻ có cảm xúc, hành vi khó chịu?
Thưc tế ba mẹ có thể quyết định được 100% việc hôm nay sếp mình có cảm xúc gì? Trời mưa hay nắng? Mọi sự việc trong cuộc sống diễn ra theo những quy luật tự nhiên và ta không thể kiểm soát được. Trong những sự việc đó sẽ có sự việc như ý và những sự việc chưa như ý. Gây nên cảm xúc dễ chịu và cảm xúc khó chịu.Ta không thể kiểm soát bằng suy nghĩ để quyết định cảm xúc nào nên hay không nên xảy đến với mình. Không có cảm xúc nên có và cảm xúc không nên có. Cảm xúc khó chịu không có xấu, cảm xúc dễ chịu không có tốt.
Mỗi cảm xúc đều có ý nghĩa đang gửi tới chúng ta một thông điệp nào đó và đều cần được coi trọng. Sự lo lắng bất an có thể là dấu hiệu báo cho ta biết có điều gì đó không ổn và ta cần quan sát để nhận ra những mối nguy hiểm. Cảm xúc tức giận cũng có thể đang báo hiệu cho ta mình đang trong trạng thái căng thẳng. Quan trọng là cách ta và trẻ ứng xử với cảm xúc đó như thế nào.
5 gợi ý giúp ba mẹ đồng hành với cảm xúc khó chịu của trẻ.
1. **Không nên coi nhẹ chê bai, chối bỏ, trêu đùa cảm xúc của trẻ.**
“Có mỗi thế mà con cũng phải buồn à”
“Chuyện đó có gì quan trọng đâu”
“Ôi cô bé giận hờn đáng yêu thế nhỉ”…
2. **Không nên phản đối cảm xúc của trẻ**
“Đừng khóc nữa”.
“Ồn ào quá đi, có thế mà cũng làm loạn lên ”
3. **Không nên để trẻ quá tự do với cảm xúc của mình**
Con tức giận nên đạp phá đồ đạc cũng không sao.
Con tức giận nên con hét ầm lên với ba mẹ cũng được
4. **Khi trẻ có cảm xúc khó chịu, ba mẹ thực hành lắng nghe, ghi nhận, đón nhận cảm xúc của con.Trò chuyện, dùng các câu hỏi gợi mở để trẻ chia sẻ**
“Con có vẻ đang buồn”
“Nếu là mẹ chắc mẹ cũng cảm thấy tức giận như con”
“Con có thể nói cho ba me nghe về cơn giận của con được không”
….
5. **Dạy trẻ cảm xúc không có tốt xấu, chính phản ứng hoặc hành vi xuất phát từ những cảm xúc đó mới có thể được coi là “tốt” hay “xấu”, “lành mạnh” hay “không lành mạnh”.**
“Con có cảm xúc tức giận là bình thường, nhưng hành động bạo lực vì tức giận là không tốt”.
“ Con vui vì đạt được thành tích như mong đợi là điều tốt nhưng vì như vậy mà trở nên coi thường người khác là không tốt”
“Con cảm thấy bực tức vì ai đó làm hỏng đồ của con, con lại biết điều chỉnh cảm xúc để không nói lời tổn thương ai đó thì quá tuyệt vời”.
Được ba mẹ đồng hành cảm xúc trẻ dẫn sẽ trở nên tự tin hơn. Biết cách cư xử phù hợp.